Bao giờ cho đến ngày xưa- Tuyền Nguyễn- Kỳ 1

1038

13.8.2017-10:15

NVTPHCM- Tuyền Nguyễn là đại biểu tham dự Hội nghị Những người viết văn trẻ TP.HCM lần thứ IV vừa qua. Chị đã xuất bản tập truyện dài thiếu nhi Bao giờ cho đến ngày xưa và sắp tới tiếp tục trình làng tác phẩm thứ hai cũng viết cho thiếu nhi là truyện dài Chú vịt mồ côi.

 

Trong Lời ngỏ của tập truyện Bao giờ cho đến ngày xưa, Tuyền Nguyễn viết:

 

“Tôi viết cho tôi, cho tháng ngày ở đậu nhà chú Sáu bên xóm nhỏ ven sông.

 

Tôi viết cho những người bạn nhỏ, Hận, Tú, Thắm, Thúy, Toàn, Kha… và cho Đông, người chẳng bao giờ có cơ hội gặp lại.

 

Tôi kể về thời thơ dại ấy ở thời điểm hai mươi năm sau, không biết có còn ai nhớ đến, nhưng trong tim tôi, mọi thứ vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu.

 

Cảm ơn những người bạn đã cho tôi một khoảng đời tươi đẹp, để tôi biết học cách yêu thương, thấu hiểu và cảm thông cho những phận người”.

 

Xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc 2 kỳ trích từ tập truyện này của Tuyền Nguyễn.

Cây bút trẻ Tuyền Nguyễn

 

Bao giờ cho đến ngày xưa

 

TRUYỆN DÀI CỦA TUYỀN NGUYỄN

 

Chương 14:

Tiễn biệt

 

Má trở về trong đêm sau bao ngày tôi thấp thỏm đợi chờ. Tôi nghe má kể với chú Sáu mùa này trên quê mới nhiều việc quá, má chỉ về được hai ngày nên chờ tới lúc tôi có bằng tốt nghiệp là tranh thủ đi luôn, một công đôi ba chuyện cho đỡ mất thời gian.

 

Tối đó, hai má con ngủ bên nhà bà cố. Má và bà trò chuyện thâu đêm, còn tôi chỉ mới nằm một lát đã ngủ lúc nào không hay. Sáng hôm sau, má vội vã sang trường rút hồ sơ, sau đó dẫn tôi đi thăm mồ mả ông bà và họ hàng xóm nhà ngoại tới mười giờ tối mới về.

 

Suốt ngày hôm đó, tôi chẳng lấy gì làm vui khi phải theo má đi hết nhà nọ tới nhà kia, tới đâu cũng trả lời những câu hỏi lặp đi lặp lại đến nhàm chán.

 

“Bây làm ăn trên ấy được không?

“Dạ được dì/ chú/ thím/ bác…!”

“Khi nào bây đi?”

 

“Dạ sáng mai. Con về rút hồ sơ, dẫn con bé lên đó luôn. Ngày má con còn sống thì bảo để nó ở với má. Giờ má con mất rồi nên dẫn theo gia đình chứ bỏ một mình ở đây tội nghiệp. Năm vừa rồi phải thi tốt nghiệp, con không dẫn đi được, phải gởi nó ở nhà chú Sáu cả năm qua.

 

“Ờ, bây làm vậy là phải. Chị Hai còn sống thì để ở với chỉ. Giờ chỉ mất rồi bây để nó ở lung tung nhà người này người kia tội nghiệp.

 

Tối về, tôi nghe thằng Quyền kể tụi thằng Kha kéo qua đợi tôi cả buổi. Lòng tôi hụt hẫng vô cùng. Tôi trèo lên cây ổi, nhìn sang ánh đèn lờ mờ nhà từng đứa. Trăng một nửa vành vắt vẻo giữa thinh không. Ánh sáng lờ mờ ấy làm cho đồng lúa nước sáng loang loáng giữa màn đêm. Giọt sương khuya đọng trên lá cải lóng lánh. Xa xa, tiếng chó sủa một tràng dài từ phía nhà con Tú, loang ra khắp xóm, inh ỏi một lúc rồi im bặt, trả lại cho không gian tiếng ếch nhái, ễnh ương kêu ròng rã không dứt và tiếng lòng tôi đứt đoạn từng cơn. Tôi muốn nắm tay từ giã thằng Hận bên luống hoa hành, cốc đầu con Tú thay cho lời tạm biệt, đá đít con Thắm, con Thúy cho tụi nó đừng quên tôi, bảo thằng Kha trồng thêm vài cây ổi đợi tôi về ăn, nhưng tất cả ý nghĩ đó chỉ nghẹn ngào nằm trong trí tưởng tượng mà thôi.

 

Đêm ấy, má và chú thím nói chuyện tới khuya. Chú xoa đầu tôi bảo:

 

“Lên quê mới ráng học giỏi nghen con.

 

Thằng Quyền ngồi trên ván nhìn tôi, mặt buồn rầu chẳng nói gì. Chúng tôi không quen với việc nói những lời sướt mướt khi chia tay như trong phim ảnh hay cải lương, chỉ đưa mắt nhìn nhau, chẳng nói được một lời nào cho ra hồn.

 

Tôi trằn trọc suốt đêm, lòng không dưng lại thấy trống rỗng, thiêu thiếu cái gì mà tôi không tự biết được. Tôi lặng nhìn ba lô đã sẵn sàng ở góc giường chờ theo tôi lên chuyến xe về miền xa.

 

Sáu giờ sáng hôm sau, hai má con tạm biệt gia đình chú Sáu. Tôi đeo ba lô trên vai, đứng nhìn thằng Quyền, con Gái, thằng Nghĩa, chỉ nói được một câu duy nhất:

 

“Thưa chú thím con đi!

“Ờ, lên đó ráng học nha con!” Chú Sáu đội nón cho tôi.

 

“Chị đi nghen! Cảm ơn chú thím một lần nữa!”

“Con cháu trong nhà chớ có phải ai xa lạ đâu mà chị cứ cảm ơn hoài.” Chú cười buồn.

Tập truyện Bao giờ cho đến ngày xưa của Tuyền Nguyễn

 

Hai má con đi qua nhà bà cố. Bà đã đứng trước cửa nhà chờ tôi. 

 

“Con đi nha ngoại! Ngoại ráng giữ gìn sức khỏe. Vợ chồng con ở xa quá không thể về thăm ngoại thường xuyên được. Má tôi xoa xoa bàn tay bà.

 

“Tao vẫn còn khỏe. Bây cứ lo làm ăn. Khi nào rảnh thì về thăm tao. Tới lui nhiều chi cho tốn kém. Bà cố phất phất tay, vỗ vai má nói.

 

“Thưa bà cố con đi!

“Ờ! Cháu cố giỏi. Ráng học nghen con. Học giỏi cho cố vui.

“Dạ!” Tôi lí nhí, nghe sống mũi mình cay cay.

 

Má mặc áo bà ba màu hoa cà tím, đội nón lá, tay xách giỏ đỏ đựng bịch xoài bà cố gói cho với ít áo quần. Tôi men bờ ruộng theo sau, ngoái đầu nhìn lại sân nhà chú Sáu. Cả nhà đứng đó nhìn không rời mắt. Trước thềm, bà cố cũng chống gậy nhìn theo. Dáng bà lom khom, ánh mắt xa xăm như chứa đựng bao hoài mong trong ấy.

 

Bà cố thương gia đình tôi lắm, vì khổ cực phải bỏ xứ đi chỗ nọ chỗ kia làm ăn. “Cây có cội, nước có nguồn”, kiếp sống tha phương sao mà vui được, trong lòng lúc nào cũng khắc khoải nhớ về quê hương, sinh ly tử biệt nhiều khi cũng không biết mà về. Ngày nội tôi mất, chẳng ai báo tin. Lúc ấy, cả gia đình tôi đang ở Sông Ray. Cho đến khi ba về thăm quê, bà nội đã ra đi được bốn tháng. Nghe chú Sáu nói, bà nội chết không nhắm mắt, miệng luôn nói: “Tao muốn gặp thằng Hai.” Đó là niềm ân hận lớn nhất trong cuộc đời ba. Nhiều lúc say, ba vẫn hay khóc rồi oán trách cô chú: “Sao tụi bây ác quá! Má bệnh, muốn gặp tao mà tụi bây không cho hay. Con Tám biết chỗ tao ở chứ có phải không đâu? Anh em gì cái lũ trời đánh tụi bây. Bộ má tụi bây không phải má tao hay sao mà không cho tao gặp má lần cuối?” Dù chú Sáu nhiều lần phân trần bảo do không biết chỗ ba má tôi ở, với lại lúc bà nội bệnh, tâm trí bấn loạn không nghĩ được nhiều. Cũng không nhớ anh em tôi đang ở đi học bên nhà ngoại để sang tìm cách liên lạc. Dĩ nhiên ba tôi không đồng tình với lý do đó.

 

Tôi ngoái đầu lại lần nữa, vừa đi được vài bước thì nghe tiếng gọi phía sau:

 

“Tuyền! Tuyền… ơi…

 

Tôi xoay người nhìn đôi chân nó băng băng trên bờ ruộng nhỏ, tay với theo tôi:

 

“Tuyền! Mày đi hả?

 

Thằng Hận vừa gánh hành qua chợ về. Thấy tôi đi cùng má, nó quăng gánh lại trên bờ ruộng, chạy theo gọi to.

 

Tôi cũng bước lùi về phía thằng Hận vài bước. Nó dừng lại trước mặt tôi, thở hổn hển, chào má rồi đưa ánh mắt buồn rười rượi sang tôi.

 

“Mày đi hả?

“Ờ! Tao đi với má.

 

“Khi nào mày về?”

“Tao không biết!”

 

Tôi và nó đứng nhìn nhau. Hai đứa cùng tâm trạng quyến luyến, nhưng chẳng biết nói gì với nhau lúc ấy. Đột nhiên nó nắm lấy tay tôi, siết chặt.

 

“Nhớ về thăm tao nghen!

“Ờ!”

 

“Đi cho kịp giờ xe chạy. Bé!” Má tôi giục.

“Thôi! Tao đi nghen!”

 

Nó gật đầu, bàn tay lạnh ngắt buông dần tay tôi. Tôi quay lưng bước về phía má. Trên bờ ruộng nhỏ ngày ngày chúng tôi vẫn đi học, thằng Hận đứng chôn chân tại đó nhìn theo. Má đi cách tôi chừng chục bước chân. Tôi vừa đi, vừa ngoái đầu nhìn lại, không vẫy tay chào, cũng chẳng nói thêm lời gì tha thiết. Chỉ có ánh mắt nhìn nhau, ánh mắt chứa đựng bao nhiêu điều muốn nói nhưng ngôn từ vụng về chẳng thể tròn câu.

 

Tôi nghe trái tim mình và trái tim nó đang đối thoại với nhau bằng thứ âm thanh mà người khác chẳng thể nào nghe được.

 

“Tao thích mày!

“Tao cũng thích mày lắm!

 

“Mày đi tao sẽ buồn lắm! Không có ai ra bờ sông ngồi nói chuyện với tao.”

“Tao cũng vậy. Mày ráng học nghen! Ráng nghe lời ba đừng để ổng đánh đòn, đau lắm!

 

“Ừ! Không biết bao giờ tụi mình mới gặp lại nhau?”

 “…

 

Tôi bỏ lửng câu trả lời. Bước chân xa dần.

 

Giữa khoảng không bao la của ngã ba bờ ruộng, tôi thấy con Thúy đứng sau nhà nhìn theo, đưa hai tay thật cao vẫy vẫy. Thằng Toàn, thằng Kha cũng đứng cách đó một thửa ruộng, vẫy tay chào tôi. Tôi nghe trong cái vẫy tay của thằng Kha tiếng thì thầm:

 

“Tuyền ơi! Tao thích mày! Mai mốt về nhà tao ăn ổi nghen!

 

Tôi nhìn về phía nhà con Tú. Một đứa con gái dáng người thâm thấp chạy bon bon trên bờ ruộng. Chạy tới vạt chổi chà trên gò đất cao, nó đứng lại giữa màu hoa vàng rực rỡ, đưa tay làm loa hét thật to. Gió không thể đưa được tiếng nó tới tai tôi. Nhưng tôi nghe được khẩu âm của nó.

 

“Con kia! Sao đi mà không tạm biệt tao?

 

Giữa cánh đồng bao la, tôi chạy vội theo bước chân hối hả của má, bỏ lại sau lưng những ánh nhìn lưu luyến, những bờ cỏ non xanh, những nụ cười răng sún, những cái nắm tay thẹn thùng và những trò nghịch ngợm tuổi ấu thời.

 

Cuộc đời là thế, có gặp gỡ ắt có phút chia tay. Lúc ấy, tôi chưa đủ trải nghiệm với đời để hiểu những điều sâu xa ấy. 

 

(Còn 1 kỳ)

 

 

>> XEM TIỂU THUYẾT – HỒI KÝ CỦA TÁC GIẢ KHÁC