Bến mơ trong thơ Yến Lan

1916

Nguyễn Thanh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Yến Lan (1916 – 1998) có không hiếm những vần thơ hay, nhưng dường như nhà thơ mang bút danh yểu điệu rất con gái này chỉ được biết đến nhiều qua bài thơ “Bến My Lăng” xuất hiện từ phong trào thơ mới. Nhà thơ Yến Lan là thành viên của Bàn thành tứ hữu (Bốn người bạn thơ ở thành Đồ Bàn), gồm những nhà thơ xuất sắc một thời tại Bình Định.

Nhà thơ Yến Lan

Thơ Yến Lan mang hương sắc lạ: ngôn ngữ giàu hình tượng, giai điệu mang mang nhưng tứ thơ phong kín một nỗi niềm khiến người đọc lắm khi chỉ cảm thụ bằng trực giác. Yến Lan là một thi sĩ đã làm thơ và tham gia công tác kháng chiến trong hai thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ. Nhà thơ Yến Lan để lại 2 vở kịch thơ (Bóng giai nhânGái Trữ La), 8 tập thơ trong đó Thơ tứ tuyệt là tuyển tập thơ sau cùng (1996) được nhiều người đánh giá cao.

Trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, thi ca thuộc phạm trù phi vật thể, nằm trong sinh hoạt kiến trúc thượng tầng. Người làm thơ hay nếu không có năng khiếu được trời cho thì trước hết phải đam mê thi ca, có một tâm hồn dễ xúc cảm và kinh qua ít nhiều kiến thức văn học cơ bản cùng một vốn sống trải nghiệm thực tế ở cuộc đời. Trong lúc nhà thơ Hàn Mặc Tử coi người làm thơ là người điên, Chế Lan Viên cho rằng nhà thơ là người không bình thường, ta có thể xem Yến Lan là chàng thi sĩ của những vần thơ bay bổng mơ mộng đứng riêng một cõi trên thi đàn.

Nhà thơ Yến Lan tên thật là Lâm Thanh Lang, người Bình Định, vùng đất giàu cổ tích được xem là địa linh thi kiệt với những nhà thơ nổi tiếng của nền văn học hiện đại: Quách Tấn (1910-1992), Hàn Mặc Tử (1912-1940), Chế Lan Viên (1920-1989), Xuân Diệu (1916-1985)… Thuở nhỏ học tiếng Hán với ông nội vốn là người Minh Hương, Lâm Thanh Lang sớm mồ côi mẹ từ lúc 6 tuổi. Lớn lên, ông cưới bà Nguyễn Thị Lan, sống bằng nghề dạy học tư và làm thơ. Trong hoàn cảnh khiêm tốn về vật chất, bà Lan đã tỏ ra là người vợ hiền rất hiểu và thương chồng. Chính người bạn đời của nhà thơ đã giúp tác giả ghi chép tất cả sáng tác của chồng khi nhà thơ gặp cảnh ốm đau không thể cầm bút, khiến nhà thơ rất mực yêu thương vợ. Ngay cả bút danh Yến Lan của nhà thơ cũng được hình thành từ một giai thoại thể hiện tình cảm đặc biệt của hai người bạn gái nhà thơ. Cô Yến và cô Lan chơi thân với nhau, hứa với  nhau về sau sẽ cùng lấy một chồng. Thi sĩ nghe hay hay nên lấy tên hai cô ghép lại làm bút danh cho mình như để lưu giữ một tình bạn đẹp đậm tính nhân văn giữa ba người. Không chỉ chan hòa tình cảm với vợ và bè bạn, sâu đậm nồng nàn hơn là tình yêu quê hương tha thiết mà Yến Lan đã bày tỏ trong nhiều bài thơ đau đáu viết về Bình Định nhau rốn yêu thương: Bình Định 1935,  Bình Định 1945, Bình Định 1947, Bình Định 1975…

Nhắc đến Yến Lan, ta không thể không nói đến trước hết bài thơ “Bến My Lăng” được coi là tác phẩm nổi tiếng đã làm nên tên tuổi nhà thơ trên văn đàn.

Thi ca thế giới xưa nay thường hay nói đến bến, từ ngữ chỉ địa điểm không gian mang ý nghĩa của một nơi đỗ tạm thời, một khoảnh khắc dừng chân trong giây phút để rồi chuẩn bị lên đường, chia xa đôi đàng người đi kẻ ở. Bến Tầm Dương (Bạch Cư Dị), Bến tình (Ngũ Lang), Bến Ninh Kiều, Bến cũ người xưa… Chỉ một từ đơn âm thôi mà đọc lên nghe sao man mác bao nỗi ngậm ngùi! Bến My Lăng của nhà thơ Yến Lan được coi là bến đò Trường Thi hiện thực trên sông Cửa Tiền tại Bình Định, quê hương tác giả được nhà thơ thi vị hóa thành Bến My Lăng, đọc lên nghe mơ màng huyền ảo một vẻ siêu thực!

Dường như khá đông công chúng không ai xa lạ với bài thơ tên “Bến Ly Lăng” và tác giả là nhà thơ Yến Lan cũng được trân trọng là một nhà thơ có vị trí trên văn đàn. Nhưng cảm nhận hoặc đánh giá bài thơ ấy thì ít ai mạnh dạn. “Bến Ly Lăng” được sáng tác theo thể loại thơ mới 8 chữ (alexandrin) ảnh hưởng phong cách phương Tây như bài Nhớ rừng của Thế Lữ hay Cảm xúc của Xuân Diệu. Bài thơ Bến My Lăng của Yến Lan gồm 5 khổ rưỡi, mỗi khổ 4 câu, tất cả là 22 câu. Nhà thơ chủ yếu gieo vần gián cách âm hưởng cao thấp. Chỉ 3 câu liên tiếp cuối bài là theo liên vận (vần liền): Lăng-trăng-trăng dễ gây cảm giác lâng lâng mơ hồ cho người đọc.

Hình tượng nhân vật chủ đạo trong bài thơ là ông lão chèo đò trên một bến sông tĩnh lặng với phong thái phiêu diêu ngạo nghễ, không giống với bao người lái đò khác ngày ngày đưa khách sang sông vì chuyện áo cơm. Trong không gian thơ mộng lung linh ánh trăng vàng, ông lão hiển thị bên sách vở và bầu rượu cạn như một triết nhân đang trầm tư: “Bến My Lăng nằm không thuyền đợi khách/ Rượu hết rồi, ông lái chẳng buông câu/ Trăng thì đầy rơi vàng trên mặt sách/ Ông lái buồn để gió lén mơn râu”. Cảnh đêm trăng đẹp hôm nay khiến lão cảm thấy buồn, lòng mang mang hồi tưởng lại hình bóng một chàng trai trẻ trên yên ngựa đến bến sông một đêm trăng nào trong ký vãng xa xôi: “Nhưng đêm kia đến một chàng kỵ mã/ Nhúng đầy trăng màu áo ngọc lưu ly”. Trong cảnh đất nước tang thương, dân tình khổ sở, phải chăng ông lão đang tự vấn mình rồi mơ về hình bóng những chàng trai dũng cảm, với tinh thần bất khuất, đám xông ra sa trường, diệt thù cứu nước: “Ừ sao không nhớ người trai trẻ/ Trò chuyện cùng tôi dưới ánh trăng”. Có phải những Kinh Kha của nước Yên ngày trước hăm hở vượt dòng sông Dịch với lời minh thệ “nhất khứ bất phục phản” để tiêu diệt Thủy hoàng bạo chúa. Hay những Lạn Tương Như son sắt một lòng vì tổ quốc, mang bảo ngọc dũng cảm ra đi vì nghiệp lớn cũng như bao thanh niên yêu nước đã ra đi làm bổn phận người trai trong mấy mùa chinh chiến. Ông lão chờ đợi cho mãi đến một đêm kia có chàng kỵ mã gội ánh trăng vàng, ruổi ngựa đến bến My Lăng giục giã gọi đò đến run rẩy cả trăng sao: “Chàng gọi đò, gọi đò như hối hả/ Sợ trăng vàng rơi khuất lối chưa đi”. Nhưng ông lái đò gối đầu lên sách im lặng, như còn đang mãi say trăng, khiến chàng trai giục giã: “Mà ông lão say trăng, đầu gối sách/ Sợ trăng vàng rơi khuất lối chưa đi/ Tiếng gọi đò, gọi đò như oán trách/ Gọi đò thôi, run rẩy cả vầng trăng”. Nhưng không gian vẫn im lặng, lạnh lùng, chẳng vang lên tiếng phản hồi của ông lão chèo đò cho chàng kỵ mã. Bài thơ đan kết bằng ngôn từ chắt lọc trữ tình, long lanh sắc màu huyền thoại và ngồn ngộn hình tượng cổ tích, nhịp nhàng cộng hưởng cùng thi tứ mang mang như phong kín một nỗi niềm của ông lão chèo đò trong hoàn cảnh quốc phá gia vong.

Yến Lan có những bài thơ hay: “Lại về tỉnh nhỏ” (1956), “Mùa xuân lên cao”, “Uống rượu với bạn đồng hương” làm ra từ sau năm 1945, được nhà thơ Chế Lan Viên và GS. Nguyễn Văn Long khen ngợi. Riêng “Một mối thất tình” có bước chuyển hướng mới trước va chạm giữa con người và cuộc sống. Bài thơ “Nghe con đường chảy” thì có hơi hướng giai điệu như Bến My Lăng, với nhạc thơ khá dịu ngọt, tứ thơ mơ mộng, phiêu diêu khiến cho Yến Lan có một thế đứng vững riêng một cõi và được nhiều người biết thêm tác giả trên thi đàn.

Dù cả một đời làm thơ chắt chiu lam lũ mà dường như Yến Lan chỉ được công chúng mơ hồ nhớ lại qua một tựa bài trong sự nghiệp cầm bút: “Bến My Lăng”. Bằng hữu văn chương và các nhà phê bình văn học cũng ít phát biểu về Yến Lan. Nhà phê bình văn học Hoài Thanh khách quan có ý kiến: “Xem thơ yến Lan, tôi mơ màng như đi trong mây mù”. Nhà nghiên cứu Nguyễn Tấn Long tỏ ra thông cảm và triết lý: “Đọc Yến Lan, giới yêu thơ bị lôi cuốn về thế giới suy tư, một cõi im lặng, một sự trầm mặc nhẹ nhàng nhưng bao hàm ý nghĩa của sự sống và cuộc đời”. Nhưng chính tựa đề bài thơ về một bến sông lạ này đã khiến nhiều người cảm thấy thích thú, trong đó có một nữ nhà văn ở đất Cầm Thi và một nữ ký giả tại hòn ngọc Viễn Đông đã tỏ ra tâm đắc, cùng lấy tên My Lăng làm bút danh cho mình. Mỗi lần tôi có dịp đọc lại bài thơ “Bến My Lăng”, trong lòng không tránh khỏi bâng khuâng, mường tượng về một bối cảnh u huyền đậm màu cổ tích: bài thơ chập chờn hình ảnh những nhân vật mang phong thái phiêu diêu, hào sảng như ông lái đò và hình bóng mơ hồ của chàng kỵ mã hiện ra trong tâm khảm: Bến nơi mô, em gọi My Lăng/ Cho người đau đáu mộng thuyền trăng/ Chờ ai bến đợi sông mơ đó/ Mà bóng người đi mãi biệt tăm.

   N.T