Bay đêm – Truyện ngắn Nguyễn Minh Ngọc

777

(Vanchuongphuongnam.vn) – Trong cuộc chiến chống Mỹ, cứu nước cùng với đường Hồ Chí Minh xẻ dọc Trường Sơn còn có con đường trên biển với những đoàn tàu không số. Vào cuối thập niên 50 đầu thập niên 60 của thế kỷ XX lại có thêm đường “trời” vừa được khai mở do Không quân Nhân dân Việt Nam đảm nhiệm. Với một lực lượng không quân hãy còn rất non trẻ, trang bị chủ yếu là các thế hệ máy bay vận tải cũ kỹ do Liên Xô chế tạo, việc tổ chức bay tiếp tế chi viện cho chiến trường miền Nam lúc bấy giờ là hành động quả cảm vô song. Nhiều năm sau, câu chuyện đầy bi tráng này dần được hé lộ…

Và đó là nguồn cảm hứng giúp Nhà văn, Đại tá Nguyễn Minh Ngọc tái hiện sự kiện trong truyện ngắn Bay đêm.

Văn chương phương Nam xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Nhà văn Nguyễn Minh Ngọc

Suốt cả tháng nay, liên tục chiều nào cũng vậy, khi những tia nắng cuối cùng trong ngày chỉ còn le lói, đội bay đã có mặt ở phòng trực chiến đợi lệnh. Thành viên của đội bay gồm ba người, một cơ trưởng (lái chính), một lái phụ kiêm dẫn đường và một xạ thủ súng máy kiêm thông tin đối không, tuổi họ áng chừng sàn sàn như nhau. Người phụ lái có vẻ mặt điềm tĩnh, chống cằm ngồi im như hóa đá giữa phòng. Còn phi công lái chính cứ đi tới đi lui lầm lì, chốc chốc anh lại nắm lấy song cửa sổ như muốn giật tung ra mà bẻ cho gãy vụn.

Sự chờ đợi khiến không khí trong căn phòng trực nhỏ bé như thể bị hâm nóng. Mọi tiếng động ồn ã của cuộc sống bên ngoài dường như không làm cho đội bay bận tâm. Mỗi người trong số họ đang mải theo đuổi những ý nghĩ riêng. Xạ thủ súng máy kiêm thông tin đưa tay che miệng ngáp, anh này lên tiếng phá tan sự im lặng.

– Thôi, tốt nhất tụi mình cứ thả bậy một giấc cho rồi. Mửng này khéo lại “vũ như cần” mất thôi…

Nhưng xạ thủ chưa dứt lời đã thấy một chiếc xe commanca phóng như bay nhắm thẳng về phía phòng đợi. Trung đoàn trưởng thân chinh ra tận nơi. Vậy là có chuyện rồi. Cả ba vùng bật dậy, thắt lại dây giày, chụp mũ lên đầu đợi lệnh.

Liếc nhìn chân trời phía tây, quả cầu lửa đương từ từ lăn xuống núi nhuộm không gian đỏ rực như ai vừa đốt lửa, lòng Tuệ xốn xang, nao nao. Chẳng hiểu ấy là ráng đỏ hay sóng nước sông Hồng hắt lên nền trời? Có lẽ cả hai.

Đội bay đứng nghiêm thành một hàng ngang bên cạnh chiếc máy bay vận tải quân sự màu ghi không sơn cờ hiệu. Trung đoàn trưởng lần lượt xiết chặt tay từng người một. Trên gương mặt khắc khổ sạm đen của người du kích Ba Tơ năm xưa hằn thêm những nếp nhăn chằng chịt như rãnh cày. Ông giang tay ôm choàng lấy Tuệ, siết chặt rồi vỗ vỗ vào lưng người phi công một cách thân thiết:

– Mình tin tưởng ở các cậu. Cứ đúng phương án Z mà hành động. Chúc may mắn! Tỉnh táo tinh tường. Mở đường thắng lợi…

– Báo cáo, rõ! – Cả ba cùng rập gót giày, nắm tay đưa lên vành mũ.

Người chỉ huy trung đoàn thấy cay cay nơi sống mũi. Ông lặng lẽ quay mặt đi cố giấu những giọt nước mắt đang rân rấn chực trào ra.

Cánh cửa máy bay Li-2 đóng sập lại. Đội bay ai nấy về chỗ của mình. Tuệ cơ trưởng. Trung lái phụ kiêm dẫn đường, còn Châu xạ thủ súng máy kiêm thông tin. Họ phải kiêm nhiệm để giảm bớt các thành viên, đề phòng bất trắc. Các nhân viên kỹ thuật ở mặt đất dùng xe giúp tổ bay khởi động con đại bàng sắt trên sân đỗ.

Tiếng động cơ cánh quạt ầm ầm lay động hoàng hôn. Cơ trưởng Tuệ giơ tay trái, ngón trỏ thẳng lên, ra dấu chào mặt đất. Cánh thợ máy lao xao giơ tay chào đáp lại. Chiếc máy bay chậm rãi lăn ra vạch xuất phát. Lòng Tuệ xốn xang, trong anh dâng trào một cảm giác thật khó tả. Khi chiếc máy bay vừa lên khỏi đường băng, qua kính lái, Tuệ đã nom rõ từng cặp trai gái đang ngồi tâm tình trên bờ đê sông Hồng. Bất ngờ thấy máy bay xẹt qua đầu, có đôi ngã lăn ra vệ cỏ vẫn còn đưa tay lên vẫy.

Len lỏi trong Tuệ một cảm giác hưng phấn kỳ lạ. Văng vẳng đâu đó cơ hồ như có tiếng gọi da diết, lúc xa lúc gần. Nha Trang, Sông Cái, Tháp Bà… Những cái tên nghe nhói niềm thương, vừa tự hào lại vừa xót xa, quằn quại.

Tuệ lẩm nhẩm, phải rồi. Hôm nay là ngày thứ bảy. Hà Nội vẫn dập dìu trong cảnh thanh bình yên ả. Cầu Long Biên lừng lững vắt qua sông Hồng vun vút lùi lại phía sau. Cả phố phường rực sáng ánh đèn thoáng chốc đã mờ dần. “Tạm biết nhé, Hà Nội! Chúng tôi trở về quê Nam đây”.

Màn đêm giăng mắc khắp mọi nẻo. Đất trời nhòa nhợt một màu tối sẫm.

Có lẽ trên thế giới những đội bay như thế không nhiều. Nhận lãnh nhiệm vụ đặc biệt, họ phải bay mò trong đêm. Cất cánh mò rồi lại hạ cánh mò nốt. Thêm nữa, khi giao nhiệm vụ cho họ, cấp trên nhắc đi nhắc lại là không được phép sử dụng bất kỳ phương tiện thông tin liên lạc nào nhằm để giữ bí mật tuyệt đối. Tất cả chỉ nhờ vào trực giác của con người. Họ thuộc lớp phi công đầu tiên của Không quân Việt Nam còn rất trẻ tráng, song lại khá già dặn về kỹ thuật bay.

Từ ngày còn học bay ở trường không quân, Tuệ và Trung đã làm nên một cặp tâm đầu ý hợp. Cái anh chàng Trung dân Quảng Ngãi tính thẳng như ruột ngựa, nhưng thật hiền và cẩn thận đến mức khắt khe trong nghề bay. Tuệ lại có vẻ ngoài bình lặng nhưng bên trong lúc nào cũng hừng hực như bếp than hồng. Đã nói là làm cho kỳ được, chắc như đinh đóng vào gỗ nghiến.

Ở đoàn bay mới thành lập chưa lâu này, Tuệ nổi tiếng là một phi công ham bay và can đảm khác thường. Từ bay báo bão, bay phun thuốc trừ sâu, rồi bay biểu diễn… nhiệm vụ nào anh cũng thực hiện trót lọt. Cũng nhờ khổ luyện mà Tuệ bay được cả trong thời tiết phức tạp, bay đêm trên nhiều địa hình và bay biển thành công. Được đồng đội ngưỡng mộ, cấp trên tin tưởng cưng chiều nhưng Tuệ không mấy bận tâm. Anh chỉ xin cho mình được bay nhiều, khó mấy cũng không nản. Trong tâm tưởng chàng trai Nha Trang lúc nào cũng nung nấu bởi ý nghĩ rằng phải bay, bay thật giỏi để sớm được về miền Nam chiến đấu. Càng kín đáo, ý nghĩ ấy càng như cái mũi dùi bỏng rát, nhức nhối. Những khi không có nhiệm vụ bay, làm việc gì người ta cũng thấy Tuệ hùng hục, lăn xả hết mình. Bởi thế, Trung luôn tìm cách phanh hãm bớt sự nôn nóng nơi bạn mình. Cấp trên lựa chọn hai người đi chuyến này, hẳn không phải là ngẫu nhiên. Họ sẽ là sự bổ sung cho nhau.

Tuệ ghé mắt. Đồng hồ độ cao chỉ 1.000 mét. Dẫu đã quá quen thuộc địa hình như lòng bàn tay, người phi công vẫn không một chút lơi lỏng. Bám theo đường quốc lộ số 1, chiếc máy bay lúc nghiêng phải, khi lách trái để tránh núi non.

Chênh chếch trước mặt, mảnh trăng đầu tháng mờ tỏ soi con đường quốc lộ huyết mạch mỏng manh như một sợi chỉ giăng. Những vệt sáng đuổi nhau trên đường hướng về phương Nam lúc ẩn lúc hiện như trò ú tim. Thoảng hoặc mới có một chiếc xe chạy ngược chiều ánh đèn pha loang loáng. Tuệ mím môi giữ chắc vòng lái. Tiếng Trung nhắc khẽ, rành rọt:

– Chú ý. Đèo Ngang rồi đó nha!

Chiếc Li-2 vòng ra biển rồi ôm cua vào. Đội bay trong tư thế chuẩn bị hạ cánh.

Sân bay dã chiến hiện ra nhòe nhoẹt. Không đèn đóm, không cả một đốm lửa làm hiệu. Các thành viên trong đội bay căng mắt ra nhìn, Tuệ muốn rách cả mắt khi cố phán đoán cho đúng đường băng. Sau khi thông trường một lượt, bằng trực giác của mình, Tuệ cả quyết đưa máy bay xuống tiếp đất. Như con tuấn mã đang phi nước đại bị ghìm dây cương, chiếc máy bay vận tải khựng lại cách chỉ giới cuối cùng không đầy chục thước. Tuệ thở phào, đưa ống tay áo lên quệt mồ hôi trán.

Bộ phận tiền phương cử người ra đón. Đội bay được đưa về nghỉ trong một căn nhà nhỏ, cột kèo bằng tre, mái lợp lá gianh. Tại đây, dưới ánh đèn dầu hỏa đỏ hoe, sau khi ăn nhẹ, họ được khuyên phải tranh thủ ráng ngủ để lấy sức. Tuệ lắc đầu. “Ngủ làm sao nổi lúc này?”. Anh bỏ ra ngoài một mình, lang thang.

Sân bay ngờm ngợp những cỏ là cỏ. Khung cảnh hoang vắng đến rợn người. Tiếng giun dế ran ran thi nhau trình tấu bản nhạc ngàn đời của chúng, nghe nẫu cả ruột gan. Sương xuống lành lạnh. Ngoài kia một tốp người vẫn lặng lẽ xếp từng kiện chất hàng lên máy bay. Từ xa nom chiếc Li-2 như con kền kền nghển cao đầu chỉ chực vỗ cánh bay đi trong phút chốc.

Trên cao vời, mảnh trăng non bạc phếch rồi lịm dần. Vòm trời chợt tối sầm. Sở chỉ huy tiền phương thông báo có lệnh tạm hoãn khiến Tuệ cụt hứng. Lý do phía trong Nam trời sắp có giông. Ôi, trời đất ơi, không biết còn phải đợi đến bao giờ? Tuệ rên lên. Anh lầu bầu, giận dữ.

– Mấy thằng cha khí tượng làm ăn rõ là như con khỉ mốc. Lại mất tiêu một đêm nữa rồi!

Không còn cách nào khác, Tuệ đành lững thững quay về. Chun vô chiếc giường tre, vạt giường kêu cót két, người cơ trưởng nằm ngửa nhìn trân trân lên đỉnh màn tối thui. Mùi mốc, mùi mồ hôi lạ gây cảm giác khó chịu. Hai người trong đội bay ngủ tự bao giờ. Tiếng ngáy như kéo bễ của Châu khiến Tuệ không sao chợp mắt nổi. Không nỡ phá hỏng giấc ngủ của đồng đội, anh nằm yên chịu trận.

*

Hơn hai ngàn ngày Tuệ thấm thía nỗi niềm “ngày Bắc đêm Nam” nhưng anh không hé với ai nửa lời. Nhiều đêm trằn trọc, anh vùng dậy đốt thuốc lá liên hồi. Được mài nhọn trong đêm, cái nhìn của Tuệ mới khiếp làm sao, hễ nhìn vào đâu là cứ như găm vào một chỗ. Dư luận xầm xì: “Cái thằng cậy mình bay giỏi, sinh kiêu rồi”. Tuệ nghe hết nhưng bỏ ngoài tai. Chỉ một người thấu hiểu được nỗi niềm đau đáu của anh. Đó là Trung.

Bên xóm dừa nổi giữa cù lao sông Cái thuộc ngoại ô thị xã Nha Trang, Tuệ có một người vợ trẻ thảo hiền với đứa con thơ dại. Ngày anh đi tập kết, bé Bình mới biết bập bẹ vài tiếng “Ba dìa, ba dìa” (Ba về) ngọng nghịu. Chị Hòa vợ anh bấy giờ vốn là con gái đầu lòng vị chỉ huy trung đoàn nổi tiếng một thời ở chiến trường Liên khu Năm. Sau này ra Bắc do điều kiện sức khỏe, ông được chuyển công tác sang ngành văn hóa.

Trước khi ra Quy Nhơn xuống tàu, Tuệ về thăm vợ con được chừng một buổi. Anh chỉ kịp leo lên mái nhà dọi lại mấy chỗ dột. Ăn một bữa cơm cũng ăn vội ăn vàng. Lúc chia tay, Hòa cừ ghì chặt lấy anh không muốn rời. “Chỉ hai năm thôi em à. Tổng tuyển cử rồi anh lại về”. Tuệ vuốt ve tấm thân thon thả của vợ, anh an ủi Hòa. Đôi mắt sưng mọng, làn môi tái nhợt của người vợ trẻ cứ run lên thành tiếng nấc nghẹn: “Mẹ con em sẽ… sẽ… đợi anh về. Em đợi…”. Sực nhớ ra điều gì, chị lục cái kéo cắt vải đưa lên cắt xoẹt hai món tóc của cả hai mẹ con đem gói vào trong mảnh vải điều. Đó là kỷ vật mà những năm tháng sống trên đất Bắc, Tuệ luôn mang theo bên mình, bất kể đi đâu, làm gì. Vì thế, một chặp anh em kháo nhau: “Thằng Tuệ có bùa ngải hay sao ấy? Tay ấy cứ tẩm ngẩm nhưng sát gái ra phết”.

Oái oăm thay, trong số những người cùng đi tập kết với Tuệ ngoài ông nhạc còn có thêm dì Yến, em gái Hòa. Cô như một nụ hồng vừa chớm hé.

Tốt nghiệp phi công từ nước ngoài trở về, được gặp lại người thân thử hỏi còn gì bằng? Với Tuệ thì không hẳn thế, bởi trong sự vui vầy có niềm đau riêng. Mỗi chiều thứ bảy rảnh rỗi anh lại đạp xe về Hà Nội thăm ông già vợ. Bấy giờ Yến đương theo học ngành sư phạm. Cô xinh đẹp, một vẻ đẹp mặn mòi, thuần khiết mang dáng dấp của miền sông nước. Gặp anh, Yến cứ ríu ran trò chuyện, hỏi han đủ thứ. Đôi mắt huyền như biết nói, cái miệng cười không lẫn vào đâu được. Mỗi bận như thế cô đều xăng xái trổ tài nấu nướng kiếm món gì đó cho hai ông con nhậu lai rai. Lâu lâu Yến lại ra chợ mua tôm rồi xay bột hì hục đổ bánh xèo đãi anh. Cô biết, sống ở đất Hà thành đâu có thiếu các thức ngon vật lạ, nhưng Tuệ vẫn thèm những món ăn dân dã của quê hương. Nhìn anh rể ăn ngon lành, Yến nở từng khúc ruột. Ít ra thì không khí gia đình cũng làm dịu bớt nỗi nhớ nhung cách trở. Yến thấy mình có bổn phận thay chị săn sóc anh rể, bù đắp phần nào sự hẫng hụt tình cảm để anh bay thanh thản.

Phần Tuệ, dẫu luôn tự răn mình phải cư xử sao cho đàng hoàng đúng mực, nhưng sự chăm sóc có phần thái quá của cô em vợ khiến anh lúng túng, mất tự nhiên. Quả thực, nhiều khi cái sinh lực đàn ông tràn trề nơi phần con của người phi công cứ sôi réo, quay quắt. Anh mụ mị cả người cũng tại bởi Yến là bản sao hoàn hảo của chị gái. Điều ấy khiến Tuệ thêm khắc khoải, day dứt không yên.

Đôi lần, Yến rủ bạn đạp xe sang tận sân bay Gia Lâm thăm anh. Cánh lái trẻ cứ mắt la mày lém, xoắn xuýt xin đăng ký làm bạn cột chèo với Tuệ. Anh chỉ cười nhẹ: “Em vợ tao, của nó…, tụi bây đứa nào giỏi tán thì ăn”.

Là tếu táo vậy chớ lòng Tuệ như đang bị xát muối. Đài báo của ta liên tục tố cáo bè lũ Ngô Đình Diệm đàn áp đẫm máu những người kháng chiến, đồng thời o ép truy bức chị em phụ nữ có chồng con đi tập kết. Liệu Hòa của anh có thoát khỏi nanh vuốt kẻ thù không? Anh đau đớn tự hỏi và tự trả lời. Ở mặt đất, chẳng mấy khi Tuệ để chân tay rảnh rỗi. Anh sợ sự nhàn hạ. Có đêm nằm mãi không ngủ được anh vùng dậy hết chạy lại ra đấm bao cát huỳnh huỵch cho đến lúc mồ hôi ướt đẫm thân mình mới chịu thôi.

Hơn bao giờ hết, đồng bào đồng chí miền Nam đang cần sự chi viện của miền Bắc “hậu phương lớn”. Đường mòn xẻ dọc Trường Sơn đã được mở nhưng chưa đủ, cần phải có thêm những con đường trên biển và cả trên không.

Sau một thời gian nghiên cứu xây dựng nhiều phương án, cấp trên đồng ý cho lực lượng không quân vận tải thọc sâu vào vùng hậu địch. Hai chuyến trước kể như thất bại. Chuyến khởi đầu bị lạc do đội bay phán đoán sai địa tiêu, may mà thoát được qua giới tuyến trước lúc trời rạng sáng. Chuyến thứ hai đội bay men theo bờ biển bị rađa đối phương phát hiện, máy bay ta dính đạn phòng không của chúng phải về hạ cánh khẩn cấp ở sân bay dã chiến.

Giữa lúc cấp trên đang phân vân, Tuệ xin trình bày phương án và tình nguyện bay mở đường. Có ý kiến e ngại cho rằng Tuệ thích phiêu lưu, mạo hiểm. Lại có cả lời cảnh cáo “Coi chừng, để phi công bay về gần quê, không có lợi!”. Trung phải tìm cách hãm bớt cơn hăng của bạn. “Nôn nóng chẳng đi tới đâu, chỉ tổ bị hiểu lầm”.

Lần đầu tiên trong những ngày sống ở đoàn bay, Tuệ nổi khùng thật sự khi một anh chàng nửa đùa nửa thật, hất hàm nhìn dì Yến:

– Anh Hai tự hành hạ thân xác chi cho cực. Vắng trăng đã có sao. Mía vườn ngọt, cứ đánh cả cụm…

Tuệ gầm lên. Anh văng ra một câu rõ tục. Chỉ thiếu chút xíu nữa thì anh chàng tọc mạch kia đã phải lãnh đủ. Sự hồn nhiên vô tư của Yến là nguyên nhân của những hiểu lầm không đáng có.

Tới bữa dì Yến tốt nghiệp ra trường, ông nhạc cho người lên sân bay nhắn Tuệ về chơi. Bố con sửa cái tiệc mừng nho nhỏ mời bạn bè đồng hương. Cuối buổi khi chỉ còn lại hai cha con, ông già bèn lôi dưới gầm tủ lấy ra chai rượu Vân trong văn vắt. Rót tràn hai ly, ông nhạc chủ động:

– Nè con, ta uống mừng em Yến thành cô giáo.

Trong thâm tâm Tuệ rất kính trọng ông già vợ vì sự hiểu biết và đức tính khoan hòa độ lượng của ông. Nên nhất mực ông nhạc nói điều gì Tuệ cũng nghe theo.

Đưa ly rượu lên dốc cạn một hơi, đoạn ông nhạc buông ly thẫn thờ tựa lưng vào vách. Nhìn bố vợ, Tuệ thấy nao cả lòng. Người già vẫn vậy, thường cả nghĩ. Ánh mắt nhìn xa xăm, ông cất giọng chậm rãi tựa như phải cân nhắc đã từ rất lâu, nay mới có dịp thổ lộ:

– Tuệ à. Mầy là rể nhưng ba coi như con đẻ. Ba già rồi thì chẳng nói làm gì. Các con còn trẻ, tương lai còn dài. Điệu này chưa biết đến bao giờ tụi bây mới đoàn tụ gia đình được…

Ông xỉ mũi rột rẹt, rồi tiếp:

– Nếu con thương em Yến thì ba cũng thuận lòng. Ba biết con Yến nó cũng thương quý con. Thôi thì lọt sàng xuống nia. Chuyện tổ chức con khỏi phải lo. Ba sẽ đi gặp mấy ảnh để trình bày. Hoàn cảnh như vầy, ba chắc con Hòa ở trỏng nó cũng không nỡ trách các con đâu. Là ba cứ tình thiệt mà nói. Ý con sao?

Sửng sốt đến kinh ngạc, Tuệ ngồi chết trân như cây dừa bị phạt ngọn. Hồi lâu, anh mới thốt được thành lời:

– Con đội ơn ba đã lo lắng cho hạnh phúc của con. Nhưng ba cho con xin được trái lời ba trong chuyện này. Hòa đã là vợ con thì Yến là mãi mãi em con. Dẫu trời đất này có sụp thì con vẫn vậy…

Từ bữa ấy, Tuệ có ý lánh mặt. Thi thoảng anh mới tạt về nhà nhưng chỉ chốc lát rồi kiếm cớ phắn ngay. Tuệ dồn hết tâm trí cho tập luyện và cuối cùng anh được toại nguyện. Phương án táo bạo của anh đã được cấp trên chấp thuận.

*

Quãng nửa đêm. Trăng suông. Có tiếng gà gáy le te như mơ ngủ. Lệnh cất cánh truyền tới. Lập tức đội bay vào vị trí, ai nấy tỉnh rụi. Cơ trưởng Tuệ thấy người bừng bừng như vừa uống rượu. Để trấn tĩnh, khi lấy xong độ cao cần thiết, anh đổi chỗ cho Trung. Chiếc Li-2 lầm lũi tiến vào bóng đêm.

Ngồi ở ghế phụ lái, Tuệ cảm như chân tay mình thừa thãi. Tiếng động cơ ù ì, dềnh dàng đến sốt ruột. Tốc độ hơn hai trăm cây số một giờ sao chậm như sên. Nhìn ra bên ngoài có vẻ như máy bay vẫn đứng yên một chỗ. Bay đêm, người phi công dễ bị cảm giác đánh lừa.

Tới Sê Pôn, chiếc Li-2 men theo dãy Trường Sơn xuôi về phía Nam. Xạ thủ súng máy kiêm thông tin cắm cúi dò tín hiệu đài địch ở Pleiku, lấy đó làm điểm chuẩn. Từ đây, đội bay rẽ ngang lách núi bổ xuống đồng bằng.

Càng về khuya, cảnh vật bên dưới cánh bay càng trở nên hư ảo, mông lung. Các địa tiêu chỗ nào cũng na ná như nhau. Sự căng thẳng và nỗi lo âu mỗi lúc một đè nặng lên tâm khảm các thành viên đội bay. Làm thế nào tìm cho đúng địa tiêu cần đến? Lẽ nào lại bó tay? Tuệ cắn chặt đôi môi.

Ba tiếng đồng hồ trôi qua. Vẫn mù mịt như trò đuổi bắt. Sốt ruột quá, Tuệ nhảy vào cầm lái để Trung ra quan sát. Người dẫn đường nhìn dán mắt vào kính lái, ngỡ muốn nổ tung cả con ngươi. Anh dụi mắt, la lên:

– Bậy quá! Tới mẹ nó đất Phú Yên rồi. Xem này, dừa sông Cầu đấy.

– Sông Cầu hay Tam Quan? – Tuệ cáu kỉnh ngắt lời.

Trung đanh giọng, quả quyết:

– Không lầm đâu. Phải quay lại mau!

Tuệ rít khàn một hơi. Trời ơi, nếu quả đúng như vậy thì anh chỉ còn cách quê nhà non nửa giờ bay nữa thôi: “Hòa ơi! Em ở đâu? Bình, con ơi…” Tuệ thầm kêu khe khẽ.

Bây giờ Tuệ buộc phải mạo hiểm. Máy bay hạ thấp độ cao chếch về hướng tây. Cả đội bay mừng rú lên khi nhận ra hình thù dãy Cao Muôn lừng lững bên trái. “Địa tiêu đây rồi! Ngay chóc rồi!”. Tuệ vòng lại cho máy bay sà xuống. Nom rõ một đốm lửa bùng lên, xung quanh lố nhố bóng người. “Có thế chứ”. Tuệ hô đồng đội thả hàng. Lập tức một cái lỗ vuông vắn mỗi bề chừng một thước ở khoang bụng được mở ra. Trung và Châu dùng chân đạp thảy từng kiện hàng rớt xuống trảng tranh.

*

Tiếng động cơ máy bay ào ào xé gió như một cơn lốc. Những người du kích tưởng mình mê ngủ. Họ gần như tê liệt, chân tay quýnh quáng. Mất một lát định thần, họ mới châm nổi mồi lửa làm hiệu.

Từ bữa trên khu thông báo chuẩn bị đón hàng đặc biệt ở miền Bắc đưa vào, đêm nào du kích cũng luân phiên canh chừng cho tới sáng. Khi được biết máy bay ta sẽ thả hàng, cánh du kích mắt chữ O, mồm chữ I “Trời đất, ngon vậy ta! Đằng mình có tàu bay hồi nào? Thiệt không ngờ!”.

Trên gương mặt xanh bủng ánh lên niềm hy vọng chứa chan. Hằng đêm, những người du kích vẫn dỏng tai ngóng đợi. Hễ nghe tiếng rì rì từ xa vọng tới, họ đã bấm nhau bật dậy. Háo hức hy vọng rồi lại tiu nghỉu thất vọng. Cánh trẻ ấm ức đi ngủ. Đám du kích đứng tuổi vấn thuốc sâu kèn, ngửa mặt trông trời.

Đêm thứ 31.

Những người du kích đã không uổng công chờ đợi. Họ nhìn rõ mười mươi từng kiện hàng chui ra từ bụng máy bay. Vừa loáng cái, con chim sắt vụt biến đâu mất. “Ôi, chèng đéc ơi! Giá cái tàu bay nó hạ xuống trảng tranh chút xíu thôi để coi thử bản mặt mấy anh phi công đằng mình sao mà giỏi quá ta!”.

Chuyện trò râm ran. Hàng được khuân về căn cứ ngay trong đêm. Thả sức đoán già đón non “Là súng? Là gạo? Hay thuốc men?”. Chịu. Tới hồi được lệnh khui hàng. Trật lấc. Mọi người cùng xô vào. Bên cạnh những hòm súng đạn còn có những bao tải được bọc khá kỹ càng. Ai đó hét lên: “Muối!”. Mắt sáng rực. Chẳng ai bảo ai, mỗi người nhón lấy dăm hột đưa lên miệng. Tiếng chẹp chẹp, hít hà nghe mới đã làm sao.

– Các đồng chí ơi, sống rồi! Muối của Bác Hồ, muối của miền Bắc…

Người chỉ huy tóc lốm đốm muối tiêu bỗng nghẹn lời. Vây quanh ông có không ít những gương mặt tái xạm đang sùi sụt khóc, cười tự nhiên như trẻ nít.

*

Thả hàng xong, Trung và Châu nằm vật ra sàn. Chiếc máy bay cất lên nhẹ bẫng, nhắm hướng Bắc lao tới. Mắt cay xè nhưng Tuệ không thấy mệt. Anh hình dung ra cảnh đội bay trở về, trung đoàn trưởng ra đón. Ông sẽ dẫn cả ba đứa về phòng với nồi cháo gà đợi sẵn, sau đó thưởng cho mỗi người một ly rượu thuốc, rồi bắt đi ngủ…

Thình lình máy bay bỗng rung lên. Tuệ nhìn ra bên ngoài. Phía trước, rồi, cả hai bên cánh xuất hiện những bụm lửa đỏ lòe. Đạn phòng không! Bọn chó má! Tuệ nghiến răng điều khiển máy bay đi ngoằn ngoèo tránh đạn.

Đột nhiên Tuệ oằn oại, người bật nẩy trên ghế. Cơ hồ như có một mũi lao nhọn xiên thẳng từ dưới lên, thuốn vào tận ruột gan. Một tiếng rên đau đớn.

– Trung ơi! Tao bị rồi… mầy lái…

Cả hai người cùng xô vào đỡ Tuệ nằm xuống. Trung hộc lên cay đắng: “Mẹ nó chớ. Bọn chó đểu!”. Phải đưa máy bay thoát ly càng nhanh càng tốt.

Tuệ ngất lịm. Mọi thứ băng bó sơ cứu dường như không có tác dụng. Máu trên người Tuệ vẫn chảy không sao cầm được. Trong cơn mê sảng, Tuệ thấy mình đưa máy bay hạ cánh ở bãi biển Nha Trang. Dân thị xã túa ra xem đông thiệt là đông. Hòa dẫn con gái ra đón anh. Lại có cả dì Yến nữa. Anh cho cả nhà lên máy bay lượn một vòng, bé Bình sướng rơn cười tít cả mắt. Nhưng lạ, hễ anh đưa tay ra bế, con bé lại chạy dạt ra xa…

Cơ trưởng Tuệ bị thương oằn oại, miệng ú ớ. Xạ thủ súng máy Châu ôm chặt lấy anh, khóc rống lên vì bất lực.

Máy bay vừa dừng trên đường băng, xe cứu thương ập tới. Tuệ bị mất máu quá nhiều. Vết thương nặng. Vào viện, tỉnh được một lúc, anh luôn miệng kêu tên vợ con. Rồi lặng lẽ ra đi…

Người ta tìm thấy trước ngực của người đã khuất một cái túi nhỏ dẹt, nhẹ tênh, có dây đeo hệt như một tấm bùa. Túi vải màu đỏ được khâu bằng những đường kim thô vụng. Ngoài ra không còn gì. Vật nhỏ ấy được trao lại cho người thân trong gia đình. Ông nhạc đấm ngực:

– Con ơi! Tuệ ơi!…

Dì Yến run run cắn nút chỉ nơi miệng túi. Cô lóng ngóng dốc ra lòng bàn tay. “Trời Phật ơi! Cái gì vậy nè?”. Một món tóc đen nhánh trộn lẫn với dúm tóc tơ vàng hoe, mềm mại. Không nén nổi, người con gái òa lên tức tưởi. Bây giờ thì cô đã hiểu. Tuệ là con người của những giá trị thiêng liêng, không dễ gì thay đổi…

*

Tuần sau. Cấp trên chuyển tới chỉ huy trung đoàn một bức điện cơ yếu từ khu Năm gửi ra, vỏn vẹn mấy dòng: “Đã nhận được vũ khí và muối. Quý hơn vàng! Cảm ơn Không quân!”.

Hay tin, Trung vội vã tốc về Hà Nội đón Yến. Cô xin nghỉ một buổi dạy. Họ ghé chợ mua hương hoa. Yến lựa một bó hoa hồng nhung đỏ rực màu lửa.

Nghĩa trang. Hai người lặng lẽ cúi đầu trước nấm mộ còn mới. Trung lóng ngóng quẹt diêm châm lửa đốt nhang. Anh cầm nắm nhang giơ ngang đầu, thầm thì:

– Tuệ ơi! Tụi mình đã hoàn thành nhiệm vụ. Mình sẽ thay Tuệ đi tiếp con đường được mở bằng máu…

Gió nhẹ. Trong giây lát, nắm nhang hực cháy lên thành lửa ngọn. Cô giáo Yến khụy xuống, nấc nghẹn:

– Anh Tuệ ơi!…

Trung lùi lại. Sực nhớ ra điều gì, anh giở sổ tay lấy bút khua liền một mạch: “Nơi đây an nghỉ một người con của Khánh Hòa. Anh là một trong những phi công đi tiên phong mở đường hàng không chi viện cho miền Nam. Tên anh – Cao Tuệ…”.

Trước hương hồn của người đã khuất, Trung thầm hẹn tới ngày đất nước yên hàn anh sẽ trở lại với tấm bia đá có khắc những dòng chữ ấy. Giờ đây, anh hối hả quay về. Đêm nay, có một chuyến bay khác đương chờ anh.

Trung đứng vào chỗ bạn mình vừa ngã xuống. Điều ấy ngay cả với Yến, anh vẫn không dám hé nửa lời.

Họ lặng lẽ chia tay.

N.M.N