Bên kia dòng sông mây – Truyện ngắn Tống Ngọc Hân

969

(Vanchuongphuongnam.vn) – Ông đứng trên mảnh sân đầy phân lợn, nhìn sang bên kia dòng sông mây. Bên ấy, một thị trấn xinh đẹp, giàu có, tráng lệ. Chợt thấy đây là chuyến đi thật ý nghĩa.

Ảnh minh họa – Nguồn internet

Ông quyết định lên Sa Pa vào những ngày rét đậm. Dù đường cao tốc đã xong và thằng con rể nhiệt tình đề xuất ý kiến lái ô tô đưa ông và hai người bạn già nữa lên Sa Pa nhưng ông không đồng ý. Bởi cái thú đi tàu từ thủa nào đã ngấm vào máu thịt ông. Mà là tàu ngày cơ. Tàu chậm. Rền rỉ một ngày đằng đẵng tê chân, mỏi gối vì ngồi yên một chỗ trên ghế cứng, nhức đầu nghe dân tình bàn tán việc đời. Kệ, ông và các bạn đã quyết định rồi. Ấy thế, một ông, tàu vừa đến Yên Bái là đã rốt ráo chuyển sang khoang nằm của nhân viên nhà tàu. Ông này cựu chiến binh, còn một mảnh đạn trong đầu gối chưa gắp ra được thì phải. Ông thứ hai cũng trụ hạng được đến ga Bảo Hà thì chuyển nốt. Thế là còn mình ông.

Cuộc gọi thứ năm của bà nhà ông, léo nhéo có tiếng thằng cháu nội năm tuổi bên cạnh, ông ơi con nhớ ông lắm. Ông tếu táo, mày nhớ hay bà mày nhớ. Một cậu tre trẻ ngồi cạnh ông tủm tỉm cười. Còn một ga nữa là đến Lào Cai thôi. Bà lu loa lên như thể cháy nhà, rằng ông quên quyển sổ tay và cây bút bi ở nhà rồi. Gớm chết, bút sách mua đâu chả được. Bà sồn sồn, dưng mà sổ ấy ông ghi chép cẩn thận những thứ tôi dặn ông mua sắm về. Ông làm ra vẻ mình còn thông tuệ lắm. Tôi nhớ hết bà ạ. Bà giãy nảy, vẻ không tin. Ông nhắc lại tôi xem nào. Ông thong thả, ở chợ Cốc Lếu thì mua cái này cái kia, ở Sa Pa thì mua cái kia, cái này… Bà bảo tốt, trí nhớ ông vẫn đạt năm mươi phần trăm, nhưng số lượng là chưa chuẩn và ba hôm nữa là ông quên sạch. Ông đính chính. Bốn hôm chứ. Bà rạch ròi, chính xác là ba hôm rưỡi. Tàu chuẩn bị vào ga thì bà lại nhắc. Nhớ là giảo cổ lam bảy lá nhé. Ông ừ à, biết rồi càng nhiều lá càng tốt. Bà lại dặn thêm, phải là tam thất Hoàng Liên đen thật đen đấy nhá. Ông gắt khẽ. Biết rồi, tam thất chả đen thì cái gì đen, người ta đã bảo đen như củ tam thất mà lại. Bà dặn thêm, mùa này, cái củ ngọc cẩu hay ngọc cầu gì đó người ta bán nhiều lắm, mua một ít về cho chồng dì Thơ ngâm rượu, rồi hai anh em uống chung. Ông ngượng quá, nói át đi. Thôi, tôi biết hết cả, nhớ hết cả rồi, tôi sẽ mua tất cả, bà đừng gọi nữa nhé. Ông tắt máy, bụng nghĩ. Tinh vi đến thế là cùng, cả đời chả đi Sa Pa lấy một lần, chỉ nghe qua con gái và con rể kể mà cứ làm như tỏ tường lắm.

Tàu xuống ga, ba ông già ngót bảy mươi, vai ba lô, tay chống gậy thũng thẵng đi ra bến xe bus. Dẫu chẳng nói thì cái cảm xúc thân thương cũng ùa về đầy ứ trong lòng ông. Chuyến xe chạy xuyên thành phố trong buổi chiều đông lành lạnh. Cái lạnh vừa phải thôi, vì gió ở đây không cuồng nhiệt quá như ở đồng bằng. Xe chuẩn bị rẽ lên đường đi Sa Pa. Một ông bảo đây là lần đi Sa Pa thứ ba. Một ông bảo lần thứ hai. Chỉ có ông là lần đầu. Nên ông chỉ ngầm so sánh hiện tại với những gì trong trí tưởng tượng của ông thôi. Cả xe và người chui thụt vào biển sương mù, dù chưa đến sáu giờ tối. Xe chạy mò mẫm. Mấy thanh niên ngồi hàng ghế trên niên nghẹo cổ, lim dim mắt. Chả bù cho hai ông bạn già của ông, bạnh cả hàm ra vì căng thẳng. Ở tuổi này rồi, đi xe lên đèo cao, các ông thường nghĩ đến tình huống xấu nhất, rồi lại khổ con khổ cháu… Như đọc được suy nghĩ của hai ông bạn già, ông khôi hài kể mấy câu chuyện cười về đồng bào dân tộc. Đám thanh niên ngóc đầu cười nghiêng ngả. Anh lái xe cũng cười. Chỉ có hai ông kia không cười.

Càng lên cao, trời càng lạnh. Lạnh như đá chườm. Cả người cả xe như chui vào cái tủ nước đá khổng lồ. Những chiếc xe đi ngược chiều còi toe toe. Cứ một cái xe đi qua, ba ông già lại thở phào một cái. Mười mươi là đấu đầu vào nhau mà cuối cùng lại đường anh nào anh nấy đi. Thế mới giỏi. Ông râu trắng, vốn là lính lái xe Trường Sơn, cứ chặc chặc lưỡi. Tụi trẻ bây giờ quá là giỏi. Chả nhìn thấy đường mà xe vẫn cứ bon bon như thường. Ông đầu hói, vốn có mảnh đạn trong gối là lính thông tin, chốc chốc lại đưa điện thoại lên để xem giờ và như để xác định tọa độ. Rồi ông thú thực. Thằng con trai trang bị cho bố cái điện thoại hiện đại quá, bố chả dùng được. Cái trình độ nghe gọi, tắt mở máy của ông chỉ phù hợp với những loại máy đơn giản thôi. Nhưng mà lính thông tin…nói không với công nghệ, người ta cười cho. Ông im lặng, thi thoảng lại mở điện thoại nghe bà ở nhà chỉ đạo từ xa. Ông nói khẽ “Thôi bà đừng gọi nữa, xe đang lên đèo, cao và mù mịt lắm”. Bà mai mỉa. Cứ làm như ông đang lái xe không bằng. Rồi bà cũng biết điều, im lặng đến tận khi xe kết thúc hành trình ở sát nhà thờ. Thế là đã đến Sa Pa. Hú hồn.

Không khí giá buốt nơi đây đón khách quả là nhiệt tình. Chúng sục sạo vào sâu trong người các vị mà kiểm tra từ nhịp tim đến hơi thở, đến quần áo, khăn khố, ấm lạnh. Hình như tim đập nhanh hơn, thở dốc và ngắn hơn. Hình như ai vừa dội nước vào khăn áo, mũ mão và cả bàn chân đã đi giầy khủng bố để khách thành lập phản xạ mà chống chọi với giá rét trong suốt kì nghỉ. “Thế này đã âm chưa chú”. Một anh xe ôm cười cười, nụ cười tỏa khói. “Mới bảy rưỡi, giờ này chừng hai độ thôi bố ạ”. Ông râu trắng xuýt xoa. “Cái hồi tôi sang Nga với thằng cả, bão tuyết hẳn hoi, cũng chỉ lạnh từng này”. Ông đầu hói đã đội mũ bảo. “Thế này ăn thua gì, độ tôi lên, vào nhà hàng mua chai bia, mở nắp còn chả rót ra được, nó đóng băng từ bao giờ”. Ông im lặng chiêm nghiệm. Vì đã đặt phòng trước nên ba ông già gọi một cái tắc xi đi cho ấm. Xe vừa chạy đã dừng. Trời đất, biết thế này bọn tao đi bộ. Lại điện thoại chỉ thị của ba bà vợ già ở nhà một lúc. Ba ông chỉ được lấy một phòng và ở chung thôi, đề phòng điện đóm, bình ga, huyết áp, gió máy… Cứ như là dặn cháu, dặn con các bà ấy không bằng. Đã lên đến đây rồi. Mỗi ông một phòng cho hoành tráng. Ông râu trắng bảo. Tôi ngáy to lắm, ngủ chung với các ông đâu có được. Ông đầu trọc bảo, tôi có cái tật nhai trầu chóp chép cả đêm, không sửa được. Thế là ba ông ba phòng…

Bữa tối tại ngay khách sạn có cái tên một loại hoa rừng rất chi là mơ mộng, Lan Đỏ. Ba ông làm một nồi lẩu con con, một chai rượu sâu chít. Đến chín giờ thì bế mạc, tùy nghi di tản. Oái oăm cho cái bà vợ nhà ông. Vừa ngậm cái tăm vào miệng đã điện thoại kiểm tra. Sao ở ba người mà tôi thấy yên như tờ thế à? Cho tôi gặp ông A. Ông A là ông râu trắng. Có ngay ông râu trắng. Bà chờ tôi. Ông hí hửng cầm điện thoại chạy sang phòng ông A. Cửa khóa ngoài. Ông chống chế. Lão ta đang tắm bà ạ. Bà chả vừa. Cho tôi gặp ông B. Ông lại chạy sang phòng ông B. Ông thương binh khỏe đi này cũng ra ngoài nốt, cửa khóa ngoài. Ông ấy cũng tắm bà ạ. Bà ngạc nhiên. Hả, hai ông tắm chung? Ông đuối lý. Tắm chung thì sao? Hồi xưa bọn tôi còn tắm cả năm người một lúc. Tôi cũng chuẩn bị vào tắm đây. Ông tắt máy, ngồi xuống giường, người cứ bực bội làm sao. Ông cũng khóa cửa phòng, đi ra ngoài nốt. Chợ tình giờ này đương độ hát hò. Ông nghe cậu lễ tân nói thế và đổi ít tiền lẻ đi xuống.

Một đám đông bu quanh mấy cô cậu người Mông bản địa đang hát múa. Sương mù lại vây lấy đám đông, chỉ còn tiếng khèn là sương không làm gì được. Càng mù càng đê mê, phấn chấn. Như thế gọi là chợ tình. Thấy tiếng khèn đám bên cạnh to hơn, ông dợm bước sang đó thì chân ông tự ý khựng lại. Tiếng khèn. Tiếng khèn da diết vang lên ngay sau lưng ông như đánh thức một điều gì đó từ thẳm sâu trong kí ức đã ngủ quên. Ông quay người lại. Người đàn ông ngoài năm mươi đã dừng khèn, đưa tay vét cả tiền và sương mù từ cái mũ chàm bỏ vào túi thổ cẩm đeo bên hông. Thổi nữa đi, múa nữa đi. Ông tiến lại gần cái mũ, để mười nghìn vào đó. Giọng thảng thốt “Lủ có phải không?”. Người đàn ông Mông tiến lại gần ông, đôi mắt nhìn xoáy vào khuôn mặt ông già đang đối diện với mình. Một phút, hai phút, ba phút. Thời gian trôi chậm chạp. Bất thình lình, người đàn ông vồ lấy hai bàn tay ông già mà siết mạnh, thốt lên nghẹn ngào. Thầy… thầy Tám. Ông như lịm người đi trong vòng tay ngai ngái mùi chàm, mùi sương mù của đứa học trò cũ mà mười năm mới gặp lại. Tiếng đám đông lao xao. Hát đi, múa đi… không hát thì để bọn tao đi chỗ khác. Ông luống cuống dứt tay Lủ ra. Ông hiểu chuyện cơm áo ở cái chợ tình này nên vội vàng. Thế Lủ ở đâu nhỉ? Lủ buồn buồn. “Cháu ở Sín Chải, sa lắng thầy ạ”. Ông xua tay “Cứ biết thế đã, thổi đi, thổi đi đã… tôi sẽ tìm cậu sau”. Ông vội tách mình ra khỏi đám đông dường đã chán chê nhạc phố phường và sính nhạc rừng. Lủ vội vàng đưa cây khèn lên môi, gọi đám đông trở lại với tiếng khèn, với cái mũ chàm đựng tiền và những đồng tiền lẻ. Mỗi tuần chỉ có một đêm thôi, bất kể mưa, gió, giá rét hay sương mù…

Đêm ấy, ông không ngủ. Sáng hôm sau, ông râu trắng dậy sớm đi bộ bờ hồ đã về. Ông thương binh thì tập thể dục ngay trên sân thượng của khách sạn. Còn ông, trầm ngâm với cây sổ mới và cây bút bi mua về. Nhiệm vụ của ông là sao chép lại từ bộ nhớ toàn bộ những thứ bà vợ dặn mua từ lúc ở nhà. Lạ thay, trên trang giấy chỉ có Lủ, Hạng A Lủ, Sín Chải… Rồi ba ông kéo nhau đi ăn sáng. Bún là tuyết, thịt bò cũng là tuyết, rau thơm, chanh ớt cũng là tuyết…Gì gì nuốt vào họng cũng lạnh buốt. Ông không ngờ lại gặp Lủ ở đây. Theo kế hoạch, buổi sáng chủ nhật này sẽ đi chợ. Buổi chiều sẽ thuê xe chở ba ông đi bản Cát Cát. Sáng thứ hai đi Thác Bạc, chiều thứ hai đi Cầu Mây, Lao Chải, Tả Van. Sáng ngày kia đi núi Hàm Rồng, chiều trả phòng ra thành phố. Tối ngày kia lên tàu.

Ở chợ, ông hoa mắt vì bao nhiêu loại tam thất từ nụ đến hoa. Cái tam thất Hoàng Liên, người ta bảo hiếm lắm, không có. Loại tam thất ra khỏi danh sách. Hỏi một gã Mông bản địa, nó bảo chỉ có giảo cổ lam năm lá thôi, bảy lá rét thế này tàn hết rồi. Ông vớt vát, tự điều chỉnh chỉ tiêu. Thế sáu lá có không? Thằng kia cười, cứ ngỡ ông đùa. Ông nhìn đứa nào cũng có cái áo của Lủ, cái mũ, cái túi của Lủ, nụ cười của Lủ. Ông nảy ra ý nghĩ phải đi Sín Chải thăm Lủ. Chả gì sáng chủ nhật, trời bỗng dưng lóe nắng, trong trẻo. Ông hỏi thăm mấy gã bán than. Một gã già nhất gãi gãi cái đầu bù xù. Mình ở Sín Chải đây mà. Lủ à, nhiều Lủ lắm, nhưng mà Lủ đi tù vì giết vợ thì chỉ có một nó thôi. Nó về Sín Chải sáng nay rồi. Sín Chải ở đâu? Gã Mông chỉ tay sang phía ngọn núi xanh sẫm phía bên kia dòng sông mây trắng đang cuồn cuộn dâng sóng đổ lên thị trấn nhỏ. Nhà nó ở bên kia. Ông gật gật. Bên kia dòng sông mây. Ông thuê xe ôm. Vừa đi vừa xác định tọa độ. Điện thoại của bà, ông đáp lại ngắn gọn. Mua sắm để sau nhé, tôi đang trên xe ôm. Hai ông bạn già ngơ ngác nhìn về phía con đường ông vừa rẽ ngang. Họ bảo nhau. Lão ấy lại giở chứng đấy mà, trông lù đù thế hóa lại ghê gớm. Thôi kệ. Chả kệ cũng chả ai làm được gì ông lúc này. Vì ông đang vi vu trên con đường bồng bềnh mây trắng trở về với một quãng kí ức nhọc nhằn, đắng đót kỉ niệm.

Chiếc xe ôm đi chầm chậm trên cây cầu treo bắc qua suối Mường Hoa được mây trắng choàng quanh như chiếc chăn bông. Ái ôi, tên suối, tên núi, tên hoa, tên đường, tên nào cũng đẹp, cũng lung linh, khó quên cả. Xe chạy thêm độ hai kilômét nữa thì dừng hẳn lại. Bác ạ, nhà nó trên kia, đi bộ thôi, không xe nào lên được đâu. Độ một giờ thôi mà. Ông nhìn theo tay thằng xe ôm chỉ lên con đường vàng như sợi tơ và cái nhà bé tí ở lưng chừng núi non, chợt thấy choáng váng. Nhưng leo cau đến buồng rồi, phải hái chứ? Sau khi trả tiền, ông lững thững đi lên. Thở đều, hít sâu, bước chậm rãi. Đó là kinh nghiệm đi núi. Khoảng hơn một tiếng sau thì ông đến được mảnh sân nhỏ đầy phân gia súc. Ông dừng lại để thở đến chục phút rồi mới cất tiếng gọi. Lủ ơi… Không có tiếng người thưa. Ông cẩn thận bước vào. Hai gian nhà bé tí, tối um vì có một cái cửa. Mái nhà lợp bằng gỗ ván cỏ mọc um tùm phía trên còn đơm cả hoa và chim rừng đến lót tổ. Trái nhà là nơi nấu nướng thì phải vì có mấy sợi khói nhỏ vừa chui lên. Ông bước vào cái cửa duy nhất của ngôi nhà và dụi mắt mấy lần mà chưa nhìn rõ thứ gì cả. Trong nhà có tiếng người cất lên khàn khàn, không rõ là tiếng đàn ông hay đàn bà. Ông cũng không hiểu được họ đang nói gì. Ông cất tiếng chào. Chào cụ ạ. Lủ có nhà không cụ? Có tiếng sột soạt, rồi tiếng ho mệt nhọc cất lên. Sau đó im lặng. Ông kiên trì hỏi lần nữa. Lủ có nhà không? Lại một tràng tiếng bản địa. Ông thở hắt ra, thoáng chút thất vọng. Nhưng vừa quay đầu ra cửa thì thấy Lủ đã đứng sừng sững ở đó từ bao giờ. Lủ bối rối ra mặt. Ông được mời ngồi xuống chiếc ghế gỗ duy nhất trong nhà. Đồ đạc không có gì ngoài mấy cái sừng trâu treo trên vách. Ông hỏi Lủ những câu mới được soạn qua trên đường đi. Thế vợ con thế nào? Lủ cười, nói trống không. Vợ chết rồi, hai con gái đi lấy chồng lâu rồi. Ông hỏi Lủ về cái người ngồi trên giường. Thế ai kia? Lủ nói. Chị gái thôi, nó bị ma làm ốm suốt. Nó không biết tiếng Kinh đâu, nói chuyện thoải mái. Rồi Lủ ngậm ngùi kể về những lần trốn trại. Mười lăm năm tù, Lủ trốn trại ba lần. Vì thế, sau khi giảm án rồi lại tăng án, Lủ vẫn phải ở tù mười lăm năm và chuyển trại ba lần. Lần cuối cùng là thụ án tại trại giam X và hai người biết nhau ở đó. Những chuyện ấy, dù Lủ không nói thì ông cũng vẫn cứ nhớ. Vì Lủ và những lần trốn trại của Lủ khiến ông suốt gần thập kỉ không bao giờ nhận được danh hiệu lao động tiên tiến. Lủ e ngại. Chắc thầy giận cháu lắm. Ông lắc đầu. Lần đầu tiên Lủ trốn trại là vì nằm mơ bố chết. Lần thứ hai là mơ mẹ chết. Lần thứ ba, là mơ hai con gái chết. Suốt bao năm trong trại cải tạo, Lủ chưa từng được người thân đến thăm nuôi một lần, cũng chẳng thư từ gì vì Lủ không biết chữ. Những giấc mơ chết chóc cứ bám đuổi theo Lủ mãi. Ông hỏi Lủ về việc sao không lấy vợ khác để bầu bạn. Lủ thật thà, ai dám lấy thằng giết vợ làm chồng đâu. Lủ giết vợ vì ghen tuông. Chuyện ấy đã thành quá khứ của mấy mươi năm về trước.

Hồi ấy, ông là phó giám thị phụ trách khu biệt giam, tức là những phân trại gồm những phạm nhân nguy hiểm và thời gian thụ án dài. Trong số gần trăm phạm nhân có mức án từ mười lăm đến hai mươi năm tù có tới hơn bốn chục phạm nhân người dân tộc thiểu số với trình độ văn hóa rất thấp. Cá biệt là Lủ và tám phạm nhân nữa không biết chữ. Vì liên quan đến chủ trương xóa mù của trại giam, cho nên mỗi tuần hai buổi, phạm nhân mù chữ vẫn được giải đến lớp xóa mù. Tay không bị còng vì còn phải cầm phấn, cầm bút, nhưng chân bị còng và khóa vào chân bàn. Lủ với thành tích hai lần trốn trại trước khi về trại giam X, nên được canh gác rất đặc biệt. Và Lủ cũng là một phạm nhân đặc biệt với những phần ghi trong hồ sơ là học nhiều năm không thuộc bảng chữ cái phổ thông, không tự viết được tên mình. Lúc ấy, với cương vị là giáo viên đứng lớp xóa mù (kiêm nhiệm) cho phạm nhân, ông cảm thấy mình đang đứng trước thử thách rất lớn. Ông đã rất tận tụy với Lủ nhưng không ít lần phải cắn răng kiềm chế trước sự lỳ lợm của Lủ. Cứ học trước quên sau. Trong khi các phạm nhân khác sau khóa ba năm của ông đều đã biết viết thư, đọc thư của người thân và đọc báo thì Lủ hầu như không biết gì cả. Ông đã dùng mọi phép thử với Lủ, vậy mà không có tín hiệu gì của người biết đọc, biết viết. Tuy nhiên, Lủ thổi khèn lá rất hay… Một chiếc lá khô bay lạc qua cửa buồng giam cũng đủ khiến bao phạm nhân rơi nước mắt thổn thức vì quãng thời gian dằng dặc ở phía sau.

Hôm nay đây, ngồi trước mặt đứa học trò ông dạy suốt tám năm không biết lấy một chữ. Ông rất muốn hỏi Lủ một câu, nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Lủ đứng dậy ra bếp. Cạnh bếp đã có một nồi cơm được vần dưới than nóng và trên bếp có cái nồi nhọ nhem không vung đang luộc một tảng đậu phụ. Lủ mời ông ở lại uống rượu vì trời đã gần trưa rồi. Ông xúc động lắm, ướm một câu. Không biết chữ, cuộc sống chật vật lắm phải không? Lủ chỉ cười. Khi mâm cơm được dọn ra dưới ánh sáng của cây đèn dầu thì Lủ mới nói. “Cả bản này, trạc tuổi cháu trở lên, trai gái đều ít người biết chữ lắm”. Ông cười, xưng em thôi. Lủ cứ câu em lại câu cháu. Ông lấy ngón tay trỏ miết lên mặt bàn đẫm hơi nước, viết một chữ Lủ. Lủ nhìn thấy gật đầu. Lủ lấy ngón tay cái, run run miết một chữ Thầy vừa to vừa đậm, như sợ ông không đọc được. Ông ngạc nhiên nhìn bàn tay Lủ. Cái bàn tay đã bao lần ông phải cầm lấy mà nắn, mà uốn từng nét chữ, cho dù ông chưa từng phải làm thế với phạm nhân nào. Lủ đứng dậy, lấy ra từ cái túi vải một cuộn giấy đã ố màu. Lủ bảo. Thư đấy, thư cháu viết cho thầy đấy, nhiều lúc nhớ thầy lắm. Ông lập bập. Thư à? Sao Lủ không gửi cho mình? Lủ cúi đầu, thổn thức. Ngoài những cái thư viết cho Thầy ra còn lại cháu rất ghét chữ. Vì ngày xưa, vợ cháu đi học xóa mù nên mới gặp thằng ấy và yêu thằng ấy. Cháu ghét chữ lắm… Cháu lấy cái cặp sách đánh vào đầu nó mấy cái, nó ngã đập đầu vào hòn đá chết…Ông xua tay. Thôi không nói chuyện cũ nữa. Lủ ngượng nghịu đặt cuộn thư lên bàn, đẩy về phía ông và nói. Nhiều thư đấy. Thi thoảng cháu mang ra đọc để biết là mình có chữ thôi, cảm ơn thầy giáo nhiều lắm. Ông đưa bát lên, uống một hơi, cạn nửa bát rượu. Rượu mầm thóc ngọt và thơm lạ lùng. Lúc về trại giam X, Lủ mới ngoài ba mươi. Vậy khi vào tù, chỉ hai tư, hai nhăm tuổi đầu. Ghét chữ. Trong cái nghiệp làm thầy những người học trò trường tù, lần đầu ông được nghe lời thú nhận như vậy. Hồi ấy, mỗi khi đến lớp học, Lủ ngồi ngay ngắn, mắt nhìn thẳng lên bảng. Thi thoảng cái xích dưới chân lại kêu lên lạch cạch. Lủ không ngáp, không vụng trộm văng tục như những phạm nhân khác trong buổi học, nhưng đầu Lủ giống như một căn buồng tối mà không ánh đèn, không ngọn nến, không loại ánh sáng nào có thể xâm nhập được. Ông đã từng nghĩ thế. Được giảm án, Lủ không vui. Bị tăng án phạt vì trốn trại, Lủ không buồn. Giờ ngồi trước ông, vẫn là nét mặt ấy, không vui không buồn. Ông hỏi gạo có đủ ăn không? Lủ lắc đầu nhìn ra những bậc thang chơ gốc rạ mây đang chờn vờn. Chăn có đủ ấm không? Lủ bảo rét thì phải chịu thôi, trẻ con người già còn chịu được, huống chi Lủ. Ông ngậm ngùi hỏi về người chị gái mà đến giờ, sau khi thích nghi với bóng tối, ông mới nhận ra là bà ta ngồi trong một cái cũi. Bà ta dùng tay bốc cơm và đậu để trong một cái bát bằng nhựa khá lớn, ăn ngon lành. Lủ bảo, nó bị thần kinh đấy, không nhốt vào thì bắt được con gì cũng bỏ vào mồm nhai sống…

Ông đứng trên mảnh sân đầy phân lợn, nhìn sang bên kia dòng sông mây. Bên ấy, một thị trấn xinh đẹp, giàu có, tráng lệ. Chợt thấy đây là chuyến đi thật ý nghĩa.

Đoạn kết

Lủ đứng ngây người ngắm hai cái chăn băng lông mới tinh và vuốt ve những tờ tiền còn lại bọc vào mấy lượt túi giấy bóng, đúc vào túi áo ngực. Lủ đi ra sân, ngắm nghía cành đào núi đang chúm chím hoa mà hôm trước muốn chặt tặng Thầy nhưng Thầy không cho chặt. Thầy bảo. Cậu cứ chặt thế thì lấy đâu quả mà ăn?

Vợ ông ra vào cằn nhằn. Rằng khăn áo thổ cẩm không, tam thất không, trinh nữ hoàng cung không, giảo cổ lam, mật ong rừng… cũng không nốt. Mà sao ông tiêu hết tiền? Biết thế tôi gửi cháu cho bà thông gia, tôi cũng đi cùng ông, để xem ông ăn phải bùa mê thuốc lú đứa nào? Mà lên tận Sa Pa, tết đến nơi rồi cũng không mua được cành đào hay chậu lan về chưng. Mai bà thông gia sang, tôi biết ăn nói thế nào đây? Hai lão kia, lão nào lão ấy, cứ gọi là lặc lè quà cáp, vợ con ra tận ga đón cũng bõ.

Ông râu trắng nằm ở giường tầng một phía bên kia nhỏm dậy, hỏi rõ to. “Các ông ngủ rồi hay sao đấy? Ơ… thế từ nãy giờ tôi nói chuyện một mình à?”. Ông vội vàng lao ra khỏi dòng tưởng tượng ấm áp, phân bua với bạn. Nào có ngủ. Tôi vẫn nghe ông nói đấy chứ. Nằm trên tàu, người cứ bồng bềnh như trôi trên mây, ngủ thế nào được.

T.N.H