Bảo tồn sự minh triết cho di tích lịch sử ĐBSCL

805

01.10.2017-12:30

NVTPHCM- Đến thăm những nơi bảo tồn cảnh quan di tích lịch sử hiện nay ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), chúng ta không khỏi quan ngại bởi hiện trạng môi trường trước đây đã bị thay đổi rất nhiều. Nhiều nơi dây leo phát triển chằng chịt, rừng tràm, dừa nước ngày xưa nay đã bị thay bằng những nhóm cây chịu ngập khác.

 

Nhiều nơi ngày trước có nước mặn ra vào trong mùa khô, nước phèn đỏ quạch vào đầu mùa mưa, hay nước ngập đến vài mét trong mùa lũ, thì nay chỉ còn mực nước lé đé mặt đất quanh năm. Thậm chí có nơi nước đọng quanh năm cùng với sự phân hủy chất hữu cơ làm cho nước bốc mùi, đen ngòm nên cá tôm, chim cò, rùa rắn cũng chẳng biết còn được bao nhiêu?

 

Cũng bởi lo sợ cháy trong mùa khô nên nhiều nơi đã chi hàng tỉ đồng để đào kênh, xẻ mương, làm đê bao, cống đập để giữ nước quanh năm. Có nơi vì phải xây nhà truyền thống, tượng đài, bia miếu nên phát triển đường sá, kênh mương chằng chịt. Kiểu quản lý như vậy kéo dài hàng chục năm đã làm thay đổi hoàn toàn môi trường nơi đây, biến một hệ sinh thái ổn định thành hệ sinh thái dễ bị tổn thương.

 

Nếu với thực trạng như bây giờ, chắc hẳn khách tham quan không khỏi băn khoăn lẽ nào các vị tiền bối trước đây lại chọn những nơi này làm chốn dung thân? Nếu địch bao vây hàng tháng thì lấy đâu ra nước để uống? Lấy đâu ra cá tôm, rau củ, rùa rắn để mà ăn mà sống? Tệ hơn là nếu địch “hạ mực nước” trong mùa khô bằng cách đào các con kênh tiêu thoát, thì toàn bộ các khu vực này sẽ biến thành một “đống rơm khô” do các loài thực vật đang có hiện nay không chịu được khô hạn, và như vậy chỉ cần một mồi lửa sẽ thiêu rụi mọi thứ thì liệu các hầm bí mật ở đây có còn được xem như là sự sáng tạo trong chiến tranh?

 

Lịch sử Việt Nam qua bao cuộc chiến tranh cho thấy chúng ta luôn đánh nhau trong tư thế yếu hơn quân giặc nhiều thứ. Chính vì vậy mà ông cha ta đã biết sử dụng vốn hiểu biết về môi trường để làm vô hiệu sức mạnh quân sự của kẻ thù. Việc họ chọn một nơi nào đó để đánh nhau, để trốn tránh hay để bảo toàn lực lượng đều là những sự chọn lựa sống còn, nên không thể có sự tính toán hời hợt. Sự chọn lựa đó phải bảo đảm làm vô hiệu được sức mạnh về số đông, về ưu thế trên không, trên mặt nước, trên mặt đất; sức mạnh hủy diệt của bom đạn hay chất hóa học và kể cả sự bao vây trong nhiều ngày tháng mà không sợ thiếu nước hay thiếu thức ăn!

 

Ngàn năm trước Ngô Quyền rồi đến Trần Hưng Đạo đã có chiến thắng lẫy lừng trên sông Bạch Đằng. Những bậc vĩ nhân này biết dựa vào con nước lớn-ròng mà đánh tan tác các đoàn quân xâm lược phương Bắc. Con nước lớn-ròng thì dòng sông nào ở đồng bằng cũng có, quan trọng là họ đã chọn chỗ giao nhau giữa hai con sông lớn là sông Đá Bạch và sông Chanh (sông Bạch Đằng), vì nơi này có mực nước lên xuống rất nhanh nên các cọc gỗ gài dưới lòng sông mới phát huy hết tác dụng.

 

Ở ĐBSCL, anh hùng Nguyễn Trung Trực cũng dựa vào con nước để nghĩa quân của ông đốt tàu sắt hiện đại của Pháp tại vàm Nhựt Tảo, cũng là nơi giao nhau giữa sông Vàm Cỏ Đông và sông Nhựt Tảo thuộc tỉnh Long An. Mỗi khi bị thất thế thì ông cùng nghĩa quân về cố thủ tại vùng U Minh, Kiên Giang. Pháp kéo quân vào bao vây và tấn công hàng tháng trời với quân đông và vũ khí hiện đại cũng không thể thắng nổi ông. Bởi nơi đây có lớp than bùn dày hàng mét dưới tán rừng mà nước mưa được giữ quanh năm. Cây cối tốt tươi, cá tép, chim cò, rùa rắn rất phong phú.

 

Cũng tại U Minh, trong thời chiến tranh chống Mỹ, nhiều lần máy bay thả bom để đốt rừng nhưng do than bùn giữ nước quanh năm nên rừng không thể cháy; rải chất hóa học thì diệt được các cây đang sống nhưng hàng triệu hạt có trong đất than bùn lại mọc thành cây con rất nhanh. Ấy vậy mà cũng vì phòng chống cháy nên chúng ta đã đào nhiều kênh mương ở đây, làm cho mực nước trong lớp than bùn bị hạ thấp, nên cháy rừng đã thiêu rụi hàng ngàn héc ta than bùn, điều mà trước đây quân giặc muốn làm cũng không được!

 

Thiên Hộ Dương cũng đã chọn Đồng Tháp Mười làm căn cứ để đánh Pháp. Nhờ nơi đây giữ nước quanh năm với địa hình lầy lội, nên xe tăng tàu chiến của Pháp không thể nào vô được. Đây cũng là vùng có đa dạng sinh học phong phú nên nghĩa quân lúc nào cũng có đầy đủ nguồn lương thực, không lo sự bao vây của quân giặc.

 

Hiện nay, nhiều nơi hệ sinh thái tại các khu bảo tồn di tích lịch sử đã bị thay đổi hoàn toàn và chúng ta không thể phục hồi lại được, tuy nhiên vẫn còn nhiều chỗ có khả năng phục hồi lại hệ sinh thái ban đầu. Chúng ta cần hiểu rằng việc bảo tồn di tích lịch sử hay văn hóa là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó ngành khoa học tự nhiên đóng một vai trò quan trọng. Bởi vì suy cho cùng thì văn hóa là sự tương tác giữa thiên nhiên và con người đã được thử thách qua thời gian.

 

Vì vậy, bảo tồn cảnh quan di tích lịch sử là làm sao để các thế hệ mai sau hiểu được sự minh triết của người xưa, như cách họ vận dụng kiến thức tự nhiên để thắng quân thù, chứ không phải chỉ là xây dựng bia miếu hay tượng đài đồ sộ.

 

DƯƠNG VĂN NI/ TBKTSG

 

 

>> XEM TIẾP NHỮNG VẤN ĐỀ KHÁC…