Bến Bò Cạp – Truyện ngắn Phạm Đức Long

591

(Vanchuongphuongnam.vn) – Trời nhá nhem, Cô Tươi bỗng thấy từ trong rừng cây tiếng con chim Tơ Tóc cất lên phía trước. Hễ cô đi tới gần, nó lại bỏ chạy. Như người dẫn đường, khi đã khuất bóng, nó lại cất lên tiếng kêu. Cứ thế, ngỡ có một ma lực nào đó, Tươi lẽo đẽo đi theo con chim vào trong rừng rậm. Qua một lối mòn thì nó mất dạng. Đang loay hoay tính đường tháo lui thì Tươi đạp phải một bàn chân ai đó. Trời đã nhọ mặt người, nhưng cô vẫn nhận ra đó là một anh bộ đội nằm bên cạnh miệng một hố bom. Anh bộ đội bị thương đã lả đi, chỉ còn cử chỉ rất yếu.

Ảnh minh họa – Nguồn internet

Vùng đất phía Tây Bắc thành phố, hai bên sông Sài Gòn, được mệnh danh là Tam Giác Sắt. Các chiến đấu cơ hễ cất cánh ở Đồng Nai, Hạm Đội Bảy hay Thái Lan, khi trở về còn bao nhiêu bom đều trút hết xuống mảnh đất này. Mặt đất nham nhở dày đặc hố bom, rừng cây đổ rạp cháy sém ngổn ngang. Cứ ngỡ sự sống chẳng còn cách nào để tồn tại. Ấy thế mà dưới đất sâu, con người vẫn kiên cường bám trụ. Những địa đạo chi chít xuyên lòng đất, nối liền các xã. Đó là hệ thống đường hầm như hang chuột, ngoằn nghèo, nhiều tầng nhiều ngách. Chỗ cửa hang chỉ lọt được một thân hình người Việt nhỏ bé. Người to lớn mập mạp như lính Mỹ thì chịu. Nhờ hệ thống ấy mà mảnh đất này vẫn tồn tại và chiến đấu ngoan cường ngay cạnh Trung tâm Sài Gòn, đầu não của Quân lực Cộng hòa hùng hậu suốt mấy mươi năm kháng chiến.

Những thời điểm chiến tranh khốc liệt, dân phần thì bị lực lượng Quốc Gia gom hết về ấp chiến lược, phần để tránh bom đạn họ tự vượt sông đi về các đồn điền cao su mưu sinh, nơi này chỉ còn lại bộ đội và du kích bám trụ dưới lòng đất. Những người vào sống trong ấp chiến lược, con em họ lớn lên vẫn lại trốn ra, trở về gia nhập vào đội quân trong lòng địa đạo, để bám trụ với lực lượng kháng chiến. Những năm đói, người dân đồn điền gom góp được chút lương thảo trà trộn như cách đi làm nương rẫy, tiếp tế cho lực lượng bám trụ. Có lúc chỉ là một nắm cơm nhỏ giấu trong búi tóc phụ nữ.

Bom đạn ác liệt là vậy, nhưng cái đoạn sông Sài Gòn chảy qua đất này đêm đêm vẫn có xuồng ghe, ca nô máy chạy qua lại, âm thầm vận chuyển khí tài nhu yếu phẩm cho lực lượng kháng chiến. Hai bên bờ sông um tùm cây, những bãi đất mênh mông mọc thành rừng. Rừng chở che cho những con người trung dũng. Từ lâu, cái dọt nước giữa cánh rừng bên tả ngạn sông Sài Gòn đã được người ta vắt lên thành một con rạch nối miền đất bí hiểm này với dòng sông. Ở đó có một cái bến, gọi là Bến Bò Cạp. Rất nhiều súng đạn, quân nhu quân dụng đã theo con rạch ấy đến với những người kháng chiến, nuôi sống hệ thống địa đạo chàng chịt trong lòng đất.

*

Một chiều mưa lắc thắc, con chim Tơ Tóc kêu thắc thỏm bờ sông. Nó gõ vào chiều nỗi buồn cô quạnh. Bến Bò Cạp vừa qua một trận càn. Đầu tiên ca nô địch chạy dọc bờ sông, nã súng như dội đạn vào tất cả những điểm nghi ngờ có du kích bộ đội ẩn náu. Bắn xối xả mấy tiếng đồng hồ, chúng đổ quân lên con rạch, bên hữu có Bến Bò Cạp. Một số người tập kết hàng đêm trước chưa kịp rút hết đã trúng đạn tử thương.

Sau trận càn bờ bãi tịch mịch hoang vắng như cõi chết. Bộ đội du kích đi thu gom thi hài liệt sỹ đã rút hết. Trời nhá nhem, Cô Tươi bỗng thấy từ trong rừng cây tiếng con chim Tơ Tóc cất lên phía trước. Hễ cô đi tới gần, nó lại bỏ chạy. Như người dẫn đường, khi đã khuất bóng, nó lại cất lên tiếng kêu. Cứ thế, ngỡ có một ma lực nào đó, Tươi lẽo đẽo đi theo con chim vào trong rừng rậm. Qua một lối mòn thì nó mất dạng. Đang loay hoay tính đường tháo lui thì Tươi đạp phải một bàn chân ai đó. Trời đã nhọ mặt người, nhưng cô vẫn nhận ra đó là một anh bộ đội nằm bên cạnh miệng một hố bom. Anh bộ đội bị thương đã lả đi, chỉ còn cử chỉ rất yếu.

– Sao anh lại nằm đây!

– Tôi trúng đạn trên lối mòn, theo phản xạ thì lăn mấy vòng vào bụi rậm này! – Anh bộ đội thều thào – Thôi cô về đi. Báo hộ cho đơn vị, tôi đã hy sinh ở vị trí này!

– Không. Em đã tìm thấy anh, làm sao còn chết được!

– Tôi bị nặng lắm. Chắc không sống nổi đâu. Cô chậm trễ vì tôi, lại rủi ro nữa!

– Không em sẽ ở lại đây với anh đêm nay. Ta sẽ trở về bằng được!

– Cô cứng đầu lắm!

– Em sẽ làm mọi thứ để anh sống trở về!

– Hết rồi. Một chút nữa thôi là hết! Tôi nhớ mẹ. Nhưng không bao giờ được nữa!

– Anh phải cố lên, phải mạnh mẽ lên! Anh còn rất trẻ. Không thể chết được!

Máu chảy ướt đầm tấm áo, mắt anh bộ đội lờ đờ xa xăm như cố nhớ một điều gì đó. Nói bạo thế, nhưng thâm tâm Tươi rất lo. Kinh nghiệm, người mất máu nhiều mà trở lại tỉnh táo, coi như những phút hồi dương.

– Điều ước muốn cuối cùng là được hôn người con gái một lần trong đời. Cô ban cho tôi được không!

– Em đã tìm thấy anh. Anh không thể chết được!

Một giọng con gái Nam Bộ hiền dịu ngọt ngào thì thầm bên tai. Anh bộ đội cảm nhận cái hơi ấm lan tỏa khắp cơ thể. Trong anh như có một sức mạnh phi thường chạy rần rật. Anh cố dơ hai cánh tay ôm lấy tấm thân cô gái. Họ gục vào nhau giữa màn đêm. Anh như uống từng hơi thở gấp của cô gái. Ôi, nụ hôn kỳ diệu! Cái cảm giác chưa từng có trong đời. Anh lơ mơ bay bổng, ước mình được từ từ đi vào cõi chết!…

– Anh bộ đội, anh bộ đội. Tỉnh lại lại đi!

Với kỹ năng sơ cứu được huấn luyện, Tươi đã cố hết sức bóp tim, thổi hơi hô hấp nhân tạo… Cuối cùng, điều kỳ diệu cũng đã xảy ra. Người thương binh đã từ từ mở mắt. Những giọt nước nóng hổi tứa ra trên khóe mắt của anh. Tươi khéo léo băng bó cầm máu vết thương, rồi ôm anh vào lòng như sợ có ai đó sẽ đánh cắp mất. Được truyền hơi ấm, người thương binh như trở lại trạng thái tỉnh táo. Anh nở một nụ cười biết ơn. Bàn tay trinh nữ đã giành giật được anh từ tay thần chết. Dưới màn đêm, họ dìu nhau đi lẩn khuất trong bóng rừng, lần mò về đơn vị.

Lần ấy, con chim Tơ Tóc và cô Tươi là vị thần cứu mạng của anh bộ đội tên Hương.

Sau lần được cứu sống một cách thần diệu, Hương được đưa ra tuyến sau điều trị. Anh biền biệt cô Tươi và Bến Bò Cạp từ đó. Những nỗi niềm đau đáu khôn nguôi. Hình ảnh cô gái Nam Bộ trìu mến cứ sống dậy. Đôi mắt to tròn lúng liếng, mái tóc đen dài mượt mà, khuôn mặt bầu bĩnh trắng hồng… Và nụ hôn cháy bỏng, dâng hiến! Tất cả, tất cả như vừa hiện hữu! Nhiều năm sau, hễ có cơ hội Hương lại cố về Bến Bò Cạp, với hy vọng gặp được người con gái đã hiến cho anh nụ hôn đầu đời. Nhiều năm như vậy trôi qua…

*

Ngày hòa bình thống nhất, Hương bất ngờ gặp lại Tươi trên một đám ruộng. Cô du kích đã trở về làm một thôn nữ cấy cày, trồng khoai lúa.

– Chào cô gái Bến Bò Cạp! Cảm ơn em đã tái sinh tôi trong đời!

– Anh bộ đội. Không ngờ anh còn nhớ tới em! – Tươi đỏ mặt bẻn lẽn nhớ tới hoàn cảnh khi xưa họ gặp nhau.

– Quên sao được. Anh đã đi khắp chiến trường, đã bao lần về Bến Bò Cạp tìm em!

– Bây giờ hòa bình rồi. Hết giặc anh về quê, cưới vợ sinh con. Chúc anh có cuộc sống hạnh phúc!

– Chắc rằng tôi khó có thể rời khỏi mảnh đất này được.

– Bình thường thôi anh. Có giặc thì đánh giặc. Hết giặc mọi người lại về quê hưởng cuộc sống yên bình! Như em đây, giờ coi việc cấy cày là bổn phận.

– Tôi còn nặng lòng với quá khứ lắm. Em quên những gì ở Bến Bò Cạp rồi sao?

Hai người đã gợi lại những gì họ trao nhau trước cái tíc tắc mỏng manh giữa cái sống và cái chết. Cuộc gặp mặt nhanh chóng trở thành cuộc tỏ tình. Ngay trong ngày, họ đã về ra mắt ba má Tươi. Bộ đội miền Bắc đẹp trai, có học, gan dạ can trường, mau chóng chiếm được niềm tin của các cụ thân sinh ra Tươi. Hơn tháng sau, họ nên vợ thành chồng. Hương hơn Tươi đến chục tuổi vẫn cứ đẹp đôi!

Đơn vị bộ đội đứng ra tổ chức đám cưới. Chi phí hết hai mươi lăm đồng. Nhiều thứ bộ đội sẵn có, thiệp mời được đánh máy trên giấy pơ luya, chỉ phải mua cái phong bì in sẵn ở chợ.

*

Đất nước thống nhất, người miền Bắc ai cũng mong con trở về. Nhiều người bộ đội xa nhà, lăn lộn chiến trường trong bom đạn mấy mươi năm cứ muốn rũ bỏ mọi thứ trước thời bình để trở về với đời thường cùng cha mẹ, anh em, gia đình, dòng họ, coi như đã hoàn thành nhiệm vụ trong thời chiến một cách nhẹ nhõm. Hương ra quân về làm ruộng với nhà vợ. Anh viết một bức thư về nhà cho gia đình biết mình còn sống.

Năm 1976, với sự thôi thúc của vợ và gia đình vợ, Hương không còn thu mình mãi được. Lần đầu tiên anh về lại Miền Bắc sau mười mấy năm trời xa cách.

– Bây giờ, anh đi tiếp là việc của anh, gia đình không cản. Nhưng anh phải cưới vợ đã! – Ông cụ thân sinh cho họp gia đình để giáo huấn.

– Thưa bố mẹ! Thưa toàn thể gia đình, con mới về chân ướt chân ráo, làm sao mà cưới vợ ngay được ạ! – Hương ấp úng chống chế.

– Anh quên rồi sao! Cái Hiên nhà ông Tùng đấy. Nó đợi anh từng ấy năm. Bây giờ vẫn một thân một mình vậy!

Anh Hương chỉ biết im lặng. Ôi, chiến tranh. Cuộc chiến mấy mươi năm thật là kinh khủng. Ngày mới qua mười bảy, chớm sang mười tám tuổi, Hương hăng hái lên đường đi chiến đấu như bao chàng trai quê khác. Anh còn rất trẻ, nhưng phải để lại một cái gì làm tin cho gia đình. Hàng xóm có cô Hiên, hơn Hương hai tuổi, nhưng ở quê cứ “nhất gái hơn hai, nhì trai hơn một”. Con gái thôn quê tuổi thế mới chững chạc. Gia đình nhắm trước rồi đi bỏ trầu. Cô Hiên không còn cái tuổi bẻn lẽn nữa. Hôm đặt trầu, Hương vào ngay đơn vị, Hiên đội nón mang túi trầu đi mời khắp xóm. Việc cho trầu như vậy vừa như lễ nghĩa, vừa vinh dự khoe với làng xóm mình đã có người đi hỏi, lại như vừa báo với trai làng mình đã có người rấp ngõ!

Gia đình hai bên hy vọng, trong thời gian tập luyện, Hương sẽ trở về, họ sẽ tổ chức lễ cưới trước lúc con trai vào Nam. Cũng là hy vọng đôi trai gái sẽ kịp để lại cho các cụ đứa cháu kháu khỉnh trước lúc xa nhau vì nhiệm vụ kháng chiến! Không ngờ đợt ấy tình hình chiến trường quá gấp gáp, huấn luyện vừa xong đã phải hành quân đi Nam ngay. Chuyện dựng vợ cho Hương coi như vỡ lở.

Đận này hòa bình thống nhất, coi như chắc. Anh chị đã khá đứng tuổi, không cớ gì phải giằng dê nữa cho mất thời gian. Mọi việc diễn ra suôn sẻ đúng như kịch bản của ông Nghênh trưởng họ. Đúng hôm tổ chức đám cưới, lợn đã giết, họ hàng bà con đã mời, thì chú rể bỗng nhiên biến mất. Chẳng ai hiểu thế nào cả. Kiểm tra lại quần áo vẫn còn nguyên, đồ đoàn hành lý vẫn đâu vào đó!

Năm ngày sau thì Hương xuất hiện ở nhà Tươi.

Nhìn dáng vẻ của ông ai cũng ngạc nhiên hết đổi.

Một người đàn ông đi dép sứt quai, mặc quần cộc, mặt mày hốc hác vẻ thiếu ăn thiếu ngủ.

– Trời ơi. Sao anh đến nông nỗi này. Cứ như chạy giặc! – Tươi xót thương ra mặt.

– Còn hơn cả chạy giặc ấy chứ!

Thì ra Hương đã dựng hiện trường giả và lặng lẽ trốn vào Nam với bộ quần áo cộc tay.

– Sao không trình bày với cha mẹ, anh em rồi đi cho đàng hoàng!

– Tình thế oái ăm quá, không sao nói được!

– Cái đồng hồ kỷ niệm của em anh bán lấy tiền tàu xe rồi sao?

– Tôi biết có lỗi rồi. Chẳng phải tôi bán lấy tiền đi đường. Mà trốn chạy, chẳng kịp mang theo một thứ gì?

Biết rõ đầu đuôi câu chuyện, Tươi cứ ân hận. Thương quá người con gái Miền Bắc, đợi chờ hết cả tuổi thanh xuân để rồi nhận lấy một kết quả bi hài như vậy!

*

Ông Hương từ ngày ra Bắc, trở về Nam bỗng chốc thay đổi hẳn. Ông ít nói cười, suốt ngày cứ lầm lì như người trầm cảm. Có những cuộc điện thoại ông không thèm nghe. Có những lá thư ông không thèm đọc. Có lúc không dưng ông bỗng ôm lấy bà Tươi mà khóc nức nở như con trẻ. Gia đình ngoài Bắc gọi kiểu gì ông cũng nhất quyết không chịu về.

– Ngoải họ yêu cầu quá, chắc là có chuyện cần đến ông. Hay ông cứ về xem sao, rồi lại vào!

– Là tại tôi thương Tươi quá, không rời đi được.

– Ông làm thế tôi đắc tội với bà con ngoài Bắc lắm! Ông nghe tôi đi!

– Tôi thương bà. Tôi không đi đâu nữa hết! – Nói thế rồi ông Hương lại ôm mặt khóc tồ tồ.

*

Một ngày đầu Đông năm 1979, gia đình bà Tươi nhận được cú điện thoại từ ngoài Bắc. Nội dung là ông cụ thân sinh ra ông Hương đang ốm nặng, khó qua nổi mùa Đông này. Tâm nguyện của cụ muốn gặp mặt tất cả các con cái. Cụ nhớ thương nhất ông Hương, người con trai trải gần hết tuổi thanh xuân ở chiến trường. Nghe chỉ có vậy, tất cả bản lĩnh xưa nay của ông Hương bỗng biến đâu hết. Ông bệt xuống như muốn xỉu. Ông Hương là con trai trưởng trong một gia đình trưởng tộc. Ngoại trừ ông hy sinh ở chiến trường, bây giờ còn sống, bao nhiêu trách nhiệm, nghĩa vụ với gia đình dòng họ đè nặng hết lên ông. Với bất kỳ ai cũng chẳng dễ dàng chối bỏ. Điều ấy trước đây ông cũng đã từng mường tượng đến, dù nhiều lúc cứ tự dối lòng. Bà Tươi thì chưa kịp có con với ông. Nói đúng ra lúc ông lên đường về Bắc, bà Tươi cũng lại vừa mang bầu đứa con đầu lòng.

*

Đợt ông Hương về Bắc lần hai, thực ra là một cú lừa.

Bây giờ gọi được ông về quê, mọi người như bắt vạ.

Cô Hiên trên mặt pháp lý cũng như đạo lý đã là dâu con trong nhà.

Đêm đầu tiên ngủ chung với người vợ hơn mình hai tuổi, ông Hương khó chịu ra mặt.

– Sao cô cứ ảm ảnh cuộc đời tôi mãi thế!

– Em với anh, có hỏi có cưới. Cả họ, cả làng đều biết.

– Nhưng tôi đâu có cưới.

– Anh vô cảm lắm! – Hiên sụt sùi trong nước mắt.

– Tôi có làm gì hại cô đâu? Ngược lại, cô hại tôi thì có!

– Anh ác lắm! – Hiên bỗng òa lên. Trút hết mọi ẩn ức trong nước mắt – Em chờ anh hết cả tuổi thanh xuân để bây giờ hưởng cái kết này đây! Đã thế, mai em sẽ về, không buồn phiền gì cho anh nữa!

– Thôi, anh hiểu rồi! – Hương đã thay đổi cách xưng hô. – Em cứ ở đây. Anh sẽ đền bồi tuổi thanh xuân cho em được chưa!

Hiên vẫn sụt sịt, nhưng nước mắt đã ngừng rơi. Hương vỗ về cô như dỗ dành con trẻ.

Đêm ấy cặp đôi đợi chờ mười mấy năm trời chìm trong một giấc mơ viên mãn.

Chỉ có chiến tranh mới minh định được phải quấy giữa họ.

*

Ngày bà Hiên sinh hạ được cậu con trai đầu lòng, cụ Thông như có thêm sức lực, khỏe ra trông thấy. Ông có cháu đích tôn cũng là đứa con cháu trai sẽ nối nghiệp trưởng họ Hoàng sau này.

Tiếp theo là những chuỗi tháng năm dài im lặng trong cuộc đời ông Hương. Ông hầu như không chơi thân giao tiếp với ai, không thư từ điện thoại điện báo với ai. Người làng bảo bà Hiên quản lý ông rất chặt chẽ. Bà đợi chờ đến mười mấy năm trời mới có ngày hôm nay, bà không thể để nó bị vuột đi một lần nữa!

*

Ở mảnh đất thép ven ô, một người phụ nữ đêm ngày như chiếc bóng. Chị âm thầm mang cái thai của mối tình xưa cũ. Rồi con gái đầu lòng ra đời. Một đứa con gái có khuôn mặt giống cha, đôi mắt giống má. Đứa bé cứ thế lớn lên trong vòng tay của người mẹ. Nhiều lúc Tươi tỏ ra lúng túng, chẳng biết có nên báo tin vui này cho Hương hay không! Rồi bà tự trấn an mình, chẳng nên làm phiền đến người khác. Chị giận dỗi cái sự im lặng của chồng. Để ru lòng, Tươi đã đi tìm mua cho bằng được con chim Tơ Tóc. Chị nuôi con chim cô đơn như bao gã trai đồng bao chảnh chọe. Cũng có người lấy làm lạ lẫm, nhưng Tươi thì thấy ấm lòng. Con chim ấy là ông tơ bà nguyệt đã từng se duyên cho chị và Hương. Hơn thế, con chim ấy đã cứu mạng sống cho Hương. Nó, từng ngày, từng ngày lưu giữ bao kỷ niệm êm đẹp. Với Tươi thế coi như quá đủ!

*

Bé Hoa càng lớn càng xinh đẹp, nết na. Trời đã bù trừ cho bà Tươi trước sự im lặng kỳ lạ của chồng. Hơn ba mươi năm im lặng. Ngày gả chồng cho con gái, đột nhiên bà nhớ tới ông Hương cồn cào gan ruột. Sự giận dỗi suốt mấy chục năm đằng đẵng bỗng tan biến. Bà muốn báo cho ông, nhưng lại đắn đo, e ngại.

– Hạnh ơi. Địa chỉ của bố con đây. Con ghi lấy, rồi viết thư báo tin mừng cho ông ấy!

– Dạ để con thay mẹ báo tin vậy.

Thư đi, nhưng mọi sự vẫn lặng im như cũ!

Đám cưới con gái, cả mẹ và con đều cố nén lòng.

*

Bến Bò Cạp bây giờ dân cư đã trở về đông đúc. Cái lạch khi xưa đã hoang vu, nông choèn. Hai bờ cỏ mọc um tùm, giữa dòng kín đặc cây lục bình. Người ta đã lấp bớt để mở một con đường nhựa qua khu dân cư, vào một khu du lịch Sinh Thái Việt.

Ở đó chỉ còn một cái bến biểu trưng làm cảm hứng cho du khách về một thời lịch sử hào hùng. Bên cạnh Bến Bò Cạp là mấy cái hố bom sâu hoắm, trong veo được bảo tồn như nhắc nhở về một ký ức thời chiến tranh khốc liệt. Dưới những hố bom ấy, nhung nhúc cá lóc từ bờ rạch trườn vào khi con nước lớn nhất trong năm.

Hoa cưới chồng nhưng vẫn ở nhà má. Cô xin làm việc trong công ty du lịch Sinh Thái Việt. Một ngày bần thần nhớ bố, cô dở giấy biên thư về Bắc. Chỉ vu vơ cho đỡ nhớ, không ngờ gần tháng sau có thư hồi âm.

– Các chị ơi, em có thư! Em có thư!

– Trời ơi, con điên! Làm hết cả hồn.

– Thư là cái gì mà ghê thế!

– Thư bố em! – Hoa nhảy cà tưng như trẻ nhỏ. Cô chưa dám bóc ngay vì không dám tin là sự thật.

Chạy hụt hơi đưa về cho má đọc.

– Má ơi, thư của bố Hương!

– Thật không mày? – Má run run không biết cách gì để bóc được bức thư.

– Ờ… mà biết đâu ai viết xạo.

– Đúng rồi con ơi. Đúng thư của bố mày rồi. Nét chữ này má không lẫn vào đâu được!

Đọc thư, một cảm xúc mới lạ dồn nén gần bốn mươi năm cứ thế trào lên, hai mẹ con ôm nhau khóc trong tức tưởi và hân hoan.

*

Có được địa chỉ chính xác, Hoa năn nỉ ông cậu anh ruột má, đang là giám đốc một công ty tư nhân đánh xe ô tô ra Bắc để thăm bố một chuyến. Từ khi sinh ra, lớn lên đến khi lấy chồng, Hoa chưa hề biết mặt bố. Thi thoảng chỉ mường tượng hình ảnh của ông qua lời kể dấm dứt của má. Theo như sự chắp nối trong tâm trí của Hoa, bố là một người đàn ông hiền lành, có vẻ đẹp đôn hậu. Tuy nhiên ông có chút ủy mị, thiếu quả quyết. Từ ngày nhận được thư của Hoa, bố có thư trả lời, sau đó các chú đã viết thư vào cho má. Các chú trách bố quá hiền đến mức nhu mì, bị bà Hiên cấm cố một cách toàn diện. Tất cả thư của má từ Nam ra, bà đều lên xã nhận trực tiếp và dấu biệt. Bà đã cắt đứt liên lạc của cha con đến gần bốn mươi năm…

– Bác cho hỏi nhà thằng Hương đây phải không ạ? – Ông cậu bước vào cổng ngôi nhà mấy người dân vừa chỉ, gặp ngay một bà già, trong bụng thầm nghĩ chắc là mẹ ông Hương.

– Anh hỏi ông Hương! Ông nhà tôi đang đi cày ngoài cánh đồng kia! Mời cha con anh vào nhà, có việc gì chiều ông ấy về thì trao đổi.

Nghe vậy, ông cậu giật nảy mình, nghĩ mình bị hố. Sau này tìm hiểu thì biết, bà Hiên hơn bà Tươi đúng một Giáp, là đàn bà vùng chiêm trũng Bắc Bộ lam lũ nên trông như đã là một bà cụ. Vị thế như vậy, hoàn cảnh như vậy, người đàn bà này có ghen tuông, giữ chồng cũng là một sự thường tình. Ông cứ thầm nghĩ mà thấy tội cho họ, lại chạnh lòng thương cho em gái mình.

*

Lần đầu tiên gặp mặt con gái miền Nam sau gần bốn mươi năm xa cách, cũng là lần đầu tiên cha con được nhìn mặt nhau, bố rất thương yêu chiều chuộng Hoa. Đi đâu một bước ông cũng đưa con gái theo. Hoa được bố đưa đi thăm đền chùa, đồng ruộng, sông hồ… bao nhiêu là cảnh đẹp quê hương. Nếu ông cậu không bận việc làm ăn trong Nam thì bố sẽ đưa Hoa đi thăm Hà Nội, những địa danh văn hóa thắng cảnh thiên nhiên của xứ Bắc.

Cái đêm cuối cùng ở nhà bố, chẳng hiểu sao Hoa rất khó ngủ. Gần sáng thì nghe bố và mẹ cãi nhau.

– Ông lại ngược đời. Xưa nay “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”. Bây giờ thì ông quí con gái hơn con trai rồi!

Là mẹ Hiên muốn cạnh khóe cha con. Từ ngày Hiên về thăm, bố luôn săn đón ân cần mà hầu như quên mất đứa con trai nối dõi dòng họ là Thành, kém Hiên một tuổi.

– Bà nói gì lạ. Tôi ở với thằng Thành cả đời không đủ sao! Con bé gần bốn chục năm cha con mới biết mặt nhau!

– Thì là tôi thấy vậy nhắc vậy.

– Kỳ này sẵn xe tôi định vào với con bé mấy ngày. Tội nghiệp nó!

– Tiền đâu ông đi!

– Lẳng lặng bán đi ít thóc!

– Trời ơi là trời! Thời thóc cao gạo kém. Rồi đói to. Ông đi một chuyến là mất tiêu mấy tạ thóc. Ra năm khâu mồm lại.

– Thì tôi vay nóng người ta, rồi sau tính!

– Kệ ông, tôi không biết. Khi dư dả hãy tính đi có được không?

– Mấy khi mà có xe ô tô về tận nhà chở đi!

Ông bà thì thầm hầu như suốt đêm, nhưng thực ra là một cuộc cãi vã trắng canh bạch nhật.

Sáng hôm sau, khi mọi người chuẩn bị lên đường, Hoa cố giấu những dòng nước mắt, cứng cỏi nói với bố:

– Đang lúc mùa gieo cấy, bố nên ở nhà giúp mẹ và em lo chuyện ruộng đồng cho kịp vụ. Dịp khác thong thả hơn, bố vào ở dài dài khỏi vội vàng lật đật. Con xin về tường thuật lại tất cả cho má con là được rồi!

– Ừ, con bé Hoa nó nói phải. Ông đi bây giờ, bao nhiêu năm không vào thì thôi, cứ vội vội vàng vàng lại bị xóm làng quở trách. Thôi chi bằng để dịp khác!

Cha con ôm nhau ứa lệ. Hoa thương bố mà phải dằn lòng làm cuộc chia ly không biết bao giờ mới gặp lại. Lại nghĩ thương má, có nhớ bố hóa cuồng cũng ngậm ngùi biền biệt.

– Con về đi. Nói với má năm sau bố vào!…

*

Như lời bố hẹn, đã năm năm rồi chẳng thấy ông vào. Má cứ đằng đẵng trong lòng. Như để an ủi má, chú Út đã lẳng lặng làm cuộc vào Nam thăm chị dâu và cháu.

– Anh Hương tốt bụng, nặng tình, nhưng khổ cái hèn nhược quá chị ạ. – Chú Út thanh minh mà như cố động viên má con Hoa. – Em nghĩ chuyện thế rồi, cứ ngang nhiên mà đi lại hai nơi. Thế mới phải đạo chứ. Đằng này lúc biệt trong Nam, lúc biệt ngoài Bắc! Tại anh quá hiền, mà cũng tại chị Hiên quá dữ!

– Thôi chú. Đừng trách ông ấy nữa! Có ở trong cuộc mới thấy cái khó. Chuyện của họ đáng thương hơn đáng trách!

*

Đợi chờ hết đúng trọn năm năm, Hoa sinh lòng giận bố. Cô đã gọi điện thoại cho ông Hương với một tâm trạng dỗi hờn trách móc.

– Bố ơi. Bố quên má con con rồi sao. Hồi ở quê, bố bảo năm sau bố về! Con và má cứ đợi hoài mỏi mòn con mắt.

– Con gái của bố. Bố nhớ con lắm!

– Bố nhớ con mà lần lữa lặng im hết năm này qua năm khác!

– Bố nhớ con thật mà. Bố nhớ má con nữa! Con tin không? – Một giọng nói run run, sụt sùi ngân ngấn.

– Con nhớ bố! Năm nay bố vào với con đi! – Hoa cũng không cầm nổi nước mắt.

– Ừ, bố sẽ vào con ạ! Bố nhớ hai má con lắm!

– Bố cứ vào! Khi muốn về con sẽ lo vé tàu xe! Đừng lo chuyện tiền bạc. Bố không vào, khi bố già có qua đời ngoải con chẳng về đâu đó! … – Nói như trút giận, hả giận Hoa bỗng ôm mặt tức tưởi nén cơn bật khóc!

*

Một buổi chiều mùa khô, bà Tươi đang dọn dẹp khu vườn trước cửa thì thấy hai người đàn ông lần chần đầu ngõ. Nhác nhìn bà nhận ra ngay ông Hương và thằng Thanh con trai trưởng của dòng họ Hoàng. Đã định cất tiếng chào nhưng bà chợt khựng lại. Trong lòng trào lên thứ tình cảm hỗn độn, vừa thương nhớ, vừa uất hận.

Người đàn ông bước vào khoảng sân, mới trông thấy cái lồng chim, ông đã bật khóc tu tu. Đó là cái lồng nhốt con chim Tơ Tóc. Con chim đã dẫn bước bà Tươi tìm thấy ông, giúp ông trở về từ cõi chết! Con chim ấy đã se duyên cho ông và bà Tươi nên duyên vợ chồng!

Chỉ có vậy, mà bà Tươi đã thấy nhẹ bẫng trong người, bà nhào tới ôm lấy ông, sờ khắp thân thể. Hai người già bật khóc! Ký ức bốn mươi năm bỗng ào ạt trở về…

– Con! Con khỏe không? – Phải một lúc sau, bà Tươi mới sực nhớ đến Thanh, đứa con trai dòng họ Hoàng.

– Dạ con khỏe ạ!

– Mẹ con ngoài ấy có khỏe không?

– Dạ thưa má, mẹ con vẫn khỏe! Mẹ gửi lời thăm sức khỏe của má!

– Má cảm ơn con. Cảm ơn mẹ con!

*

Theo kịch bản, bà Hiên tiếng là cho thằng con trai dẫn ông Hương vào Nam thăm bà Tươi, kỳ thực là để nó đôn đốc ông không quên đường trở về miền Bắc. Vào đến vùng đất chiến trường xưa, gặp lại bà Tươi, ông Hương bỗng chốc như người thay đổi hẳn tính nết. Ông kiên quyết không trở về Bắc nữa. Ai nói gì cũng mặc!

Thằng Thanh chờ hơn một tuần quá sốt ruột đành trở về một mình, đắc tội với mẹ!

Sau bốn mươi năm đời vợ chồng mới lại gặp nhau, họ như con trẻ. Ông Hương đòi bà Tươi cho đi khắp các địa đạo dưới lòng đất, các địa danh ác liệt khi xưa. Đến Bến Bò Cạp, ông Hương sửng sốt thực sự. Bến xưa bờ cũ điu hiu, hoang hoải. Cái Bến ấy như thừa ra trong không gian tất bất của đời sống hiện đại. Công ty Sinh Thái Việt bên cạnh bến năm xưa, cây cối um tùm, hoa nở rợp lối, nhưng đó là những cây, những hoa do chính bàn tay con người tạo tác. Cái nguyên sơ đã biến mất. Ngay như con chim Tơ Tóc được nhốt trong lồng, nó cũng không còn hồn vía của cây cỏ sông nước.

Có một cái gì đó thay đổi rất lớn, đến mức kể cả ký ức cũng không trọn vẹn.

– Bố ơi. Tối nay con sẽ làm món lẩu cá lóc cho bố ăn! Ngon lắm!

– Cá lóc, lại cá lóc nuôi chứ gì?

– Không, cá lóc tự nhiên. Công ty họ bắt từ cái hố bom bự xư trỏng. Nghe tin bố vào họ biếu mấy con bự xừ luôn!

Cũng lạ cái hố bom sâu hoắm. Bỗng đâu mọc lên những đám cây súng che kín mặt nước. Mùa khô những bông hoa trắng tinh khiết từ đáy hố ngoi lên làm thành một giỏ hoa khổng lồ huyền diệu. Cuối mùa khô, nước rút cạn dần, cả hố bom nhung nhúc cá lóc. Những con cá có lẽ từ kênh rạch, theo nước mưa tìm tới những vùng đất lạ, rồi quên luôn đường về.

Ôi cái hố bom, nơi ấy gần bụi bò cạp ông Hương Trúng đạn đã lăn vào theo phản xạ mà thoát được chết chóc. Có lẽ chỉ cái hố bom là còn lại nguyên vẹn của một thời ác liệt!

Ông bùi ngùi nhìn những con cá to trùi trũi đang quẫy lóc tróc.

Mùa này đất Bắc đang trở rét!

Củ Chi, tháng 2/2020

           P.Đ.L