Bảo Tấn – Thơ và khả năng tiềm ẩn

55

CHÂU HOÀI THANH

(Vanchuongphuongnam.vn) – Bảo Tấn tên thật là Huỳnh Tấn Bảo, khuôn mặt mới trong làng Văn nghệ tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu những năm gần đây.

Gặp Bảo Tấn, cảm xúc đầu tiên khá ấn tượng bởi mái tóc dài cột túm phía sau. Nụ cười luôn trên môi và cách nói chuyện hài hước. Ở đâu có mặt Bảo Tấn là ở đó là vui. Bạn bè thân thiết gọi anh là nhà sáng tạo ngôn ngữ bởi anh có thể nói xuôi ngược, bắt lái từ, hết đưa lên cao lại hạ xuống thấp khiến cho những ai gần anh, thật hoạt ngôn mới có thể đối đáp được.

Sinh năm Bính Thìn 1976. Bảo Tấn là người tài hoa. Vừa là họa sĩ, vừa đam mê viết. Được biết họa sĩ là nghế chính, cho anh thu nhập đủ sống. Bảo Tấn đã có nhiều cuộc triển lãm tranh nơi mình sinh sống với đầu tư khá chăm chút và tỉ mẫn.

Vào Hội Văn học Nghệ thuật chưa lâu thì anh cho ra đời tập thơ Thả trôi nổi buồn năm 2020 khá ấn tượng với chất liệu giấy tốt, nhiều bài thơ nổi bật, độ dày tới 368 trang, bao gồm thơ và nhiều bức ảnh chụp các bức tranh anh vẽ.

Và mới đây thôi, tập thơ thứ 2 của anh ra đời khiến bạn bè Văn nghệ bàn tán xôn xao. Với 109 bài thơ, Ngủ dưới chân em là bước dấn thân mạnh mẽ của Bảo Tấn với con chữ. Nếu như với “Thả trôi nổi buồn” là những cảm xúc ngồn ngộn đan xen, gồm nhiều đề tài, nhiều cách viết thì với Ngủ dưới chân em là sự chỉn chu, sự chắt lọc khá tinh tế. Nói nôm na, như thể khi ta nấu thức ăn, biết nêm nếm các dư vị sao cho vừa khẩu. Nếu so sánh thì cái chất khác người, sự nổi loạn, táo bạo trong thế giới chữ nghĩa từ tập thơ trước vẫn là sự trở lại để tạo nên một Bảo Tấn chẳng giống ai. Một Bảo Tấn đặc biệt trong tập thơ sau.

Đọc bài giới thiệu của nhà thơ Nguyễn Thánh Ngã trong mở đầu tập thơ, tôi tâm đắc nhất là ý niệm, thơ Bảo Tấn là “mùi hương đọng trên cỏ, theo gió đi vào cõi nhân gian”.

Ngủ dưới chân em, ngoài một số bài thơ về đề tài khác như “Mẹ gánh mùa Xuân”, “Mưa Thánh đường”, “Bà Rịa tháng năm”, “Chơ Ro”, “Hương đất”, “Có thể lắm”, chủ thể của tập thơ là những bài thơ tự sự về tình yêu. Những bài thơ với cảm xúc đắm đuối, say mê, sẵn sàng dâng hiến.

Sự tôn sùng Tình Yêu thành vị Thần đã thể hiện ngay từ tiêu đề và cũng là đề của bài thơ: Ngủ dưới chân em:

 “Đêm qua em về khu vườn tôi/ mùi hương đọng trên bông cỏ/ con sâu uống mật say/ sáng nay cuộn tròn nằm ngủ… Sáng nay tôi bung cánh cửa/ vén rèm/ hong ấm chiếu chăn/… xin ở cùng ngôi nhà tôi/ trên chiếc giường xinh trải hoa nguyệt quế/ cho tôi nâng niu gót hài/ ngủ dưới chân em.”

Tác giả luôn đặt chủ thể, một cái “tôi” rất riêng nhưng lại rất chung, rất đời. Anh đã coi Tình yêu là “Thiên thần”, và khi yêu thì vô cùng say đắm, “tôi yêu em/ yêu đến héo mòn”:

“Giai nhân ơi/ ta dại khờ rồi/ xin cho ta đắm/ giữa nụ cười tinh khôi… Tim ta sống lại rồi/ xin cho ta thở nhịp đời lứa đôi/ cho ta ngất giữa đất trời/ đến khi tỉnh lại đôi môi em kề…” (Giai nhân ơi. Tr 65)

Vì yêu nên anh có thể hy sinh cả cuộc đời để chờ đợi:

“Tôi ngồi đợi em/ hoàng hôn đã nhuộm cuống lá/ một chiếc vàng rơi theo gió xuống chiều… Tôi vẫn mãi đợi em, hết một ngày, một tuần, một mùa, một năm, nửa đời hay dài hơn nữa/ dẫu một lát bằng cả trăm năm.” (Mùa thu phỉnh lừa tôi. Tr 67)

Con người, thường khi đã yêu thì có thể bất chấp. Sự táo bạo trong ngôn ngữ đã tạo ra cho thơ Bảo Tấn nét riêng biệt, không lẫn vào đâu được. Có nhiều bài thơ có những câu rất gợi tình:

“Tôi bắt đầu chạm môi hôn/ nụ hoa có thể làm tươm máu cho tim tôi lần nữa/ nhưng tôi sẽ không còn sợ…”

“Cho tôi bầu vú ngọt ngào/ để tôi tìm lại nhiệm màu cuộc yêu..”

“Tôi buồn/ bẻ vụn trăm năm/ để tìm trong ấy một lần dấu yêu/… mảnh nào ráp lại tình say/ bờ môi rạo rực/ đôi tay khát tìm/ mảnh nào khắc cốt ghi tâm/ mảnh nào dang dỡ/ lỡ lần thức thao…” (Tôi buồn. Tr18)

“Em vóc xuống tim tôi ngụm nước/ suối nguồn tình ái đã hồi sinh/ tôi yêu như thể thời non dại/ cháy hết lòng cho những ngày xanh.” (Em gieo hạt thắm. Tr 73)

Có lẽ vì yêu đến thế, say đến thế, hy sinh và dâng hiến đến thế nên khi Tình yêu vỗ cánh bay đi, lại để lại cảm giác đau, buồn và thấm. Đó là  những bài thơ diễn tả cảm xúc mất mát, hụt hẫng:

 “Mùa thu rời đi/ có nhắn lại gì trên chiếc lá/ … Mùa thu cũng như em/ đi một lần là biền biệt/ còn nhớ chi hẹn thề…” (Chong mắt. Tr 47)

Và lúc này, ngôn từ như được dịp trổ hoa trong thất vọng và đớn đau:

“Em như cây/ không chia nhựa sống cho tôi là lá/ đời như ngâu cho tôi xác lìa cành/ niềm đau cứ thốc vào tim tôi như gió/ tôi quắt queo/ tình vùi ngõ đêm sâu.” (Hàng nghìn thế kỷ. Tr 30)

“Tơ duyên sợi chỉ đã mòn/ cứ ngồi khâu mối tình son đã nhàu… Yêu một người đã xa rồi/ chỉ còn bóng dáng trong lời thơ đau” (Nghèo. Tr 49)

Cái ấn tượng của tôi với Ngủ dưới chân em không hẳn vì các bài thơ được chắt chiu, được nhân cách hóa Tình yêu với các ngôn từ mạnh mẽ, sâu sắc mà vì tôi nhận ra, sự say mê, đắm đuối của Bảo Tấn không hề đem tới sự bi lụy, buồn đau, mất phương hướng cho người đọc. Cái sự yêu đến điên cuồng, yêu hết mình không làm lu mờ cái ý chí vươn lên, sự khát khao cháy bỏng trong con người Bảo Tấn.

Anh nhận ra, thế giới Tình yêu, nếu tồn tại, nếu còn được với nhau thì như ngọn lửa, sẽ cháy bùng lên, mang lại sự hạnh phúc, hơi ấm nhưng nếu “Mùa rời đi, Nỗi buồn có “di căn” hay “Mùa thu” có “phỉnh lừa” đi nữa thì Tình yêu cũng đem đến sự ngọt ngào, yêu thương không tưởng. Theo như anh viết: “Vì những vết thương tình ái/ đều khắc dấu ngọt ngào/ trong nỗi đớn đau...”

Buồn nhưng không não, kiểu như “Đẹp và Buồn” ta thường nói:

“Tôi về úp mặt vào tôi khóc thầm/ nước mắt dẫu có đìa đầm/ nhưng khóc chỉ được vài lần rồi thôi…” (Giận. Tr 96)

“Ta ngồi chơi với nỗi buồn chút nữa/ để kể về em người muôn thuở người dưng…. Ta ngồi chơi với nỗi buồn/ rồi đi tìm kết bạn với niềm vui.” (Ta ngồi chơi với nỗi buồn. Tr 93)

 “Có hôm ngồi ngắm lá thu trên đồi/ mới hay đời cũng là đơn côi/ chiếc theo gió xoay xoay ngay trời/ chiếc theo nước xoáy trên dòng chơi vơi/… có khi ngồi nhớ tình xưa xưa rồi/ mới hay em đã nhập vào hồn tôi/ thì ra cay đắng trộn chung ngọt bùi…” (Kiếp này đơn côi. Tr 46)

Tôi còn ấn tượng bài thơ này bởi nó tựa như một bài hát. Cứ ngân lên, ngân lên làm say đắm lòng người.

Với Bảo Tấn, tình yêu luôn được chào đón, được trân trọng, được nâng niu nhưng nếu không đủ duyên, đủ chín thì khi nó rời đi, ngày vẫn đến, ánh sáng ấm áp sẽ giúp con người xua tan mọi buồn đau, giúp con người lấy lại thăng bằng:

 “Tôi đợi gì ở ban mai/ vừa mở cửa ra tiếng chim rơi trên bụi hồng/ thánh thót/ mặt trời xuyên tia nắng vào đêm/ … ban mai/ gửi gắm cho tôi niềm hy vọng/ …/ tiếng chim bay trên những đóa hồng/ nắng lấp đầy ngõ tối.” (Mở cửa ban mai. Tr 132)

Khép lại bài thơ cuối của tập thơ Ngủ dưới chân em, có người cho rằng, thơ Bảo Tấn là sự cách tân mới mẻ, tuy nhiên về nghệ thuật, anh đặt chân và mới bắt đầu những thi ảnh mang tính nghệ thuật thơ hiện đại. Tôi đồng tình với ý kiến này và nói thêm: Những từ khơi gợi “Cách điệu” như “di căn” “Ngủ dưới chân em” “Trùng tu nỗi buồn” “Mở cửa ban mai” “Bàn tiệc đêm” “Kí ức cỏ” trong tập thơ vẫn còn dừng lại ở thi ảnh mà chưa thể chạm vào thứ nghệ thuật “tinh hoa” “siêu hình ảnh” như một số nhà thơ khác.  Phải chăng? Đó chỉ là bước khởi đầu trong sự tìm tòi, khai mở để rồi một ngày nào đó anh sẽ cho ra đời nhiều thi phẩm mang tính hiện đại hay hơn nữa.

Đọc hết “Ngủ dưới chân em”, tôi còn rất ấn tượng những bài thơ lục bát của anh với lối gieo khá “trôi” như bài “Hồ đông”, “Thôi em, tôi sợ” hay “Trăng là trăng rụng”…

Một điều mà tôi còn muốn nói thêm về con người này. Bảo Tấn. Cái tên bút danh đảo ngược khiến ai gọi kiểu gì cũng được vừa là họa sĩ, là nhà thơ, và được biết, anh còn là người hoạt động xã hội thời gian hơn mười lăm năm trước. Những ngày tháng đã qua cho anh nhiều tư liệu về xã hội, con người, tình yêu… Anh không thể tải hết những cảm nhận bằng thơ hay tranh vẽ, nhiều khi anh dấn thân vào thể loại văn xuôi, truyện ngắn. Anh cho ra đời nhiều bài viết ngắn dưới dạng tạp bút, truyện ngắn ngắn. Dù chưa có tiếng vang nhưng cũng là một dấu mốc để mọi người nhìn nhận cái tài năng tiềm ẩn đầy tính nghệ thuật trong con người anh.

Hy vọng những năm tới, ngoài những bức tranh vẽ, anh sẽ cho ra nhiều tác phẩm thơ, truyện ngắn, tạp văn hay và giá trị hơn nữa.

Vũng Tàu 19-6-2024

C.H.T