Bất an và ảo tưởng ở thiên đường văn chương Iowa

174

Khi tôi đang viết những dòng này thì ở một nơi nào đó trên thế giới, tiểu thuyết gia người Sri Lanka, Shehan Karunatilaka, vừa giành giải thưởng Booker 2022 cho tác phẩm The Seven Moons of Maali Almeida của mình. Anh là thành viên của chương trình lưu trú International Writing Program (IWP) tại đại học University of Iowa khoá mùa xuân năm nay. Tôi là một thành viên của khoá mùa thu, nghĩa là tôi đến Iowa cách anh chỉ 6, 7 tháng. Nhưng điều đó không làm cho khoảng cách của chúng tôi trở nên gần hơn. Anh đã là một nhà văn nổi tiếng thế giới, còn tôi – vô danh.

Người ta rất dễ rơi vào ảo tưởng rằng mình đã là một cái gì đó khi tới IWP. Ra đời vào năm 1967, năm mà The Beatles phát hành Sgt. Pepper’s Lonely Hearts Club Band, album được ví như “soundtrack của Mùa hè tình yêu”, và màn trình diễn All You Need Is Love với thông điệp phản chiến của ban nhạc được truyền hình trực tiếp cho hơn 400 triệu người trên thế giới, IWP cũng có một lịch sử tràn đầy tình yêu và tinh thần hàn gắn. Trước hết, đó là câu chuyện tình yêu của một nhà văn da vàng và một nhà thơ da trắng. Một ngày nọ, nhà văn lớn gốc Hoa Nieh Hualing bày tỏ với chồng mình, Paul Engle, tên tuổi hàng đầu của thi ca Mĩ thập niên 1930 – 1940 và là Giám đốc của Iowa Writers’ Workshop, chương trình viết văn danh giá bậc nhất thế giới, rằng bà muốn có một Iowa Writers’ Worshop cho những nhà văn ngoại quốc. Hay nói cách khác, một chương trình cho những nhà văn như bà, những nền văn chương nằm ngoài trọng tâm của ngành xuất bản thế giới, những người không viết tiếng Anh, hoặc nếu viết tiếng Anh thì đó là thứ tiếng Anh sinh sôi nảy nở trên các vùng thuộc địa, pha lẫn phương ngữ và thổ âm, một thứ tiếng Anh không thuần chủng. Nieh và Engle đã vận động Bộ Ngoại giao Hoa Kì để mời cả các nhà văn trong những nền chính trị đối kháng tới Iowa. Họ mời cả những nhà văn Đông Âu trước khi bức tường Berlin sụp đổ, mời cả nhà văn từ Đại Lục và Đài Loan, nhà văn từ Israel và Palestine, cả Venezuela, Iran, Ả Rập… Vì những nỗ lực ấy, Nieh và Engle được đề cử Nobel hoà bình năm 1976.

Trong số hơn 1500 nhà văn từ hơn 150 quốc gia từng được mời tới IWP trong suốt 55 năm qua, có Orhan Pamuk, có Mạc Ngôn, ngoài ra phải kể tới Tàn Tuyết, Ngải Thanh, Đinh Linh, Vương An Ức, Dư Hoa, đạo diễn Lâu Diệp, John Banville, Tomaž alamun, JoséDonoso, Luisa Valenzuela, João Ubaldo Ribeiro, đạo diễn Kim Jee-won, Han Kang, Kim Young-ha, Minae Mizumura, Kenji Nakagami và vô số tên tuổi mà sau này đều trở thành cây đa cây đề trong nền văn chương khu vực. Khi đứng giữa đám đông đó, người ta chỉ có thể hoặc bất an, hoặc ảo tưởng, đôi khi là vừa bất an vừa ảo tưởng.

Một buổi tối, tôi dùng bữa trong cửa tiệm Goosetown Café cùng Anthony Marra, một tiểu thuyết gia người Mĩ từng có nhiều tác phẩm lọt vào danh sách bán chạy của New York Times và dịch sang hàng chục ngôn ngữ. Anh tới Iowa để ra mắt cuốn tiểu thuyết mới và để bắt đầu công việc giảng dạy tại Iowa’s Writer Worshop, nơi anh từng tốt nghiệp. Đi cùng tôi là người bạn văn ở IWP, Qi Jin Nian – một nhà văn 8x thuộc hàng “best-selling” ở Trung Quốc suốt nhiều năm, có hơn 2 triệu người theo dõi trên Weibo, và Claudio Chu He-chih, một nhà văn gần bước sang tuổi 50, vừa có cuốn tiểu thuyết đoạt giải thưởng mang tên Romain Rolland ở Đài Loan. Khi chúng tôi đang cùng nhau chia sẻ món khai vị là bí ngòi nghiền cùng xà lách thì Anthony hỏi rằng làm thế nào chúng tôi biết tới IWP. Tôi không biết trả lời ra sao. Tôi thành thật với anh rằng trước đó tôi có biết IWP đâu. Claudio và Qi nhìn tôi ngạc nhiên. Họ bảo rằng, ở đất nước họ, IWP là một chương trình rất danh giá và các nhà văn viết tiếng Hoa hầu như đều được mời đích danh. Tôi từng nghe những phiên bản tương tự của câu chuyện này từ các cây bút người Hàn Quốc, Israel hay Australia. Tất cả đều nói đại loại rằng, khi bạn được nhận lời mời từ IWP, bạn đã trở thành “một cái gì đó”. Nếu bạn đang vô hình, bạn sẽ không còn vô hình nữa. Nếu bạn đã hữu hình, đó là sự khẳng định về bạn. Điều đó chắc là không đúng với tôi.


Những con đường bên Đại học Iowa00

Hành trình IWP của tôi bắt đầu từ âm nhạc và vốn dĩ chẳng liên quan gì tới văn chương. Cụ thể hơn, từ George Michael, nhạc sĩ của bản nhạc Giáng sinh kinh điển, Last Christmas. Đầu tiên, tôi nhận dịch một cuốn sách về anh cho một nhà sách ở Hà Nội. Giám đốc nhà sách là một người hâm mộ George Michael cuồng nhiệt. Tôi thì không hẳn, nhưng mọi thứ liên quan tới âm nhạc đều kích thích tôi. Bẵng đi một thời gian, chị nói rằng đã đề cử tôi và một vài người với Đại sứ quán Hoa Kì cho chương trình IWP. IWP là cái gì, đến lúc ấy tôi hoàn toàn mù tịt. Tôi đã hộc tốc hoàn thành mọi tài liệu, từ viết tiểu luận, dịch thuật một phần sáng tác của mình đến thiết kế một bản “CV” văn chương trong nhõn chục ngày rồi trả lời phỏng vấn cùng tham tán văn hoá từ xa đúng vào lúc đang lang thang ở tận khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên giáp biên giới Lào, giữa rừng núi không wifi, chỉ dựa vào mạng di động chập chờn, tất cả chỉ vì tôi đã thấy cái tên Mạc Ngôn và Orhan Pamuk trong danh sách những thành viên IWP nổi bật thuở trước.

Orhan Pamuk. Mạc Ngôn. Tôi vẫn nhớ những năm 2000, bà tôi, một nhà thơ nghiệp dư, tuần nào cũng ghé hiệu sách trên phố Nguyễn Đình Chiểu và không bao giờ bỏ qua bất cứ cuốn nào của Mạc Ngôn. Tôi đã đọc Cây tỏi nổi giận, Cao lương đỏ, Sống đoạ thác đày, Báu vật của đời, đã nhớ về cái chân nhỏ bé của cô thiếu nữ trên kiệu hoa khiến người phụ kiệu động lòng từ khi tất cả những gì tôi có thể viết chỉ là tả một buổi khai trường hay viết những lá thư UPU mà đến quá nửa được chép lại từ những bức thư đoạt giải năm trước đó. Tôi vẫn còn có thể tưởng tượng những ngày mà thứ duy nhất tôi mang tới lớp kinh tế lượng là vài cuốn sách dày của Orhan Pamuk, lén lút chìm đắm trong thế giới của những bậc thầy tiểu hoạ, chìm đắm trong nỗi buồn huzun của thành Istanbul trong khi thầy giáo thao thao bất tuyệt trên bục giảng, và nếu một lúc nào đó trong đời mình tôi đã nhen nhóm một ước ao làm người kể chuyện, thì chính là thời khắc ấy.

Vài hôm trước, một người không quen bình luận trên facebook của tôi, nói rằng một giáo sư gốc Việt nổi tiếng bảo năm nay Việt Nam có người tham gia IWP nhưng ông chẳng biết đó là ai cả. Tôi có tự ái không ư? Không hề. Nếu ông biết tôi, đó mới là chuyện lạ. Ông không biết tôi là hợp lẽ tự nhiên thôi, vì tôi có là ai đâu. Về sau này, tôi được biết từ một người bạn rằng Đại sứ quán đã chọn đề cử tôi cho IWP vì tiểu luận của tôi và câu chuyện của tôi có vẻ rất thành thực. Trong ban sơ khảo gồm những nhà nghiên cứu người Việt, một nhà nghiên cứu về văn học so sánh cũng chọn tôi, chị tình cờ biết về tôi và một vài bài viết của tôi từ trước, tôi cảm thấy có lẽ chị còn muốn chọn tôi vì tôi là một nhà văn nữ. Nhưng khi điều phối viên nhắn nhủ rằng các đại diện từ Đại sứ quán Hoa Kì rất mừng vì 10 năm nay Việt Nam mới lại có đại diện tham gia IWP, điều đó không khiến tôi tự hào hơn mà chỉ khiến tôi thêm bất an vì sự không-là-ai của văn chương Việt đương đại. So với những người bạn cùng chương trình năm nay, tôi càng chẳng là ai. Giữa họ, một vài người đã có giải thưởng quốc tế, một vài người đã được dịch ra cả chục ngôn ngữ, một vài người là tác giả bán chạy ở đất nước tỉ dân, một vài người có tác phẩm được chuyển thể thành phim, tôi là ai?

Người ta kể rằng thời Orhan Pamuk ở IWP, ông ngủ cả sáng, cả chiều ngồi trong phòng viết văn, tối đi đánh bi-da ở quán bar Dave’s Fox Head Tavern, quán bar của những nhà văn. Có lẽ từ sâu thẳm, Pamuk, người tự nhận mình thích đi du lịch, đã biết có một ngày người ta sẽ phải mời ông trở lại nước Mĩ và lúc đó ông khám phá nước Mĩ cũng chưa muộn. Còn tôi, người tự biết rằng mình sẽ chẳng thành ai, chỉ viết 2 tiếng mỗi ngày và dành thì giờ để khám phá nước Mĩ nhiều hơn là viết. Vì tôi có thể trở thành ai được?

Trước khi lên đường, tôi “khoe” chuyện đi Iowa với một người bạn là nhà văn thiếu nhi người Mĩ. Anh kinh ngạc nhìn tôi, nói rằng IWP là “a fucking big deal” – không phải chuyện thường đâu. Anh bảo đó sẽ là một hành trình thay đổi tôi từ trong ra ngoài. Năm nay tôi đã gần 30 tuổi, cái tuổi “hứa hẹn về một thập niên cô đơn”, nói như F.Scott Fitzgerald, tôi không hiểu mình còn có thể thay đổi điều gì thêm nữa, ừ thì tôi có thể hiểu biết hơn về thực hành văn chương đương đại, những dòng chảy văn chương thế giới, nhưng về cơ bản, mọi thứ trong tôi dường như đã được định hình, neuron thần kinh đang chết dần đi, tuổi sáng tạo đang đếm ngược. Tôi thích viết gì, tôi có thể viết gì, tôi đều đã biết hết, tôi biết cả giới hạn của bản thân. Thế mà, một lúc nào đó, khi ngồi nói chuyện với Claudio, tôi phải thừa nhận với anh rằng một điều gì đó trong tôi đã thay đổi, dù tôi không rõ là điều gì. Anh bảo, thật ra anh cũng vậy. “Giống như mình là một con tê giác, bình thường mình chỉ ở với đàn tê giác của mình thôi, nhưng ở đây, mình ở với đủ các loài, sư tử có, linh dương có, linh cẩu có, sếu có, hươu cao cổ có, và mình vẫn là con tê giác nhưng không chỉ là một con tê giác nữa.” Đây là lối so sánh của Claudio. Còn tôi, sến súa hơn, tôi cảm thấy mình như Jasmine lần đầu được ngồi thảm thần và được Aladdin chỉ cho cả thành phố lung linh trên nền nhạc A Whole New World – “bay lên, nhào lộn, xoay tròn tự do giữa đêm kim cương”. Phải chăng là vì khi thấy một độc giả người Mĩ nói cô đã khóc khi nghe trích đoạn tiểu thuyết của tôi và yêu sự thành khẩn của nó? Phải chăng là vì một bạn sinh viên dù không biết tiếng Việt mà chỉ vì tình yêu chung với điện ảnh Pháp, với Truffaut, với Godard mà nhận giúp tôi biên tập lại những chương truyện tôi tự mình dịch thuật? Phải chăng là vì những chồng tạp chí văn chương mà tôi mượn về từ thư viện đã thôi miên khiến tôi tự kỉ ám thị rằng một ngày nào đó mình cũng có thể viết một điều gì trong đó? Phải chăng là vì bao câu chuyện kì lạ của những người bạn văn – như một nhà viết kịch Kazhakstan tình cờ tìm được dịch giả sẵn sàng dịch không công những vở kịch đầu tiên của cô trong một căn nhà thuê tồi tàn ở New York và giờ đây cô vừa giành một giải thưởng cho những vở kịch nước ngoài ở Mĩ, như một nhà thơ viết tiếng Ả Rập vẫn có thể trở thành tác giả bán chạy ở Berlin và Stockholm, và sau IWP, anh lại tới ngôi nhà của Thomas Mann để tham gia một chương trình lưu trú dài 6 tháng (có rất nhiều chương trình lưu trú, chương trình tài trợ và chương trình fellowship do cả tư nhân đầu tư hay chính phủ hỗ trợ ở các nước phát triển)? Phải chăng là vì chuyến viếng thăm toà công trình tao nhã giữa lòng Chicago náo nhiệt mà ai đó đã xây nên dành riêng cho thứ phù phiếm như thi ca đã khiến tôi tin rằng vẫn có thể ngẩng cao đầu khi nói, vâng, tôi là một nhà văn, tôi viết, tôi viết để kiếm sống, làm sao tôi sống được ư, nhưng tôi vẫn sống đấy thôi? Phải chăng là vì những cuộc gặp tình cờ với một nghiên cứu sinh y khoa, một người giao hàng trong đêm rét mướt, một người nhặt hạt dẻ bên cổng nhà Kurt Vonnegut ở Iowa City đã khiến tôi nhận ra văn chương còn là điều gì đáng được nể trọng và đáng để mơ về? Có thể tất cả chỉ là ảo tưởng, nhưng làm sao có thể viết văn mà không mang theo chút ảo tưởng nào?

Ở Iowa City có một cửa tiệm đĩa than lớn mang tên Record Collectors. Tuần đầu tiên tới thành phố này, tôi đã ghé vào đây và tậu được một chiếc đĩa tuyển tập nhạc Bee Gees với giá chỉ 3 USD. Thực lòng, trước khi đi, điều đầu tiên trong danh sách phải làm của tôi không phải là dành thời gian sáng tác ra tác phẩm mới nào, mà là tậu về càng nhiều đĩa than càng tốt, bởi đĩa than ở Mĩ nhiều bạt ngàn và rẻ hơn bất cứ đâu. Trong danh sách track nhạc trên chiếc đĩa Bee Gees có bài hát mà xưa kia, mỗi lần đến thăm nhà cô chú, tôi đều được nghe trên dàn loa lớn. Words. Ngôn Từ. It’s only words and words are all I have… – Chỉ có ngôn từ mà thôi và ngôn từ là mọi điều tôi có… Tôi nghĩ về bài hát ấy sau khi kết thúc phần đọc tác phẩm của mình trong hiệu sách Prairie Light, nơi từng là câu lạc bộ văn chương do danh hoạ Grant Wood chủ trì và có các thành viên như Robert Frost, Langston Hughes, E.E.Cumming, Sherwood Anderson, Carl Sandburg, nơi từng đón vô số văn sĩ, thi sĩ lớn tới đọc sách, từ Toni Morrison tới Saul Bellow, từ Susan Sontag tới Annie Proulx, từ Czeslaw Milosz tới Derek Walcott, từ J.M.Coetzee tới Orhan Pamuk. Tôi cũng nghĩ về nó khi rảo bước dưới những toà nhà chọc trời ở Chicago trong chuyến tham quan mà chương trình tài trợ, tìm lại những công trình kiến trúc kì vĩ tựa sử thi do Frank Lloyd Wright thiết kế nên. Tôi nghĩ về nó từng phút giây mà tôi hiện diện. Tôi đang có mặt ở đây, vì tôi đã viết, đã miệt mài viết và không ngừng viết, dù chẳng để thành ai cả và cũng không mong thành ai cả. Ngôn từ đã mang tôi tới đây, tôi không có gì ngoài ngôn từ. Viết là cách tôi sống và viết là cách tôi quán chiếu cuộc sống. Khi bất an, tôi viết về nỗi bất an, khi ảo tưởng, tôi viết về ảo tưởng của mình, tôi chỉ có ngôn từ để khám phá thế giới, cả về chính tôi.

Tôi sẽ không nói đây là một giấc mơ thành hiện thực, vì tôi còn chưa từng mơ về nó. Ngôn từ, kì diệu như nó vẫn luôn thế, là một tấm thảm bay kéo ta vào những vùng mây xa lạ. Ta chỉ cần bước lên tấm thảm ấy, điểm đến không cần chuẩn bị trước, bởi mọi điểm đến mà ta chuẩn bị đều không đẹp bằng nơi mà tấm thảm sẽ dẫn ta đi.

Tôi chỉ có ngôn từ, thêm rất nhiều bất an và một chút ảo tưởng, nhưng chừng ấy cũng là đủ để tôi đi.

Hiền Trang/Văn Nghệ Quân Đội