Bần xanh – Truyện ngắn của Kỳ Nam

689

(Vanchuongphuongnam.vn) – Bà chín cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn, buông hết mọi việc cho thằng Láng. Bà tự trách mình đã bỏ mặc đứa con gái út mà bà hết mực thương yêu ở nhà một mình và đã không ngăn cấm nó vào rừng. Bởi bà cũng như nhiều người trong xóm Cống đã xem rừng đước kế bên nhà như khu vườn của nhà mình, bắt cua, bắt cá, hái bần, mót củi… bình yên bên rừng đã trót một đời người…

Tác giả Kỳ Nam

Ông chín Khơi đặt tách trà hột keo vừa mới uống vài ngụm xuống bàn, khoác vào người chiếc áo sơ mi dày đã sờn rách vài chỗ được bà chín vá lại rất khéo. Thân hình lão ngư rắn rỏi, sạm đen với tiếng cười nói rổn rảng của dân miền biển làm ông có vẻ trẻ hơn nhiều so với tuổi ngoài sáu mươi. Ông kiểm lại lần nữa những vật dụng bất ly thân trong mỗi chuyến ra khơi đựng trong cái thùng thiếc có nắp đậy và có cột dây đeo (cái thùng này vốn trước kia là thùng đựng dầu của hãng con sò đã theo ông từ hồi mới bắt đầu đi biển, nó cũng có thể trở thành cái phao cứu sinh khi cần thiết).

 

Trong rất ít đồ đạc mang theo, cái mà ngư dân đóng đáy quan tâm bậc nhất, đó là con dao xếp bén ngót có dây để mang vào cổ. Giữa biển cả mênh mông, những miệng đáy vô tri giăng thành hàng không hề phân biệt được cá tôm hay ngư phủ, nếu lỡ sút tay trợt chân rơi xuống dưới rượng đáy, chỉ cần nước biển xiết dòng chứ chưa nói tới phong ba bão tố thì đã bị cuốn hút vào miệng đáy không có đường ra. Lúc đó trong bụng lưới dưới lòng biển sâu chỉ còn con dao đeo trước ngực là có thể cứu sống ngư dân bằng cách rạch lưới bơi ra, nếu không thì chỉ còn ngàn thu vĩnh biệt!

Vào cuối mỗi con nước khi tàu thuyền cập bến khoảng giữa đêm hay rạng sáng, lẫn trong tiếng rộn rạo, lao xao của người về kẻ đón, thi thoảng vẫn có tiếng khóc của đàn bà bật lên nghe thắt ngực, đứng tim, rồi một thi thể bợt bạt, cong queo nằm trên tay lưới khiêng ngang xóm đáy, vậy là con nước tới vắng một người bươn bả ra khơi để đem về cho vợ con chén cơm manh áo. (Nhiều người ở vùng biển này cho rằng không có lời thề nào nghiêm trọng, linh thiêng hơn lời thề “chun đáy”, kế đó là “sập đáy”!).

Ông chín cẩn thận quấn dây chung quanh con dao xếp, ông sẽ đeo nó trước khi bước lên chòi đáy, chuẩn bị găm hoặc thu lưới, di chuyển trên những sợi dây chão lúc căng lúc chùng theo hàng cột đáy trụ giữa đầu sóng ngọn gió, vùng giao thoa giữa sông và biển. Nơi đó con người thật vô cùng nhỏ bé, lại bám víu vào một thứ cũng nhỏ bé mong manh không kém trước đại dương, đó là những rượng đáy hàng khơi xa thẳm với cái chòi canh treo trên cột đáy cheo leo.

 

Ông chín uống cạn tách trà đã nguội, khoác cái thùng lên vai, đi chân không rời khỏi nhà. Ghe đáy đang đợi ông ngoài cảng cá để bắt đầu chuyến ra khơi cách bờ hơn mười lăm hải lý.

Hai vợ chồng ông chín Khơi có cả thảy năm người con, đứa đầu là thằng hai Soài, đứa kế là thằng ba Rạp, kế nữa là thằng tư Láng, hai đứa con gái là năm Lanh và sáu Quanh. Cả gia đình sống trong một cái nhà lá ở tận xóm Cống số 0, nơi giáp ranh với rừng đước bạt ngàn của xã Kiểng Đôi.

Sau khi lập gia đình, thằng con trai lớn đã cùng vợ đi bỏ mối tôm cá khô từ Kiểng Đôi lên Chợ Lớn rồi lập nghiệp luôn trên đó. Thằng ba cũng vậy, bỏ nghề biển về quê vợ miền nước ngọt trồng vườn cây ăn trái, lâu lâu chúng nó đưa mấy đứa cháu nội về thăm, vợ chồng ông chín cũng mừng khi thấy các con đều làm ăn khấm khá mà quên mất đã giận chúng nó bỏ nghề “hạ bạc” vì sợ hậu quả “nhất phá sơn lâm, nhị đâm hà bá”.

– Đó, ba thấy không, nhà mình theo nghề biển mấy chục năm nay mà cứ phải ở trong cái nhà lá này, tụi con thì dốt nát, ba má thì cơ cực cả đời…

Đó là lời cay tiếng đắng của thằng Soài khi vợ chồng nó quyết định rời xứ Kiểng Đôi. Không phải là ông chín không biết điều đó, nhiều đêm nằm trằn trọc trong chòi đáy ở xa tít ngoài khơi, chung quanh chỉ có tiếng sóng vỗ và tiếng kẽo kẹt của giàn dây chão trên mặt biển bao la, ông đã không nén được tiếng thở dài não nuột. Phải, ba đời nhà ông đều theo nghề đáy sông Cầu, biết bao nhiêu gian nan nguy hiểm, đem sinh mạng phó thác cho thủy thần mà chưa ai dựng nổi một miệng đáy để nuôi vợ con. Nhưng nếu buông cái nghề này ra thì biết làm gì bây giờ, hơn nữa ông đã gắn bó với nó gần hết đời người, những khi nằm bờ vì mãn con nước hay vì biển động ông nhớ biển nhớ chòi đến thẫn thờ. Thôi thì phận ai nấy giữ, cũng mong cho con cái đổi đời miễn đừng đứa nào quên quê hương xứ sở, quên biển cội sông guồn. Nói cho cùng, chúng nó rời quê hương đi xứ khác mưu sinh thì cũng giống như con rạch Cần Lộc đổ ra sông Soài Rạp rồi băng mình ra biển Đông vậy thôi! Dòng chảy đó vơi đầy theo từng con nước đã đem về nguồn lợi dồi dào cho người dân xứ biển, tạo công ăn việc làm cho biết bao người trong cái xã Kiểng Đôi này.

Năm con Lanh mười tám tuổi, ông bà chín gả nó cho con trai của một nhà có tới mười mấy miệng đáy bên Bình Đại (họ sang thêm hàng đáy gần bên chủ ông chín), rồi vài xị đế với con cá nhám tươi rói làm bữa tả-pín-lù trên cái chòi canh lộng gió là coi như duyên phận của hai đứa nhỏ đã được định đoạt.

Con nước này thật kỳ lạ, bà chín làu bàu với thằng Láng lúc ngồi đập vỏ sắn ngâm lưới cho chủ đáy, mấy lần bà đã sơ ý tự đập vào tay mình đau điếng. Con nước gì mà đổ đục toàn sứa với cá nóc, lâu lâu lộn vô vài con ốc, con đẻn, còn tệ hơn con nước mùa gió chướng khiến chủ đáy rầu thúi ruột, làm bà chín cũng buồn lây. Biển thất, tiền công chẳng bao nhiêu, vậy là chuyến này ông chín không thực hiện được lời hứa lợp lại cái nhà cho vợ con trước mùa mưa. Đêm về hai cánh tay mỏi nhừ, bà chín nhờ con Quanh xoa dầu nãy giờ vẫn không thấy bớt. Áng chừng hai anh em nó đã ngủ say, bà nhẹ nhàng mở cửa bước ra vặn sáng ngọn đèn bão treo trước cửa. Nhìn ngọn đèn bà liên tưởng đến ngọn đèn hắt hiu ngoài biển trên chòi canh của ông chín mà thấy chạnh lòng. Đợt này về bà sẽ khuyên ông nghỉ đi chòi, già rồi mà phải thức khuya dậy sớm để canh con nước, rồi giặt lưới, phơi lưới… đêm hôm sóng to gió lớn ngoài biển biết bao nguy hiểm chực chờ. Ở trên bờ thiếu gì việc làm vừa sức ông, còn có thằng Láng đỡ đần lo gì thiếu đói (bà nghĩ vậy nhưng chắc gì ông đã chịu nghe!).

Bà chín cứ đi tới đi lui ngoài hàng ba, gió giờ này rồi mà vẫn còn cố mang cho hết hơi nóng của một ngày biển thổi ập vào người như rang tép, như sấy mực, bà thấy bứt rứt gì đâu!

Vô nhà nằm lăn qua lăn lại vẫn không thể nào chợp mắt, đâu chừng quá nửa đêm bà chín hốt hoảng ngồi dậy chạy nhào ra cửa khi nghe tiếng gọi thất thanh của vợ thằng Siêm trong xóm:

– Bác chín ơi! Bác Chín!

Tiếp đó là tiếng lao xao, rầm rì của nhóm người theo sau một cái võng lưới, trên đó bà nhận ra ngay ông chín bởi cái ống quần nhuộm sắn quen thuộc. Bà điếng hồn lao tới, hai người khiêng võng vẻ mặt buồn bã lẳng lặng đưa ông chín vào trong nhà, đặt ông nằm trên giường, sửa lại cái mền mỏng đắp trên người ông cho kín từ cổ xuống hai bàn chân, trên mặt ông ai đó đã phủ lên một tấm giấy điều đỏ thẫm. Tiếng kêu khóc của hai anh em thằng Láng bật lên thảm thiết, bà chín vẫn không tin chồng mình đã chết. Bàn tay run rẩy của bà giở tấm giấy điều như giở bỏ một tấm màn đen tối, mong thấy lại hình ảnh an lành của người bạn đời trở về nhà sau chuyến ra khơi nhưng trước mắt bà chỉ là một gương mặt im lìm, xa lạ. Bà nghe tiếng của người chủ đáy như vọng về từ lòng biển:

– Xin chị bớt đau lòng để cùng lo hậu sự cho anh chín. Hàng đáy bị sập, biển thất nên có mình anh chín canh đáy, ảnh bị rơi xuống cùng với đống lưới đang phơi, mắc kẹt không thoát ra được. Tụi tui xin thành tâm chia buồn với gia đình.

Bà chín, người đàn bà suốt đời ngóng về phía biển để chờ chồng, đã ngã vật ra nền đất bất tỉnh. Không một tiếng khóc, không một lời nói, không một giọt nước mắt nào lăn ra từ khoé mắt nhăn nheo của bà…

Chủ đáy cũng là người tình nghĩa, mặc dù đang hứng chịu những tổn thất do sự cố tàu cá đâm sập hàng đáy rồi bỏ chạy, ngoài chi phí cho đám tang họ cũng trả đủ tiền công của con nước này, cho thêm một khoản tiền kha khá để mấy mẹ con bà chín xoay sở trong lúc khó khăn. Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống, chưa đầy nửa tháng tất cả tiền đã bốc thành hơi bởi những khoản nợ lặt vặt cả năm nay ngoài chợ hay ở mấy tiệm hàng xén… Nỗi đau chưa lắng xuống, bà chín lại tiếp tục làm thuê khắp nơi, đi lượm (phân loại cá), xẻ cá, lột tôm, đạp mắm, đập tôm khô, vá lưới… việc gì cũng làm kể cả công việc ngoài ruộng muối dưới cái nắng thiêu đốt thịt da. Thằng tư Láng đã mười bảy, cái tuổi bẻ gãy sừng trâu của nó bây giờ là chỗ dựa cho mẹ và đứa em gái. Sau cái chết thương tâm của chồng, bà chín cương quyết không cho thằng Láng đi biển mà xin cho nó vô làm công ở lò mắm Quê Hương, lương hơi thấp nhưng gần nhà lại không phải quá cực khổ nguy nan như nghề bạn đáy. Còn sáu Quanh cũng đã gần mười bốn tuổi, thỉnh thoảng cũng đòi đi làm với má nhưng bà chín bắt ở nhà lo cơm nước. Thêm cái nó còn nhỏ nhưng biết nấu món canh mẳn rất ngon, đó là món canh chỉ có người vùng biển này nấu mới đúng hương vị mộc mạc nhưng đậm đà mà dù họ có đi đâu cũng không thể nào quên. Chính ông chín Khơi đã dạy cho nó nấu, cái mùi vị đặc biệt của món canh xuất phát từ sự tươi ngon của con cá mới đánh bắt trên biển, từ những trái cà chua, cọng hành, trái ớt, những nhánh quế hay ngò gai đã trở thành rau khô do từ đất liền mang ra chòi để gần cả một con nước, thêm ít nước mắm và tiêu xay… tất cả những nguyên liệu đơn sơ đó được cho vào nồi theo một thứ tự nhất định đã tạo nên hương vị ngàn khơi của món canh ngư phủ.

Vậy là con Quanh chỉ ở nhà để nấu cơm cho má và anh, những bữa cơm đơn sơ không chiếm nhiều thời gian của nó. Buồn buồn nó hay đi dọc bìa rừng nhặt những trái bần rụng, có khi leo lên cây như khỉ để hái mấy trái bần ương hoặc hơi non một chút nhưng nó thích ăn hơn. Bần non xanh đậm, vừa chua vừa chát nhưng chấm muối ớt thì ngon tuyệt, ăn kèm với mắm cá cơm nữa thì bao nhiêu cơm cũng hết. Bần chín thì dầm ra nấu canh chua với cá, tôm, cua hay mực cũng được, chưa kể má nó còn chế biến một loại mứt nhừ từ những trái bần chín rục, có thể cho thêm ít nước và nước đá vào quậy lên uống là ghiền luôn! Tóm lại nó thấy vui vì có những trái bần, thật nhiều trái bần trong túi áo, trong cái rổ cảo nhỏ xinh của nó, nhiều khi ăn không hết chẳng biết để làm gì! Chưa kể con Quanh còn mê mẩn những nụ bần vừa hé nở lộ ra những tua nhị màu đỏ san hô còn cuốn chặt bên trong đài hoa xanh lục, nó đâu biết rằng vẻ đẹp tinh khôi đó là cội nguồn tồn sinh của những trái bần mà có lúc nó nâng niu như một gia tài.

Con Quanh cứ tha thẩn cả buổi trong rừng đước, leo trèo trên những cây bần, cây mắm, tay chân mặt mũi lấm lem bùn đất, nó cười khúc khích khi thấy mấy con cá thòi lòi đang đấu đá nhau trong vũng sình giật mình phóng tuốt vô gốc đước rồi trố mắt ra nhìn nó. Cả mấy con còng màu sắc sặc sỡ kia nữa cũng là đồ chơi của nó, chúng quá dễ thương và sạch sẽ một cách kỳ lạ giữa sình lầy. Chúng cõng những cái mai tuyệt đẹp trên lưng, nhiều nhất là màu xanh da trời và màu cam, còn lại là màu đen, trắng, cả màu nâu cũng có. Bước chân con Quanh làm chúng vội tuột ngay xuống hang, chỉ cần bẻ một nhánh đước nhỏ găm chặn cách cửa hang chừng một gang tay là chúng lại bò ra chỉ việc chụp là dính. Tuy nhiên nó chưa bao giờ làm đau hay làm chết một con còng nào, kể cả những con mang chiếc càng to gấp mấy lần thân mình mà người ta hay bắt rồi bẻ càng đem luộc bán ngoài chợ thành một món đặc sản gọi là càng còng, thân còng thì làm mắm, cũng thành đặc sản là mắm còng! Còn nó, khi bắt được mấy con còng nó chỉ cho bò trên tay một chút thôi rồi thả chúng về hang, có khi cũng bị còng kẹp nhưng không đau mấy!

Có bữa con Quanh lang thang trong rừng đước kiếm bông ô rô để chưng bàn thờ ông chín (ở miền cát đen nước mặn hầu như nắng cháy quanh năm, cỏ cây cằn cỗi, khô đén, hoa phải đem từ nơi khác đến nên đắt kinh khủng, cả trái cây cũng vậy), mải ngó quanh ngó quất nó đã vượt quá giới hạn mà bà chín đã căn dặn, đó là không được đến gần khu vực biên phòng. Cái đồn biên phòng lúc đó chỉ cách nó chừng non chục thước, nó đang nghển cổ dòm coi có ai không thì thấy vắng ngắt, chắc mấy anh lính đi tuần hết rồi! Bất ngờ một con chó to gần bằng nó chồm lên sủa liên hồi muốn thủng cả lỗ tai, nó hoảng hồn ụp cái rổ bần vào ngực co giò chạy thục mạng, cũng may là con chó bị cột vào cây đước sát đồn chứ nếu không thì… Từ đó con Quanh không còn dám bén mảng tới gần đồn biên phòng, mặc dù hầu như ngày nào nó cũng vô rừng tìm hái mấy trái bần, chơi với bầy cá thòi lòi và đám còng cưng của nó.

Hôm nay thằng Láng được nghỉ sớm, thường ngày nó vẫn về sau khi bà chín đã đi nằm. Nhà cửa trống không, con Quanh chắc lại đi hái bần nữa rồi, tội nghiệp con nhỏ không có ai chơi cùng, cả con mèo con chó cũng không! Cái xóm đáy thưa rỉnh vài mái nhà, ai cũng đầu tắt mặt tối ngoài thớt cá, đi bạn hoặc đi làm mướn cả ngày, không có ai cùng trang lứa với em nó cả. Tư Láng xuống bếp giở nắp nồi cơm, chỉ còn chút cơm cháy dưới đáy nồi, chảo tép rang bữa trưa ăn chưa hết còn bắc trên bếp. Giờ này sao con Quanh cũng chưa về lo cơm nước, một lát má về tới thế nào cũng bị la cho coi, Láng vừa thắc mắc vừa đi lấy gạo nấu cơm. Cơm vừa sôi thì bà chín về tới, hôm nay đến kỳ vựa cá trả tiền công còn cho một mớ khô cá lưỡi húa mang về. Bà định bụng sẽ biểu con Quanh làm món khô nướng chấm nước mắm bần, thằng anh nó chắc là khoái phải biết! Nhưng hai má con bà chín chờ hoài, chờ mãi, vừa đói vừa lo, không biết con Quanh đi đâu tới giờ vẫn chưa thấy về. Lác đác xa xa vài nhà trong xóm đã đỏ đèn, thằng Láng ra ngồi bệt xuống ngạch cửa hai tay bó gối ngóng chừng về phía cánh rừng đã xuống màu xanh đen. Bà chín đang nằm nghỉ mệt trên tấm vạt kê sát đất, nghe tiếng chó sủa văng vẳng từ hướng đồn biên phòng bà bỗng ngồi bật dậy kêu lên:

– Thôi chết rồi Láng ơi! Nãy về ngang chợ má nghe nói có thằng ngáo đá bị nhốt ngoài đồn biên phòng mới trốn thoát hồi xế trưa. Con Quanh… trong rừng đước…

– Trời ơi, sao nãy giờ má không nói! Bữa nào nó cũng vô trong đó…

Hai mẹ con chỉ kịp quơ lấy cái đèn bão đang treo ngoài cửa, lập cập bật ống quẹt ga. Chạy ngang mấy căn nhà còn tối om trong xóm bà chín kêu to:

-Quớ chú ba Gà, chị hai Nhan, thằng Siêm, thằng Gộc… làm ơn đi kiếm con Quanh phụ dùm tui!

Cả nhóm người lớp rọi đèn pin, lớp xách đèn bão, có người còn quấn giẻ rách vào cây củi tẩm dầu lửa đốt sáng cả bìa rừng. Tiếng mọi người gọi con Quanh vang khắp khu rừng, vô tới giữa rừng họ đụng tốp lính biên phòng đang dắt chó đi lùng sục.

– Bà con đi kiếm ai? Tụi tôi quần nát hết khu này từ hồi chiều rồi có thấy ai đâu, cả con đường tắt ra thị trấn cũng vậy…

Bà chín thất thần tựa vào người thằng Láng khóc không ra nước mắt:

– Quanh ơi! Con ơi…

Dù nghe tốp lính biên phòng nói vậy nhưng mọi người vẫn tích cực đi tìm không chừa một gốc đước, một vũng sình nào. Họ vừa tìm vừa gọi con Quanh lạc cả giọng, vừa cố an ủi bà chín. Một nhánh dây cóc kèn vướng vào chân thằng Láng, nó đang dìu bà chín nên cả hai mẹ con ngã quỵ. Dưới ánh đèn mù mờ bà chín nhìn thấy cái rổ nhỏ của con Quanh, chung quanh lăn lóc mấy trái bần non và một nhánh bông ô rô dập nát. Bà thét lên:

-Quanh ơi! Con đâu rồi Quanh…

Mọi người hộc tốc rọi đèn tìm khắp chung quanh khu vực đó, chỉ thấy rễ đước đan xen chập chùng dưới muôn ngàn thân cây thẳng tắp như câu trả lời lạnh lùng của số mệnh.

Mẹ con bà chín ở trong rừng đước cho tới sáng, bà nằm mẹp dưới đất không dậy nổi, mắt mở hé lờ đờ, tóc tai dã dượi. Còn thằng Láng chỉ qua một đêm mà thiếu điều nhìn nó không ra, nó cứ đi vòng vòng chỗ con Quanh buông rơi rổ bần, cố tìm ra chút tăm hơi của em nó, ra xa hơn một chút cũng không thấy gì, nó lại không thể bỏ mặc bà chín để đi giáp khu rừng một lần nữa. Không nói ra nhưng nó nghĩ cả lính biên phòng cũng không thấy có dấu vết sát thương, hy vọng con Quanh chỉ bị khống chế, đưa đi đâu đó thậm chí… Mong sao con bé vẫn an toàn tính mạng và trở về nhà.

Từ đó bà chín cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn, buông hết mọi việc cho thằng Láng. Bà tự trách mình đã bỏ mặc đứa con gái út mà bà hết mực thương yêu ở nhà một mình và đã không ngăn cấm nó vào rừng. Bởi bà cũng như nhiều người trong xóm Cống đã xem rừng đước kế bên nhà như khu vườn của nhà mình, bắt cua, bắt cá, hái bần, mót củi… bình yên bên rừng đã trót một đời người, hơn nữa còn có đội biên phòng… Nhiều ngày liên tiếp bà chín lang thang khắp khu rừng với hy vọng mong manh sẽ có một dấu hiệu gì đó để tìm ra con gái, có lần người ta gặp bà ngất xỉu ngoài bìa rừng với mấy trái bần nhỏ nắm chặt trong tay.

Công an địa phương vẫn đang tích cực truy tìm dấu vết kẻ ngáo đá và bé gái ở xóm Cống nhưng hình như đã không còn hy vọng.

K.N