Bao giờ cho đến ngày xưa- Tuyền Nguyễn- Kỳ 2

1043

14.8.2017-23:00

Nhà văn trẻ Tuyền Nguyễn

 

>> Bao giờ cho đến ngày xưa – Kỳ 1

 

Bao giờ cho đến ngày xưa

 

TRUYỆN DÀI CỦA TUYỀN NGUYỄN

 

Chương cuối:

Ngày về

 

NVTPHCM- Tôi đứng ngơ ngác trước lối vào xóm nhỏ. Chỗ này sao lạ quá! Hồi xưa đâu có vườn thanh long này, cũng đâu có ngôi nhà ngói đỏ này, con đường cũng đâu to như vầy ta? Tôi bước chân theo quán tính, cái quán tính được hình thành từ thuở ấu thơ. Tôi nghe bước chân mình và đám bạn chạy thình thịch phía trước, bụi bay mù mịt, tiếng nói cười giòn tan. Một kẻ bỏ quê đi biền biệt giờ mới về tìm lại, vừa đứng trước con đường năm cũ, lòng đã bồi hồi, sống mũi găn gắt, rồi nghe cay cay nơi mí mắt. Tôi nhìn lên gốc cây sầu chiều cạnh ngôi trường bỏ hoang, hoa của nó vẫn một màu hồng phấn, tươi trẻ như ngày nào. Chỉ có tôi, bụi thời gian in hằn trên nét mặt và nỗi niềm nặng trĩu trong lòng.

 

Con đường đất uốn lượn quanh những ngôi nhà mới xây, hai bên đường là những đám ruộng lúa và vườn thanh long đan xen nhau. Tôi nghe má kể nhiều lần, dân quê mình giờ chuyển sang trồng cây thanh long, cuộc sống khấm khá hơn. Tôi nhìn về phía nhà ông nội, những nhánh thanh long chọc thẳng lên trời che mất nửa nhà. Ông nội cũng đã đi xa, bao giận hờn, ghét bỏ ngày xưa cũng từ đó mà tan biến mất. Ông không thương nhưng tôi luôn lén nhìn về phía nhà ông mỗi khi đi học với một tấm lòng tha thiết.

 

Tôi bước từng bước ngập ngừng, mỗi bước chân là một dòng hồi ức tràn về. Chỗ này hồi đó có cây ổi, mà sao giờ mất tiêu vậy ta? Chỗ này hồi đó có đám hoa mắc cỡ, mà sao giờ cũng không còn thấy nữa? Ký ức của đứa trẻ mười tuổi lúc tỏ lúc mờ. Chỉ có những hình ảnh về bạn bè vẫn rõ mồn một trong tâm tưởng.

 

Tôi đứng giữa ngã ba bờ ruộng, nhìn dáo dác xung quanh, đàn cò trắng nhởn nhơ trên đồng giữa màu xanh lá mạ. Bụi chùm lé không còn nữa, cái chòi nghỉ khi xưa chỉ còn trong trí nhớ. Nhà thằng Toàn vẫn nằm giữa ốc đảo kia. Nhà con Thúy, thằng Kha thì khuất mất sau ruộng thanh long rồi. Còn nhà con Phụng cũng chỉ thấy được mái ngói móc đen đen mà thôi. Nông thôn đổi mới, ruộng đồng đã được thay bằng những trụ thanh long xếp đều, nở bông trắng xóa. Bông thanh long như những nụ quỳnh, nở thơm cả một miền quê nghèo khó. Khung cảnh đã đổi thay, quê hương cũng thay màu nắng mới. Lòng tôi vui vui nhưng rồi cũng chợt buồn. Hình ảnh ruộng đồng bao la tôi đã nâng niu suốt bao năm tháng qua giờ biết tìm nơi đâu?

 

“Mày… mày… có phải mày là Tuyền không?

 

Tôi thả tâm trí lục tìm ký ức, không để ý thấy một cô gái dáng người thâm thấp đứng trước mặt, nhìn đăm đăm như soi rõ từng nét mặt của tôi.

 

“Bạn… bạn là…

“Tao dộng mày giờ. Không nhận ra hả? Tao nè! Tú nè!

 

“Mày… mày… mày là Tú hả?

“Ừ, Tú đây! Tú lùn đây.”

 

Tôi quét ánh mắt nhìn thật kĩ từ đầu đến chân.

 

“Đúng là mày rồi, con quỷ sứ. Mãi tới giờ mà chưa chịu lớn hả mậy?

 

Tôi nắm tay nó, siết chặt, lòng vui sướng tột cùng. Nó cũng lắc lắc tay tôi, nhảy tưng tưng mừng rỡ y như hồi nhỏ.

 

“Con quỷ, đi một cái là mất dạng, giờ mới chịu về. Tao tưởng mày chết bờ chết bụi ở đâu rồi chớ?

 

“Chết cái đầu mày chứ chết!”

 

Tôi cốc thật mạnh vào đầu nó.

“Ê, đừng ỷ mày cao, cốc đầu tao hoài nghen!

 

Tim tôi như ngừng thở, từng mạch máu căng đầy, muốn tràn hết ra ngoài trước lời con Tú nói. Lời nói này, tiếng nói này sao thân thương quá! Tôi trách mình đã cố chấp với quê hương. Tôi nghĩ mình phải thành đạt mới tìm về nguồn cội. Vì cái ý nghĩ đó mà tôi thả thời gian trôi tuột đi những hai mươi năm dài đằng đẵng.

 

Con Tú đang bận công việc nên hối hả đi, hẹn chiều sẽ về gặp tôi sau. Tôi muốn hỏi thông tin về đám bạn nhưng đành nén lòng lại.

 

Bước chân tôi run run khi bước lên bậc thềm cũ, dẫu giờ đây chẳng còn nền sân đất như xưa. Chú thím Sáu đang ngồi trước cửa, mái tóc điểm bạc, khuôn mặt đã già đi rất nhiều. Thím Sáu nheo mắt nhìn ra khoảng sân đầy nắng, nơi có một dáng người đeo ba lô, ngập ngừng bước mỗi lúc một gần hơn.

“Con kiếm ai vậy?

 

“Thím… thím Sáu… con… con nè!” Cảm xúc vỡ òa làm lòng ngực tôi nghèn nghẹn. Chú thím đứng dậy, rồi thảng thốt gọi.

 

“Trời ơi, con Tuyền. Về hồi nào vậy con? Thím mừng rỡ chạy đến ôm tôi, chú vỗ vai tôi nghẹn ngào.

 

“Cha mày, mau lớn quá!

 

Thời gian đã trôi rất xa nhưng chú thím vẫn cứ ngỡ tôi như đứa trẻ con mới mười tuổi ngày nào.

 

Chú thím ân cần hỏi thăm về gia đình tôi, rồi cho tôi biết thằng Quyền, con Gái, thằng Nghĩa đều đã vợ con đùm đề. Đứa làm thợ hồ, đứa buôn bán, đứa trồng thanh long ngoài quê vợ. Ngôi nhà vách đất năm xưa được thay bằng ngôi nhà ngói rộng rãi, gạch men sáng loáng. Khoảng sân ngày xưa chú rượt thằng Quyền chạy giờ hẹp lại, chỉ còn lại gốc khế trước nhà đánh rơi những nụ hoa tim tím như gợi nhớ cho tôi về những ngày tháng cũ.

 

Ngôi nhà bà cố ở cũng chẳng còn, con ông nội Tư cất một ngôi nhà khang trang trên nền đất ấy, xóa hết chút hình ảnh còn sót lại trong ký ức của tôi. Tôi chỉ có thể gặp bà cố sau làn khói nhang nghi ngút. Trong di ảnh, bà cười hiền lành, hỏi: “Cháu của cố về rồi đấy à? Sao đi lâu quá mới chịu về?” Khói làm cay mắt tôi. Tôi kể bà nghe cả nhà tôi giờ vô Sài Gòn ở rồi, công việc cũng ổn định. Giọng bà dỗ dành: “Thôi, đừng khóc, thấy cả nhà con giờ đủ đầy như vầy, cố vui rồi.”

 

Con Tú về, trời cũng vừa chạng vạng. Nó kéo tôi lên thềm nhà ngồi tỉ tê tâm sự. Nó kể:

 

“Con Thắm mới học lớp chín đã nghỉ, lấy chồng, sinh hai đứa con. Thằng chồng bợm nhậu, đánh đập miết. Nhiều lần nó đệ đơn ly dị mà tòa hòa giải rồi cũng thôi. Đã có lần nó gieo mình xuống bún nước sâu…

 

“Sao nó nghĩ quẩn thế? Tôi xót xa, cắt ngang lời con Tú.

 

Sự nghèo khó vây quanh, con Thắm không học hành, quẩn quanh trên những luống rau hành, nên cũng xem cuộc đời mình bèo bọt như những lá keo rơi đầy trên mặt nước. Tôi thấy thương thay cho nó, và nghĩ đến cuộc đời của thím Sáu. Rồi tôi lại nghĩ đến tôi. Bởi vì ra đi, mang trái tim khao khát vươn lên tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn những nghèo nàn đã có, nên giờ, không phải là hài lòng lắm, nhưng ít ra tôi cũng đã khác nhiều so với một cái tôi nhỏ bé của ngày hôm qua. Còn con Thắm, nghĩ tới nó, lòng tôi lại xốn xang. Tôi nhớ lời bà cố hay dạy, học để hiểu biết với người ta, để biết đối nhân xử thế và sống một cuộc đời tốt đẹp. Ngày xưa tôi có thắc mắc tại sao bà không bảo tôi ráng học, kiếm quyền cao chức trọng, tiền tài. Giờ thì tôi đã thấu hiểu hàm ý sâu xa của bà. Học để hiểu biết, nâng niu giá trị của bản thân, từ cái hiểu biết ấy sẽ cho ta biết mình là ai, lựa chọn sống một cuộc đời đủ hương đủ sắc, chứ không phải bàng bạc, vô nghĩa.

 

Con Tú vẫn muốn chơi xỏ tôi như ngày xưa, nó thừa biết tôi muốn nghe tin tức về đứa nào trước nhưng nó không kể. Lòng tôi nóng như lửa đốt.

 

“Còn… còn thằng Hận thì sao?

 

“Tao đang đợi câu hỏi này của mày đó. Mày vô tình lắm nha con, đi một cái là chẳng nhớ tới ai cả. Mày có biết thằng Hận đã chờ mày biết bao lâu không? Chiều nào nó cũng lên gò đất đứng nhìn xa xăm trông ngóng mày về. Bao mùa hè đi qua nó vẫn đợi. Mỗi khi thấy vạt chổi chà trên gò đất nở hoa, nó lại bảo tao: “Sao con Tuyền không về ngắm hoa, nó thích hoa này lắm!” Chiều chiều tao lại thấy nó cẩn thận ngắt hoa hành, bó thành từng bó, ngồi trên bờ ruộng tủm tỉm cười, rồi quay nhìn xuống nhà chú Sáu mày. Cứ như là nó nhìn thấy mày đang đi tới vậy.

 

Nghe tới đó, kỷ niệm lại ùa về choáng ngợp trong tâm trí tôi. Tôi tự trách mình sao không về ngắm hoa cùng Hận trong những chiều gió thổi, để nó bớt cô đơn trong quãng đời tuổi thơ buồn bã.

 

Tôi buột miệng hỏi một câu hết sức thừa thãi.

 

“Ủa, nó nhớ tao nhiều đến vậy hả?

 

“Chớ sao? Mày tưởng ai cũng như mày hả? Thằng Kha cũng vậy, khùng y chang thằng Hận. Nó đi xin ổi xá lị thiệt giòn, thiệt ngon về lụi hụi ươm giống rồi trồng thêm mấy cây bên hè. Nó nói đợi cây lớn, con Tuyền về ăn là vừa. Lâu lâu tao xuống nhà chơi, thấy nó ngồi vắt vẻo trên ngọn ổi, mắt nhìn thẫn thờ ra đường cái, tay ngắt từng cánh hoa ổi trắng tinh, thả rơi đầy gốc. Tao đứng nhìn, thấy tội luôn. Con nít mà bày đặt thích người ta làm chi cho khổ. Nhiều lúc nó nhớ mày, ôm mớ ổi chín chạy lên cho tao. Tao ăn muốn chết, mà không ăn nó buồn.

 

Màu hoa ổi trắng ngần năm xưa tôi vẫn nhớ, cả ánh mắt ngại ngùng của thằng Kha khi thú thật rằng tự nhiên nó thích tôi. Một cô bé nghịch ngợm như tôi lại có thể làm bận lòng cậu bé khác đến thế sao? Giá mà tôi biết nơi này có hai kẻ mong ngóng mình về từng ngày thì biết đâu tôi đã sớm trở lại, để giờ đây không phải sống trong cảm giác nuối tiếc.

 

“Thằng Kha giờ làm gì? Nó có ở nhà không?

 

“Không! Nó đi học ngoài Phú Yên, rồi cưới vợ là con một nên ở rể rồi. Nó chẳng thèm chờ mày nữa. Mà cái loại như mày, ai thèm nhớ!

 

Lòng tôi nhẹ nhõm hẳn đi, mỉm cười khi nghe thằng Kha đang sống hạnh phúc.

 

“Con này! Tôi chồm qua cốc đầu nó. Quen tay rồi, nó không tránh, chỉ nhe răng cười. Hàm răng trắng đều, đâu còn sún như xưa.

 

“Nhưng thằng Hận thì đợi mày. Nó thích mày thiệt. Cuộc đời nó buồn. Ba không thương. Ổng hắt hủi nó miết. Ngày nó làm hồ sơ thi đại học cũng gian nan với ổng. Ổng bắt nó ở nhà làm ruộng. Má nó phải lén lấy ba lô gởi sang nhà ngoại trước từ lúc chiều. Nửa đêm, má nó lén dắt nó ra bắt xe vào Sài Gòn. Ba nó biết nó trốn đi, chửi má nó quá trời, ngày nào cũng đay nghiến. Má nó cắn răng, lén lút dành dụm tiền gởi vào. Còn lại, nó làm thêm tự trang trải học hành. Nó học ngành dầu khí ở Trường Khoa học tự nhiên.

 

“Nó giỏi quá ha! Giờ nó ở đâu?” Tôi hỏi.

 

“Ừ, vì mày mà nó siêng học lên đó! Ra trường nó làm ở Vũng Tàu. Tết mới về một lần. Giờ thằng Hận làm nhiều tiền, ba nó không biết có còn ghét không nhưng cũng ít thấy hằn học mỗi lần nó về thăm nhà. Lần nào về nó cũng cho ổng tiền, mà không bao giờ đưa tận tay.

 

“Nó có vợ chưa mày?” Tôi hỏi mà nghe lòng nghèn nghẹn.

 

Con Tú im lặng, nhìn lên vầng trăng chơi vơi giữa trời, đoạn quay qua nhìn sững vào mặt tôi, cười cười.

 

“Chắc Hận đang đợi mày. Mày đâu biết người duy nhất nó nâng niu trong tim, mỉm cười khi nghĩ đến là mày. Nó cứ chờ, cứ đợi như vậy, hết cấp hai rồi cấp ba mà chẳng yêu ai, dù nó đẹp trai và phong độ lắm, con gái theo đếm không hết. Thằng Hận mê hoặc người ta ở đôi mắt. Mỗi lần tao thấy đứa nào được được, xúi nó yêu, nó lại nói: “Cười không tươi bằng con Tuyền.” Tao chửi hoài, bảo mày đi chắc gì còn nhớ nó. Mỗi lần nghe tao nói vậy là nó lại quay lưng đi một nước, bỏ lại câu: “Mày mà biết cái gì.” Nghe tức gần chết.

 

Nghe đến đó, tôi ậm ờ. Chợt nhớ đôi mắt ngân ngấn nước năm xưa. Tôi không biết điều gì đã neo lại nụ cười của tôi trong tim nó đến tận ngày lớn khôn.

 

“À! Mày có số điện thoại không, đưa đây. Khi nào nó về, tao bảo nó gọi cho mày. Chắc nó mừng lắm!

 

“Chắc nó mừng lắm!” Ừ, gặp nó chắc tôi cũng mừng lắm. Tôi vẫn nhớ về nó, về cái “hun” của hai đứa con nít chưa biết thế nào là yêu, nhưng những tình cảm trong trẻo của trẻ con, tôi chỉ giữ trong tim làm kỷ niệm, chứ chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ để nó lớn khôn. Trong ký ức của tôi có nhiều quãng cảm xúc để nhớ. Tôi nhớ nó, đồng thời cũng nhớ thằng Kha, rồi nhớ cả Đông. Trên cao nguyên tôi sống, tôi cũng gặp những người bạn hết sức dễ thương. Tụi nó cũng mến tôi, và tôi cũng thấy vui khi ở bên tụi nó. Tim tôi nghèn nghẹn, day dứt cảm giác có lỗi. Tôi hứa trở về thăm nó, thế mà lời hứa ấy theo gió bay đi, xa mãi, xa mãi, để đến giờ trở lại chẳng còn gặp đứa nào cả. Con Thúy lấy chồng ở Ma Lâm. Thằng Toàn thì vô Đồng Nai làm trong quân đội như ước mơ thuở thiếu thời.

 

Không gặp được hết đám bạn ngày xưa, tự dưng lòng tôi hờn trách. Trách tụi nó bỏ kỷ niệm mà đi, chỉ để lại con đường nắng mưa thuở ấy, để lại dòng sông khô khốc phơi mình giữa mùa nắng hạn. Bỏ lại tôi, một con bạn vừa quen vài tháng, mái tóc vàng hoe vì cháy nắng, ăn nói dõng dạc và chuyên gia chọc phá tụi nó. 

 

Con Tú vẫn chưa lấy chồng, làm luật sư, cái nghề y như cái tính “nhiều  chuyện” của nó. Hôm sau tôi vào Sài Gòn, con Tú bận công chuyện dưới sở nên không tiễn được. Trước khi đi nó dúi cho tôi một mảnh giấy nhỏ ghi số điện thoại của thằng Hận, rồi nheo mắt cười. “Tao mới xin má nó hồi hôm”. Khi chỉ còn một mình đứng bơ vơ giữa đồng, tôi ngập ngừng nhìn những con số chạy dài, bao cảm xúc xốn xang ùa đến, hương lúa non thoảng trong cơn gió lùa man mác.

 

Tôi mang ba lô lặng lẽ ra đi. Ngoái đầu nhìn lại, chẳng có ánh mắt nào dõi theo tôi cả. Chỉ có cánh đồng hanh hao gió lộng, chỉ có cánh cò chao nghiêng trong gió. Chẳng còn gì ngoài ký ức của tôi. Chẳng còn gì cả ngoài một miền quê đang thay mình theo nhịp sống mới đủ đầy hơn. Còn chăng, chỉ mình tôi bơ vơ đứng giữa ruộng đồng. Nhớ bó hoa hành thằng Hận tặng tôi. Nhớ mớ hoa ổi trắng ngần thằng Kha ngại ngùng trao tay rồi bỏ chạy trên bờ ruộng năm nào. Tôi hỏi con cua đồng:

 

“Bao giờ cho đến ngày xưa?

Bao giờ cho đến cơn mưa thiếu thời?”

 

Nó không trả lời, chỉ nghêu ngao hát bài đồng dao đượm màu ký ức:

 

“Ông đi qua.

Bà đi lại.

Nợ duyên hồng.

Trồng cây bông.”

 

 

>> XEM TIỂU THUYẾT – HỒI KÝ CỦA TÁC GIẢ KHÁC