Bay qua cõi nhân sinh với những giấc mơ xanh

1142

Trúc Linh Lan

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nhận tin nhắn Tú bảo cho địa chỉ gửi tăng tập thơ “Những mùa hoa anh nói”, tôi rất cảm động vì một người bạn thơ tận bên trời nước Đức xa xôi nhớ về một người yêu thơ chưa một lần hội ngộ tăng một món quà quý như thế. Tôi không là nhà lý luân, không là nhà phê bình. Tôi đọc tập thơ Tú một mạch và đọc đi đọc lại nhiều lần với tâm thái cảm nhận của một người yêu thơ với một hồn thơ thật “trong ngần trẻ thơ”, một hồn thơ “ôm những đa mang, xót bao nhiêu kiếp dã tràng phù vân”.

Tập thơ Những mùa hoa anh nói

Đọc tập thơ “Những mùa hoa anh nói” Nxb  Hội Nhà Văn – năm 2018

“Ta ngồi ôm những đa mang

Xót cho bao kiếp dã tràng phù vân

Ta ngồi bạc áo phong trần

Mai sau còn lại trong ngần trẻ thơ”

(Hát với trời xanh )

Tôi không quen Trương Anh Tú ngoài đời, tôi chỉ biết người bạn thơ trẻ này qua hình ảnh rất lãng tử khi ngồi ôm đàn và hát trên bãi cỏ xanh dưới bầu trời thênh thang khát vọng và rất nhiều bài thơ trên phây – bút. Nhận tin nhắn Tú bảo cho địa chỉ gửi tăng tập thơ “Những mùa hoa anh nói”, tôi rất cảm động vì một người bạn thơ tận bên trời nước Đức xa xôi nhớ về một người yêu thơ chưa một lần hội ngộ tăng một món quà quý như thế. Tôi không là nhà lý luân, không là nhà phê bình. Tôi đọc tập thơ Tú một mạch và đọc đi đọc lại nhiều lần với tâm thái cảm nhận của một người yêu thơ với một hồn thơ thật “trong ngần trẻ thơ”, một hồn thơ “ôm những đa mang, xót bao nhiêu kiếp dã tràng phù vân” nhưng vẫn luôn tin tưởng:

“Ngàn năm hoa vẫn nở

Biển có cạn  bao giờ

Những con đường không ngủ

Sáng lên bằng giấc mơ”.

Đọc những trang thơ đầu tiên khắc họa trước mắt bạn yêu thơ không phải là chàng trai lãng tử ôm cây đàn giữa không gian xanh lung linh sắc cỏ mà là một cậu bé thật hồn nhiên ngồi bên cạnh con ao nhà vào một đêm trăng “mỏng như dải lụa” ngắm một chú ếch con “sợ ngã” và câu kết của bài thơ là một mùa thu bao la, khoảng không gian thật rộng lớn, thật thơ khiến cho lòng ta chợt thanh tịnh, một cảm giác hưởng thụ cõi bình yên giữa bộn bề cơm áo gạo tiền.


Nhà thơ Trương Anh Tú.

Tâm hồn ấy, tính cách ấy, những ước mơ xanh được nung đúc từ bức tranh đời của người mẹ dịu dàng và bài học đầu tiên “Con hãy yêu màu xanh của cây. Màu hồng của lúa. Những gương sắc tuyệt vời”. Cái màu của niềm tin của hy vọng, cái màu của no ấm và sắc màu của cuộc sống cõi nhân sinh theo Tú trưởng thành “tôi lớn lên với những bức tranh chứa đầy ánh sáng  mang trong trái tim “có bao điều mơ ước/ Như hạt mầm tinh khôi”.

Hạt mầm vươn lên từ sỏi đá, từ buồn vui của hiện thực cuộc sống để vươn cao để thành cây ra hoa kết trái là một quá trình trải nghiệm. Tác giả  “Những  mùa hoa anh nói “ chợt nhận ra rằng “Tôi nhặt được cả những chiếc lá đổi màu. Những khuôn mặt sáng, tối lẫn lộn. Những gam màu nhạt phèo trên phố”, rồi chợt thấy mình “như một con kiến dại khờ tha cả niềm tin, cả không gian ánh sáng tuyệt đẹp “chiếc lá xanh non/ bông hoa nhỏ xíu/ bầu trời…” Tất cả đều là những bong bóng. Tâm trạng cô đơn cùng cực “Tôi giàn giụa bên những giọt sương, những giọt nước mắt ấm nồng của đất” (Giấc mơ tuổi thơ trang 19).

Và lúc ấy hình ảnh người mẹ hiện ra “Mẹ tôi vẫn âm thầm sau giá vẽ”. Tú hiểu sâu hơn những lời mẹ bảo để đứng dậy, tự tin mạnh mẽ “Trong giấc mơ thật khẽ/ bong bóng thành trời xanh” (Bong bóng trời xanh – trang 28). Tôi rất thích chiếc  thuyền giấy mong manh của Tú qua bài thơ “Giấc xanh” cũng là chiếc thuyền giấy chở đầy tuổi thơ tôi theo theo mùa mưa ở quê nhà.

Ở Tú tôi  bắt gặp một trái tim nồng nàn hơi thở cuộc sống với những khát vọng tự do thật lãng mạn đáng yêu “ Anh gấp em vào/ Mênh mông sóng nước/ Chở cùng đai dương”, “Một cánh sen nhỏ/ Anh cuốn em vào/ Giọt sương thầm lặng/ Bay lên trời cao”, cùng với trời cao, với biển xanh ấy hoa mới nở, cánh buồm nồng nàn nổi nhớ”. Tôi thích khổ thơ cuối của bài thơ, tôi yêu cái góc nhìn rất khiêm tốn, rất tỉnh tế của Tú. Nhà thơ trẻ này đã nhìn thấy trong “biển đời” mệnh con người mong manh như một con “thuyền giấy” đón sóng to, gió dữ, bão giông…Tất cả những lo sợ, hãi hùng được anh biến hóa thành nhẹ tênh:

“Một chiếc thuyền giấy

Lênh đênh biển đời

Một bông sen nhỏ

Hóa thành mây trôi”

Tôi chợt nhớ đến lời nhận định về thơ của Dylan Thomas “ Thơ là những gì làm bạn khóc, cười, đau khổ, câm lặng…làm bạn muốn làm mọi điều hoặc chỉ ngồi yên một chỗ, khiến bạn thấy mình cô độc trong thế giới, rằng hạnh phúc, khổ đau  của riêng mình đang được mãi mãi sẻ chia”. Tôi bắt gặp cậu bé Trương Thanh Tú  trong “Những đứa trẻ” chạy vi vu trên đồng vào buổi chiều “ Gom bầu trời trong những cánh diều cao vút. Cậu bé quỳ bên hang đá trong “Đêm noel” với bao điều ước, để nhớ bà “Trái đất như quả thị vàng bà kế ngày xưa”…

Câu bé ấy đã chửng chạc bước vào đời, nhìn cuộc đời bằng đôi mắt sâu thẳm, một trái tim thấu hiểu “Tự do cho tình thương” trong một “Phiên tòa”, “Trên một con đường xanh” để “Vượt qua cơn lũ/ Là trời xanh thôi!”. Đôi mắt nhìn thấu vũ trụ, nhìn xuyên cõi người, cuộc sống lão ăn mày trong phố cổ lẻ loi, đơn độc “Người lẫn trong đêm/ Nhặt lên chiếc bóng”, tình người bị bào mòn khi đồng tiền điên đảo, những hàng xóm thời tối lửa tắt đèn có nhau, nay thời thế thay đổi rồi “Đường làng vắng tiếng chim ngân/ Bập bùng phố thị/ nhạc gần, nhạc xa”.

Cách ngắt câu xuống dòng rất thú vị, miêu tả sự thay đổi ồn ào chóng mặt:” Nhà cao, chóp kính sáng lòa…./Dăm xe cậu ấm,chiêu lượn vòng…./ Cô hàng xóm đã mặt hồng phấn son” vật chất làm cho tình nghĩa làng xóm trở nên nhạt nhẻo: “Nhìn nhau…kẻ trước…người sau/ Nhìn nhau như chẳng quen nhau thuở nào” (Giấc phố làng tôi – trang 38 -39). Hình ảnh cuộc sống này không còn là riêng ở làng quê nhà thơ mà là nỗi nhức nhối trong lòng những con người không còn làng, không còn xóm. Họ nhớ cánh đồng, họ nhớ thương đất đai, họ nhìn con cháu lột xác quái dị…Họ đau biết chừng nào! Trăn trở, thao thức…:

“Bao nhiêu mùa lá đổ

Bao nhiêu mùa lá rơi

Bao nhiêu năm không ngủ

Hay bao nhiêu năm cười

(Thơ tặng sinh nhật bạn – trang 45).

Trương Anh Tú thả ước mơ, khát vọng lên bầu trời xanh cao rộng kia với sự lạc quan tin yêu vào cuộc sống này một cách kỳ lạ: “Anh hóa bầu trời/ Anh cũng là mặt đất”. Bêlinxki nhận định “Thơ trước hết là cuộc đời sau đó mới là nghệ thuật”. Nhà thơ đau đáu trước những khuất lấp, rơi nước mắt trước cái ác lộng hành, sự bất công… Nhưng ta vẫn bắt gặp một chàng thi sĩ thong dong đi nhặt và chắt lọc thật kỹ những ngôn từ, cách sử dụng dấu câu cho câu thơ của mình, tôi thấy Tú như  “Anđecxen đã lượm lặt những hạt thơ trên luống đất người dân cày, ấp ủ chúng nơi trái tim ông rồi gieo vào túp lều, từ đó lớn lên và nở ra những đóa hoa thơ tuyệt đẹp, chúng an ủi trái tim những người cùng khổ”. Anh xác định vai trò, trách nhiệm của nhà văn nhà thơ trong cuộc sống hôm nay:

“Nhà văn dùng ngôn từ để lấp những ngọn núi

Không để cao hơn đất

Anh nâng mặt đất lên!

Nhà thơ lấy vần điệu để chắp những đôi cánh

Không để chối bỏ thân phận

Anh bay qua thân phận!

(Mặt đất và bầu trời – trang 54).

Có lúc nhà thơ cũng cảm thấy bất lực, cô đơn, thấy mình nhỏ bé, lạc lỏng trước biển người mênh mông. Tôi thích bài Khúc Trăng (Trang 67) Tôi yêu mến chàng trai “ Ngày tôi soi mình trong nước” thất vọng sao không thấy bóng mình, bị che khuất rồi, hồn khuyết, bóng vỡ… để rồi “lặng im/ lặng im/Lặng im tôi”. Đọc những câu thơ Tú tôi chợt nhớ đến bài viết của một bạn trẻ:”Dù muốn dù không, sẽ có một lần trong đời, bạn cảm thấy cô đơn và dường như mọi thứ đang bi đóng băng lại. Đó là lúc “dấu lặng” trong khuôn nhạc cuộc sống của bạn đã bắt đầu được ngân lên. (GUU.VN).  

Thôi thì chúng ta cùng anh bạn thơ xa xứ này:”Ngửa cổ uống vầng trăng/ Cho vơi đi nỗi nhớ/ Dang tay ôm biển rộng/ Cho nỗi buồn ra khơi/ Thầm thì với dòng sông/ Cho lòng thôi quạnh vắng/ Giữa dòng đời hiu quạnh/ Đâu bến đục, bến trong” như để tự an ủi, động viên mình “Ngan ngát cõi nhân gian/ Như chưa từng cay đắng”. Để rồi bạn yêu thơ cùng  Trương Thanh Tú vác cây đàn trên vai:

“Nghe một nốt nhạc xanh

Trong hạt sương buổi sớm

Trái tim như trẻ lại

Tan ra thành ban mai”

(Lời trái tim – trang 69)

Thông điệp cuộc sống của Tú ngời ngời sức trẻ, ngời ngời động lực để một ai đó đang bi quan, tuyệt vọng…sẽ “Không chối bỏ thân phận” và biết bay qua thân phận để tồn tại đi về phía trước tìm tình yêu đích thực của mình. Hình như cậu bé ngồi bên bờ ao ngày xưa đã bắt gặp tình yêu của mình: Cô bạn ngày xưa? Cô nàng cạnh vách? Hay cô bạn chung cơ quan? Người con gái nào khẻ hát làm cho câu bé hồn nhiên  thấy trời xanh mát, như có dòng suối mát, chiếc thuyền xanh, buồm trắng nhỏ, chở trái tim xanh…

Với lời yêu muốn ngỏ thấp thoáng một mái nhà xanh tràn đầy tiếng hát. Tôi đang tò mò đây, tôi đi vào mái nhà xanh ấy để chiêm nghiệm từng bài thơ và dừng lại ở “Cảm xúc” không còn thấy nhà thơ đâu nữa, chỉ thấy tiếng ngân của trái tim màu đỏ ấy với những cảm xúc thật chín, thật đỉnh đạc. Tôi nhất trí với lời nhận xét của nhà bình thơ Đỗ Quyên khi chị xếp nó vào “bài thơ rất hay”.

Tú dùng thể thơ năm chữ, không có gì mới mẻ nếu như không có câu phá cách “Thứ ngôn ngữ cũng chẳng cần da thịt”. À thì ra nhân vật “em “ trong chùm thơ này không hiện hữu, không dáng hình, “em” đến từ một “Bến mê”, từ một “Định lý” để “Trái tim lặng lẽ” bỗng “Xanh mùa trong nhau”. Theo tôi “em” Có thể là “nàng thơ” mà trong những phút “Lặng im/ Lặng im/ Lặng im tôi” Tú đã bắt gặp một tình yêu đầu đời. Bạn yêu thơ như ngộp thở trước cảm xúc mãnh liệt của Tú dồn dập, nồng nàn như những đợt sóng đại dương…Tôi cảm nhận được nỗi sung sướng, sự hạnh phúc và hình như có cả những giọt nước mắt rưng rưng, cách sử dụng điệp từ “hôn” được lập đi lập lại cháy bỏng, gấp gáp:

“Anh hôn em, hôn em

nụ hôn đầu ngây thơ, dại dột

Anh hôn em, hôn em

trái tim mới

tự mình cắt rốn

lã xuống môi em..”

Các động từ thể hiện sự cuồng nhiệt, một trạng thái không kềm chế được với nỗi sợ hãi mơ hồ: “gào lên”, “thét lên”, “Trái tim chồm lên/ muốn quẫy, đạp, xô, văng ngàn phía/ siết chặt em rồi/ sao vẫn quá xa xăm” Những câu thơ tuy ngắt dòng nhưng không viết hoa đầu câu chứng tỏ cảm xúc của nhà thơ như ngọn thác nước từ trên cao đổ xuống rào rạt… rào rạt… để rồi khi chạm vào sư mênh mông  nó trầm lắng lại:

“Trái tim nhỏ nhoi

trái tim lặng lẽ

mới dươc chào đời

từ phút

hôn em!”

Tuyệt vời! không một chút dục vọng, không một chút tạp niệm, mà trong trẻo, mà tinh khôi. Cảm xúc thăng hoa, thành thơ, thành nhạc nở trên trang giấy: “Đâu những trang giấy trắng/ Thức bao mùa phượng xa/ Tiếng đàn từ độ ấy/ Tan vào trời bao la”. Trái tim tôi mỏng manh chạy theo cảm xúc của Tú bao lần hụt hơi. Thơ đối với Tú như không khí để thở, như sắc màu trong tranh của mẹ, như chuyện cổ tích bà kể, như  bầu trời đầy hương hoa…

Để cuối cùng nhà thơ của chúng ta đúc kết thành một định lý rất ngây thơ đáng yêu “Mặc đời bao ẩn số/ Em xinh không cần chứng minh!”.Tú ngập ngừng đi vào cánh đồng thơ của mình, cánh đồng tươi trẻ với những chồi non dại được ươm mầm từ “sự run rẩy với hồn tôi”. Cánh đồng “Không mang theo da thịt” và chỉ mình tác giả thôi, tác giả cảm nhận được mùi thơm kỷ ảo “thơm con gái”. Để diễn đạt nó nhà thơ phải dùng một thứ ngôn ngữ riêng “Thứ ngôn ngữ không cần da thịt” và cũng chỉ có nhà thơ:

”Trò chuyện với cánh đồng/ Cánh đồng thơm con gái”. Bài thơ còn khẳng định được sự cô đơn của nhà thơ, chỉ có nhà thơ mới thấy được cái đẹp của cánh đồng chữ nghĩa đó và khẳng định một bài thơ hay phải tỏa hương và phải đẹp. Nói như nhà thơ Nguyễn Việt Chiến nó phải có hồn cốt. Hồn cốt ấy từ bàn tay nhà thơ nở ra một vườn hoa đầy hương sắc. Có những bông hoa biến thành “Những người đàn bà đi ngang qua cuộc đời/ để lại trái tim trên đất…chỉ giữ lại riêng mình nước mắt” hay hình ảnh “bàn tay người “ trong “Thương em phơi áo mùa đông” rất thực, rất đời, rất nhân văn, thật ít ỏi với những câu thơ đầy hình tượng nhà thơ đã nêu lên được phẩm chất chịu thương, chịu khó của người phụ nữ, dù ở đất nước nào, ở đâu:

“Họ như giọt sương

Long lanh bao đời

Cho đất nở hoa thôi”

(Những người đàn bà – trang 88)

Họ làm đẹp cho cuộc sống, họ là một nửa làm đầy thế giới. Loài hoa “Đã một lần thật sống/ Để đi hết bầu trời/ Của  tận cùng sự sống!..Đi tìm những mùa hoa như thế, Tú được cô hàng hoa chỉ bảo tận tình “Những mùa hoa anh nói/ Phải tự trồng anh ơi! Thật đáng yêu quá đi thôi.

Tôi lại lang thang trong cánh đồng thơ của Tú, một nhà thơ sống xa quê hương. Được biết Trương Anh Tú hiện đang sống là làm việc ở Đức, một môi trường hiện đại văn mình. Nhưng chàng trai đất Việt này luôn nặng lòng với quê hương, với một Hà Nội cổ kính, với con sông Hồng gắn với tuổi thơ, da diết tiếng còi tàu dội vào năm tháng khôn nguôi, anh đã bộc bạch  “ Tôi  nghĩ về Tổ quốc như nghĩ về ngôi nhà của Mẹ. Trở về ngôi nhà ấy, không phải lúc nào cũng có những nụ cười, có cả những giọt nước mắt, nhưng là những giọt nước mắt được chắt ra để chúng ta biết lớn lên” Dòng thơ ký ức về vùng quê, về tuổi thơ cứ lấp lánh, ngân vang theo từng nốt nhạc làm day dứt lòng những ai sống xa quê

Trang thơ cuối cùng xếp lại tôi vẫn còn say trong hương cánh đồng. “Những mùa hoa anh nói”. Một tập thơ có niềm vui, nỗi buồn, sự cô đơn, tuyệt vọng, trăn trở, băn khoăn, một sự run rẩy thoáng qua, một phút chốc ngẩn ngơ…Nhưng sắc xanh chủ đạo suốt tập thơ đã làm cho hồn thơ dạt dào sức trẻ, dạt dào niềm tin yêu cuộc sống. Bạn yêu thơ như muốn cùng tác giả cất lên tiếng hát “với trời xanh” từ “ngôi nhà nhỏ” trên “con thuyền nhỏ” với “nụ cười nhỏ”…Để thêm “Yêu cuộc sống này/ Không hẹp như bàn tay “. Hãy nhìn cuộc sống này bằng một đôi mắt bao dung, nhân hậu, một đôi mắt yêu thương cuộc đời:

“Còn một đôi mắt nữa

Lặng trong trái tim tôi

Mai sau dù nhắm mắt

Vẫn long lanh lệ trời”

Thơ Tú không trúc trắc khó hiểu, giàu suy tưởng, giàu nhạc điệu “…giống như dòng sông mát lành, để tâm tư cảm xúc của con ngưởi thỏa sức ngụp lặn, để nhân cách con người thỏa thê soi bóng, để ký ức của con người thỏa lòng đồng vọng với những giấc mơ…” (Nhà giáo – Thạc sĩ Trần Việt Hà)

Đọc thơ Tú, lòng tôi trong trẻo quá. Thơ Tú như cơn mưa cuốn trôi đi bao bụi bậm đời thường. Đưa con người đến với những ước mơ cao đẹp để tiếp tục cuộc hành trình:

“Thong dong trong cõi vô thường

Lẫn trong dâu bể…con đường màu xanh”

(Con đường màu xanh – trang 137)

Phải chăng “…Có những tâm trạng và cung bậc tình cảm của con người chỉ có thể diễn đạt bằng thơ. Chính vì thế thơ không chỉ nói hộ lòng mình, thơ còn là sự an ủi, vỗ về, đông viên khích lệ người ta đứng dậy đi tới”

 “Những mùa hoa anh nói“ của nhà thơ Trương Anh Tú đã làm được điều này.

(Viết xong vào những ngày tháng Chạp 3/12/2019)

                                                                                                                              T.L.L