Bàn về tính lý luận trong các bài giảng của thầy và bài viết của trò hiện nay

61

(Vanchuongphuongnam.vn) – Lý luận văn học Lý luận văn học (LLVH) là bộ môn nghiên cứu văn học ở bình diện lý thuyết khái quát nhằm tìm ra những quy luật chung nhất về văn học. Trong đó bao gồm sự nghiên cứu bản chất của sáng tác văn học, chức năng xã hội-thẩm mỹ của văn học, đồng thời xác định phương pháp lý luận và phân tích văn học. Lý luận văn học tồn tại như một môn học độc lập ở một số trường đại học; nó cũng là một phân môn cho sinh viên và học sinh THPT thế hệ trước. Cho dù độc lập hay là phân môn của môn Ngữ văn thì vai trò của LLVH là vô cùng lớn.

Ảnh minh họa

Không phải ngẫu nhiên có Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương và các chi hội tại các Hội VHNT địa phương (cấp tỉnh). Không phải ngẫu nhiên có các báo, tạp chí chuyên ngành về lý luận phê bình văn học, nghệ thuật.

Và, một bài giảng chất lượng, nhất là bộ môn ngữ văn phải có tính lý luận.

Thế nào là một bài giảng về tác phẩm văn học có tính lý luận?

Tác phẩm văn học là một công trình nghệ thuật ngôn từ do một cá nhân hay một tập thể  sáng tạo nên nhằm thể hiện những khái quát về cuộc sống, con người và biểu hiện tâm tư, tình cảm, thái độ của chủ thể trước thực tại bằng hình tượng nghệ thuật. Tác phẩm văn học bao giờ cũng là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan.

Tác phẩm văn học không phải là một sản phẩm cố định. Nó mang tính lịch sử, đa nghĩa, nó có sự biến đổi về văn bản và có sự khác nhau trong cảm thụ của người đọc ở từng giai đoạn lịch sử khác nhau.

Tác phẩm văn học còn là một hệ thống chỉnh thể. Tính chỉnh thể đó được xem xét chủ yếu trong mối quan hệ giữa nội dung và hình thức của một tác phẩm. Bên cạnh đó, các chức năng của văn học như chức năng nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ… cũng thuộc phạm trù lý luận văn học.

Một bài giảng có tính lý luận là bài giảng vận dụng sáng tạo, không khuôn mẫu, không khiên cưỡng, gò ép, không sơ cứng các kiến thức LLVH vào bài giảng của mình, giúp học sinh hiểu sâu kiến thức trong tính chỉnh thể, có chiều sâu. Đó là các bài giảng mà giáo viên hướng dẫn học sinh sao cho học sinh chủ động tiếp cận kiến thức và chủ động thể hiện năng lực, phẩm chất vốn có cũng như phẩm chất cần hướng tới. Tại bài giảng đó, giáo viên có cách hướng dẫn các em đặt bài học trong tính chỉnh thể của hệ thống, ví dụ học Truyện ngắn “Dưới bóng hoàng lan” thì cần đặt trong hệ thống các tác phẩm của Thạch Lam, làm rõ phong cách Thạch Lam: Truyện không có cốt truyện, truyện mang tính trữ tình, truyện không lấy ngôn ngữ, hình ảnh bên ngoài làm chính mà thường khơi gợi suy nghĩ, đi vào thế giới chiều sâu bên trong của con người một cách nhẹ nhàng và tinh tế. Học thơ tình Xuân Diệu phải hiểu Xuân Diệu là “ông hoàng của thơ tình yêu”, là người luôn “khát khao giao cảm với đời” theo cách riêng: vồ vập, đắm say và trân trọng, níu giữ từng khoảnh khắc hiện diện trên cõi đời này. Khai thác ngôn từ trong thơ Xuân Diệu phải là những động từ, tính từ bộc lộ cảm xúc và hành động mạnh mẽ…

Bên cạnh việc đặt tác phẩm trong hệ thống, trong mối quan hệ với chỉnh thể, trong việc làm nổi bật phong cách tác giả vì tác phẩm luôn là hình ảnh chủ quan về thế giới khách quan mà tác giả miêu tả thì còn cần khai thác các chức năng vốn có của văn học, tiêu biểu như nhận thức, giáo dục và thẩm mỹ. Ví như học truyện Thạch Lam sẽ yêu làng quê bình dị mà đằm sâu tình cảm (tình bà cháu, tình bạn ở ngưỡng cửa tình yêu… trong truyện ngắn Dưới bóng hoàng lan) hay học thơ tình Xuân Diệu thì phải thấy được việc trân trọng từng phút giây của cuộc sống, yêu con người, yêu thiên nhiên với tình yêu ở độ đắm say, mãnh liệt (qua bài thơ Vội vàng…). Điều đó nhân lên năng lượng sống cho con người có thái độ và trách nhiệm sống tích cực hơn. Khi nói về tính đa nghĩa của ngôn từ trong tác phẩm, hay tính lịch sử của tác phẩm cũng chính là bàn đến tính lý luận trong tác phẩm văn học. Tính đa nghĩa cho ta nhìn nhận đa chiều để hiểu sâu điều tác giả gửi gắm qua ngôn từ. Tính lịch sử cho thấy đặt tác phẩm đúng thời kỳ, đúng giai đoạn lịch sử thì tác phẩm phát huy tối đa giá trị cần có. Ví như tác phẩm “Từ ấy” của Tố Hữu, giúp học sinh hiểu bài thơ thì ngoài việc hiểu phong cách thơ Tố Hữu, ngoài việc khai thác các yếu tố nghệ thuật như ngôn ngữ, hình ảnh, âm thanh, nhịp điệu… nhằm biểu đạt hạnh phúc của chủ thể- của người chiến sỹ cộng sản khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng, còn cần phải cung cấp cho các em kiến thức lịch sử, bối cảnh ra đời tác phẩm vì thế hệ học sinh bây giờ khác xa những năm đầu của thế kỷ XX.

Như vậy, nếu chỉ hướng học sinh khai thác ngôn từ hiện diện và gói gọn trong tác phẩm thì không thể giúp học sinh hiểu sâu thông điệp được chuyển tải qua ngôn từ của tác giả. Đồng nghĩa với việc bài giảng đó kém tính lý luận.

Về phía học sinh, khi học trung học cơ sở (THCS), và khi mới bước vào đầu cấp trung học phôt thông (THPT) thường các em chưa viết được bài văn mang tính lý luận. Vậy, thế nào là một bài viết của học sinh mang tính lý luận?

Bài viết văn của học sinh có giá trị không đơn giản chỉ là bố cục rõ ràng, diễn đạt lưu loát, đủ ý chính mà còn phải biết liên hệ với các tác phẩm khác cùng chủ đề; đặc biệt, còn cần có tính lý luận, đó là phân tích nhân vật thì cần hiểu và làm nổi bật được nhân vật điển hình, phải hiểu nguyên mẫu và tính đại diện của nhân vật điển hình. Ví như học về nhân vật Chí Phèo nếu chỉ thấy nhân vật lập dị, nhân vật có hành động như kẻ say, kẻ điên thì chưa khai thác được giá trị vốn có của tác phẩm. Chí Phèo có nguyên mẫu ngoài đời, Chí Phèo hành động như kẻ điên nhưng ẩn sâu trong hình hài ấy là một tâm trạng phẫn uất đến cùng cực. Chí Phèo là nhân vật điển hình cho một bộ phận nông dân thời đó. Nhà phê bình văn học Nga Bê-ê-lin-xki viết: “Tính điển hình là một trong những dấu hiệu nổi bật của tính mới mẻ trong sáng tạo. Nếu có thể thì cũng nói được rằng: Tính điển hình là huy chương của nhà văn. Điển hình là người lạ đã quen biết”. Vâng “Người lạ đã quen biết”, Chí Phèo là một điển hình, tính cách nhân vật này là tổng hợp nhiều nét tính cách của các nhân vật bị bần cùng hóa, bị tha hóa trong xã hội. Nói cách khác, nhà văn đã lựa chọn những nét tiêu biểu của một số nguyên mẫu ngoài đời để tổng hợp nên một nhân vật điển hình. Xã hội thời Chí Phèo sống có thể không có một nhân vật y hệt Chí Phèo, nhưng có nhiều người bất mãn mà say, có người vì say và bị cộng đồng xa lánh mà lấy rượu và tiếng chửi làm bạn đồng hành, có người sinh ra bị bỏ rơi đâu đó tựa cái lò gạch bỏ hoang.v.v…

Hoặc phân tích, bình giảng câu thơ, bài thơ phải chú ý trước hết là câu thơ, bài thơ đó, đồng thời cần phải biết rõ các đặc điểm mang tính lý luận như bố cục, nội dung, hình thức, đặt trong mối quan hệ không thể tách rời giữa các yếu tố nội dung, hình thức. Khái quát về giá trị tác phẩm cần đánh giá cả hai mặt hình thức và nội dung; tác phẩm đạt được các giá trị khi hướng tới chức năng nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ như thế nào…. Khi nói về từng yếu tố, lối diễn đạt phải tự nhiên, không gò câu ép chữ, không khiên cưỡng. Muốn hiểu rõ câu thơ “Đưa người ta không đưa qua sông/ Sao có tiếng sóng ở trong lòng” nhất định phải đặt câu thơ trong bài thơ Tràng giang của Huy Cận, đặt trong bối cảnh sáng tác, hoàn cảnh lịch sử chi phối thế giới quan, nhân sinh quan của nhà thơ trong phong trào thơ mới. Hoặc câu thơ “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần” chỉ có thể được hiểu sâu sắc khi đặt nó trong cả bài thơ “Vội vàng” và trên cơ sở nắm bắt được phong cách thơ Xuân Diệu.v.v…

Thực tế hiện nay, học sinh THCS và học sinh khi mới vào lớp 10 tại các trường THPT thường làm văn rất thiếu hoặc không có tính lý luận. Bài biết của các em chủ yếu bám vào câu, chữ trong tác phẩm văn học cụ thể, trong đề bài cụ thể; chưa biết đặt tác phẩm hoặc câu, đoạn trong chỉnh thể, chưa gắn được với lý luận văn học. Thậm chí còn một bộ phận không nhỏ học sinh học thuộc bài giảng của thầy cô hoặc bài tham khảo sao chép trên mạng Interet. Nhiều em do nguyên nhân không thích học văn; không phải môn thi đại học… và nhiều em là do hổng kiến thức hoặc chưa biết phương pháp học tập môn Ngữ văn sao cho đạt hiệu quả.

Tôi luôn có niềm tin rằng nếu giáo viên dạy Ngữ văn làm cho học sinh yêu thích bộ môn của mình thì khó mấy học sinh cũng làm được. Để có được bài văn mang tính lý luận cho học sinh thì giáo viên cần ý thức sâu sắc về điều đó để rèn cho các em khi viết bài. Các trường đại học cũng dạy dỗ bộ môn này kỹ lưỡng hơn và căn dặn sinh viên về vai trò của các em trong sứ mệnh “trồng người”. Bộ môn Ngữ văn sẽ trở nên giá trị hơn rất nhiều khi mỗi bài giảng của thầy cô và mỗi bài viết văn của học trò đều có tính lý luận,

                                                 Việt Trì 22/7/2 023

                                        Đỗ Nguyên Thương