(Vanchuongphuongnam.vn) – Ở xứ sở miền Tây quê tôi, cứ đến Mùng 5 tháng 5 âm lịch hàng năm là nhà nào cũng chộn rộn với việc tráng bánh xèo. Nguyên liệu chính là bột gạo pha với nước cốt dừa, bột nghệ và các loại gia vị. Bánh phải được tráng bằng chảo lớn, trên bếp củi đượm than, ít khói. Người tráng bánh phải khéo tay xoay chảo và ước lượng thời gian bánh chín một cách chính xác thì bánh mới giòn thơm, vàng đều và không bị khét. Thật thích thú mỗi khi nghe tiếng bánh “xèo xèo” réo lên trên chảo mỡ nóng và mùi thơm ngào ngạt quyện trong chái bếp lá dừa của má tôi.
Ảnh minh họa
Chiếc bánh nhỏ hơn vành nón lá một chút, bìa trên vàng ruộm. Ở giữa bánh, má tôi cho nhân thịt gà hoặc thịt vịt xắt nhỏ cùng với đậu xanh, giá sống hoặc củ sắn. Thường vào mùa nước lụt thì má làm nhân bánh xèo bằng tép, thịt heo ba rọi thái miếng mỏng và bông điên điển. Bánh chín, Má gấp đôi lại, mỗi chiếc bánh được xếp cách nhau bởi miếng lá chuối đặt trong cái sàng bằng tre trúc. Vây quanh má là 5 đứa con nheo nhóc, háu ăn. Đứa nào cũng chờ được má đút cho miếng bánh đầu tiên, khi má tráng để thử bột. Ngồi bên bếp lửa hồng suốt buổi, nên mồ hôi đẫm ướt lưng áo của má. Thỉnh thoảng má lại đưa mắt nhìn mấy đứa con một cách trìu mến.
Tết Đoan Ngọ, nhà tôi thường chỉ cúng bông hoa, trái cây và món bánh xèo. Giữa trưa, ba má tôi sắp bánh trên bàn thờ gia tiên và thắp hương trước. Rồi giữa bộ ván ngựa cũ kỹ, cả nhà quây quần bên mấy cái sàng bánh xèo thơm nức, thêm mấy dĩa rau sống và tô nước mắm tỏi ớt trong vắt nữa… Thấy là bắt thèm!
Tưởng là đơn giản thế thôi, nhưng để chuẩn bị cho món bánh này, má tôi phải thức khuya, dậy sớm từ ngày hôm trước. Má phải nhọc công, tỉ mẩn từ việc ngâm gạo, xay bột, nạo dừa đến việc sửa soạn các loại rau ăn kèm. Ngoài các loại rau thơm má mua ở chợ, má còn biểu chúng tôi hái thêm các loại lá dễ kiếm trong vườn nhà như lá xoài non, đọt chòi mòi, đọt bằng lăng, lá cách, lá lốt, cát lồi… Khác với bánh xèo miền Trung, khi ăn người ta gói nó bằng một tấm bánh tráng mỏng với vài loại rau thơm, bánh xèo miền Tây phải có vị béo của nước cốt dừa, mùi thơm phảng phất của nước mắm ngon, được gói bằng rau, với hơn chục loại rau thơm. Đặc biệt là các loại lá hái trong vườn phải có vị chua chua, chát chát, bánh mới thơm ngon đặc trưng, mới hợp khẩu vị của người Nam bộ.
Má tôi thường nói: “Bánh khéo với đủ loại rau vườn mà nước chấm không ngon thì coi như chưa đạt yêu cầu”. Cho nên má tôi thường chọn nước mắm nhỉ đặc sắc. Tỏi ớt được bằm nhuyễn trộn với đường cát trắng. Rồi má pha tất cả nguyên liệu đó vào tô nước dừa tươi và nước cốt chanh để tạo ra món nước chấm chua ngọt, thơm tho. Nếu có thêm dưa chua cải trắng cải đỏ ăn kèm thì còn gì tuyệt vời hơn nữa!
Cách ăn bánh xèo thật đượm màu dân dã. Ăn bánh xèo mà không gói bằng tay thì dường như kém ngon. Cho nên, đã là người sành ăn, người ta sẽ tạm gác mọi sự kiểu cách để thưởng thức trọn vẹn cái khẩu vị đặc sắc của món bánh xèo miền Tây.
Trong không khí ấm cúng của gia đình, bữa bánh xèo đơn giản ngày Tết giữa năm khiến tình cảm anh em, chồng vợ, cha mẹ con cái… như càng khắng khít hơn. Cũng vì một lẽ nó đã gói gém tất cả hương vị vốn có ở đời: chua cay, thơm ngọt, nồng ấm, mặn mà… Nó đã trộn lẫn, hòa quyện trong con người ta thứ cảm xúc bình dị mà ngọt ngào qua từng cọng rau đất mẹ và trong cả mùi vị quấn quít của nước mắm quê hương.
Má tôi nay đã trên 90 tuổi, nhưng cho đến bao giờ thì tôi cũng vẫn nhớ như in tấm áo bà ba nâu ướt đẫm mồ hôi của má bên bếp lửa hồng, cùng món bánh dân dã mà rất cầu kỳ trong chế biến. Có thể nói, bánh xèo miền Tây là một món ăn ấm áp tình thương mà má tôi vẫn muốn dành riêng cho chồng cho con. Dẫu ở Sài Gòn có bánh xèo “Ngon”, bánh xèo “Ăn là ghiền”… nhưng sao tôi vẫn thấy không ngon và không thể ghiền. Bởi người làm bánh đâu có thả vô món bánh những tình cảm yêu thương đặc biệt như má của tôi (mình làm bánh để chồng con ăn cho ngon nè! Cho thỏa cơn thèm của thằng Ba, con Tư mấy nay ao ước nè!).
Dù đi đâu tôi vẫn nhớ má tôi và món bánh xèo miền Tây, bởi nó mang đậm tình mẹ, tình quê và hồn dân tộc. Và vì nó đã được gìn giữ qua bao thế hệ trên mảnh đất miền Nam nước Việt.
D.T