Mai Quốc Liên
(Vanchuongphuongnam.vn) – Ra đi từ miệt vườn sông Cửu Long, Bảo Định Giang từ con người của một miền đất – trở thành nhân vật của cả nước. Suốt đời, ông gắn bó với Khu 8, miền Đông, miền Tây Nam Bộ; ông là “đặc sản” của văn hóa – thổ ngơi một miền đất mới với những dòng sông, cánh đồng, vườn cây và với những con người mở cõi.
Nhà thơ Bảo Định Giang (1919-2015)
Ông trung thành, chung thủy với miền đất ấy vì ông đã sống những năm gian khổ và trưởng thành lên từ đó. Ông tự hào với cương vị Trưởng phòng Văn nghệ ở Bộ Tư lệnh Khu 8 của Tướng Trần Văn Trà, nơi ông góp công sức cùng với những văn nghệ sĩ kháng chiến 9 năm tiêu biểu khác, xây dựng nền văn hóa – văn nghệ kháng chiến Nam Bộ.
Nhưng thời cuộc đã đưa ông ra Hà Nội, và ở đây, người ta nhớ nhất Bảo Định Giang với cương vị Thường trực Đảng đoàn Văn hóa – Văn nghệ Trung ương.
Hồi đó, Bộ Văn hóa và Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật bấy giờ có chung một Đảng đoàn, và Bí thư là đồng chí Hà Huy Giáp, Ủy viên Trung ương Đảng (còn Thường trực là Bảo Định Giang). Có thể nói là mọi công việc tổ chức, bộ máy, nhân sự, tài chính… dồn về Bảo Định Giang, và ở đây ông tỏ ra là một người quản lý tuyệt vời! Bởi làm việc, tiếp xúc – cả va chạm nữa với hàng trăm văn nghệ sĩ lớn, đầy cá tính như Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Thế Lữ, Lưu Trọng Lư… lớp “tiền chiến” cho đến lớp kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ… mà “chiều” được họ, đâu có dễ!
Với tính tình khiêm cung, điềm đạm, hết mình vì việc chung và biết cung kiệm chiều người, hiểu biết tâm tính từng người, Bảo Định Giang đã khiến “sĩ phu Bắc Hà” phải “chịu”. Đó là một sự lạ. Một văn nghệ sĩ Nam Bộ ở vào cương vị của ông, làm được như thế, thì họa chỉ có ông mà thôi!
Nói cho đúng, do tính nguyên tắc và linh hoạt, do trời phú cho một năng lực quản lý bẩm sinh, Bảo Định Giang đã được Trung ương tin cậy và ủy thác. Từ đồng chí Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Tố Hữu… đến các đồng chí ở các ngành khác nhau, đều tin yêu Bảo Định Giang.
Không phải ai cũng có tài tổ chức những cuộc triển lãm tác phẩm hội họa từ miền Nam gửi ra, hoặc tổ chức các đợt phát hành Từ tuyến đầu Tổ quốc, Sống như anh… bằng Bảo Định Giang. Bởi đây không phải là “tài” mà là tâm huyết, là lòng thành với miền Nam quê hương đang trong máu lửa.
Bảo Định Giang làm Trưởng tiểu ban miền Nam, thực chất là người thay mặt hậu phương lớn chăm sóc anh chị em văn nghệ trên tuyến đầu chiến đấu. Ông đã vượt Trường Sơn vào thăm anh em ở chiến trường B2 Nam Bộ, mang theo sự động viên của Trung ương, của miền Bắc.
Và với cương vị Tổng biên tập báo Văn nghệ, Tổng biên tập Nhà xuất bản Giải phóng, Bảo Định Giang đã là một trong những đầu tàu chuyên chở tác phẩm của hàng trăm văn nghệ sĩ miền Nam gởi ra – những người nay đã thành danh, thành đạt.
Tận trung với nước, chung thủy với bạn bè, là người quản lý và cũng là người công bộc của nền văn nghệ Việt Nam suốt mấy chục năm qua, không bao giờ Bảo Định Giang ngơi nghỉ. Chỉ có giờ đây ông mới bắt buộc phải xa lìa nhiệm vụ.
Ông thật xứng đáng là một trong những “công thần” của nền văn hóa – văn nghệ của một thời đại đã đi vào lịch sử. Giờ đây, tôi nhớ lại đôi câu đối rất hay của Chế Lan Viên:
Đại thụ ngã rồi, vườn cũ qua chơi, trời thấy trống, Hùng văn để lại, người xưa đi vắng, mực còn thơm.
Bảo Định Giang sáng tác với tất cả tấm lòng thành, với tất cả nhiệt huyết, đặc biệt là những bài viết về những nhân vật mà ông kính yêu, như chị Minh Khai, bà Mười Thập…, viết về lòng sắt son, kiên định, viết về niềm kính yêu Bác Hồ:
Tháp Mười đẹp nhất bông sen,
Nước Nam đẹp nhất có tên Cụ Hồ.
Ngẫu nhiên mà ông làm được một câu thơ đáng để đời, vừa cổ điển vừa hiện đại. “Kể những tên đẹp nhất – trong đó có tên anh”, P.Eluard chẳng đã viết về người chiến sĩ cộng sản G. Péri như thế sao?
Bảo Định Giang là một nhà nho, một nhà nho kháng chiến – cách mạng, nên ông viết theo mạch văn chương truyền thống, trong đó thơ Đường luật, câu đối… chiếm một vị trí đáng kể. Nhiều bài đã được các nhạc sĩ nổi tiếng phổ nhạc, như bài hát rất quen thuộc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý – lời Bảo Định Giang về Đảng.
Nhưng theo tôi, thành tựu có ý nghĩa lớn của sự nghiệp trước tác Bảo Định Giang là nằm ở phần nghiên cứu, phê bình, chính luận.
Ông đã có công rất lớn cùng GS. Ca Văn Thỉnh và nhiều người khác, sưu tầm, dịch thuật, bình luận về văn học Nam Bộ, đặc biệt là văn học yêu nước Nam Bộ.
Ông tâm niệm, thành kính… với tác phẩm và nhân cách của cụ Đồ Chiểu, Nguyễn Thông, Thủ Khoa Huân, Phan Văn Trị… và biết bao văn nhân Nam Bộ cổ điển khác. Và tôi đồ rằng, trong ông, có kế thừa khá rõ tinh hoa của các bậc tiền nhân đáng yêu đáng kính đó.
Bảo Định Giang là một người như thế! Một nhà quản lý văn hóa- văn nghệ có công lớn, một nhà sáng tác – biên khảo có tâm, và trước hết đó là một con người! Một con người đã tổ chức lễ tang cho bao đồng chí, đồng đội văn nghệ chu tất, tình nghĩa. Người đã đưa Ca Lê Hiến, Diệp Minh Tuyền, Chu Cẩm Phong… trở về chiến trường để trở thành nhà thơ – nhạc sĩ bất tử! Người đã sưu tầm, gìn giữ các bức thư của văn nghệ sĩ từ Bình Trị Thiên vô Nam những năm gian khổ, ác liệt mà thiêng liêng ấy để in thành sách cho chúng ta hình dung được ngọn nguồn của bao sáng tác rung động lòng người!
Khó có thể nói hết về Bảo Định Giang trong một bài báo nhỏ. Ngay chuyện ông gặp lại, gần như tình cờ, sau tập kết 1954, bà vợ ông, cô Trinh ở Hà Nội, cũng là một câu chuyện “truyền kỳ”! Và cũng là một “truyền kỳ” như thế, chuyện ông công tác ở Bắc Kinh 6 tháng uống trà Long Tỉnh, uống rượu Mao Đài, ăn tiệc liên hoan, tiếp kiến Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình, thư từ đi lại cùng Ba Kim… Ông đã nêu cho chúng ta một tấm gương sống, chiến đấu kiên cường, dũng cảm, không mệt mỏi; và trong những năm cuối cùng, dù bệnh, yếu, ông vẫn như một sợi chỉ bền, quyết gắn bó với đại nghiệp, với cuộc đời…
Bảo Định Giang, tên ông như dòng sông quê ông, còn mãi!
M.Q.L
* Bảo Định Giang (11/1919 – 1/2/2005)
Tên khai sinh là Nguyễn Thanh Danh, quê ở xã Mỹ Thiện, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang là một nhà cách mạng, nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình.
Ông xuất thân trong một gia đình địa chủ phá sản, học trung học ở Mỹ Tho. Năm 1939 ông cùng bác sĩ Dương Tấn Tươi thành lập Hội Khuyến học Mỹ Tho. Trong thời kỳ chống Pháp ông hoạt động thông tin báo chí, chủ yếu ở vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Cách mạng tháng Tám năm 1945 bùng nổ, ông tham gia cướp chính quyền, nhận những công tác cách mạng yêu cầu.
Năm 1947 đi tuyên truyền lưu động về, ông được cử làm Trưởng đoàn Tuyên truyền Khu 8 và sau đó kiêm chủ bút báo Tổ quốc, cơ quan của quân dân chiến khu 8. Ông đã cùng anh em làm thêm những số báo không định kỳ để đăng sáng tác, được hoan nghênh nhất là tập san Xuân Hè Đồng Tháp. Cuối năm 1949, ông được điều động lên làm Trưởng ban Tuyên truyền Bộ tư lệnh Nam Bộ, được cử làm Phân hội trưởng Đồng Tháp Mười thuộc Chi hội Văn nghệ Nam Bộ, rồi làm Chi hội phó Chi hội này.
Vào cuối thời kỳ Kháng chiến Chống Pháp ông tập kết ra Bắc. Hòa bình lập lại ông vẫn hoạt động trong giới văn học. Ông là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957). Ông đảm nhiệm các chức vụ như Phó tổng thư ký Hội Văn nghệ Việt Nam, Tổng biên tập báo Văn Nghệ, Phó chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam…
Sau khi đất nước thống nhất, ông trở về miền Nam công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh, đảm nhận các chức vụ Giám đốc Nhà xuất bản Văn nghệ, Chủ tịch Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh.
Tác phẩm
Tác phẩm gồm ca dao, thơ, kịch bản, nghiên cứu phê bình tiêu biểu như:
Đường giải phóng (1977); Đêm huyền diệu (1985); Sen đồng (1990); Ca dao Bảo Định Giang (1990); Trong mỗi trái tim (1993); Thuyền chở đạo (1994); Hả dạ (kịch, 1949); Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga (kịch, 1990); Thơ, văn yêu nước Nam Bộ nửa cuối thế kỷ XIX (nghiên cứu, 1962); Những ngôi sao sáng trên bầu trời văn học Nam Bộ nửa sau thế kỷ XIX (nghiên cứu, 1990); Văn nghệ – một thời để nhớ (sưu tầm, 1996)…
Giải thưởng:
Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.