Bao giờ hết dịch mới về – Truyện ngắn của Phạm Văn Hoanh

861

(Vanchuongphuongnam.vn) – Đầu tháng bảy, Khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện tỉnh Q họp khẩn theo công văn của Sở Y tế Q về việc hỗ trợ lực lượng nhân viên y tế cho tâm dịch Covid-19 ở thành phố Hồ Chí Minh. Khoa kêu gọi tinh thần tự nguyện xung phong chống dịch của anh chị em bác sĩ và điều dưỡng. Rất nhiều cánh tay giơ lên. Vì số lượng quy đinh nên khoa phải chọn. Đến lượt bác sĩ Hoa, trưởng khoa dừng lại nói:

Nhà văn Phạm Văn Hoanh

– Tôi rất cảm ơn tấm lòng của bác sĩ Hoa. Nhưng chị có con nhỏ, chồng không có nhà nên không được đi.

Bác sĩ Hoa nói:

– Thưa trưởng khoa. Con tôi hai tuổi ở nhà với ông bà nội được rồi. Tôi xin được ghi tên vào đội tình nguyện.

Trưởng khoa chau mày nói:

– Tôi thương cho đứa nhỏ mới đi lẫm chẫm quá. Lần trước cô cũng xung phong nhưng con chưa thôi nôi nên tôi quyết không cho cô đi. Lần này nghe cô nói tôi cũng an tâm, thôi thì nhất trí ghi tên cô vào danh sách.

Bác sĩ Hoa nghe trưởng khoa nói mừng không thể tả.

*

*      *

Ăn cơm tối xong, chị Hoa thưa với cha mẹ chồng về việc chị đã tình nguyện xung phong vào Bệnh viện dã chiến thành phố Hồ Chí Minh chữa bệnh cho nhân dân mắc Covid-19. Cha mẹ chị suy nghĩ một chặp rồi mới gục đầu đồng ý. Mẹ chồng chị nói:

– Con đi thì được, nhưng nghĩ tội cho hai đứa nhỏ. Sợ nó nhớ mẹ rồi khóc miết. Hôm trước cha nó đi mà nó khóc mấy ngày. Trong giấc ngủ nó cứ kêu cha mãi. Nhưng thời buổi đại dịch biết làm sao. Mình phải vào đó giúp họ dập dịch. Đây là một việc làm nhân nghĩa đấy con.

Chị nhỏ nhẹ thưa:

– Con cảm ơn cha mẹ. Con đi chắc cha mẹ phải chịu cực. Cha mẹ cố gắng giúp vợ chồng con. Hết dịch chúng con về.

– Có gì đâu mà ơn với nghĩa, cực với khổ. Hằng ngày hai đứa nó vẫn ở nhà với ông bà nội mà. Chỉ sợ tối nó khóc thôi. Nó khóc vài bữa không sao. Chống dịch như chống giặc. Vì Tổ quốc, vì nhân dân mình phải biết hy sinh chứ con.

Chị Hoa cuối đầu, nói:

– Dạ, một lần nữa con cảm ơn cha mẹ.

Sáng hôm sau chị chào cha mẹ chồng, hôn hai đứa con rồi mang ba lô lên đường. Bé gái lớn hỏi:

– Bao giờ mẹ về?

Chị nói:

– Mẹ đi bao giờ hết dịch mẹ mới về với con. Con ở nhà với ông bà nội phải biết vâng lời nghe con.

Con bé lớn phụng phiệu.

– Hôm trước cha cũng bảo mai mốt hết dịch mà nay vẫn chưa thấy về.

Chị cúi xuống hôn hai con lần nữa.

– Con mẹ ngoan lắm. Ở nhà với ông bà nội. Chuyến này mẹ vào thành phố chữa bệnh cho các bác. Mai mốt các bác khỏe là mẹ về ngay với hai con.

Con bé lớn khóc thét.

– Không… Không… con không cho mẹ đi!

Thằng bé cũng khóc theo.

Ông bà nội phải dỗ dành hai đứa mới nín.

Chị chào cha mẹ chồng rồi bước đi.

Cha chồng chị dặn:

– Chống dịch hơn chống giặc đấy con. Con cứ vững tâm đi làm nhiệm vụ. Cha mẹ ở nhà sẽ chăm sóc các cháu chu đáo.

Chị cảm ơn cha mẹ chồng lần nữa rồi bước ra khỏi ngõ mà nước mắt ướt nhòe. Bước lên xe chị quay lại nhìn cha mẹ chồng và hai con mà lòng quặn thắt. Cũng tại con Covid 19. Nếu không có con Covid 19 thì giờ này gia đình chị sum họp. Chị là bác sĩ chuyên Khoa hồi sức cấp cứu làm việc ở bệnh viện tỉnh, chồng chị là sĩ quan quân đội làm việc ở huyện đội. Hai vợ chồng sáng đi làm, trưa về nhà cơm nước cùng cha mẹ con cái rồi chiều đi làm tiếp. Từ ngày con Covid 19 xuất hiện cuộc sống của gia đình chị bị đảo lộn. Mà không riêng gì gia đình chị. Nơi nào có dịch thì cuộc sống của người dân đều đảo lộn cả. Chị nghĩ thương hai đứa con còn bé bỏng quá, thương cha mẹ chồng chị phải cực khổ với hai đứa cháu nội. Phải chi chồng chị ở nhà thì đỡ hơn. Chồng chị chăm con giỏi lắm. Những lúc chị đi trực ca đêm chồng chị ở nhà lo cho con rất chu đáo. Bây giờ anh đang ở chốt phòng chống dịch Covid 19. Anh đi đã hơn tháng rồi. Anh đang cùng động đội phải trực ở chốt để kiểm soát người qua lại, kiểm tra giấy tờ, khử khuẩn, đo thân nhiệt, đưa người đi cách ly. Công việc của anh rất gian nan. Những ngày anh mới đi, tối tối chị mở ti vi xem thời sự nghe thấy đồng đội của anh mặc đồ bảo hộ đang kiểm tra những người từ vùng có dịch trở về quê dưới cái nắng như đổ lửa, có những đêm các anh thức trắng, có hôm các anh không kịp ăn cơm, nước không kịp uống, chị thương quá. Biết công việc của chồng vất vả nên chị không dám gọi điện mặc dù rất nhớ. Cả tháng chồng chị chỉ điện về một lần trên zalo để nhìn mặt con. Anh nói vội vã vài câu rồi tắt máy lo công việc. Thật tội nghiệp. Trong thời buổi dịch giã đang hoành hành biết bao nhiêu anh bộ đội đã vì nước vì dân mà ngày đêm lo phòng chống Covid 19. Các anh trụ bám ở chốt chặn ăn lán ngủ rừng nơi biên cương heo hút. Có biết bao anh bộ đội xa gia đình lâu ngày không được về thăm. Có những anh bộ đội phải gác lại niềm hạnh phúc riêng, hoãn cưới vì nhiệm vụ tuyến đầu chống dịch. Có những anh bộ đội đang làm nhiệm vụ tại chốt phòng chống dịch Covid19 khi nhận tin cha mẹ mất cũng không thể về tiễn biệt chỉ lặng lẽ thắp nén nhang tại chốt tưởng nhớ đấng sinh thành. Nghĩ đến đây chị thấy xót xa. Chị giận con Covid 19 quá chừng. Chị không còn nghĩ đến chuyện xa con nữa. Con chị ở nhà đã có ông nội, bà nội lo rồi. Bây giờ chị quyết tâm vào trong tâm dịch thành phố cùng các bác sĩ tuyến đầu dập dịch thật nhanh. Chị tin tưởng sẽ chiến thắng con Covid 19 trong thời gian ngắn nhất.

*

*      *

Để hoàn thành nhiệm vụ chống dịch, chị phải trải qua những ngày tháng khắc nghiệt nhất trong cuộc đời, quên đi gia đình, quên đi sức khỏe của chính bản thân mình. Đó là những ngày làm việc xuyên ngày trắng đêm, ăn không đúng bữa, ngủ tính từng giây, toàn cơ thể rã rời và ướt sũng trong bộ đồ bảo hộ, da sạm đi mắt thâm quầng… Chị không có một tý thời gian gọi điện về hỏi thăm cha mẹ, con cái. Đến bữa ăn chị mới tranh thủ gọi zalo về cha mẹ hỏi thăm sức khỏe cả nhà và nhìn mặt con một tí là lao vào công việc. Có hôm mệt quá chị ngất xỉu. Đồng đội phải sơ cứu cho chị. Khỏe rồi chị lại tiếp tục. Chị làm việc quên giờ giấc, quên cả ngày sinh nhật của mình. Khi nghe sếp nói: “Hôm nay sinh nhật bác sĩ Hoa mà không có quà gì hết”. Chị mới nhớ ngày sinh của mình. Chừng này hai năm về trước chồng chị tổ chức sinh nhật cho chị vui lắm. Đồng nghiệp đến dự tặng quà rất nhiều. Nhưng hai năm nay con Covid 19 hoành hành nên vợ chồng chị phải xa nhau, sinh nhật cũng không ai nhớ hết. Chồng chị hôm nay cũng không gọi điện chúc sinh nhật được. Không có sếp nhắc chắc là quên luôn. Chị nhìn sếp cười và nói: “Cảm ơn sếp rất nhiều. Em đã có quà rồi. Món quà lớn nhất của em là bệnh nhân khỏe mạnh. Mỗi lần nhìn thấy những người mắc Covid 19 xuất viện là mỗi lần em thấy nhẹ nhõm. Họ cũng như người thân của em vậy”…

*

*      *

Thời gian thấm thoắt thoi đưa. Mới đó mà đã gần hai tháng rồi, chị và các thành viên trong đoàn đã ngày đêm chiến đấu anh dũng với con Covid 19, cứu rất nhiều bệnh nhân nặng và nguy kịch thoát khỏi lưỡi hái của tử thần. Các bệnh nhân nhiễm Covid 19 nặng và nguy kịch đã lần lượt khỏi bệnh và được xuất viện về nhà. Chị mừng không thể tả. Nhưng tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Biến thể Delta biến hóa vô cùng nguy hiểm. Chị cầu mong cho con Covid 19 bị tiêu diệt trong thời gian sớm nhất để nhân dân bớt khổ và chị được về với gia đình. Nhìn cháu bé năm tuổi vừa khỏi bệnh chuẩn bị xuất viện chị vui như mở cờ trong bụng, chị nhớ đến hai đứa con đang ở nhà với ông bà nội quá chừng. Chị muốn về ngay để ôm chúng vào lòng mà hôn mà hít cho thỏa lòng mong nhớ. Chị lấy di động ra mở zalo gọi mẹ chồng để tâm sự và nói chuyện với con. Thấy con trên zalo hỏi: “Bao giờ mẹ về?” chị cố giấu những giọt nước mắt trả lời con: “Bao giờ hết dịch mẹ mới về”.

Viết trong những ngày giãn cách vì Covid 19. 01/8/2021

P.V.H