- Gửi chìa khóa phòng cho lễ tân, Hạnh lững thững ra ngoài, tâm trạng như lần đầu bước ra từ một sân bay xứ lạ. Thực ra mảnh đất này với anh lại chẳng xa lạ. Hạnh về đây như trở về nhà, nhưng anh không còn nhà để có thể buông bỏ mặc cảm làm khách. Cũng may bên bờ sông Giang Tiên người ta mới xây một nhà nghỉ, nếu không anh cũng không biết mình sẽ nghỉ đêm ở đâu. Những người bạn thuở nhỏ giờ tứ tán mỗi người một nơi. Ngày mai cha anh mới đưa ông thầy lên làm lễ rước vong linh ông nội về từ đường. “Anh đến trước cũng chả giải quyết được việc gì”. Cha Hạnh đã gạt ý định lẩn thẩn của anh, nhưng Hạnh nhất quyết lên đường.
Chiều muộn, hoàng hôn màu huyết dụ ngập tràn. Dòng Giang Tiên như chiếc khăn ai đó bỏ quên lênh lang sóng. Bờ bên kia là thị trấn mang tên sông đầy ắp bao kỷ niệm đầu đời, những kỷ niệm mà nhắc đến lòng anh lại chộn rộn bao nỗi vui buồn, đắng nghẹn. Lách qua dòng xe cộ ùn ứ khi vượt qua cây cầu mới, bước chân vô định đưa anh qua lối nhỏ về cây cầu bỏ hoang. Hồi anh ở đây nó là cây cầu duy nhất, dù một làn xe nhưng cây cầu giữ một vai trò quan trọng để đảm bảo giao thông. Nghe nói trong chiến tranh, người ta bố trí cả một trận địa pháo phòng không bắn máy bay Mỹ để bảo vệ. Khi có cây cầu mới, phận sự của cây cầu này cũng chấm dứt. Mặc dầu vậy, không ai nỡ phá bỏ nên nó vẫn hiện hữu, trên mình nham nhở đầy thương tích một thời.
Cơn gió ùa tới mát rượi, bóng tre xào xạc đưa ngang. Hạnh bám chặt thành cầu mặc lớp bụi thời gian bao phủ trên thanh thép, mơ hồ với ý nghĩ mình sẽ như chiếc lá bay lên thật nhẹ. Dưới sông, làn sóng nước xôn xao ánh tím. Ngày ấy bên Hoa, Hạnh đã từng vốc ánh tím ấy và không giấu nổi chút tự phụ khi chợt so sánh mình với chàng tiều phu. Tương truyền ở khúc sông này, mỗi lần các nàng tiên xuống hạ giới dạo chơi, trước khi về Trời, bao giờ các nàng cũng tới đây trút xiêm y tắm. Chàng tiều phu lên rừng đốn củi, vô tình nghe tiếng cười đùa con gái đã không nén nổi lòng, chui vào búi cỏ lau rình xem trộm. Không ai phát hiện kẻ rình trộm trừ nàng tiên Út. Ơn giời, nàng cũng phải lòng chàng trai trẻ lực lưỡng từ cái nhìn đầu tiên. Nhưng giời cũng không đánh đổi được thân phận, cõi phàm trần và cõi tiên cách biệt, họ phải chia lìa nhau. Chàng tiều phu đợi chờ mòn mỏi, hóa thành đám mây tím bay lên tìm người mình yêu. Có lẽ đến giờ chàng vẫn đang tìm nên mây cuối chiều bốn mùa không ngớt tím.
- Bóng đêm len lỏi qua ánh đèn đường. Dãy phố với loạt cửa hàng cửa hiệu bừng sáng. Tiếng nhạc bolero từ quán cà phê nhấp nhánh đèn màu phát ra ngọt lịm. Thị trấn Giang Tiên buổi tối nhộn nhịp không khác con phố tại nơi Hạnh đang sống, khác chăng là các tòa nhà ít tầng hơn. Giờ này nhiều gia đình đang trong bữa cơm chiều. Bao giờ cũng vậy, nhà thợ mỏ nào cũng ăn cơm muộn. Tan ca, họ vội vã đón con, ào tới chợ xép mua vội thức ăn, rồi về nhà chăm mấy luống rau, thái chuối hoặc nấu cám chăn lợn. Mỗi thời mỗi khác, giờ ít người nuôi lợn hơn, nhưng qua trang facebook cá nhân, nhiều người quen của anh vẫn chụp ảnh khoe mảnh vườn, những đàn gà đủ loại. Thời ấy, với đồng lương thợ thuyền, kinh tế phụ gia đình lan dọc phố. Nhà anh đầu năm bao giờ cũng bỏ vào chuồng đôi lợn tháu, chăm bẵm cả năm trời mới đủ lớn để gọi thợ thịt. Nói kinh tế phụ cho đúng thuật ngữ của các nhà quản lý, chứ thực tế có dạo, nguồn kinh tế ấy lại là nguồn sống chính của nhiều gia đình người thợ. Hạnh không biết chính xác tại sao bố anh xin chuyển công tác, đưa cả gia đình rời vùng mỏ này.
Hôm ấy, đang trọ học dưới trường chuyên của tỉnh, được bố mẹ báo tin chuyển nhà, Hạnh vội vã bắt xe về giúp thu dọn. Trong căn nhà trống tềnh toành chỉ còn bộ bàn ghế, đồ đạc đã xếp lên chiếc ô tô đậu trước cửa, Hạnh thấy ông giám đốc và bố ngồi trầm tư như vừa tranh luận điều gì đó. Không để ý Hạnh chào, ông giám đốc nhìn bố khẽ khàng: “Quả thực, tôi lấy làm tiếc đã không thể cùng anh làm mọi điều tốt đẹp cho mảnh đất này. Dẫu sao, công lao của anh đội ngũ sẽ luôn ghi nhớ”. Bố Hạnh mỉm miệng cười nhẹ: “Chúng ta không nên quá khách khí. Tôi muốn điều tốt đẹp phải được thể hiện bằng hành động cho cuộc sống mọi người, chứ không chỉ trong các bản báo cáo. Dù có làm gì, ở đâu, tôi vẫn mang trong mình dòng máu của người thợ mỏ. Tôi tin tất cả sẽ qua đi, chỉ còn tình người ở lại…”. Mãi sau này Hạnh mới biết sở dĩ ông giám đốc đích thân đến tiễn, bởi bố không đồng thuận với việc tổ chức điều hành của giám đốc nên chuyển công tác, oái ăm là bố Hạnh lại được nhận vào cơ quan liên quan đến việc quản lý khai thác mỏ.
“Mời anh vào uống nước ạ!”, cô chủ quán cà phê thấy anh ngập ngừng ngoài cửa bước lại niềm nở. Hạnh ngờ ngợ hình dung một gương mặt thân quen: “Em là Hồng, con bố Thắng?” “Dạ không ạ! Em ở nơi khác về làm dâu. Anh dùng gì ạ?”. “Cho tôi một nâu nóng”. Nhiều lần, Hạnh đã tự phục mình vì trí nhớ không đến nỗi tệ, nhưng lần này anh lại bị chưng hửng. Thời gian trôi, mọi thứ như bóng câu ngoài cửa sổ. Hồng ngày ấy bé xíu, tuổi giờ chừng đôi mươi, anh rất khó để tránh sự nhầm lẫn. Phin cà phê rơi từng giọt đặc sánh, mùi hương ngậy nức. Giọt cà phê như giọt mắt trầm tích bật lên từ lòng đất sâu cho những dòng than đen óng ánh.
Khi chưa là thị trấn, Giang Tiên đã mặc nhiên được định danh là phố. Cư dân phố hầu hết là cán bộ công nhân mỏ. Cũng không chỉ Giang Tiên, trên vùng mỏ này từ thời Pháp còn có phố Cẩm, phố Giá. Cả ba phố đều hình thành từ các khu vực dành cho thợ mỏ. Gọi là phố nhưng kỳ thực hai bên đường chỉ là các dãy nhà tranh tre, mái lá. Ông nội từng kể: Khi khai thác than tại Phấn Mễ, Làng Cẩm từ năm 1910, người Pháp đã cho xây dựng khá hoàn chỉnh nhiều công trình: Nhà máy điện, nhà máy cơ khí, hệ thống đường goòng chở than về Bến than Gia Bảy. Trụ sở công ty và các tòa biệt thự dành riêng cho chủ mỏ và các kỹ sư người Pháp nằm cách biệt gọi là khu Chủ Nhất, Chủ Nhì. Thợ thuyền các mỏ tại đây lên đến hàng ngàn người, hầu hết vợ con họ đều ở quê. Số ít lấy vợ là người quanh vùng tới đội than thuê. Thời nào cũng thế, có cầu ắt có cung. Trước Cách mạng Tháng Tám các phố cũng san sát hàng quán, náo nhiệt không kém thị xã, nhiều nhất là hàng xén, tiệm cô đầu, quán xóc đĩa. Số con hát làm gái tụ tập thường xuyên có tới hàng trăm người. Lương thợ thuyền vốn chẳng bao nhiêu, nhưng nhiều người vẫn lú lẫn nướng vào các ổ thuốc phiện, sòng bài, lầu xanh được công khai hoạt động bởi sự dung túng của các vị quan cả ta và tây. Cùng với vùng mỏ Hồng Quảng, than Phấn Mễ cũng nổi danh trên toàn cõi Đông Dương.
- Ánh trăng non nhẫy sương đêm. Lối cỏ lên núi Đá Xô ướt rượt thứ ánh sáng ma mị từ trăng và ngọn đèn đường hắt lại. Đêm ấy giờ này, cũng dưới màu trăng này… Hạnh không muốn nhớ phút bão lòng cuộn xiết, nhưng một mãnh lực ghê gớm cứ níu kéo anh lên triền dốc. Chỉ hơn trăm bậc đá, Hạnh đã lên tới ngôi miếu cổ. Ngôi miếu thờ ai anh cũng không rõ. Qua những biến thiên thăng trầm của lịch sử, một tấc đất ông cha để lại đều chứa đựng bao huyền tích. Mỗi huyền tích lưu truyền đôi khi có thể thăng hoa, hay méo mó tùy tâm tính người đời. Một số người già gọi là miếu thờ thần cai quản cương vực. Không ai rõ ngôi miếu có từ bao giờ. Sự hư thực, mờ ảo tạo lập nên xác tin. Lần đầu tiên của tuổi mới lớn, Hạnh cảm thấy ớn lạnh khi bước tới nơi này. Sự linh thiêng hiển hiện đến nỗi có lần ông thày cúng đọc vanh vách khẩu dụ trên tấm bia lên rêu mòn nhẵn chữ, dù Hạnh căng mắt cũng chẳng thể nhìn thấy chữ nào. Người ta truyền tai nhau cả những điều kiêng kỵ khi tới hành lễ. Cấm các bà các cô đêm trước ngủ với chồng không được dâng hương.
Hạnh lặng lẽ bước vào miếu, mấy chân nhang cháy đỏ lập lòe, mùi hương trầm thơm ngát, chứng tỏ ai đó cũng mới thắp và rời đi. Vái lạy cung kính, Hạnh rút ba nén hương châm lửa thắp lên ban thờ. Ra đến cửa, Hạnh bất giác thấy như có ai đó ôm choàng lấy mình. Một chút rờn rợn, nhưng anh vội xua ngay cảm giác đó. Ở đời chỉ con người mới đáng sợ, mọi cái thuộc về tâm linh chẳng có gì đáng sợ. Thần linh hay ma quỷ chưa chắc đã có thể ngự trị nơi tâm sáng. Cách cửa miếu không xa, vuông đất nhỏ khá phẳng ngập tràn trăng. Vuông đất đã cho anh ngụp lặn trong mọi cung bậc cảm xúc và nếm đủ mặn ngọt cay đắng của đời người. Hạnh chộn rộn ngồi bệt xuống cỏ. Chiều ấy nhận tin nhắn của Hoa, dù đang ôn thi môn cuối năm thứ tư đại học tại Hà Nội, Hạnh cũng đáp chuyến xe khách về mỏ. Cả hai đưa nhau lên vuông đất cỏ xanh mướt này. Suốt đêm trăng rã rượi trong niềm yêu thương đầu đời. Cho đến tận khi đằng đông ửng lên phơn phớt hồng, Hoa mới ngả đầu vào vai anh thỏ thẻ: “Em chỉ cho anh được thế này. Tháng sau em lấy chồng. Anh ấy con sếp, chắc anh biết… Tình yêu và hôn nhân là hai cặp phạm trù khác. Tha lỗi cho em”. Hạnh chết lặng. Nếu lý trí không vội vã mách bảo, anh đã chết thật.
- “Đêm đã muộn rồi, sao cháu không về đi?” “Ông là…”. “Ta là ông nội của cháu. Ta biết ngày mai mọi người làm lễ. Ta đã về quê và gặp gỡ anh em họ tộc. Người chết chỉ còn lại linh hồn. Ngôi từ đường ấy dẫu to đẹp cũng chỉ là nơi thờ phụng, không thể níu giữ được linh hồn. Ta chết ở đâu thì linh hồn ở đó”. Hạnh nghe bố mẹ kể năm 1972, ông nội trúng bom của máy bay Mĩ ném xuống vùng mỏ. Lực lượng cứu hộ đã cố tìm một phần thi thể ông để đắp mộ phần trong nghĩa trang nhưng bất lực. Anh chợt thấy mình hoang hoải, rối bời: “Lòng thành của con cháu gửi gắm vào những nén hương, ông không nhận sao?” “Hương khói chỉ có thể làm ấm lòng người sống. Trong khói nhang đã có ta rồi”. Tâm trí Hạnh dường như bị muôn ngàn giọt lân tinh pha lẫn với những ý nghĩ hỗn độn. Không biết nói gì cùng ông, Hạnh đành bạo miệng hỏi: “Ngôi miếu này thờ ai ạ? Tại sao ông biết cháu ở đây?”. “Ngôi miếu này không thờ riêng ai cả. Từ ngàn năm trước, nó là nơi linh hồn những người lính tử trận làm chốn đi về. Khi còn sống họ là người hai phe, nhưng khi chết tất thảy đều như nhau. Thời nay cũng thế, ta vừa gặp hai vị đốc công người Pháp, họ không thể quy hồi cố hương… – Ông nhìn Hạnh ngập ngừng: – Nơi này, cháu nếm trải trái đắng của sự tuyệt tình, đúng không?”. Hạnh giật mình. Hình ảnh phút giây giao hoan thoáng lướt qua. Dẫu ngượng ngập, nhưng lời ông về hai vị đốc công làm anh tò mò. Ngày Hạnh còn bé, mỗi năm cứ vào dịp kỷ niệm truyền thống mỏ, người ta lại nhắc tới cuộc nổi dậy của công nhân giết chết hai đốc công người Pháp và thiết lập chính quyền công nhân. Hạnh không rõ tại sao hai người đó bị giết, phải chăng họ có sự chống đối? Hạnh hỏi để lảng tránh trả lời ông: “Linh hồn họ vẫn lưu lạc nơi này hả ông?”. “Đúng thế cháu ạ! Họ không chỉ điều hành mỏ, mà còn là trùm buôn thuốc phiện xứ Bắc Kỳ. Chính ta là người tham gia giết họ, nên linh hồn ta và họ gặp nhau cũng là lẽ thường”. Tôi bàng hoàng, mắt nảy hoa cà hoa cải, người bập bênh như ngồi trên sóng. Như đọc được ý nghĩ của tôi, ông nhỏ nhẹ: “Nếu cháu muốn biết, đi theo ta”.
Phút chốc, Hạnh đã chen giữa đám đông đằng đằng sát khí. Tiếng kẻng cất lên riết róng. Tiếng hô khẩu hiệu, tiếng hò hét dậy đất. Hàng ngàn người thợ áo quần lam lũ, mặt nhem nhuốc bụi than vây chặt khu vực trụ sở công ty than, dao cuốc, gậy gộc khua loạn xạ. Khói bụi bay mù mịt. “Tăng lương cho chúng tao!” – Đám đông gào lên. “Tăng cái mả cha nó. Giết…”. Mấy tên bảo an binh ra ngăn cản bị ném gạch đá bỏ chạy tán loạn. Tường rào, cổng văn phòng bị đám đông đập phá tràn vào bên trong. Người đốc công có tên là Giăng Quát sợ hãi dúm dó cầu xin. Các viên cai, đội, thông ngôn, nhân viên trong trụ trở cũng bị kéo ra đánh đập tơi tả. Giấy tờ, sổ sách bay tứ tung, lửa ngùn ngụt bốc lên từ các tòa biệt thự. Nhiều trạm canh, kho xăng dầu, xe cộ của giới chủ bị công nhân đốt phá. “Tên Gô Gin đâu?”. Ai đó nói to: “Tao thấy nó vào tiệm cô đầu”. Đoàn người lại rầm rập kéo đi. Sợi dây thừng được tròng vào cổ Giăng Quát, nhiều người giật mạnh làm hắn ngã đập mặt xuống đất. Ngay lập tức đám đông dựng dậy, vừa lôi đi vừa đánh. Các toa goòng bên đường bị lật nhào. Tên Gô Gin bước ra từ tiệm cô đầu, ngơ ngác: “Các người làm gì vậy?”. Khác thái độ cung kính mọi bận, những người thợ lao tới đánh tới tấp. Hạnh bám chặt tay ông, hoảng hốt nhìn đám đông dữ dằn, hung tợn. Ông nội của Hạnh gào to: “Tha cho hắn”. Tiếng ông chìm trong tiếng la hét. Một người vung con dao sáng lóa rẽ đám đông tiến vào nơi hai người đốc công đang bị trói giật cánh khuỷu, mắt long lên điên dại: “Thay mặt chính quyền, tao xử tử chúng mày”. Hạnh nhắm tịt mắt, không dám chứng kiến hành động ghê rợn. Xác hai người đốc công lập tức bị ném xuống sông.
Một tia sáng lướt qua, Hạnh vẫn thấy mình bên ông nội trên trảng cỏ. “Ông không hề giết hai người đốc công”. “Đúng là ta không giết, nhưng ta là một trong những người tổ chức cuộc đình công, đưa yêu sách cho giới chủ đòi cải thiện đời sống. Bọn mật thám được lệnh thủ tiêu bất kỳ ai chúng khả nghi, nên ta không được phép ra mặt. Thời kỳ ấy cũng không chỉ Mặt trận Việt Minh, nhiều tổ chức nhân danh phục quốc cũng len lỏi vào thợ thuyền. Lợi dụng sự bức xúc của công nhân, bọn cơ hội đã kích động bạo loạn. Mãi đến Cách mạng Tháng Tám, bọn đội lốt kích động mới lộ diện”. Hạnh vỡ lẽ, ngập ngừng: “Người thay mặt chính quyền giết hai đốc công là ai đấy ông?”. “Làm gì đã có chính quyền. Đó chỉ là tên ma cô sòng bài. Hắn từng đổi vợ lấy thuốc phiện…”. “Cháu không thấy hai vị Chủ Nhất, Chủ Nhì trong cuộc nổi dậy đó?”. Ông nội của Hạnh khẽ thở dài, chậm rãi: “Lúc ấy Nhật đã đảo chính Pháp. Bọn chủ mỏ sợ hãi tháo chạy. Quân Nhật thuê Giăng Quát và Gô Gin điều hành…”
Dòng chảy thời gian lại lần lượt hiện lên như thước phim chiếu chậm. Hạnh thấy mình bay lên níu giữ từng khoảnh khắc. Chỉ giây lát những khoảnh khắc ấy bỗng tan biến…
Hạnh không biết mình đang thức hay trong cơn mộng mị. Ngắm làn mây nhẹ nhàng trôi dưới trăng, anh thấy mình tỉnh táo lạ thường.
- Hạnh về tới nhà nghỉ trời đã tang tảng sáng, chân mây thoáng ửng. Cô lễ tân ngỡ ngàng: “Đêm qua anh đi đâu?”. Hạnh lúng túng không thể trả lời. Bất chợt, người phụ nữ xuất hiện phía trên cầu thang: “Anh!”.
Trước mắt Hạnh là Hoa, cô người yêu đã tuyệt tình anh sau đêm dâng hiến: “Cô cũng đến nơi này sao?”. “Bác em mất trong một trận bom Mĩ, em lên miếu thắp hương, về đây lúc chập tối. Chồng em đang thụ án tại Phú Sơn, em tới gặp để giải quyết việc li dị. Khi không còn mù quáng, con người ta phải chọn cho mình một con đường…”.
Chưa hết ám ảnh, vương vất với những gì đã diễn ra trong đêm, Hạnh ngẩn người đứng lặng. Bên ngoài, vòm cây trước cửa bật lên những tiếng chim lảnh lót. Dòng sông Giang Tiên uốn lượn mềm mại ngời ngợi ánh lên từng con sóng tím. Màu tím như được chắt ra từ đêm. Hạnh chợt cảm thấy lòng mình thật nhẹ nhõm, thanh thản. Phía bên kia bờ sóng với anh không hẳn là chuyện lạ!
Theo VN Thái Nguyên