Anh! Em! Hai người thốt lên hai tiếng rồi quấn riết lấy nhau. Cùng lúc hai cặp môi đã gắn chặt vào nhau, tham lam và ngây ngất, tưởng như đó là hai vật thể vốn cùng một cơ thể, bao lâu nay bị chia cách xa nhau. Giờ là lúc của những nức nở chằm bặp nhớ thương. Giờ là lúc hương vị của mối tình đầu đời trinh trắng hòa quyện với nỗi rạo rực của cặp vợ chồng lâu ngày xa cách.
Quang xuống xe ô tô bên bờ con suối Vạch khi trời đã về chiều. Khu đồng bên này suối vừa qua vụ gặt, lúa còn đánh từng cây cao chất ngất. Khói từ những đống rạ đốt còn sót lại từng sợi mềm mại đang bốc lên rồi chìm vào làn sương tím in một vệt ngang dẫy núi U Si Sung xanh mơ.
Chiều mùa đông tê giá và hắt hiu. Con suối Vạch chảy từ trên núi U Si Sung về, quanh co uốn lượn qua cánh đồng, vào tới đầu làng thì phẳng lì và ngả màu xanh thạch. Mặt suối chỉ hơi bị cộn lên chút ít ở đoạn Quang sẽ phải lội qua, vì cái phai hình vòng cung, gờ nổi mờ mờ như một nét vẽ. Nước suối nhờ vậy mà rẽ vào một con mương nhỏ, đổ dốc rào rào, quay những chiếc cánh quạt của một dãy cối gạo bên bờ.
Ở xa, nhớ tới làng Vạch, bao giờ Quang cũng nhớ tới con suối và dãy cối gạo nọ. Nhớ lắm! Nhắm mắt lại vẫn có thể hình dung ra cảnh tượng dòng mương đổ nước ào ạt cạnh những gốc sung lão đại, quả mọc từng chùm chíu chít và những mái gianh thấp le te đứng thành một dãy dài theo dọc con mương. Nhớ cả đến cái nhịp điệu dề dà chẳng biết đến thời gian của cái vòng quay ở những chiếc chong chóng gắn trên thân một khúc gỗ chò, một đầu gếch lên một trụ đá quây tròn bằng dát vầu ở bên kia dòng. Tưởng tượng ra được cả cái lê mề như ngái ngủ của những chiếc răng khế, ở đầu trục bên này, có nhiệm vụ chuyển động cái cần cối mà lần khân đến kỳ lạ. Cả cái cần cối cũng thế! Lừng khừng, sớm chẳng vừa, trưa chẳng vội, từ từ ngỏng lên rồi dừng lại như ngẫm nghĩ chán, rồi mới chịu buông thịch một nhịp xuống lòng cối.
Thế đó, chẳng có gì phải vội vàng gấp gáp cả. Cứ đủng đà đủng đỉnh, chậm rãi như thế mãi thôi! Nhưng mà sau cùng thì may thay, cái cảm giác sốt ruột đến khó chịu ấy chỉ là chút thoáng ban đầu của Quang. Sau thì Quang quen. Quen và rồi nhớ. Nhớ một nhịp điệu nhẫn nại, cần mẫn và khiêm nhường. Nhớ lắm, như nhớ tới một quy luật tuần hoàn vừa cổ xưa vừa vững bền. Nhớ lắm, như nỗi nhớ hương gạo chín trong lòng cối vương vương trong kí ức của khứu giác. Như nhớ cái nhịp điệu sống lặng lẽ, tự lực tự cường, không nhờ cậy, khỏe khoắn và khiêm nhường của một làng quê đã có cả trăm năm tuổi.
Minh họa: Ngô Xuân Khôi
Cuối năm 1948, Quang cùng một đoàn cán bộ ngược sông Thao, vượt phòng tuyến địch ở Phố Lu – Võ Lao, vào vùng hậu địch Lào Cai, rồi tới làng Vạch, nơi đồng bào Tày cách mạng đang chuẩn bị nổi dậy võ trang tranh đấu. Đó là lần đầu tiên Quang nhìn thấy những chiếc cối nước đơn sơ nọ. Chính là lúa trong các xứ đồng làng, giã trong những chiếc cối nước bên bờ suối Vạch nọ đêm đêm từng sói, từng sói, đã chuyển lên lán bí mật trong khe Khuổi Bậu, đã nuôi sống bọn anh. Cũng chính ở bên bờ suối ấy, trong tiếng thậm thịch của cối gạo, một mối tình thầm đã nhen lên giữa anh, một chiến sĩ quân báo và Va, một cô gái Tày xinh tươi hồn hậu, con gái ông Cắm, một đồng chí cơ sở của cách mạng.
– A lúi! anh Quang! (Tiếng reo kinh ngạc)
Bật lên một tiếng reo của một thiếu nữ khi Quang vừa lội qua suối, đang cúi xuống thả hai ống quần xắn cao trên bờ suối bên này.
Quang chớp chớp mắt, tươi cười:
– Cô Hoa, anh tưởng là ai? Đi lấy gạo à? Bố có nhà không?
– Em đi đập lúa về qua xem gạo thôi. Bố đi họp chắc cũng về. Anh về, chị mừng lắm, để em nhắn tin cho chị biết ngay nhé!
Những câu nói sau cùng chứng tỏ Hoa đã lớn. Ờ, mới năm kia Quang còn công tác ở tỉnh đội, chiều thứ bảy, chủ nhật đảo qua nhà, Hoa còn hoàn toàn là một cô bé, chưa gây một ấn tượng nào với anh. Bây giờ thì cô ấy đã biết đi xem gạo, biết đi thay thóc trong cối. Và hệt như Va xưa kia: khuôn mặt tròn trịa, cặp mắt to, ngời ngời như giọt sương sớm, hài hòa với một đôi vai nhỏ, một vóc người cân đối, hiển hiện cái vẻ thuần hòa và chững chạc trong cái áo thửa li (Áo dài) màu chàm thẫm. Hai chị em thật giống nhau như hai giọt nước!
***
Nghe tin con rể về, ông Cắm từ nhà bí thư Quảy, vội vã trở lại nhà. Vừa lật đật bước lên thang gác, ông vừa đánh tiếng oang oang:
– Hây dà, con Hoa đâu rồi mà buộc con trâu ở bờ rào thế kia? Nó đang hăng mùi lúa, nó mà giựt ra thì có mười chân cũng chẳng đuổi bắt được đâu.
Hoa đang ngồi nấu ăn ở bếp. Lửa liếm lên tận mép chảo, soi khuôn mặt cô hồng hồng. Con gái Quang, con bé Kim Ngân lên năm tuổi, ngồi trên lòng Quang giữa căn nhà sàn lát ván gỗ ba-la rộng thênh.
Thấy ông Cắm bước vào, Quang bế con đứng dậy:
– Bố, bố vừa đi họp về phải không?
– Ờ. Anh mới về à, sao chuyến này đi lâu thế? Chắc đi mặt trận phía Nam à?
– Con được điều về Quân khu Thủ đô, chuyên việc huấn luyện dân quân chống máy bay địch đánh phá Thủ đô.
– Húi! Quan trọng hả? Có bí mật không?
– Dạ. Với bố thì không. Từ ngoại thành cách thành phố vài chục kilômét, anh chị em dân quân bơm những quả bóng nilông thật to, thả lên trời. Máy bay địch, những Con Ma , Thần Sấm tốc độ cao, đụng phải là vỡ toang liền.
– Đây lai! Giỏi lắm! Nhưng cũng vất vả nhỉ?
– Có gì đáng kể đâu bố!
– À, mà nghe nói anh đã được phong bốn sao hai gạch rồi, hả?
– Chậc! Thì theo niên hạn mà bố. Mà sao bố biết?
– Gió nó nói. Cả làng này biết. Mà đâu có phải thế. Anh đừng khiêm tốn với bố nhé.
– Sức khỏe của bố thế nào? Công việc có bận lắm không, bố?
– Ầy, ở nhà thì vẫn quay như cái cối nước thôi. Lúc nào chẳng vậy. Làm ăn thôi mà. Còn mấy hôm nay thì hơi bận một tí. Vì ông bí thư bị ốm. Tôi phải sang hội ý kế hoạch làm vụ mùa với ông ấy suốt chiều nay.
– Ông bí thư ốm thế nào? Ông ấy năm nay bao nhiêu rồi, bố?
– Bảy mươi ba rồi! Trong Đảng ủy hóa ra tôi là Phó bí thư, Chủ tịch xã mà trẻ nhất, nhưng cũng sáu ba rồi. Sáu ba rồi. Cân ké xú nắc. Người già nặng tai rồi! Lú lẫn rồi. Nói câu được câu chăng rồi. Lẽ ra là nghỉ rồi. Nhưng huyện ủy bảo cứ làm đi đã rồi tính. Tính gì chả biết!
Ông Cắm nói, giọng đầy vẻ tự hào. Vóc dáng bé nhỏ, trán hói, da mặt còn căng và cánh tay bắp chân gân cốt vẫn còn dẻo dai như cây song mật. Ông thuộc về lớp chiến sĩ cách mạng đầu tiên của những làng Tày cách mạng nằm trải dài liên hoàn bên bờ con suối Vạch. Khi Quang và đoàn cán bộ vượt phòng tuyến địch vào đây, năm 1948, ông là người đầu tiên đã đem mảng theo con suối Vạch ra cửa ngòi đón họ, rồi giấu tất cả đoàn sáu cán bộ vào khe Khuổi Bậu, trong một cánh rừng già ở sau làng. Rồi từ đấy đêm đêm bọn Quang bí mật chia nhau xuống các xóm thôn gây cơ sở.
Ông Cắm là tổ trưởng Việt Minh thôn rồi làm Chủ tịch Ủy ban bí mật. Ông biết rõ mối tình của anh chiến sĩ quân báo người Kinh và cô gái Tày con mình. Làng Vạch giải phóng rồi, Quang lên đường nhận nhiệm vụ mới. Chia tay Quang, ông bảo anh: “Đồng chí Quang à. Tôi biết hoàn cảnh đồng chí. Cha mẹ chú bác họ hàng đồng chí ở dưới xuôi giờ chẳng còn ai. Vậy hãy coi làng Vạch là nhà! Đi rồi nhớ lại về nhé”. Một năm sau thì Quang từ Khu Ba lên và tổ chức cưới Va. Tiễn anh về đơn vị, chị nói: “Chài pay. Slíp pi ngỏ tố thư. Hả pi, ngỏ tố ngầu”. “Anh đi mười năm em nhớ. Năm năm em mong”.
Kéo cái điếu bát vào lòng, ông Căm ngồi xuống trước Quang, tiếp tục vào vai người cán bộ chủ chốt xốc vác của làng quê:
– Anh Quang à, sao năm nay trời hạn thế! Vụ chiêm vừa rồi, cấy xong chẳng còn một giọt nước. Cạn ruộng lúa, cạn cả đồng sâu. Trâu phải uống nước phai. Nai phải uống nước giếng. Làm xong cọn nước chống hạn, lúa tròn khóm thì ông trời giở mặt, mưa cứ như đổ nước. Ai lại lúa chín rồi vẫn còn mưa. Hạt thóc còn rành rành trên cây, thế mà lại mọc mầm xanh lè cả. Lúc phân phối phải tranh đấu tư tưởng gay lắm đấy. Ái già, chẳng nhẽ lại gửi thóc mọc mầm cho bộ đội ngoài tiền tuyến ăn à. Ban quản trị họp hai ngày bàn bạc. Tôi chẳng có chân trong ban, tôi cũng đến, tôi nói: “Này các chú, các chú có biết cái hồi bốn tám, bốn chín không? Làng Vạch này bị lý Tâm, binh Thá, sếp San làm cho cùng cực. Dân làng phải đào củ nâu ăn, củ nâu ngâm đỏ lòm cả nước suối Vạch kia kìa, nhưng những cối gạo ở bờ suối vẫn đầy ăm ắp. Đó là gạo giã để cho cán bộ, bộ đội ăn đấy. Các chú nhớ lấy điều đó, đừng có làm khác người đi trước mình”.
Quang siết chặt con bé Kim Ngân vào lòng, khe khẽ:
– Thóc chiêm mọc mầm nhiều thế cơ à bố?
– Ầy, lẽ ra thì chẳng đến nỗi. Nhưng hợp tác này vụ đó chưa khôn, cấy độc một giống, đến lúc nó chín là đỏ rực cả đồng. Huy động tất cả nhân lực ra đồng, bao nhiêu giường phản kéo hết ra để đặt lúa, thế mà cũng không lại được. Vụ này thì khá hơn rồi, nhưng cái lúc lúa vào đòng bị hai cơn bão to cũng thiệt hại mất một ít.
Vào chuyện là say. Bao giờ cũng vậy, hễ Quang về là thế nào ông cũng kể cho Quang nghe bằng hết mọi chuyện ở xóm, thôn, hợp tác mới thôi. Không. Ông không có ý kêu ca, phàn nàn. Và nếu như có thì cũng chỉ là thoáng qua để từ đó ông nói về mình, về công sức của mình, để chứng tỏ ông vẫn còn sung sức, còn đứng được ở vị trí hàng đầu của cuộc sống hôm nay.
Những câu chuyện như vậy rất lôi cuốn Quang. Thường khi, anh còn tham gia ý kiến bàn bạc với ông. Nhưng nhiều lúc anh cứ ngồi im nghe ông nói để dòng tình cảm sôi nổi của ông cụ tràn vào mình, biến thành một nỗi xúc động sâu xa và trầm lắng. Quang chẳng lạ gì đồng đất này từ ngày anh còn là một chiến sĩ quân báo. Mỗi năm đất chỉ cho người một vụ lúa mùa. Được hai vụ là cả một quá trình phấn đấu gay go. Cả làng đã đi đào những con mương dài bốn, năm cây số để dẫn nước vào những khu đồng nhỏ hẹp xưa nay chỉ chờ vào nước trời.
Mùa lũ, nước suối Vạch dâng lên, lúc đổ con nước từ núi U Si Sung, các khu đồng ngập sạch trắng như bạc. Lúc nước rút, ruộng đầy đá sỏi, ngọn lúa thoi thóp, úa màu gỉ sắt. Rồi rớt bão, rồi chim, chuột, thú rừng phá hoại. Có năm một vụ ba lần cấy mà vẫn hỏng. Đã có một lần, Quang tạt qua nhà thấy Va đang đứng trên thửa ruộng lợn rừng vừa quần đảo mà nước mắt chan chan. Được hạt thóc ăn có dễ đâu. Ấy vậy mà cái làng Vạch của anh năm nào cũng không thiếu một hạt thóc ba thu, gửi ra mặt trận.
– Cái gì đấy?
Đang say sưa, ông Cắm chợt ngoảnh ra ngoài cửa nganh ngánh một bên tai. Một tiếng ô-tô gầm rú rất to ở phía ngoài con suối cắt đứt câu chuyện của hai cha con. Ông Cắm đứng dậy, ngó ra, nói như giải thích cho Quang hiểu:
– Đấy, ô-tô bên công trường khai thác đá kết nghĩa họ chở giúp đá cho mình làm cái đập ngăn suối đấy. Chuyến này hợp tác phải làm cái đập qua con suối Vạch, kết hợp trạm bơm thì mới ăn chắc hạt lúa được. À, trạm bơm và phát điện luôn cả thể đấy.
***
Thực ra từ lúc đang đập đống lúa ở ngoài đồng Pha, qua tin nhắn của Hoa, Va đã biết chồng chị đã về. Đập xong lúa, Va nghĩ: “Phải kiếm mấy con cá cho anh ấy và Kim Ngân ăn mới được”, nên liền cầm vợt ra suối. Nhưng lạ làm sao, ruột gan cứ bồn chồn thế nào, vợt mãi chẳng được con cá nào, thế là đành vác vợt không về. Sững lại ở bậc cửa, Anh! chị khẽ kêu thầm và đưa tay dụi hai con mắt đã ngân ngấn lệ.
Con bé Kim Ngân chạy ôm chầm lấy mẹ. Va đỡ con, kêu:
– A lúi! Ướt hết bây giờ. Vào với bố đi. Tiếc quá! Chả được con cá nào cho Kim Ngân rồi.
Ông Cắm với cái mũ vải trên mắc áo tre, càu nhàu:
– Đã bảo mà. ô-tô công trường giúp chở đá xây đập, đánh rớt bao nhiêu dầu xăng xuống suối, cá nó ngược hết lên U Si Sung rồi.
Ông vừa nói vừa thong thả bước xuống thang. Và Hoa chờ cho bố đi cũng vụt ra cửa, lập bập từng bậc thang xuống đất. Quang cười thầm, nghĩ: “Cứ làm như hồi mình mới về “ở rể” không bằng”.
Va đã thay quần áo, từ trong buồng bước ra, tay rũ cái khăn chùm đầu. Khuôn mặt Va hình như thon mảnh hơn và khổ người thì hơi đẫy ra chút ít. Bước lại gần bếp lửa, bây giờ có vẻ tự nhiên hơn, chị nhìn chồng, vui vẻ:
– Anh đi đường có mệt không? Tối nay em phải đi họp đội, anh chịu khó ở nhà với con một lát nhé.
– Ô tô đưa đến tận bên kia suối chỗ dẫy cối gạo, có gì mà mệt. Họp bàn việc gì đấy, Va?
– Bàn việc ngày mai điều người đi chuyển thóc ba thu lên kho, với lại đi kéo gỗ làm phai. Còn thanh niên thì phối hợp với công trường đá xây đập.
– Lần này anh được nghỉ phép những bảy ngày cơ!
– Úi!
Không gì có thể vui hơn và cả ngạc nhiên nữa trong tiếng reo của Va. Hai con mắt rờ rỡ sáng, chị kéo cái đuôi tóc ở sau ra trước rồi cuốn một vòng lên đầu, thanh tân và rộn rực:
– Nếu vậy để em đi lấy cối gạo về nấu cơm gạo mới cho anh ăn nhé. Gạo hôm qua để muộn, bây giờ chắc mới chín, anh à.
– Thế thì để anh cùng đi với em.
Quang vừa nói vừa cởi áo ngoài mắc lên cột nhà, bước lại chỗ trạn bát lấy hai cái sói và chiếc đòn gánh đi xuống cầu thang. Va dặn bé Kim Ngân ở nhà ngoan, rồi hấp tấp xuống thang đuổi theo chồng.
***
Hai người ra đến bờ suối Vạch thì trời đã sâm sẩm. Trên nền trời đã lấm tấm mấy vì sao. Giao điểm của buổi chiều và tối sẫm thoáng chút bâng khuâng là lạ. Là lạ cả cái dãy cối nước bên bờ. Đã quá giờ đi lấy gạo nên cả dẫy lều đều vắng tanh.
Va bước vào lều. Bụi cám bốc lên mờ mờ. Thoang thoảng mùi thơm của gạo mới. Cần cối vẫn đang thì thụp gật gù. Chị móc túi lấy bao diêm. Lẩy bẩy thế nào mà cả ba lần đánh diêm đều không cháy. Phạ ơi! Trời ạ! Sao con tim chị cứ lồng lên, đập trĩu cả một bên ngực thế này. Hay là chị đang trở về những buổi chiều mùa đông xa xưa, những buổi chiều chạng vạng xám xám mờ mờ trong nỗi nhớ. Cũng cái không khí mờ ảo như thế này. Chị xòe diêm thắp ngọn đèn đầu. Đèn sáng loe hoe. Chị dựng cần cối. Rồi chị cúi lom khom vét gạo vào sói. Thế nào mà vét hết cối gạo rồi, chị lại luống cuống đổ hết vào lòng cối.
Chị chẳng còn nhớ gì nữa. Vì lúc này, con tim chị đang đập dồn trong chờ đợi và sợ hãi. Chỉ đến khi nghe thấy một tiếng chin hót, tiếng chim quanh qúy, một mật hiệu và Quang bước vào. Quang mặc quần áo chàm, chít khăn Tày. Khuôn mặt Quang trái xoan, gò mũi cao, đôi mắt một mí vừa sáng trong vừa e dè. Vừa bước vào, chị đã vội kéo anh sát vào bên cái cần cối.
Bên kia suối, lính dõng ở đồn Pom Hán cách một giờ lại đi tuần qua, gót giầy dính siết trên đá cuội nghe rờn rợn, gai gai. Ai làm gì bên kia đấy? Có phải Việt Minh không? Thưa… Tôi là người làng Vạch đi lấy gạo cối đã chín thôi. Va đáp bình tĩnh, rồi lại cúi xuống, hai bàn tay trắng trẻo mềm mại thoăn thoát vục vào lòng cối ăm ắp gạo. Hương gạo bay bay trong tiếng nói thầm thì.
Giặc đã đánh hơi thấy lửa cách mạng đang bén dần trong lòng dân Tày làng Vạch. Chúng lùng sục khắp nơi. Nhưng cơ sở ta vẫn vững vàng, anh ạ. Có gì thuận tiện và kín đáo hơn, những chiếc lều che cối gạo lúc chiều buông này. Rủi có người lạ mặt đi sát ngay bên cạnh trông thấy họ đang to nhỏ bên nhau thì cũng tưởng đó là một cặp tình nhân đang thủ thỉ những nỗi nhớ niềm thương.
Còn bây giờ, đến que diêm thứ tư mới sáng lóe, giơ lên định tìm cây đèn bão, thì chị nhận ra hơi thở của Quang đã hôi hổi ở sau lưng và hai cánh tay Quang đã vòng qua vai chị, chị liền quay lai, đưa hai cánh tay choàng ra sau lưng anh, rồi nhè nhẹ ép mình vào ngực chồng.
Anh! Em! Hai người thốt lên hai tiếng rồi quấn riết lấy nhau. Cùng lúc hai cặp môi đã gắn chặt vào nhau, tham lam và ngây ngất, tưởng như đó là hai vật thể vốn cùng một cơ thể, bao lâu nay bị chia cách xa nhau. Giờ là lúc của những nức nở chằm bặp nhớ thương. Giờ là lúc hương vị của mối tình đầu đời trinh trắng hòa quyện với nỗi rạo rực của cặp vợ chồng lâu ngày xa cách. Giờ là lúc bao dồn nén được giải tỏa. Ngột lên vì xúc cảm ái tình cùng chút nhục cảm khiến cả hai nhiều lúc ngây đờ như đang sống trong chiêm bao.
Đã lâu quá rồi, kể từ lần trước, cũng gặp nhau ở cái lều cối gạo này, đã hai năm. Hai năm, Quang bận lu bu và công việc của một sĩ quan thời chiến. Hai năm tích tụ bao nhớ nhung. Giờ có cảm giác họ được đền bù. Được đền bù. Được môi kề môi. Má kề má. Ngực kề ngực. Con tim kề bên con tim. Hơi thở trộn trong hơi thở. Tiếng nói lấp trong tiếng nói. Thành ra, có một lúc đang ghì riết nhau trong mê man, chị bỗng nhoai ra, như buột ra khỏi vòng tay anh, tơi tả như cây rừng gặp bão, thảng thốt kêu, rằng em nghẹt thở quá, để em cởi mấy cái khuy áo cổ đã nào, rồi lại ghì chặt anh. Ghì chặt anh, chị thì thào rằng chị thương anh quá. Anh ở xa, anh có biết chị lo cho anh thế nào không. Và có cách nào không để chị được chia sẻ vất vả nguy hiểm với anh. Còn lần này, anh về phép rồi, đi có lâu không? Anh ơi, Chài pay. Slíp pi, ngỏ tố thư. Hả pi, ngỏ tố ngầu. …
Cho tới lúc, ngước lên có cảm giác mái lều vừa bốc bay, để lại một khoảng sáng rực rỡ, bên kia bờ suối, cùng lúc rầm rầm nổi lên tiếng động cơ của những chiếc xe ô tô là những vệt đèn pha sáng quắc, xanh lè quét qua quét lại, hai người mới vội rời nhau.
***
Ông Cắm tưởng mình là người về khuya nhất trong gia đình. Nhưng khi bước lên cầu thang, chưa thấy đôi dép xinh xinh của Hoa, ông mới biết mình lầm.
– Bố đã về đấy à? Quang vẫn ngồi chờ ông cụ cạnh cái bàn nước, bên ngọn đèn, ngẩng lên hỏi.
– Chưa ngủ, hở con? Chị ấy đi họp về chưa?
– Họp có một lát thôi ạ. Các chị bảo, thông cảm, cho về sớm.
– Phụ nữ hiện đại có khác!
Trong buồng, Va đang nằm với con bé Kim Ngân, nói hắt ra, giọng thật tỉnh táo: Nhưng cũng bàn bạc xong xuôi rồi, bố ạ.
Ông Cắm gật đầu: Thì công việc ở làng quê quanh đi quẩn lại chỉ có ngần ấy thôi. Rồi nhìn Quang, thấy Quang mỉm cười ý nhị thì cao giọng:
– Bố nói thế không đúng à. Ở nhà thì trước sau cũng là làm ăn. Nó như cái cối gạo nước ấy. Tuần tự nhi tiến thôi. Bận rộn hay vất vả thì nó vốn là thế. Dú chính ngầu bấu chại. Ở ngay bóng không chệch là được. Cái chân ở ngoài ruộng, cái tay phải ở trong nhà, nhưng việc gì rồi cũng xong cả. Vừa rồi, tổng kết năng suất lúa thế là được hơn năm tấn đấy. Mai là ba thu xong rồi bắt đầu xây cái đập, làm trạm thủy luân, rồi bắt đầu cày ải. Ruộng cày tháng chạp, gánh thóc nặng khó lên vai thì cũng là cho dân no đủ và có nhiều gạo gửi ra tiền tuyến cho quân ta ăn, đánh thắng là ta không thẹn với các chiến sĩ rồi, có phải không, anh Quang?
Nói xong, ông đứng dậy vươn vai, đưa tay che cái ngáp nhỏ rồi hất hất tay bảo Quang đi ngủ đi và khi Quang nói, con được nghỉ phép cả tuần cơ, thì ông lắc đầu đầy vẻ từng trải: Một tuần! Việc quân nói trước sao được, anh!
***
Việc quân nói trước sao được! Lời ông Cắm nói phỏng chừng hóa ra đã thành sự thật. Mới đến ngày thứ năm của kỳ nghỉ phép thì có một bức điện khẩn của Quân Khu gửi về làng Vạch cho Quang. Nhận được tin, Va từ ngoài ruộng hớt hải đi như chạy về nhà. Mặt Va thấm đẫm lo âu. “Bình thường thôi mà, em!”. Quang nói. Mắt Va ngân ngấn lệ. “Để em đi đón con ở lớp học về”.
Buổi sáng một ngày đông, tiễn Quang lên đường là Va và con bé Kim Ngân. Hoa và ông Cắm đã ra công trường từ tinh mơ. Một ngày bình thường ở làng Vạch bắt đầu. Như một guồng máy tự động, người nào việc nấy, từng dòng túa ra các ngả đường. Người ra đồng thu nốt lúa. Người gánh thóc lên kho. Bóng người in một vệt xanh lam trên mặt suối.
Bên bờ suối, cạnh dãy cối nước đang nhấp nháy chuyển động, một tốp thanh niên đang hì hụi bắn mấy cây gỗ to như cái cột đình một ra khoảng đất trống dưới bóng mấy cây cơi già. Ở đó, ông Cắm đã dựng được một khúc gỗ lớn, đang đóng ván chéo để đứng xẻ.
– Nào! Nộc slải cửa. Slưa slải pú. Chim rong núi. Hổ rong đồi. Chẳng ai kém ai đâu. Nhanh tay lên, chặn con suối lại nào. Ô tô đâu, cho xe ra giữa dòng mà đổ đá chư!
Ông vừa hết câu thì nhìn thấy Quang và vợ con anh, ông liền lội suối đi tới. Đang ở trên thùng một chiếc xe ben, bê từng tảng ném tùm tùm xuống lòng suối, Hoa cũng vội nhảy xuống. Họ đang chặn dòng suối Vạch lại. Nơi Quang lội chiều qua sẽ mọc lên một cái đập lớn như cái bờ vùng.
Quang ôm choàng ông Cắm thì thầm: “Bố ở nhà giữ gìn sức khỏe, giúp nhà con và cháu”. Ông Cắm nhìn anh đắm đăm: “Quang à. Như anh thấy đấy. Ở nhà trước nay thì vẫn vậy. Vẫn vậy thôi. Cứ yên tâm mà đi, con à”. Cảm động, Quang bắt tay cô Hoa, rồi bế con bé Kim Ngân, hôn lên má nó. Va chớp chớp mắt, cố kìm để không rơi lệ. Trong thinh không vang lên tiếng dòng suối chảy dạt dào và réo lên sùng sục ở nơi đã được những khối đá chắn lại. Mặc dầu vậy, tiếng chày ở dãy cối nước bên bờ phia dưới nó vẫn nổi lên, thậm thịch một nhịp điệu thân thiết, nhẫn nại, khỏe mạnh và âm vang vô cùng.
1975-2020