Bâng khuâng giếng làng

698

Hoàng Xuân

(Vanchuongphuongnam.vn) – Từ bao đời, giếng làng hội tụ khí trời và mạch nguồn sự sống của mỗi làng quê Việt Nam, là nơi chan chứa “tình làng nghĩa xóm”. Từ xưa, ông cha ta đã đúc kết: “Cây đa, giếng nước, sân đình”. Bộ ba này đã gắn bó thủy chung với cư dân Việt, nơi có nền văn minh lúa nước, như người bạn tri kỷ, thủy chung giữa phong ba bão táp, minh chứng chiều dài lịch sử và văn hóa của mỗi làng quê. Đó cũng là sự thể hiện, kết hợp giữa linh khí đất trời và tình người của quê hương, xứ sở.

Sinh ra ở một làng quê chưa có gì đáng kể để gọi là trù phú, bên dòng Gianh mang trong nó biết bao trầm tích. Theo các bậc cao niên, giếng làng quê tôi đã hiện diện từ sau hoà bình lập lại (1954), đến trước ngày Mỹ leo thang đánh phá ra miền Bắc (1964). Riêng tôi thì nhớ rất rõ, vào những năm 80-90 của thế kỉ trước, mẹ tôi ngày nào cũng ra giếng làng ủ đậu xanh, làm giá đỗ để bán, kiếm tiền nuôi con ăn học. Cái giếng làng Cây Trôi quê tôi đã rất quen thuộc với nhiều người, gắn bó với nhiều thế hệ cùng sinh ra và lớn lên, coi nơi đây như hơi thở, như nguồn sống của bà con, trong đó có mình. Tọa lạc cạnh con đường chính của làng, phía tây là đồi núi nhấp nhô, nhiều căn nhà của người dân chạy dọc theo chân núi. Phía đông là hệ thống núi đá vôi, sừng sững như một bức tường thành che chắn cho dân làng. Phía nam là thung lũng, nơi khởi thủy của những mạch nước lộ thiên. Riêng phía bắc là một không gian khá thoáng đãng, có cánh đồng làng và những con suối, con khe. Vì thế, nơi đây được chọn là khu trung tâm của xóm Cây Trôi, thôn Thuận Hoan, xã Đồng Hóa. Sở dĩ xóm có tên như vậy, bởi ở đó có cây trôi cổ thụ, tuổi đời hàng mấy trăm năm. Điều may mắn của làng tôi, nơi đây có một mạch nước ngầm khá khỏe, nên giếng tuy không sâu lắm nhưng hầu như, không khi nào cạn nước. Điều đó để thấy, ông cha ta từ xưa đã rất thông thuộc thổ địa và khéo chọn các vị trí để khai giếng làng.

Ở thời kỳ này, không nhà nào có thể tự đào, hay khoan được giếng như ngày nay. Vậy nên, ở quê tôi, người người, nhà nhà đều dùng chung mỗi cái giếng Cây Trôi. Từ việc tắm, giặt, lấy nước để đun nấu, để ngâm và chăm sóc giá đỗ như mẹ tôi… tất cả đều cậy vào giếng làng, ngày ngày vây quanh là những câu chuyện gửi trao, ăm ắp niềm vui, niềm yêu tin, chung thủy. Để lấy nước từ giếng làng, nhà nào cũng sắm cho mình đôi thùng gánh nước. Ấn tượng nhất là những cặp thùng được gò bằng ống pháo sáng của giặc Mỹ, loại này đến nay nhiều gia đình vẫn còn lưu giữ được. Còn lại là thùng tôn, hoặc lu, trình… những đồ vật được làm bằng đất nung. Nhà nào có được đôi thùng gánh nước chỉn chu là một sự yên tâm, còn không, người ta dùng đầu này thứ nọ, đầu kia thứ khác, trông đến buồn cười. Các mẹ, các chị, thậm chí có cả ông bố, thường tranh thủ đi gánh nước đêm hoặc vào lúc mờ sáng trước khi đi làm đồng. Mẹ tôi bảo rằng, vào buổi sớm nước thường trong và rất ngọt. Đây cũng là lúc những người làm giá đỗ như mẹ, thường chăm chút, tưới tắm mát mẻ cho các thùng giá lên đều, chuẩn bị cho ngày kia phiên chợ, mua may, bán đắt…

Nghề làm giá đỗ gần như đã đi suốt cuộc đời mẹ tôi và các bà, các mẹ trong xóm. Đó là một nghề rất công phu và phải qua nhiều công đoạn, nhưng việc tắm tưới cho giá có lẽ là khâu quan trọng nhất. Gặp lúc mưa to, nguồn nước không tốt thì việc dưỡng giá rất phức tạp và khả năng giá hỏng là rất cao. Vì thế, giếng làng còn là nơi thúc mầm cho giá đỗ của rất nhiều người sống bằng nghề làm giá ở đây, trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình, đảm bảo đời sống và nuôi dạy con cái nên người, trong những năm đầy gian khó dưới thời bao cấp.

Sau mỗi ngày bươn chải với cánh đồng, với từng ngọn khoai cây lúa, giếng Cây Trôi lại rộn tiếng nói cười, cùng nhiều câu chuyện đồng áng, chuyện đời, chuyện người, sẻ chia những kinh nghiệm trong đời sống và trồng trọt. Người tắm gội, giặt giũ, người gánh nước, tưới giá. Với phụ nữ, gội đầu bằng quả chanh hay quả bồ kết nướng là tuyệt vời nhất khi sinh hoạt dưới giếng làng. Quả bồ kết sau khi pha chế được đem phơi nắng, vừa đủ ấm, tỏa hương dìu dịu, gội lên mái đầu óng mượt làm say đắm bao người. Lũ con nít, cả trai lẫn gái, dù đã ở tầm 10 tuổi trở lên nhưng vẫn cởi truồng, tắm rất… “thiên nhiên”. Nhiều ông cụ còn dùng thành giếng để chà lưng và còn nói đùa vui với lũ con nít rằng “đây là vợ mình”. Các em nhỏ không tự múc được nước thì ghé đứng cạnh chân người lớn để “tắm nhờ”. Tất cả tạo nên một khung cảnh nên thơ và không kém phần vui nhộn, xóa đi những mệt nhọc sau một ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.

Gặp tuần trăng sáng hay những đêm trời đầy sao, giếng làng cũng chứng kiến nhiều chuyện tình cảm động của các “nam thanh, nữ tú” trong hoặc ngoài làng. Họ thường mượn cớ đi gánh nước, có khi là một lí do gì đó, đến đây để gửi gắm tâm sự. Không ít đôi lứa là bạn bè, trở thành tình nhân, rồi nên vợ thành chồng từ những đêm trăng ở giếng Cây Trôi. Ngày ấy, lũ trẻ chúng tôi đúng là “nhất quỷ, nhì ma…”, hễ có cặp đôi nào lân la ở giếng, tức thì cả bọn lại kéo ra “phục kích” xem họ làm gì… Cây săng lẻ cạnh giếng, nơi lưu giữ bao kỷ niệm và day dứt khôn nguôi của chị Nguyễn Thị Thương, một người con gái đã ở vào cái tuổi ngoài 25 của làng. Trước khi quyết định rời xa quê hương để vào Nam sinh sống, người yêu chị đã đứng đợi suốt đêm ở đây, để được trút hết bầu tâm sự với người mình yêu. Và, đó cũng là lần cuối, chỉ sau đêm ấy, họ đã chia tay nhau thật sự. Chỉ còn lại cái giếng làng, nhân chứng ngàn đời cho cặp tình nhân, vì miếng cơm manh áo mà không trọn nguyện ước.

Giếng làng còn là nơi chứng kiến nhiều trò chơi dân gian của lũ trẻ chúng tôi, có lúc trai gái đã đến tuổi cập kê nhưng vẫn say mê các trò chơi tuổi thơ, như ù mọi, bịt mắt bắt dê, rồng rắn lên mây, trốn tìm, hay đánh trận giả…

Giữa những ngày hè oi ả, gió Lào hầm hập thổi, rát cả thịt da, được gội lên thân thể những gàu nước trong veo, mát rượi của giếng Cây Trôi, thì thật thích thú biết nhường nào. Có điều, tất cả đó chỉ còn là kí ức, là hoài niệm bâng khuâng của những người con xa xứ, mỗi dịp nhớ về đất mẹ mến yêu. Giờ đây, giếng làng quê tôi vẫn còn đó, song chỉ là một chứng nhân phủ bụi thời gian và trang điểm bằng cỏ cây, hoa lá. Nhà nhà đều có giếng và máy bơm, nơi không có giếng thì dùng nước máy. Từ trẻ nhỏ, người lớn đều sử dụng “vòi sen” trong buồng tắm ốp gạch men “xịn”, đâu đó vọng tới những âm thanh của sự bon chen, đua đòi, xô bồ trong cuộc sống hôm nay. Chắc chẳng mấy ai còn để ý đến cảm giác thi vị, gần gũi, thân thuộc khi được hòa mình dưới ánh trăng, quanh giếng làng thuở ấy…

Nếu có dịp được “xin một vé đi về tuổi thơ”, tôi vẫn chọn giếng Cây Trôi, để tắm tưới cho da thịt và tâm hồn mình thêm trong trẻo, để nhớ về những đêm trăng đầy ắp tiếng ve ngân giữa mùa hạ năm nào.

Bâng khuâng giếng làng!

                                                                   Tuyên Hóa, tháng 7/2022

     H.X