Bến bờ văn chương

672

(Đọc Những vẻ đẹp thơ 1 – của Lê Hoài Lương, NXB HNV 2019).

(Vanchuongphuongnam.vn)Đặc thù của văn chương không trùng hợp với các loại hình nghệ thuật khác, luôn có bến bờ. Đó là cái tứ cho sự hoàn thiện mỗi tác phẩm ở  người sáng tác. Tiếp theo là sự tiếp nhận không đơn thuần của độc giả mở ra chân trời mới như Những vẻ đẹp thơ 1 Cảm nhận và bình thơ của Lê Hoài Lương NXB HNV 2019. Chẳng hạn khi viết về Thơ viết ở biển*(tr.150): “Biển của Hữu Thỉnh cũng quen thuộc các chất liệu: sóng, gió, cánh buồm. Cũng như tình yêu luôn cần có hai người. Đúng ra, tình yêu luôn cần cái cô đơn. Chính trạng huống cô đơn vô tình góp phần nuôi dưỡng tình yêu. Và, người ta đã thành nhà thơ từ cái cô đơn trong tình yêu”.

Sự lựa chọn cách giải tỏa nỗi “cô đơn” góp phần nuôi dưỡng tình yêu đối với Nhà văn hướng về tác phẩm. Cân bằng tâm hồn luôn song hành: đọc – tiếp nhận, viết – truyền thụ và định hướng khách quan. Công việc không đơn giản. Những vẻ đẹp thơ 1 hiện lên vừa từ ngằn cô đúc của người bình thơ, nhưng điểm nổi bậc không là sự tản mạn làm phá vỡ câu từ trong bài, giữ cái hồn cốt cho thơ, là duy trì thăng hoa cảm xúc với người sáng tác, đồng thời mở ra phần nào mối quan hệ vốn có của thi nhân. Nên mở đầu trang sách, trong phần Vài lời… Tác giả đã lí giải: “Tôi mê thơ. Mọi tạng thơ, từ mấy ngàn năm trước,… Hình thức thơ khác nhưng chỉ một đích cuối cùng, dù ngàn năm hay mới hôm qua, thơ sống được trong bạn đọc, là thơ hay…” Cái minh chứng đầu tiên, ngoài thơ anh sáng tác và giải thưởng thơ của Bình Định từ những năm tám mươi, thế kỉ XX. Anh thuộc thơ rất nhiều và hào hứng đọc thơ bạn bè trong những lúc nhàn tản, kể cả khi dự Trại Sáng tác ở Sao Việt Phú Yên. Nói có cơ sở trong Nhà văn và Tác phẩm số 3 và 4.2019 đã lưu lại. Theo cách nhìn của Lê Hoài lương đến với thơ hay là niềm đam mê của mình, không phân biệt tác giả, xưa và nay.

Nhưng anh lại là người chuyên văn xuôi, nhất là mảng truyện ngắn với nhiều giải thưởng cao Đào Tấn- Xuân Diệu năm năm một lần của tỉnh, sáng giá trong Tạp chí VNQĐ, trên Báo Văn nghệ, truyện ngắn mới nhất là Người bọ chét, Nghề vớt xác đạt giải nhì năm 2018- 2020 của Nhà văn và Tác phẩm. Nói là để khẳng định, Cảm nhận và bình thơ cũng vậy. Cái cốt là tinh, thấu đáo. Sự thẳng thắn vốn có trong cách viết mà Nhà văn đã nêu ra “Có thực trạng: Trên báo, tạp chí in mục bình thơ… quá cũ nhàm. Đến hơn nửa thế kỷ, kiểu bình tán “thủ công” này rồi, còn gì?” (Tạp chí VNBĐ, 7.2020), và không ngại thuyết phục: “Với năng lượng dồi dào của mình, anh có thể bày biện cho bạn đọc một khoái cảm thưởng thức khác với những món ăn đã tỉ mỉ các thứ chế biến, gia vị…” (Tạp chí VNBĐ, 7.2020). Cho nên một khoái cảm thưởng thức khác không ép buộc: “Bạn có thể không đồng cảm, không thích lời bình của tôi. Nhưng nếu bạn không thích những bài thơ trong tập sách này, chắc chắn không phải lỗi tôi” (Tác giả). Nên chăng đó là sự sẻ chia chân tình nhất của Nhà văn.

Những vẻ đẹp của thơ 1 có thể hiển lộ qua ngữ nghĩa phía sau của ngôn từ. Tôi đã dừng lại thật lâu đoạn cuối bài Cõng bạn về quê (Với liệt sĩ Nguyễn Hữu Nhơn) của Lý Hoài Xuân: “…Tao bỏ mày vào ba lô/ Cõng đi tàu thống nhất/ Cấm cựa quậy để nhân viên tàu biết/ Họ ách lại giữa đường thì khổ mày ơi!” (Nguồn: Thivien.net). Lê Hoài Lương lôi cuốn bạn đọc gần trang sách về thơ và thơ hay: “… Không phân biệt nó thuộc trường phái nào, phong cách nào, cũ hay mới, cứ bật ra, thơ hay… chinh phục tức khắc người nghe/đọc, lần đầu tiên, vô điều kiện” và “Đề tài tình đồng đội, những người từng đánh giặc cũng đọng lại nhiều bài thơ hay. Chuyện cạn tỏ nỗi niềm, thân thiết ký gửi kiểu “mày, tao” cũng từng có Gửi bạn bè làm xong nghĩa vụ của Phạm Sĩ Sáu nhiều người thích.” Để rồi, giới thiệu bài thơ về một chút tâm tình của bạn bè, sau dẫn dắt bối cảnh mở đầu tứ thơ. Không dàn trải hay lan man phần tiếp theo. Cuối cùng đi đến cái kết khẳng định: “Dường như Lý Hoài Xuân không làm thơ, nếu xét thơ với mọi thứ nhì nhằng nội dung, nghệ thuật gì gì đó. Chút ý nghĩ, tâm trạng, tâm sự về bạn, với bạn, đúng ra là với hài cốt bạn, chân thành và trực diện. Ở đây là cái tuyệt đích chân thành và trực diện. Vậy có nên định nghĩa thơ hay là thơ từ trái tim đến với trái tim không?”(tr.149).

Những vẻ đẹp của thơ 1 luôn dẫn dắt người đọc cái tính khách quan của người tiếp nhận yêu thích và sảng khoái như thế nào khi giới thiệu bài thơ: “Có điều lạ và dễ hiểu: thơ càng sống trong lòng bạn đọc càng nhiều dị bản. Không kể văn bản trên mạng tam sao thất bản bây giờ, riêng chuyện nhiều người thuộc, hứng lên, diễn đàn rượu thơ nào cũng đọc, và tha hồ “sửa” một vài từ theo ý mình cho đã, người đọc, người nghe dần rồi… nhập tâm, cứ vậy rất tự tin “xuất bản” miệng những lần sau. Bài thơ Vua và em của Trần Viết Dũng là một trong những trường hợp như thế”(tr.21)

Hay khi đến cái kết chân tình hơn cả khói hương: “Không phải chuyện bếp núc nữa, ngọn lửa với tro tàn đã là “một người từng giúp mẹ con ta sống sót” và “tro tàn cũng làm nên vẻ đẹp”. Giản dị và thiêng nghiêm cách so sánh, cách nói về tro tàn. Bạn sẽ bảo kiểu triết lý tro tàn và vẻ đẹp cũng không mới. Thực ra Lê Văn Ngăn có định khám phá gì đâu, ông chỉ nói cái điều con người thường bỏ quên. Thư gửi mẹ và những nắm tro tàn không chỉ là bài thơ hay về mẹ. Điềm đạm và như rụt rè những chiêm nghiệm cho riêng mình, Lê Văn Ngăn lặng lẽ nhặt nhạnh, nâng niu từng mẫu tro tàn sự sống. Đó là vẻ đẹp thơ ông, một vẻ đẹp thực sự có chiều kích”(Thư gửi mẹ và những nắm tro tàn- Lê Văn Ngăn).

Kể thêm một cái kết sau khi dẫn dắt về nỗi nhớ như trong thơ tình Xuân Diệu, của Phạm Tiến Duật, của Dương Hương Ly,… đều có minh chứng, để rồi chốt lại: “Nhiều nữa các cung bậc của nỗi nhớ, nhưng Nhớ vợ của Cầm Vĩnh Ui là riêng, là độc đáo. Vì riêng và độc đáo nên số phận của nó không bình thường”, và số phận không bình thường không là cái tứ của bài thơ mà xâu chuỗi thêm một số bài thơ và cuộc đời của thi nhân.

Trong Những vẻ đẹp của thơ 1 chừng mực theo mạch cảm thụ. Bởi nhà văn không là chuyên gia trợ giúp mổ xẻ câu chữ, văn tự vốn có ở mỗi tứ thơ. Thể như cùng độc giả tâm tình với thi nhân. Thế minh bạch là nâng cảm nhận, gợi mở sự sáng tạo cho người tiếp nhận ở hai văn bản: Bài thơ của tác giả và nâng tầm những vẻ đẹp thơ bằng lí luận rất Lê Hoài Lương: “Nhưng hình như Nguyễn An Đình bẫm sinh là thi sĩ dù anh cuốc cày và am hiểu đời nông dân. Chỉ nòi thi sĩ mới sống bằng huyễn mộng, mới nghe được thời khắc “thu trút lên ngàn” và “nằm ngửa miệng uống tàn trăng đêm”. Đứa con truyền nghề nông dân trong bài thơ biến mất và vấn đề mưu sinh đặt ra không còn nữa. Chỉ còn cái khoảnh khắc xuất thần nhập nhòa cuộc nhân sinh thi sĩ./ Nếu không phải vậy thì đây là những câu thơ ma ám!”.

Rất cần nói đến cái đằm sâu ở bài thơ Sẽ một ngày của Phùng Tấn Đông chép tay tặng (tr.44), Lê Hoài Lương chụp nguyên bản đưa vào Những vẻ đẹp thơ 1. Phải chăng anh trân trọng mối quan hệ, hay sự độ lượng của thi nhân với người tình của mình. Cả hai. Cái đẹp nhất của tình yêu là cho đi: “…Và mạch diễn đạt này đã khai mở, dữ dội mà nhẹ tênh, nhất quán. Phần tiếp theo là nói với tình: Sẽ một ngày/em thôi đừng nhắc/ anh đón em trong căn nhà nguyên vẹn/ giấc mơ xưa/ em cứ hồn nhiên ra sân mà hong tóc/ cứ bình tâm cắm hoa chờ kẻ khác/ những đóa vô ưu trắng muốt dịu dàng/… Chuyện tình yêu, hạnh phúc đáng lý đã nói đủ rồi, nhưng dẫu gì cũng có sự riêng giữa hai giới: trên thân thể em bất trắc/ sẽ mọc lên tiếng trẻ con cười/ từ hôn phối mùa thu và âm nhạc/”.

Rồi thi nhân với thi nhân như: Người lái đò bến My Lăng của Lệ Thu (tr.74), Xuân Quỳnh với Tự hát (tr.80). Trân quý Những chiếc lá thiêng của Từ Quốc Hoài (tr.164), Viếng chồng của Trần Ninh Hồ, Những người đàn bà gánh nước sông của Nguyễn Quang Thiều(tr.70), Hỏi Kim Dung của Văn Trọng Hùng(tr.100), Một vị tướng về hưu của Nguyễn Đức Mậu (tr.60), Viết tặng một “gái bao” của Tạ Văn Sĩ (tr.145), Tặng vợ của Hồ Dếnh (tr.106), Vườn xưa của Tế Hanh (tr.90),… Tất cả trong toàn tập trên 180 trang đều là những vẻ đẹp thơ từ mọi nguồn ngoài chép tặng, nguồn quansuvn.net, nguồn Thiviet.net, và rút từ mỗi tập thơ của mỗi tác giả. Vậy thì Nhà văn Bình Định yêu thơ không có gì lạ. Cái xứ sở ra ngõ gặp anh hùng không quên “luyện võ” thường ngày, khẳng khái mà hào phóng đã làm nên cốt cách Nhà văn yêu quý thơ đến chừng nào. Suy cho cùng những người thực thụ yêu văn học đến với văn chương đều giàu nhân bản.

Không chỉ có ba mươi bảy thi nhân xưa và nay họp mặt trong Những vẻ đẹp thơ 1 của Lê Hoài Lương mở rộng bàn tròn cùng bạn đọc về miền văn chương Việt đa dạng, phong phú đến như vậy. Bởi thơ không thể thiếu trong đời sống tâm hồn mỗi người. Thơ hay, không cần cái cao siêu đẳng cấp hàn lâm ngôn từ, lại rất “ca dao, thành ngữ” chân chất mà thấu tận trái tim hòa cùng nhịp thở. Yêu thơ, lại chịu khó góp nhặt thơ, thuộc thơ, khác nào công việc tinh tuyển kho báu từ mọi thi hứng của nhà thơ, anh lại không cất giữ riêng mình. Có phải đó là sự quảng đại và minh triết. Tin chắc trên miền đất hứa trong trang sách Cảm nhận và Bình thơ Những vẻ đẹp thơ “n” tiếp theo của Lê Hoài Lương sẽ đến với bạn đọc.

20.09.2020

Nguyễn Thị Phụng