Bạo lực học đường và những vấn đề liên quan cần khắc phục

586

Hồ Xuân Đà

(Vanchuongphuongnam.vn) – Thiết nghĩ, muốn vấn nạn bạo lực học đường dừng lại, giảm xuống, thì chúng ta cần có những sự hợp tác, chia sẻ cùng nhau, để làm nên một môi trường giáo dục tốt nhất cho tất cả các em học sinh. Đó chính là cha mẹ phải làm gương, phải xây dựng gia đình là một chiếc nôi, là truyền thống nền tảng của những bài học về giáo dục đạo đức; thầy cô phải là người coi sự nghiệp trồng người là lý tưởng sống, là sự nghiệp xây dựng đất nước; các ngành văn hoá – thông tin – truyền thông – giải trí, phải làm sao để môi trường mình tạo ra không là những điều lo ngại, làm lệch lạc xu hướng phát triển của các em.

Nhà văn Hồ Xuân Đà 

Trong bức tranh của môi trường giáo dục nước ta hiện nay, phải công nhận rằng đội ngũ thầy cô giáo có những nỗ lực nhất định cho việc truyền đạt kiến thức, bài giảng cho các em học sinh, chương trình học  được đổi mới thường xuyên liên tục, nhằm cố gắng đạt được những giá trị tốt nhất cho các em. Những buổi sinh hoạt lớp, sinh hoạt dưới cờ mỗi thứ hai đầu tuần, sinh hoạt chủ nhiệm, họp phụ huynh học sinh, các trường đều rất quan tâm, thực hiện đều, mà chúng ta nhận thấy được qua các báo cáo, các trang thông tin của nhà trường. Sự phản hồi của tích cực của cha mẹ học sinh, điều này giúp chúng ta củng cố thêm niềm tin cho đội ngũ thầy cô giáo nhiệt tâm hơn, cố gắng cho việc giáo dục đào tạo con người – một trong những chương trình quốc gia hàng đầu trong công cuộc xây dựng phát triển đất nước.

Tuy nhiên, những vấn đề liên quan đến bạo lực học đường, nhìn chung vẫn còn xảy ra. Chúng ta nhìn thấy được qua các video clip, hình ảnh qua các trang mạng xã hội, có thể chỉ là một phần nổi trong tảng băng chìm, được ai đó quay lại, chia sẻ với cộng đồng. Còn lại, những tình huống, sự việc bạo lực học đường vẫn còn phức tạp, âm ỉ trong môi trường giáo dục, mà không phải dễ dàng gì phát hiện, xử lý, can thiệp ngay lập tức, hoặc vô tình biết được, thấy được nhưng vô tình cho qua. Bạo lực học đường đâu chỉ có việc động tay động chân, mà còn có bạo lực tinh thần, bạo lực lời nói, tấn công mạng xã hội, hiếp đáp những đối tượng bị phân biệt đối xử, phe nhóm hơn thua lẫn nhau trong một lớp học, một ngôi trường. Là những bậc phụ huynh có con đang học tập, chắc chắn chúng ta sẽ rất đau lòng trước vấn nạn này, bởi một ngày các con học tập, sinh hoạt ở trường lớp là chủ yếu, thời gian ở trường dài hơn ở nhà, với các mối quan hệ xã hội khác nhau, mà không đơn giản gì cho việc quản lý của cha me. Nếu chẳng may con cháu mình là nạn nhân của bạo lực học đường thì hậu quả để lại rất là to lớn về sức khỏe tinh thần, lẫn thể chất, cho hiện tại lẫn di chứng về sau. Vậy trước những vấn đề liên quan đến bạo lực học đường mà chúng ta nhìn thấy trước mắt, chúng ta có nên để cho tự nhiên xảy ra, và phó mặc tất cả trách nhiệm giáo dục, giáo dưỡng, xử lý, cho thầy cô giáo ở nhà trường. Tôi nghĩ, chúng ta cần cùng nhau nhìn vào thực tế của xã hội mà chung tay làm nên một môi trường giáo dục an toàn hơn, thân thiện hơn, để làm sao trường học là ngôi nhà của niềm vui và hạnh phúc của mỗi thầy cô giáo và học sinh. Một môi trường nói không với bạo lực, một môi trường hoàn toàn trong sáng, sẻ chia, tương trợ, nhân văn, nhân ái, thấu cảm – một nơi là chiếc nôi của tình thương con người, nơi hình thành những phẩm cách tốt đẹp nhất cho mỗi học sinh khi rời ghế nhà trường trở thành con người hữu ích – có những giá trị nhân bản, biết đấu tranh cho những điều tốt đẹp, và nói không với những hành vi bạo lực, xa rời đạo đức vốn có của một con người.

Nếu gõ từ khóa “học sinh đánh nhau” trên trang tìm kiếm Google, chỉ trong vòng 0,38 giây, sẽ nhận được 130.000.000 kết quả có liên quan. Quay ngược thời gian trở về trước, những vụ việc như: ba học sinh ở thành phố Vinh (Nghệ An) hành hung bạn; học sinh Hà Nội hành hạ bạn giữa vườn hoa công viên với những hành động túm tóc, lột áo, học sinh trường THCS Chu Văn An (Thành phố Hồ Chí Minh) đánh bạn, quay phim; học sinh lớp 10 ở trường THPT Hồng Bàng tỉnh Đồng Nai đâm chết bạn ngay tại cửa lớp… đã làm nhức nhối dư luận và làm đau lòng các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo và xã hội. Thực trạng về những vụ việc và con số nói trên đã gióng lên hồi chuông báo động về đạo đức, hành vi, lối sống của học sinh, sinh viên hiện nay.

Kết quả tìm kiếm trên Google cho cụm từ học sinh đánh nhau trong thời gian 0,38 giây có kết quả vô số hình ảnh, sự việc xảy ra

Tuy nhiên, việc chỉ biết gửi gắm hết trách nhiệm cho nhà trường theo đại đa số các bậc cha mẹ hiện nay là một điều rất đáng lo, dù chúng ta vẫn biết rằng cha mẹ luôn bận rộn, trong công việc mưu sinh, con trẻ phụ thuộc hết vào sự quan tâm dạy dỗ của thầy cô, với những trọng trách truyền tải rất nan giải từ giáo dục kiến thức, văn hóa, đạo đức, kỹ năng xã hội. Trong khi đó, môi trường mạng xã hội, các trang web giải trí, phim ảnh, các minh họa trong clip ca nhạc, thậm chí các trang báo mạng, truyện online, đậm mùi bạo lực, hướng các em đến những suy nghĩ lệch lạc, xa rời chuẩn mực đạo đức xã hội, đua đòi theo những giá trị ăn chơi, đòi hỏi vật chất, sống dựa vào sự hơn thua, đố kị, từ đó, học sinh các cấp, không ngừng xảy ra những vụ việc  bạo lực học đường, đủ mọi hình thức, đủ mọi cấp học, đủ mọi lý do, phương thức xảy ra. Ngay cả học sinh nữ là đối tượng hiền ngoan được cha mẹ thầy cô tin tưởng cũng đã biết sử dụng thuần thục hành vi bạo lực giải quyết các vấn đề mâu thẫn, mà ở thời gian trước đây không xảy ra, nhưng bây giờ chúng ta hoảng hốt khi các em xé áo, vò tóc nhau, rồi công khai tung hô hành vi ấy. Có lần, tôi xem một video clip trên mạng xã hội Facebook, về vụ việc một nhóm học sinh đứng xem bạn mình bị bạn bạo hành, mà không can ngăn, còn thản nhiên quay video clip tung lên mạng, xem như đó là một việc làm được hoan nghênh, được cổ vũ. Tôi thật sự hoang mang, thật sự lo lắng trước tương lai của một thế hệ của hôm nay. Các em học sinh hung dữ, manh động trong video clip ấy, đã được giáo dục như thế nào, các em đã hiểu gì về đạo đức của một con người, khi chính hành vi của các em là nguyên nhân sâu xa đế bắt cầu cho những trận bạo lực kinh hoàng, làm bao học sinh ngoan hiền phải hoảng sợ, rùng mình. Ở lứa tuổi chưa thể biết hết, hiểu tới những giá trị cốt lõi của sự tự hào, thành tích của con người, thì các em cứ nghĩ rằng, bản thân mạnh hơn người khác ở cái nắm đấm, trở thành thủ lĩnh của một nhóm học sinh là niềm tự hào. Đây chính là một lối suy nghĩ lệch lạc, mà người lớn chúng ta, cùng những người làm công tác giáo dục cần can thiệp ngay, và có phương pháp giáo dục kịp thời với các em này, để các em không là nỗi lo, sự ám ảnh cho những học sinh khác. Cùng với hiệu quả đó, đừng để quá muộn những hành vi kích động bạo lực đi sâu vào suy nghĩ chưa tới của các em. Sự can thiệp sớm của nhà trường, của cha mẹ, sẽ kịp thời đưa các em vào khuôn khổ, chân lý sống của một công dân tốt về sau.

Là những người lớn chúng ta thật sự đau lòng, thật sự ưu tư. Làm sao đây, khi mối quan hệ giữa những học trò trong môi trường giáo dục bị căn bệnh bạo lực thống trị, trẻ em giải quyết mâu thuẫn bằng những nắm đấm thay cho sự thấu hiểu, vị tha, chia sẻ cho nhau. Ngay từ cấp học nhỏ nhất, là cấp học mầm non, trẻ em chúng ta cũng đã biết dùng những hành vi đậm chất bạo lực, sử dụng sức mạnh thể chất, đụng tay đụng chân để giải quyết mâu thuẫn, và có đôi khi cha mẹ vô tình cũng ủng hộ hành vi đó. Vì có lần, tôi trao đổi với phụ huynh về vấn đề học sinh lớp mình thường xuyên đánh bạn, cào cấu bạn, thì phụ huynh lại trả lời: “Chắc tại nó bị bạn đánh, bạn giành đồ chơi, thì nó phải đánh lại, chứ không đánh lần sau lại bị ăn hiếp, tôi cho phép nó phải tự bảo vệ mình, nếu cô giáo ở trong lớp không thể quản lý hết, hoặc bảo vệ con tôi”. Tôi cố gắng giải thích rằng trẻ con vui chơi với nhau thì sẽ xảy ra những va chạm, mâu thuẫn, nhưng dù sao cũng phải hướng các em nhường nhịn, chia sẻ, thông cảm cho nhau, có như vậy thì sự giáo dục mới đạt hiệu quả, mới hướng các em tới sự hướng thiện. Vai trò của ba mẹ, thầy cô giáo phải cùng chung quan điểm đó, chứ cứ mỗi khi con đi học về, kể cho ba mẹ nghe, hôm nay ở trường con có gặp bạn này bạn kia, và bị bạn này xô ngã, bạn kia giành chỗ ngồi, thì ba mẹ lại khuyên là sao con không tự giải quyết cho đứa này, đứa kia một trận, nói với ba mẹ làm gì, hơn thua ở ngoài đường, chứ không về kêu ba mẹ, vì ba mẹ đã quá mệt. Trong sự giáo dục giữa gia đình và nhà trường chưa tìm được tiếng nói chung, cha mẹ vẫn có tấm gương về bạo lực gia đình, thầy cô vẫn bất lực trước những hành vi của trẻ, áp lực từ sĩ số, thành tích mà thỉnh thoảng vẫn có biện pháp dùng hình thức phạt bằng bạo lực để giải quyết tình huống sư phạm. Từ đó, lâu dần – một số thành phần trẻ em nước ta, có những hành vi gây gỗ, thích đánh nhau, phe nhóm, bầu làm thủ lĩnh, đại ca, hiếp đáp những em học sinh hiền ngoan, yếu đuối, hoặc có hành vi lợi dụng vật chất, đe dọa tinh thần bạn bè trong trường lớp. Đây chính là thực trạng rất đau lòng, rất cần sự can thiệp kịp thời của tất cả những người có trách nhiệm với các em học sinh, cùng với việc cải thiện môi trường giáo dục một cách kịp thời hiệu quả nhất. Sự quan tâm ấy, không riêng gì của các cấp các ngành, mà cần nhất là sự hợp tác của các gia đình.

Tuy nhiên, có rất nhiều gia đình luôn quan tâm giáo dục con em của mình, nhưng cũng có rất nhiều em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, thiếu thốn sự quan tâm của gia đình, kiếm khuyết về nền tảng giáo dục, hoặc bị ảnh hưởng nặng nề về tư tưởng bạo lực trong phim ảnh, ảnh hưởng từ người lớn trong gia đình, thì nhà trường cần có những biện pháp kịp thời, qua thông tin rà soát, bởi giáo viên chủ nhiệm, cập nhật hồ sổ sách tâm lý của các em để nhằm can thiệp sớm, hỗ trợ tinh thần kịp thời cho các em, bởi các em ở những hoàn cảnh và tâm trạng này, luôn manh nha tiếp cận với bạo lực rất nhanh, cùng với nguy cơ rất cao.

Đứng trước những vấn đề của của bạo lực học đường hiện nay, chúng ta cần có những cách nhìn khách quan thẳng thắn, bởi trách nhiệm của ngành giáo dục là đào tạo con người có tài lẫn có đức, mà sự giáo dục không riêng gì nhiệm vụ của một ngành, bởi các em bị ảnh hưởng từ các nguồn thông tin, văn hoá xã hội khác nhau, từ gia đình đến nhà trường, từ môi trường học đường cho đến văn hoá giải trí, từ hàng xóm phố phường cho đến bạn bè, rồi từ cha mẹ cho đến ứng xử học đường. Đây chính là một vòng tròn rất là liên quan với nhau. Một vòng tròn mà sự ảnh hưởng tác động lên hành vi lối sống, nhân cách của mỗi em học sinh không hề nhỏ. Cho nên, thiết nghĩ, muốn vấn nạn bạo lực học đường dừng lại, giảm xuống, thì chúng ta cần có những sự hợp tác, chia sẻ cùng nhau, để làm nên một môi trường giáo dục tốt nhất cho tất cả các em học sinh. Đó chính là cha mẹ phải làm gương, phải xây dựng gia đính là một chiếc nôi, là truyền thống nền tảng của những bài học về giáo dục đạo đức, thầy cô phải là người coi sự nghiệp trồng người là lý tưởng sống, là sự nghiệp xây dựng đất nước, các ngành văn hoá – thông tin – truyền thông – giải trí, phải làm sao để môi trường mình tạo ra không là những điều lo ngại, làm lệch lạc xu hướng phát triển của các em, các chương trình game, văn hoá phẩm có chất bạo lực cần phải kiểm duyệt chặt chẽ về nội dung, đồ chơi cho trẻ em cũng vậy, cần có những biện pháp quản lý chế tài kịp thời, nhằm ngăn chặn đẩy lùi những tác hại đáng có lên thế hệ học sinh của chúng ta hiện nay.

Bạo lực học đường là một đề tài rất cần sự quan tâm của toàn xã hội ngay từ bây giờ. Muốn ngăn chặn và đẩy lùi nó, cần có sự chung tay của toàn xã hội. Bạo lực học đường và những vấn đề liên quan đến, không phải thực hiện trong một sớm một chiều, mà cần sự quan tâm sâu sát, bền lâu, không xa rời trong tất cả các mặt ảnh hưởng tới nó.

Ngày 18.02-2020

H.X.Đ