(Vanchuongphuongnam.vn) – Trời sẫm tồi đoàn người mới dừng lại đốt lửa trên bờ suối để nghỉ chân và sửi. Đống lửa cháy sáng rực, soi rõ từng ngọn cây, cuống lá cách xa hàng chục mét. Sơn khuôn mặt hơi dài, da trắng, tuổi ngoài hai lăm một chút, ôm gối nhìn ngọn lửa như muốn tìm gì trong đó. Ba cậu học trò đi cùng, chất thêm ba khúc củi to bằng bắp chân vào bếp làm tia lửa bắn ra xung quanh trông rất đẹp mắt.
Nhà văn Hồng Chiến
Y Ju mặt vuông chữ điền, da nâu nhìn Sơn hỏi:
-Ngày nhỏ ở quê, có bao giờ thầy cùng các bạn đốt lửa thế này không?
-Không em. Thầy ở thành phố Cảng, lọt lòng được ru bằng tiếng sóng của biển. Lớn lên một chút đã phải chứng kiến bom rơi đạn nổ của chiến tranh. Đêm đến nghe còi báo động phải tắt hết đèn, xuống hầm tránh bom.
Y Khoa mặt dài, mắt xếch, tóc xoăn tít nhìn Sơn, giọng xót xa:
-Thời ấy chắc khổ lắm thầy nhỉ.
-Chiến tranh mà em. Trong chiến tranh, sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc, nhưng nhà máy xi măng lớn nhất miền Bắc lúc bấy giờ ở quê thầy vẫn ngày đêm nhả khói. Các con tàu vẫn bám biển bắn nhau với máy bay, bảo vệ bầu trời.
Y Thóc mặt tròn, răng hơi vẩu, xoay xoay củ khoai mì to hơn cổ tay, màu trắng ngà dựng bên bếp, góp chuyện:
-Ở thành phố thì làm gì có củi mà đốt lửa như thế này thầy nhỉ.
Sơn chưa kịp trả lời, một cơn gió ào đến làm ngọn lửa bốc cao, tàn lửa giống như những quả pháo hoa nhỏ bé lao vút lên. Y khoa ngửa mặt nhìn lên lá cây, nói;
-Hôm nay sao gió to thế không biết.
Sơn nói:
-Rừng nơi đây nghe tiếng gió gần giống tiếng sóng biển quê thầy ngày đẹp trời. Sóng từ xa nghe êm êm, càng lại gần bờ sóng kêu to hợn rồi bất ngờ chạm bờ đổ ập xuống, tạo nên tiếng “ầm” rất lớn; rồi sóng từ từ rút ra biển, tiếng động nhỏ dần, nhỏ dần để nhường cho co sóng mới.
-Đúng vậy thầy ạ!
Cả ba học trò cùng đồng thanh xác nhận. Rừng đầu mùa khô lá xanh thẩm, cây cối còn no nước nên tràn đầy sức sống. Tiếng suối chảy réo rắt như một bản nhạc, êm đềm đến xao xuyến. Xa xa tiếng chim ăn đêm vọng đến nghe khắc khoải, buồn buồn.
Núi Thần có đỉnh cao nhất về phía nam dãy Trường Sơn, quanh năm mây mù bao phủ, chỉ ít ngày mùa khô mới nhìn thấy đỉnh. Trên núi, rừng nguyên sinh chưa bị khai thác nên cảnh đẹp như mơ. Cây cổ thụ gốc ba người ôm không hết đua nhau xếp hàng, vươn cành lá che kín mặt đất. Suối trên núi có loài cá ngọc đặc biệt, trông qua như cá chép; vảy trắng hồng, vây đỏ, mắt đỏ, râu đỏ dài bằng thân cá. Thịt cá ngọc thơm ngon lắm, nhưng ngon nhất là bộ lòng vì cá chỉ ăn một loại rong đặc hữu trên đá dưới lòng suối.
Nghỉ Tết, Sơn không về quê mà ở lại trực trường. Học sinh Trường Nội trú phần đông là người dân tộc bản địa không ăn Tết như người Việt nhưng cũng về nhà nghỉ. Ba em lãnh đạo lớp năm cuối cấp ở lại trực trường, sợ thầy chủ nhiệm buồn mới tổ chức đi bắt cá đêm trên núi Thần. Bắt cá ngọc phải kỳ công. Ban ngày cá trốn trong hang đá, đến nửa đêm mới ra suối đi dạo; đây là thời điểm để bắt cá. Bắt cá phải có dụng cụ đặc biệt: chọn cây nứa già to bằng cổ chân, chẻ nhỏ một đầu rồi dùng nan đan lại như chiếc nơm của người dân Bắc bộ đi úp cá. Thấy cá phải lựa thế úp, không vướng đá mới bắt được cá.
***
Bốn thầy trò ăn khoai mì nướng xong, kim đồng hồ cũng nhích đến số chín. Y Ju – Lớp trưởng đội đèn, bên hông có bình ăc quy nhỏ, sau lưng đeo gùi đi trước cầm theo dụng cụ bắt cá. Hai em còn lại lưng đeo gùi, tay cầm xà gạc(1) đi sau. Sơn cầm đèn pin đi ngay sau lưng Y Ju. Y Ju quay đầu lại dặn:
-Thầy đi sau em xem cá, nhưng đừng bật đèn vì thấy hai ánh sáng cùng lúc chúng sợ sẽ trốn mất.
-Thầy biết rồi.
Y Thóc – Lớp phó lao động đi phía sau giải thích thêm:
-Loài cá này bao giờ cũng đi theo đôi, thấy ánh đèn chúng sẽ chụm đầu lại xem thầy ạ.
-Cá núi này lạ vậy à?
Y Khoa Lớp phó học tập, giảng giải thêm:
-Thế mới gọi là cá ngọc núi Thần thầy ạ.
Bất ngờ Y Ju reo lên:
-Thầy ơi, xem nè!
Dưới dòng suối rộng hơn chỗ khác một chút, cát trắng tinh làm nổi bật một đàn cua núi, con lớn nhất to bằng miệng ly uống trà. Cái lạ của bầy cua nơi đây chỉ có hai màu: đỏ tươi và vàng nghệ. Nhìn bầy cua như một vườn hoa, Sơn nói:
-Ta có bắt cua không?
Y Thóc cười, trả lời ngay:
-Cua này cứng lắm, ăn không ngon đâu ạ.
-Bắt mấy con về nuôi làm cảnh.
Mấy cậu học trò cười vang, vọng vào vúi nghe như hát. Y Khoa nói:
-Cua sống ở dòng suối này con đực có màu đỏ tươi, con cái màu vàng nghệ. Nhưng đem về nhà nuôi chỉ hai ngày thôi, nó lại đổi màu như cua đồng luôn.
Sơn tỏa ra ngạc nhiên thôt lên:
-Thì ra thế!
Bốn thầy trò tiếp tục ngược suối đi lên. Lòng suối rộng không quá ba sải tay, đá chen nhau chắn nước. Hai bên bờ dựng đứng, cao quá đầu người. Ánh đèn quét trên mặt nước hắt lên bờ thành những hình vòng tròn, nhìn hay hay. Bỗng Y Ju reo lên:
-Thầy ơi, đây rồi!
Dưới mặt nước trong vắt, đôi cá dài hơn gang tay, vảy màu hồng nhạt làm nổ bật vây, râu và miệng đỏ như tô son. Ánh đèn nhích dần từ góc hòn đá lớn vào bên bờ suối, nơi chỉ có cát trắng tinh. Trên cát từng bầy cá nhỏ như làm bằng bạc, mắt đen láy, tung tăng bơi lội. Đôi cá bị ánh đèn thôi miên, không biết nguy hiểm đến gần, vẫn bơi đuổi theo ánh đèn một cách thích thú. Chỉ đợi có vậy, chiếc lồng nứa trên tay Y Ju chụp xuống, đôi cá giật mình quẫy đuôi làm nước văng tung tóe. Y Thóc và Y Khoa lao lên, mỗi người một bên, thò tay vào dưới cát, tóm gọn hai con cá bỏ vào gùi. Tiếng cười vọng vào núi, núi nhái lại, ngân dài.
***
Đêm về khuya, ba chiếc gùi, cái nào cũng đã được hơn nửa. Niềm vui bắt được nhiều cá làm quên đi thời gian, quên luôn mệt mỏi và quên cả cái lạnh trên núi cao đang từ từ len vào chân, tay mọi người. Bỗng Sơn thét lên:
-Trăn, đứng lại.
Y Ju ngạc nhiên hỏi lại:
-Trăn đâu thầy?
-Nó đang bắt con gì ở giữa suối kia kìa.
Theo tay Sơn chỉ, cả ba cậu học trò tròn mắt nhìn. Đúng. Trong dòng suối trong vắt, con trăn to hơn bắp đùi đang quấn con gì đó, cái đầu trăn dài cả mét, lắc lư, lắc lư như đe dọa người đến quấy rối nó. Y Ju bật cười nói:
-Không phải trăn dưới suối thầy ạ.
-Em có hoa mắt không? Nó đang lè lưỡi ra đấy.
-Thầy nhìn đây nè.
Y Ju hất ngược ánh đèn lên trời, soi cành cây chìa ra phía trên dòng suối. Sơn rùng mình khi thấy con trăn lớn nằm trên cây, thò đầu xuống phía dưới cả mét. Da trăn đen nhưng có những đường kẻ màu vàng nhạt, tạo nên những cái ô hình lục giác. Y Thóc reo lên:
-Nó bắt được con vượn kìa.
Y Khoa bảo:
-Phải cứu con vượn không nó chết mất.
Y Ju không đồng ý, nói:
-Quy luật sinh tồn của muôn loài, để chúng tự xử với nhau, ta không nên can thiệp.
Y Thóc lên tiếng:
-Nếu là quy luật sinh tồn thì ta bắt cả hai con này về ăn thịt luôn. Thịt trăn ăn ngon lắm.
Ba cậu học trò đỏ mặt, tía tai tranh cãi không ai chịu ai. Sơn lên tiếng phân giải:
-Thôi không trang cãi nữa. Ta bắt cá thì được nhưng không được săn bắt các động vật khác, nhất là động vật quý hiếm.
Nghe Sơn nói đến đây, Y Ju vênh mặt lên, nói:
-Thầy nói đúng như em nghĩ, thế mà hai cậu còn cãi tớ.
Sơn cười nói tiếp:
-Nhưng gặp cảnh này chúng ta phải can thiệp để con trăn thả con vượn ra, vì cả hai đều là loài thú quý đấy.
Cả ba trò nghe thầy nói vậy, vội để gùi xuống bãi cát rồi thi nhau lấy đá ném. Con trăn bị đá ném trúng vẫn không hoảng sợ, đầu lắc lư, lắc lư như đang cố siết chết con mồi. Sơn nói:
-Các em đừng ném nó nữa, vơ nắm lá khô lại đây, đốt cho khói bay lên. Ngửi mùi khói, chắc chắn con trăn phải chạy trốn.
Nghe lời thầy, ba cậu học trò gom lá để lên hòn đá, châm lửa đốt. Khói bay lên, theo gió tạt vào đầu con trăn. Trăn vội thẳng mình, lao xuống suối tạo nên một tiếng động lớn “ầm”, nước văng tung tóe. Con vượn cũng rơi xuống nước, Y Thóc chạy lại kéo lên bãi cát. Một lúc sau con vượn mở mắt nhìn, hình như bị chói đèn nó lại nhắm lại. Y Khoa nói:
-Nó thoát chết rồi, ta đi bắt cá tiếp thầy ạ.
Sơn bảo:
-Ta bắt vậy là nhiều rồi, về thôi.
Y Thóc reo lên:
-Con vượn ngồi dậy rồi kìa.
Con vượn nhìn bốn người một chút rồi bò lại bên bờ, nắm dây leo tuốt lên cao, lẫn luôn vào tán cây. Mấy cậu học trò dập tắt đống lửa chuẩn bị xuôi suối quay về, Y Khoa kêu lên:
-Thầy ơi có mùi gì thơm lắm.
-Đúng vậy thầy ạ.
Y Ju cũng phụ họa theo rồi đội đèn soi ngược lên phía trên dòng suối. Trên đỉnh hòn đá lớn giữa suối có một cây mai to bằng bắp chân, tán cây trông xa như cây đào Nhật Tân được cắt tỉa công phu. Cả bốn thầy trò đều ngạc nhiên nên đi lên xem.
***
Cây mai kỳ lạ, các cành chi chi chít nụ hoa, đầu cành mới có vài chiếc lá non màu tím nhạt. Giữa cây đã bung ra một bông mai sáu cánh màu đỏ tươi, tỏa mùi hương thơm đặc biệt làm người thưởng thức quên luôn cả mệt mỏi, lạnh giá. Y Thóc đề nghị:
-Để em lên chặt cây mai mang về trường trưng Tết.
Sơn ngăn lại:
-Đây là loài mai quý chưa nghe nói đến bao giờ, ta xem thôi, không được chặt.
Y Khoa hóp lời:
-Cây mai có thế đẹp quá, màu hoa cũng lạ; chắc đây là huyết mai thầy ạ.
-Tên lạ nhỉ, nay thầy mới nghe lần đầu tiên.
Y Khoa quay lại nhìn thầy, ra vẻ ngạc nhiên, nói tiếp:
-Thầy không biết sự tích cây huyết mai này ạ. Bà ngoại em kể: Ngày ấy, buôn tổ chức Lễ cúng lúa mới, nhà Y Din xung phong lên núi cao hái đọt mây về làm món canh đắng cúng Yang(2). Buổi sáng ba Y Din bị đau bụng không đi được nên hai má con tự đi. Lên gần đỉnh núi cao gặp đám mây tốt, Y Din lúc ấy đã mười sáu mùa rẫy(3) leo lên cây chặt ngọn để má đứng dưới đất bóc lấy đọt. Hai má con mãi làm không để ý gần đấy có một hang đá lớn. Trăn ngủ trong hang nghe mùi người nên chui ra bắt người mẹ, quấn tròn lại. Nghe tiếng mẹ kêu cứu, nhìn xuống thấy con trăn quấn tròn mẹ, chỉ còn cái đầu thò ra ngoài. Người con tụt xuống dùng xà gạc chém trăn, nhưng da trăn dày lắm, chém không đứt. Thấy má sắp bị trăn nuốt, người con nghĩ: da trăn dày chặt không đứt, nhưng mắt nó chắc có thể đâm thủng. Nghĩ vậy, người con vung dao chém vào mắt trăn. Con trăn đau đớn phải thả người má ra. Căm thù con trăn và muốn trừ hại cho mọi người, Y Din chém mù mắt thứ hai của trăn. Trăn nổi giận, lao lên cắn Y Din. Người má không biết làm sao được nên chạy về buôn gọi người lên cứu. Con Trăn bắt Y Din rồi nuốt vào bụng, nuốt luôn cả cây xà gạc. Khi người trong buôn lên đến nơi thì con trăn cũng đã chết do cây xà gạc làm rách cổ nó. Gần xác con trăn, một cây mai to bằng bắp đùi, bỗng nhiên trổ bông đỏ rực. Người già nói: máu Y Din bị trăn cắn chảy thành dòng, chảy lại gốc cây mai vì thế cây mai mới có hoa màu đỏ. Từ ấy, trên đỉnh núi Thần này có loại mai hoa màu đỏ gọi là huyết mai; ai có may mắn nhìn thấy bông mai nở thì may mắn cả năm luôn.
Nghe xong câu chuyện, Sơn bảo:
-Chuyện Y Khoa kể hay lắm. Ta lên xem bông hoa huyết mai này có gì khác bông mai vàng không.
Sơn đi trước leo đến gần gốc mai, bước ra hòn đá phẳng như mặt bàn bên gốc mai thì… Ầm. Hòn đá thụt xuống, nước không biết ở đâu mà nhiều đến thế, dội xuống, cuốn phăng cả bốn thầy trò, quăng quật vào các vách đá.
***
Sơn tỉnh lại, không biết điều gì đã xảy ra, ngồi dậy; rong tay vẫn nắm chặt cây đèn pin vội bật lên. Ba cậu học trò nằm ngổn ngang trên bãi cát. Sơn hoảng quá, lao lại sờ từng em một. May, các em còn sống, cùng tỉnh lại ngơ ngác nhìn xung quang. Y Khoa nói:
– Thầy trò mình khi leo lên hòn đá dưới gốc cây mai bị trượt chân rơi xuống thác. Cá và và cả gùi đều bị nước cuốn mất hết rồi.
Y Thóc cũng lên tiếng:
-Tại sao dưới hòn đá đó có thác ngầm thầy nhỉ? Nước chảy mạnh lắm, em đau ê ẩm cả người luôn.
Sơn cười, nói với học trò như nói với chính mình:
-Thầy trò mình còn bình an, không ai bị thương là mừng rồi, thôi ta về.
Y Ju kêu lên:
-Em mất đèn rồi, làm sao thấy đường về bây giờ.
-Thầy còn cây đèn pin đây, em cầm lấy đi trước.
Bỗng Y Thóc kêu lên:
-Sao ta lại trôi đến đúng chỗ cứu con vượn thế này?
Y Khoa góp lời:
-Ta trôi một đoạn dài quá, mất toi công sức một đêm luôn.
Thấy học trò buồn, Sơn nói:
-Cảm ơn các em đã cho thầy một đêm thú vị, hiểu thêm về thiên nhiên Tây Nguyên, còn bắt được cá hay không đều không quan trọng.
-Núi Thần mà thầy, ngày xưa dân vùng này còn sợ không ai dám lên đây đâu vì lên rồi không biết đường về buôn nữa luôn.
Thế là ba cậu học trò thi nhau kể về rừng, các khuôn mặt tươi tỉnh dần trở lại. Trên lưng chừng núi đôi chim “năm trâu sáu cột”, “bắt cô trói cột” tiếng nghe đã gần nhau lắm rồi. Trời sắp sáng.
***
Đang lội xuôi suối để về, bỗng Y Ju kêu lên:
-Ô, gùi, gùi của chúng ta kia kìa.
Cả Y Khoa, Y Thóc đi phía sau vội chạy vượt lên cùng hỏi:
-Đâu?
Bốn thầy trò nhìn và không tin vào mắt mình, ba cái gùi trôi xuống kẹt luôn vào đá, quay miệng ngược dòng suối. Trong gùi vẫn còn những con cá bắt được khi đêm dạt vào, nổi lềnh bềnh. Ba cậu học trò chạy lại kéo gùi lên, Y Thóc lầu bầu:
-Gùi của em mật gần một nửa cá rồi.
Y Khoa cũng nói:
-Gùi của em cũng vậy thầy ạ.
Y Ju cười to rồi quay lại nói với Sơn.
-Thầy trò mình bắt nhiều cá quá nên Yang rừng lấy bớt lại rồi. Số cá này các thầy cô ở trường ăn cả tuần chắc không hết đâu.
Bỗng nhiên ngay trên đầu bốn thầy trò bật lên tiếng:
-H… ú.
Như được hiệu lệnh, một dàn đồng ca của vượn cất lên, nhiều con còn hứng chí dùng hai tay nắm cành cây, treo mình lũng lẵng, đu dư, đu đưa…
Sơn ngạc nhiên hỏi:
-Vượn ở đâu mà kéo đến đây đông thế?
Y Khoa cười tươi rói, trả lời:
-Giờ thì em biết rồi, chắc khi đêm ta cứu con vượn bị nạn, nên bầy vượn tìm gùi mang lại đây đơm cá trả cho thầy trò mình. Đống lửa ta đốt tối qua kia thầy ạ.
Bầy vượn vẫn vô tư hò hét, đu như bay lượn qua các cây. Phương đông mấy đám mây hồng đã hiện lên. Sơn nói với học trò mà như nói với chính mình:
-Kì lạ, một khu rừng kỳ lạ.
Y Ju nhìn Sơn nói:
-Thầy ơi, trời chưa sáng rõ, mà cái bụng cũng đói rồi, thầy trò mình nghỉ chân nướng cá ăn rồi hãy về được không ạ?
Sơn vui vẻ nói:
-Đúng rồi, ta hong khô đồ mặc cho đỡ lạnh.
Đến bên đống lửa đốt chiều tối hôm qua, bốn thầy trò nhen lửa nướng cá, hong đồ, chuyện nổ như ngô rang. Bầy vượn thấy ánh lửa rội rủ nhau chạy trốn. Mùi cá chín tỏa hương thơm ngào ngạt, Y Ju chọn con to nhất, chín vàng đưa cho Sơn nói:
-Em mời thầy.
Cầm con cá Y Ju đưa, Sơn bảo:
-Các em cũng ăn đi, chắc đói lắm rồi phải không?
Sơn vừa dứt lời thì…
-H… ừm.
Tiếng hổ gầm nghe rất gần, tiếng chân chạy, tiếng cành cây va vào nhau nghe rõ dần, ba cậu học trò bỏ luôn cá trên tay xuống đá, vơ xà gạc, củi đang cháy đứng bật dây. Ào, một con nai đen, trên đầu có bộ sừng đồ sộ to như con bò lớn lao vút đến, chỉ cách bếp lửa khoảng chục mét, bốn chân theo đà chạy cày một đường dài trên mặt đất trước khi dừng lại.
-H… ừm.
Con hổ bất ngờ gầm lên và chồm lên con nai. Giật mình, con nai tung vó nhảy dựng lên định hất con hổ xuống đất nhưng không được. Ba cậu học trò theo phản xạ cùng hét to:
-Huầy, huầy, huầy!
Con hổ thấy người chắc sợ quá, bỏ con nai quay lại, lao biến vào rừng. Con nai cũng vội vã băng qua suối. Sơn đứng lặng ngắt, mồ hôi túa ra đầy mặt, chảy thành dòng xuống ngực. Ba cậu học sinh quay lại nắm áo thầy, Y Ju lo lắng hỏi:
-Thầy có sao không ạ?
Sơn trả lời:
-Lần đầu tiên thấy hổ gần đến thế.
Y Khoa cười tươi hết cỡ góp lời:
-Núi thần mà thầy, gặp cọp cũng là chuyện thường thôi. Loài thú con nào cũng sợ người cả.
Y Ju đề nghị:
-Thầy trò mình ăn sáng thôi, cá nguội hết rồi.
-Rừng Tây Nguyên kỳ thú quá, gặp toàn cảnh cứ như trong mơ vậy.
Sơn nói với học trò mà như nói vói chính mình. Xa xa tiếng bầy chim đầu bạc gọi nhau ồn ã cả góc núi. Ông mặt trời vàng tươi, tròn như chiếc đĩa nhô lên khỏi đỉnh núi phía đông, một ngày mới bắt đầu.
Cuối mùa mưa năm 2023
H.C
Chú thích tiếng Êđê:
- Xà gạc: một loại dao dùng phát rẫy.
- Yang: thần linh
- Mười sáu mùa rẫy: mười sáu tuổi.