Bến Phù Sa – Truyện ngắn của Võ Văn Trường

625

(Vanchuongphuongnam.vn) – Chiều. Sau cơn mưa bóng mây, những vạt nắng ở đâu đó không phải từ trời rơi xuống mà như dưới mặt sông mọc lên. Loang loáng những khóm lau phía triền sông, gió từ đâu thổi về mát rượi. Một cảm giác dễ chịu làm cho Mão bỏ ý nghĩ sẽ nhảy ào xuống dòng nước trước khi trằn mình lên mũi thuyền để bầu bạn với bát rượu khê nồng mà chính Mão rót từ cái can chứa nước suối đã để sẵn cả tháng nay dưới thuyền.

Nhà văn Võ Văn Trường 

Đêm. Sông vắng ngắt, trăng thượng tuần sáng mỗi lúc một vành vạnh. Ánh vàng rót xuống mặt sông, rót vào bát rượu. Mão ngửa mặt bặm môi, trước khi đặt bát xuống ván thuyền không quên đi kèm tiếng rít như kiểu người hút thuốc lào. Thêm bát nữa, rồi bát nữa, nhưng Mão cảm giác người cứ tỉnh, còn bụng thì cồn cào, mắt mũi cay xòe. Từ khóe mắt những giọt nước nóng hổi chắt ra, rồi lăn theo vết chân chim rớt xuống tay bỏng rát.

Làng Cầu Chìm, Núi Thành của Mão chạy sát cây cầu đường sắt bắt qua. Bên trên là thung thũng đầy cây bụi, bạt ngàn mua sim, bên dưới là những vũng trũng nước giăng giăng. Một nhánh sông nhỏ chảy qua để mang nước vũng bàu ra cửa biển An Hòa. Dân làng Cầu Chìm đều chân rừng, chân biển. Cái nghèo cái khó bấu víu đời này sang đời khác. Từ thời Pháp rồi đến Mỹ, quê Mão nổi tiếng là căn cứ kháng chiến. Nơi diễn ra trận đầu diệt Mỹ trên chiến trường miền Nam vào ngày 26.5.1965.

Một làn gió mát rượi dưới mặt sông thổi lên, tiếng con ve kim nào đó trong khóm lau bất chợt rúc lên một hồi như báo          hiệu sự dịch chuyển vị trí của mình rồi im bặt. Ký ức về những khúc eo, năm tháng cuộc đời Mão chợt lại hiện về.

Ngày đó, ba Mão lên rừng theo kháng chiến, khi về thăm nhà thì bị địch phục kích bắn chết vào một đêm tháng Chạp năm 1974. Mão được mẹ một tay nuôi ăn học, đến lớp 6 thì Mão phát bệnh, hai chân cứ teo tóp lại cho đến một ngày phải ngồi xe lăn đến trường. Giám định y khoa nghe đâu họ bảo Mão bị nhiễm chất độc da cam, thuộc thế hệ thứ hai.

– Giá như mình bị nhiễm chất độc da cam rồi phát bệnh ngay từ mới sinh ra hay đừng có mặt trên cuộc đời này. Đằng này. Cái ý nghĩ ấy cứ lặp đi lặp lại trong đầu Mão.

*

Trường học của Mão cách nhà chưa đầy kilomet nhưng đường từ nhà đến trường phải qua mấy vuông tôm, lúc đó là mấy đìa nước lợ, nên con đường đi nhỏ xíu, một bên bờ cỏ đắp, một bên ao đìa đầy nước, nhất là mùa mưa. Mão bặm môi dùng hai tay đẩy bánh xe quay từng vòng một, khó nhọc. Khó vậy nhưng Mão vẫn cố để không phụ lòng mẹ đã hôm sớm vất vả. Những mớ tép riu  ở các ao đìa, mớ cá vụn, bó rau dớn, tập tàng mặn chát mồ hôi chính là cuộc sống hằng ngày của hai mẹ con Mão. Nhiều hôm cô giáo phải cắt cử bạn cùng lớp thay phiên đến trợ giúp Mão, bởi mẹ Mão tối mày, tối mặt lo cái ăn hằng ngày.

Năm lớp 7 Mão nhớ, xóm Cầu Chìm có thêm một gia đình mới về. Đó là mấy mẹ con bà Sen. Bà Sen trạc chừng 50, nước da trắng, đôi mắt lá răm. Thời gian sóng gió cuộc đời không bôi xóa hết cái nhan sắc. Trên đôi mắt lá răm là hàng chân mày tăm tắp xanh rì như cỏ mật chen trong ruộng lúa vụ mùa Đông Xuân. Đôi mắt nhìn bên trong lúc nào cũng lóng lánh như có nước… ai bảo những phụ nữ như vậy thường chúa đa tình.

Hai đứa con của bà Sen là con Thủy và thằng Tú. Lạ là Thủy giống mẹ rất xinh gái, còn Tú lại đen nhẵn, cái đen không giống bất cứ cậu bé nào vùng này. Càng lớn thằng Tú càng đen, tóc quăn riết. Nghe đâu người ta đồn đoán nó là con Mỹ, Mỹ lai. Kết quả mối tình ngày bà còn làm sở Mỹ. Còn Thủy càng lớn tóc chuyển màu bạch kim, đôi mắt lơ lớ màu nước cửa biển An Hòa…

– Mình sẽ giúp cậu.

– Bàn tay Thủy đặt lên vành xe lăn phía bên tay đẩy.

– Không nói gì, trên suốt quãng đường Mão chỉ nghe gió thì thào thổi qua vuông đìa mang mùi hương reo rong ngai ngái, dậy lên từ bùn đất. Rồi họ thành đôi bạn chung lớp, chung trường. Dù điều kiện cũng rất khó nghèo, một buổi học, một buổi giúp mẹ cào nghêu, một nghề bất cứ người dân nào nơi này cũng tham gia vào thời gian rỗi để kiếm thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Thủy học rất chăm, cô Quỳnh chủ nhiệm rất quý… nhưng nhiều hôm Thủy vắng học. Mỗi lần thế Mão biết nhà bà Sen lại có chuyện hục hặc, giận bên ngoài lại trút lên đầu hai đứa trẻ. Bởi họ bảo cái ngữ đàn bà làm ở sở Mỹ ấy… không ra gì.

Càng lớn Mão nhận thấy trong đôi mắt Thủy càng thẳm sâu, càng đen, càng buồn. Hôm vắng Thủy, Mão lại nhớ đôi bàn tay ngón thon nhỏ, múp míp, cổ tay có những sợi lông tơ ánh lên trong nắng mai, đôi mắt đen… nụ cười như hớp hồn cái thằng đàn ông đang lớn dần lên trong cơ thể một cậu bé mới lớn. Cả hai yêu nhau lúc nào cũng không biết nữa, chỉ biết xa nhau một ngày là nhớ.

Có lần Thủy hỏi về ba. Mão chỉ tay về phía núi… buồn bã. Mẹ kể sau khi bị giặc giết, một tên ác ôn đã kéo xác ba lên núi treo lên ngọn cây chờ du kích ra lấy xác để phục kích bắt nốt những đồng đội của ba.

Nhiều ngày trôi qua, chim thú đã…

– Nhìn vào mắt Thủy, đôi lần Mão định hỏi, nhưng một dòng suy nghĩ vụt đến đã chặn ngay ý nghĩ đó. Một người Mỹ da trắng nào đó phía bên kia đại dương, hay nằm lại đâu đó trên mảnh đất hình chữ S này. Mão cố không để lộ suy nghĩ này nhưng hình như Thủy mơ hồ đoán biết.

– Mão đang nghĩ về người ba của Thủy sao?

– Cả hai không nói gì. Bóng chiều chầm chậm bủa vây. Con đường từ trường về nhà Mão càng như hẹp lại bên những vũng đìa đầy nước cứ loang loáng tràn ra, phủ lên cả vùng suy nghĩ của cả Mão và Thủy.

Biến cố xảy ra giữa năm lớp 7, khi bà Sen cùng Tú được bảo lãnh diện OH. Thủy quyết không theo mẹ mà ở lại quê nhà. Chỉ mấy hôm sau khi hai mẹ con rời làng, Thủy cũng lặng lẽ bỏ quê lên phố. Mão nhớ cái dáng lui cui bước qua những vũng trũng loang loáng nước trước mặt nhà Mão của Thủy. Bộ cánh hoa xoan tim tím li ti đã cũ, được ủi lại bóng hơn, nhưng rõ những nếp gấp vội, đường may bóp lại để khít cái eo thì con gái… mà nhói lòng.

– Mão ở lại an lành, mai Thủy phải lên phố rồi.

– Lên phố thì sống bằng gì. Một khoảng lặng mênh mông như lan ra cả phía cánh đồng bập bênh đầy nước và cỏ lát quanh căn nhà Mão.

– Phải kiếm một một cái gì đấy để làm.

– Mão đừng lo cho Thủy.

Đặt tay lên thanh gác sau xe lăn, Mão nghe lưng mình như có đôi giọt nước như từ trên cao rơi xuống âm ấm. Mão quay mặt, quờ tay ra sau như để tìm kiếm vật gì đấy thì bắt gặp ánh mặt e thẹn, làn mi nhòe nước mắt của Thủy, bất giác Mão rụt tay lại.

– Thủy đi mạnh giỏi…

Trên đường về Thủy chỉ còn nghe cái âm vọng ấy theo mãi khi ngôi nhà của Mão và cánh đồng nước trắng nhờ trong màn đêm, rồi chìm dần trong giấc ngủ.

Mẹ mất. Đó là ngày buồn đau nhất với Mão. Chỗ bấu víu duy nhất không còn. Song cũng từ ngày đó cuộc đời Mão lại rẻ sang hướng khác. Sau đám tang, hội nạn nhân chất độc da cam địa phương tạo điều kiện cho Mão được học nghề thợ điện ở một cơ sở điện máy. Khoản tiền trợ cấp hằng tháng, với sự giúp đỡ địa phương nên cuộc sống của Mạo coi như qua ngày. Nhiều hôm trong những giấc mơ nhớp nháp dầu máy, lin nhớt, bùn đất… Mão lại thấp thoáng đôi mắt đen, thẳm buồn của một người con gái.

*

Tôi bất giác tôi hỏi ông Cả Nhiều. Thế rồi chuyện về Mão và Thủy sao nữa? Ông Cả Nhiều không trả lời và nhìn khoảng không, phía trước tối nhờ nhờ, ánh trăng đầu hôm thấp thoáng sau rặng tre phía xóm nhà lá.

Quan sát, nét mặt, vầng trán ông Cả Nhiều, tôi hiểu vì sao nhiều người vẫn bảo ông chính là bộ nhớ của cái làng Câu Chìm. Ờ mà cũng đúng, chỉ ông cao tuổi, bám trụ từ hồi não hồi nào. Sống bằng việc cạp đất ở chính làng này để sống đến tuổi ngót ngét cả 90.

– Ngày làng Cầu Chìm không bình lắng nữa bắt đầu kể từ mùa trăng năm đó.

– Bến Phù Sa nơi Mão vẫn thường hay uống rượu một mình vẫn vậy. Chỉ riêng Mão cảm thấy chông chênh, chống chếnh. Người làng thì bảo bệnh Mão trở nặng. Cái chất độc da cam quái ác ấy thì biết đâu mà lần. Đêm ấy trăng khi tỏ khi mờ, Mão ngửa mặt uống như mọi khi thì thoáng thấy phía vực dốc con sông, cách con thuyền – phương tiện dùng để cào ngao của Mão an vị không xa có một người phụ nữ muốn tự vẫn.

– Đời trớ trêu thay, người phụ nữ đó lại chính là Thủy từ phố trở về. Nếu chắc không gặp được Mão, Thủy đã gieo mình xuống dòng sông để tìm cái chết. Thế rồi Mão và Thủy nên vợ nên chồng.

*

Ông Cả Nhiều kể, sạp tạp hóa của Thủy vợ Mão chỉ kê đúng hai chiếc bàn gỗ con con. Hàng hóa bày bán chỉ mấy mớ rau, vài rổ cá, cân thịt,… nhưng bà con chòm xóm lui tới khá đông bởi tiện đường đi lại nhưng cái chính là muốn giúp đỡ ít nhiều vợ chồng Mão. Ngồi trò chuyện cùng Mão, tôi mới vỡ ra nhiều điều, có lẽ đây cũng là lần đầu tiên anh tâm sự điều này.

Đã tàn tật có được người vợ ai cũng mừng, nhưng Mão thì đâm lo, nhất là thời gian vợ mang thai con gái đầu lòng. Mão không bao giờ dám hé lộ suy nghĩ trăn trở của mình. Hôm vợ sinh, nhận tin báo con có đầy đủ chân tay, lành lặn, Mão mừng quá, nước mắt ứa ra cả ngày hôm đó. Mão tìm hỏi một bác sĩ, nếu trẻ sinh ra bình thường liệu có còn bị chất độc da cam nữa không. Bác sĩ ấy bảo, không chắc đâu anh ạ, phải ít nhất đến 6 tuổi mới tạm gọi yên tâm. Năm năm đằng đẵng Mão sống trong lo âu, anh gọi đó là “bản án treo” của mình. May thay trời thương nên con gái đến giờ vẫn lành lặn. Mão nói vui, mình cũng là thằng liều, rứa mà nhớ lại những ngày tháng đó sao mềm yếu quá!

Con Hoa do Thủy sinh ra càng lớn càng xinh. Tiếng đời nhiều khi ác ý, nó chắc gì đã là con của Mão. Mão tàn tật như vậy làm ăn được gì.

– Tay Cân hàng xóm vâm váp thế kia.

– Hắn không vợ con, thường cà rỡn lại qua rượu chè.

Tay này cũng lạ, thất chí làm sao chỉ sống một mình. Nghe đâu, khi vợ chồng Thủy Mão về mở quán, hắn còn cho cho cả đất để Mão mở quán. Trong làng trong xóm có chuyện gì ới một tiếng là gã đến, làm tất. Xong uống mấy ly rượu, lẳng lặng ra về. Một câu cảm ơn người khác gửi cũng không e hèm mở miệng trở lại.

Những cuộc rượu của Mão và tay Cân hàng xóm thưa dần, rồi vắng hẳn. Có hôm, sang nhà Mão nhờ việc gì đấy Mão nghe chính miệng tay Cân gọi Hoa là con gái và xưng mình là ba. Đêm đến Mão cùng chiếc xe lăn lần ra bến Phù Sa. Rượu vào Mão khóc tu tu. Chắc Thủy cũng buồn lắm, nhưng làm sao ai hiểu hết sự tình.

Rồi cái gì đến phải đến, khi người làng Cầu Chìm phát hiện Mão chết ở ngay chiếc thuyền tại bến Phù Sa. Có lẽ khi rượu say, bị cơn gió độc. Một đám tang thật buồn, điều tiếng xì xào, con Thủy Mỹ trắng ấy, lăng loàn, có máu giống mẹ nó. Đồ đĩ.

Đêm đêm sáng trăng người làng Cầu Chìm vẫn thường bắt gặp tay Cân ra phía bến Phù Sa nơi Mão vẫn thường hay uống rượu ngày trước. Cân đi tạ tội với Mão chăng. Người làng đồn đoán tay Cân chính là nguyên nhân gây ra cái chết của Mão.

Đêm ấy, trăng sáng Cân ra bến Phù Sa uống rượu. Bất chợt, nghe phía sau có tiếng trẻ con gọi ba, ba.

Cân sững người. Ngớ ra là con Hoa. Trăng sáng Cân nhìn rõ khuôn mặt nó sao giống mình quá, chả trách dân làng đồn đoán. Một làn gió mát lạnh thổi qua. Cảm giác kỳ quái. Con bé tan biến đâu mất. Như cơn mơ, mồ hôi vã ra. Cân nhảy ào xuống nước. Làn nước lạnh băng cuốn Cân đi. Ba hôm sau nghe đâu dưới cửa An Hòa người dân vớt được xác một người đàn ông. Như bao người đàn ông chết nước điều lạ khi liệm chính ông Cả Chiều phát hiện, Cân bị mất cơ quan làm chức năng của đàn ông. Anh là một người lính VNCH tàn phế bởi chiến tranh.

49 ngày giỗ chồng xong Thủy cùng con gái bỏ đi biệt tích, chỉ để lại mỗi lá thư tạ tội với bà con làng Cầu Chìm và ước nguyện được bà con thương tình hương khói cho cả hai người đàn ông. Có người nói Thủy mặc cảm tội lỗi đã bỏ đi, có người nói Thủy đi tìm cha đứa bé, có người ác miệng “ngựa quen đường cũ”…

Sau cái chết của hai người đàn ông đáng thương ở làng Cầu Chìm, người dân ở đây không gọi tên bến Phù Sa nữa mà đổi thành bến Hai Ông. Dần hồi bến Hai Ông được gọi là bến Trai.

Ông Cả Nhiều dừng kể… trầm ngâm.

Cái Hoa con gái Thủy chừ cũng tuổi thì đôi lứa. Khổ là lại mang kiếp hồng nhan. Mong sao tình duyên của nó không truân chuyên như mẹ, như bà.

An Mỹ, Tam Kỳ tháng trọng hạ 2020

V.T.T