(Vanchuongphuongnam.vn) – Nơi cái xóm lao động nghèo Vú Sữa nội ô Tây thành, nói đến thầy giáo Văn Chương, ai cũng biết rõ chàng như rành nghe vua vọng cổ Út Trà Ôn mùi mẫn ca sáu câu vọng cổ “Tình anh bán chiếu”. Sớm mồ côi vợ làm thân gà trống nuôi con từ lúc chưa đến tuổi băm, Văn Chương sống lủi thủi một mình trong căn nhà gỗ ọp ẹp bốn mùa phủ kín trước ngõ nhà một giàn hoa ti-gôn hình tim vỡ hoen sắc máu hồng trông rất lãng mạn.
Văn Chương thuộc mẫu người có tâm hồn nghệ sĩ, sống nghiêng về nội tâm, không thích chỗ ồn ào đông người đàn đúm nên chàng có ít bạn bè. Ngày ngày quanh năm suốt tháng, ngoài những buổi chàng đứng lớp trước học trò ở nhà trường, bà con trong xóm chỉ thấy Văn Chương ngồi nhà một mình trước bàn phím chiếc máy tính nghĩa địa hoặc lọ mọ tới lui lủi thủi một mình tay cầm cọ ngồi hí hoáy bên chiếc giá vẽ cũ. Chủ nhật, ngày lễ, Văn Chương như đã có sẵn chương trình. Ngoài những buổi ngồi quán cà phê cùng bạn bè nghệ sĩ thân quen đồng điệu, chàng một mình ở nhà ngồi viết lách tại phòng văn. Ngày nắng ráo, Văn Chương thích cùng các bạn họa sĩ và nhóm sinh viên mỹ thuật của chàng đi vẽ ngoài trời. Những hôm ấy, thầy trò hồ hởi cùng thức dậy từ buổi tin sương, gặp nhau tại trường để cùng kéo qua Xóm Chài bên kia sông Cần Thơ, lên Bình Thủy hoặc vô Chợ nổi Cái Răng, Phong Điền để tìm phong cảnh đẹp làm đề tài anh sáng tác hoặc cho sinh viên thực tập.
Kỷ niệm ngày thống nhất đất nước năm nay được nghỉ bốn ngày, không khí dịch bệnh vừa dứt trong thời tiết giao mùa mưa nắng bất thường, Văn Chương họp mặt cùng bạn bè tại quán cà phê nghệ sĩ Hồng Phượng tại khu La Tin của thành phố chợ nổi Cầm Thi.
Mang tiếng là quán nghệ sĩ, Cà phê Hồng Phượng đáng tự hào với danh xưng mang ý nghĩa sắc phượng hồng của nó. Hồng Phượng tượng trưng cho tuổi học trò ngây thơ hồn nhiên của một thời áo trắng hoa bướm mộng mơ. Quán nước nghiêm trang tọa lạc đường hoàng nơi một ngã tư giao thoa giữa hai con đường chỉ phong trào cách mạng và người nữ anh hùng trẻ tuổi đất Đất đỏ miền Đông. Ngày đêm, quán cà phê tấp nập những khách lạ tìm đến theo lời giới thiệu và những khách quen sành điệu thèm chỗ ngồi. Phòng rộng nóc cao thoáng mát, khách ngồi bên ngoài lề đường lẫn bên trong phòng cảm thấy dễ chịu trong một không gian thanh thản tĩnh lặng, ai ngồi từ bên trong nhìn thấy được cảnh quan bốn bề. Phía trước là trường Trung học Châu Văn Liêm cổ kính mà tiền thân là ngôi trường mang tên nhà thơ. Tiến sĩ đầu tiên của đất Nam bộ – Lương Khê Phan Thanh Giản. Cũng như hoạn lộ cuộc đời cay đắng của người nó mang tên, ngôi trường lịch sử trải qua lắm thăng trầm thay đổi sở hữu chủ nhưng còn mang dấu ấn kiểu kiến trúc xưa theo phong cách phương Tây. Ba dãy trường một lầu không cao với mái ngói đỏ au và tường vôi vàng bệch, ngôi trường vốn đã nổi tiếng từ thời thực dân Pháp cho đến sau ngày thống nhất ba miền đất nước. Phía sau quán cà phê Hồng Phượng là trường mang tên nữ thi sĩ Đoàn Thị Điểm, dịch giả tác phẩm Chinh phụ ngâm khúc, cũng cùng chung một số phận truân chuyên trong hai thời kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Cách cà phê vài trăm mét trong phạm vi chưa đầy một cây số vuông là các trường phổ thông cơ sở Ngô Quyền, Chu Văn An và trường phổ thông trung học mang tên nhà giáo yêu nước Phan Ngọc Hiển, quê hương ở phường Thới Bình Cần Thơ, người anh hùng kháng Pháp thời Nam Kỳ khởi nghĩa tại vùng đất Mũi.
***
Ngày lễ Quốc tế Lao động 1 tháng 5 năm nay rơi vào chủ nhật còn âm vang rộn ràng dư thanh không khí Kỷ niệm lần thư 47 ngày thống nhất non sông 30 tháng Tư liền kề trước đó. Chưa đến 8 giờ sáng, cà phê Hồng Phượng đã sớm đông khách. Đúng thời điểm hẹn gặp, Văn Chương một mình đi lững thững vào quán. Chàng len vào giữa không gian tấp nập khách ra vào, tìm một bàn ở góc khuất cuối phòng nơi có các bạn đang chờ.
– Thầy giáo Chương ở trường Khôi Nguyên, nhà thơ.
– Cha mắc dịch… già rồi mà chỉ thấy đi với người trẻ và những cô gái chân dài! Tiếng thì thầm vô tư của vài khách quen ngồi ở bàn xa khi vừa chợt thấy bóng Văn Chương từ ngoài đường đi vào.
– Chào thầy!
– Chào thầy!
Thực ra, với thầy giáo Văn Chương, ngoài những buổi người ta thấy thỉnh thoảng chàng cùng sinh viên học trò vào quán nước hoặc đi vẽ phong cảnh đều thuộc lứa trẻ tuổi. Nhưng buổi sáng hôm ấy thầy giáo Văn Chương hẹn gặp có hai người bạn thân đồng nghiệp ở lứa tuổi trung niên là nữ giáo viên Kiều Thúy và võ sư Nam Quốc.
Dư luận với Văn Chương nghĩ ra cũng có lý trước hiện tượng họ thường gặp, khi chỉ nhìn thoáng qua hàng tung của chàng từ bên ngoài. Trong thâm tâm, chàng không hề trách họ bao giờ vì Văn Chương đã có cái lý lẽ riêng của mình. Dù không còn ở tuổi trung niên, khi rảnh rỗi, chàng chỉ thích lân la, giao du với những người trẻ tuổi thâm chí chàng đã coi họ là những người bạn đồng điệu. Bất luận nam nữ tuổi tác lớn hơn như bậc cha chú hoặc nhỏ hơn tuổi tác vào hàng em cháu, hể là đồng thanh đồng khí, Văn Chương đều xem họ là bạn vong niên tri kỷ của mình. Chàng tự nghĩ:
– Bẩm chất thông minh, tài tuấn lại có tư cách đức độ như Hạng Thác ngày xưa dù chưa đến mười tuổi cũng vẫn khiến cho Khổng Tử không thể không nể phục. Có những kẻ bất tài vô tướng suốt đời chỉ ăn không ngồi rồi, những người không có ý chí cầu tiến, hiện tại sống chỉ biết lo hưởng thụ sống chẳng lý tưởng như một con thuyền không bến. Đến khi đầu bạc trắng như bông gòn, họ xem như hạng người sống thừa vô dụng, không hữu ích cho đồng bào xã hội. Trong tâm khảm, Văn Chương bao giờ cũng nể phục những tấm gương tuổi nhỏ tài cao điển hình trong lịch sử mà tên tuổi còn thơm ngát sử xanh huyền thoại dân tộc như: Phù Đổng Thiên Vương, Bé Lượm, Kim Đồng, Lê Văn Tám, Nguyễn Việt Hồng, Võ Thị Sáu… Những gương sáng tuổi nhỏ chói lọi khí phách tài năng ấy thiên hạ khắp bốn phương ai không nể phục mà có bao giờ đề cập đến tuổi tác!
***
Nguyễn Nam Quốc và Phạm Kiều Thúy được coi là những bạn vong niên của Văn Chương. Tính theo con số tuổi tác ước lệ khô khan, năm sinh ba người có chênh lệch nhau dù cái lý lịch cắt dọc của Văn Chương và hai bạn có lắm điểm dị biệt và tương đồng.
Trước tiên, cả ba người bạn vong niên đều xuất thân từ gia đình lao động làm nghề “gõ đấu trẻ”, lại công tác trong cùng một tam giác kim cương: Ô Môn – Cờ Đỏ – Thới Lai, vốn vùng đất văn hoá lịch sử miền Tây Nam bộ của thành phố sông nước Tây Đô.
Môn là một quận trấn nằm bên bờ sông Hậu cách không xa mấy lộ Vòng Cung huyền thoại trong hai mùa kháng chiến chống thực dân và đế quốc. Miền địa linh nhân kiệt hiền hòa tư mùa lặng sóng này là quê hương của những danh sĩ như viện sĩ-nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, các nhạc sĩ: Trấn Kiết Tường, Triều Dâng,… Ô Môn vốn là nơi công tác của nhà giáo Võ sư – Nhà văn Nguyễn Nam Quốc. Tốt nghiệp sau Đại học ngành Sinh học, Nam Quốc nổ tiếng là giáo viên dạy giỏi ở trường Phổ thông Trung học Lưu Hữu Phước. Yêu nghề, tận tụy với học sinh, tính năng động, Nam Quốc thuộc mẫu nhà giáo trẻ tuổi tài hoa mang tâm hồn nghệ sĩ dù anh đương nhiệm là Phó Chưởng môn Việt Võ Đạo. Ngày ngày, như không bao giờ biết mệt mỏi, hai tay anh lúc cầm phấn, nghiêm trang đứng lớp ờ trường học, lúc anh lẫm liệt tay cầm côn, kiếm hướng dẫn cho võ sinh ở võ đường thành phố nhà và các tỉnh lân cận. Là nhà văn, Nam Quốc mới sở hữu được tác phẩm đầu lòng: Nơi tình yêu ở lại (NXB.HNV), nhưng đã gây được tiếng vang trên văn đàn Đồng bắng sông Cửu Long. Như một cánh chim bằng không mỏi, ngoài cầm phấn lên lớp dạy học, dạy võ thuật, viết văn, nhà văn Nam Quốc còn giàu tinh thần xã hội. Hiện Nam Quốc đang năng nổ tích cực hoạt động công tác trong một câu lạc bộ thiện nguyện do một nữ nhà thơ chủ trì.
Bằng hữu vong niên thứ hai của Văn Chương là một nữ giáo viên trường huyện chỉ ở tuổi trung niên – Phạm Kiều Thúy. Chị là giáo viên ưu tú nhiều năm được tuyên dương trước hội đồng giáo dục cấp tỉnh. Mang dòng máu thư hương truyền thống, Thúy ngày dạy học, đêm tranh thủ miệt mài ngồi viết… với lòng say mê văn chương cháy bỏng rất khó tìm thấy ở một cô giáo vườn nào khác. Được sự cảm thông sâu sắc và ủng hộ hết lòng của ông xã Văn Bắc hiền lành vốn là một chuyên viên cơ khí có hạng, chưa được mấy năm, Kiều Thúy đã xuất bản và gây được tiếng vang cả đô thành bút mực với hai tập truyện: Người đưa đò và Duyên đời (NXB, HNV) có giá trị không ít về chủ đề tư tưởng và nghệ thuật. Văn Chương đánh giá rất tích cực bút pháp phong cách của Kiều Thúy. Khéo léo và tinh tế sử dụng từ ngữ giản dị tự nhiên, không chú ý tỉa gọt hoa mỹ hoặc quá sính dùng tu từ, nhà văn Kiếu Thúy vẫn viết lưu loát tác phẩm đúng theo khuynh hướng hư cấu của thể truyện ngắn. Nội dung hai tác phẩm của Kiều Thúy mang không ít dấu ấn cuộc đời của một nữ giáo viên yêu nghề, không khác nào hai bông hoa đẹp đáng ngưỡng mộ trong vườn hoa văn nghệ.
Với một trí nhớ độc đáo hiếm có, Kiều Thúy còn vanh vách thuộc lòng hết cả truyện Kiều hơn ba nghìn câu thơ của đệ nhất thi hào Nguyễn Du. Nữ sĩ được mời xuất tỉnh đi biểu diễn bộ nhớ thần kỳ của chị ở quê hương cụ Tiên Điền. Chưa hết, không ai ngờ nhà văn Phạm Kiều Thúy còn là từng là nữ kỳ thủ cờ tướng vô địch bất bại cấp phường tại địa phương chị đang công tác. Nhiều lúc trong buổi họp mặt anh em văn nghệ sĩ, nhiều bạn đã gọi vui chị Kiều Thúy là Kỳ Văn nữ sĩ quả thực cũng không ngoa chút nào! Bởi lẽ chị không những là một giáo viên giỏi yêu nghề tha thiết mà còn là một tay đánh cờ giỏi và viết văn hay nữa. Kiều Thúy tài tình muôn mặt đáng được coi là một tài hoa ở nhiều lĩnh vực của đất Thới Lai.
***
– Cha mắc dịch!
Thầy giáo Văn Chương nghĩ lại cũng không buồn mà cảm thấy vui vui pha lẫn chút tự hào về cách gọi chàng têu tếu của một số người đã quá vô tư nhạy miệng. Chàng tự nghĩ họ không hề có ác cảm khi thấy bên cạnh chàng thường có những cô chân dài lúc đi vẽ tranh, bát phố hay vào quán cà phê. Với Văn Chương, thế hệ trẻ tuổi vào hàng em cháu như sinh viên học trò đến những người đáng bậc tiền bối mà đồng thanh khí, chàng xem họ như những người bạn vong niên không kể trẻ già. Giai tầng xã hội hay tuổi tác đều nằm bên ngoài quỹ đạo tình cảm đệ huynh mang tính nhân văn cao đẹp.
Những khi tâm trí thanh thản nghĩ lại, Văn Chương cảm thấy học được ở tuổi trẻ cái hăng hái hồn nhiên, cũng như chàng đã chấp nhận với lòng tôn kính sự trải nghiệm vững vàng, biết chịu đựng mà chấp nhận mọi đắng cay thử thách cả đến thất bại đau thương của những bậc cao niên tiền bối. Duy chỉ có một điều Văn Chương tâm niệm trong lòng không được bao giờ quên suốt cả cuộc đời chàng. Đã là bằng hữu tình thâm, là bạn vong niên của nhau, nếu là con người đích thực bao giờ cũng có trách nhiệm, gắn kết keo sơn sống chết có nhau đến trọn đời: “Gian nan vẫn thủy chung bè bạn/ Yên ấm tình yêu mỗi phút giây” (Tố Hữu). Tình bạn vong niên hơn tất cả, phải xứng đáng được coi là một chủng loại tình cảm cao đẹp của ân tình son sắt thủy chung giữa anh em bè bạn khác nhau về tuổi tác nhưng cùng chung một nguồn cội quê hương.
N.T