Bến quê hương – Tản văn của Phạm Thạch Hoàng

1039

(Vanchuongphuongnam.vn) – Xa quê, thi thoảng vào mạng internet xem video clip về quê hương, lòng lại chùng xuống bồi hồi. Chao ôi! Quê hương là gì vậy nhỉ mà trái tim ta dẫu rong ruổi muôn nơi trong kiếp mưu sinh vẫn vẹn nguyên tình cảm yêu mến thiết tha! Xa quê, quê vẫn gần lắm. Gần bởi kí ức tuổi thơ luôn sống lại, gần bởi mênh mang phần hồn quê vẫn đồng vọng theo ta từng tháng năm.

Sông Lam – Nguồn internet

Xứ Nghệ quê hương tôi, mảnh đất mà từ da thịt của nó không được thiên nhiên ưu đãi như những vùng miền khác của đất nước, nhưng tiềm tàng trong lòng mình một nguồn lực nội sinh, một năng lượng khát khao vươn dậy. Hình như trong mỗi người xứ Nghệ đều ẩn chứa một ngọn sóng, sẵn lòng nhiệt tình, khao khát được là chính mình, cũng sẵn lòng chịu đựng bền bỉ kiên gan qua năm tháng làm nên một tính cách văn hóa vùng miền, qua lớp thời gian không dễ gì phôi phai, trái lại lắng sâu hơn và nhân bản hơn.

Đôi khi tôi lắng nghe những tiếng nói từ những người khác, vùng quê khác về xứ Nghệ quê tôi, nghe mà thầm tự hào, biết ơn nơi tôi đã được sinh ra và lớn lên, nơi đó dẫu nghèo khó thì vẫn tràn đầy niềm tin và hy vọng, mà nghèo khó thì không gì quý hơn là nội lực văn hóa. Hiếu học là một phẩm chất ưu trội, hiếu học là một hằng số văn hóa, một phần vì nghèo mà hiếu học để tiến thân, nhưng không phải hẳn vì nghèo mà hiếu học, mà cái quan trọng là ý thức được cái sức mạnh của chữ nghĩa, có một truyền thống coi trọng học hành đã ăn sâu vào tiềm thức dân gian, trải qua biến cố của lịch sử bồi đắp dày mãi cho tới hôm nay. Thời trung đại đằng đẵng đi qua, đã có biết bao văn thân, chí sĩ, rạng rỡ, vinh danh cho vùng đất này.

Kẻ hậu bối như tôi, mỗi khi lần giở những trang sử xưa về những danh nhân quê hương, lòng đầy tự hào khâm phục, tự hào khâm phục bởi cái chí và cái khí. Cái chí của người nghèo mà không cam chịu, cái khí của kẻ nghèo mà không hèn. Chí khí là sức mạnh vô biên, sức mạnh ấy giúp con người quê tôi sống và đấu tranh sinh tồn trong mọi điều kiện nắng, gió, bão, lũ… Kẻ hậu học như tôi cũng muốn bắt chước cái tâm, cái tài của các vị tiền bối, nhưng càng khát khao lại thấy mình nhỏ nhoi trước các bậc tiền nhân. Thế mới hay, không phải xã hội càng văn minh thì con người ta đã là văn hóa, trí tuệ hơn hay nhân văn những lớp người đi trước. Mà ta, chắt lọc tinh hoa hàng ngày hàng giờ cũng không hết những tinh túy của cha ông.

Mảnh đất xứ Nghệ mà biểu tượng núi sông là Hồng lĩnh – Lam giang, nói về xứ Nghệ người ta có thể ngắn gọn Lam Hồng, biểu tượng ấy là nguồn cảm hứng thi ca cho biết bao văn nhân, nghệ sĩ. Đến với núi sông này, lòng người nghệ sĩ dễ cảm thức bồi hồi viết nên những tác phẩm có sức lay động lòng người. Có ai tưởng tượng nổi núi sông xưa như thế nào, cái thuở mà An Dương Vương rơi nỏ thần vào tay Triệu Đà. Xứ Nghệ khi ấy tiếp giáp biển và sông, vùng đất mới phương Nam chưa được khai phá, An Dương Vương cùng đường trầm mình xuống biển sâu chứ quyết không rơi vào tay giặc để ngày nay có một Đền Cuông trầm mặc bên con đường Quốc lộ 1A hàng ngày khách lại qua lòng nhớ vị vua xưa, có ai dừng chân mà dâng một nén nhang cho nhà Vua và nghĩ về bài học cảnh giác buổi đầu ấy để trù tính cho sự an nguy của xã tắc về sau!

Xứ Nghệ nay xa kinh đô Thăng Long ba trăm cây số theo đường chim bay, nếu cứ theo đường trường thiên lý ngày xưa thì trập trùng phải biết. Để vào xứ Nghệ là cả một hành trình gian nan, nhưng những vị khách lữ hành vì thế mà luôn có dịp được thưởng ngoạn non nước hữu tình. Cho nên mới có câu ca dao ví von “Đường vô xứ Nghệ quanh quanh/Non xanh nước biết như tranh họa đồ”. Bức họa dư đồ nước non ấy cứ thẳm sâu trong lòng người đi để bao nỗi nhớ nhung còn lại.

Xứ Nghệ ngày nay, nếu nhìn về phía biển, khai phóng tầm mắt ra xa thì thấy một tương lai khả dĩ, nếu nhìn sang lên rừng thì vẫn chập chùng gian nan. Nếu ai đã có dịp theo đường 7, 8 lên miền tây xứ Nghệ vẫn còn vẻ hoang sơ, nghèo khó lắm. Năm 2003, 2005 tôi đã đôi lần lên ven ấy, mới thực thấy một xứ nghệ nghèo. Mới hay tại sao đất và người cứ gồng mình trong gió bão, mới hay về hào nhoáng của đô thị như một lớp sơn bóng văn minh, còn đó những gì còn lại của một văn minh nông nghiệp một không gian núi đồi, một cuộc sống lam lũ, một sự thiếu thốn bủa vây, mới thấy người xứ Nghệ kiên cường tới độ nào… Cả Nghệ An và Hà Tĩnh có đôi vùng được coi là trù phú, với xứ Nghệ là Đức Thọ, mạn theo dòng La, với Nghệ An thì có khá hơn. Không kể đến những trung tâm thủ phủ, vì trung tâm thì ai sánh làm gì thì Hà Tĩnh vẫn còn đó một Kỳ Anh, với địa danh Đèo Ngang nổi tiếng mà Đèo ngang là gì. Ấy là cách chơi chữ nói lái của người Nghệ Đèo Ngang=Đang nghèo. Xa quê chục năm trời, trở về đi thăm thú, xem xét dân tình, thử hỏi quê giàu lên được bao nhiêu, mà giàu dễ gì cho được trước cái thiên nhiên cằn cỗi, bất hòa ấy. Muốn giàu thì phải đi ra, đi xa để thoát nghèo thoát khổ. Con đường vinh quang nhất ấy là học. Vì thế người Nghệ được tiếng nghèo mà hiếu học, nhưng cũng mang tiếng là vì nghèo quá phải học để mong đổi đời. Mỗi ý kiến đều có cái lý của nó. Cũng cần phải thấy được cái biện chứng của cái nghèo và sự học chứ không phải ham học vì nghèo. Vì cái lý ấy nghe, “rằng hay thì thật là hay, nhưng xem ra lại thấy đắng cay thế nào!”. Tuy nhiên, cũng cần dũng cảm nhận lấy tiếng phận nghèo để cầu tiến còn hơn mãi an phận thủ thường cam chịu. Xét ở khía cạnh ấy, thì nghèo đấy cũng là một động lực để đổi thay.

Nhớ quê trong khoảng cách xa ngái của đường trường, lẽ dĩ nhiên người ta thường thỏa mãn tình yêu quê ấy bằng tâm thức tự hào, tự tôn. Điều làm tôi tự hào nhất về quê hương là những gương mặt văn hóa qua các thời kỳ lịch sử. Lịch sử có thăng có trầm, sự thăng trầm ấy luôn sản sinh nuôi dưỡng tôi luyện nên những con người văn hóa, các bậc vĩ nhân và chính những con người nổi danh ấy đã minh chứng tiêu biểu cho tình yêu, minh chứng cho trí tuệ, cho nhân văn, minh chứng cho sức sống của tâm hồn người Việt khỏe khoắn và nhân bản. Khu biệt lại, với Hà Tĩnh, tôi xin nhắc đến Nguyễn Du, có lẽ nhắc đến Nguyễn Du, tôi muốn nhắc đến một con người theo nghĩa Viết hoa, tâm và tài tỏa sáng lừng lững theo tháng năm. Với Nguyễn Du, chính ông đã tự mình hóa thành tượng đài bất tử về chủ nghĩa nhân văn qua hình tượng nàng Kiều. Với Nguyễn Du, một quê hương Hà Tĩnh đã đổi khác, cái nghèo chìm đi lẩn khuất chỉ còn cái tình, phần người hiển hiện. Tôi đã đôi lần về Tiên Điền, Nghi Xuân, đã đi tham quan Khu lưu niệm Nguyễn Du, đi thăm mộ Đại thi hào giữa cánh đồng trưa hè chói chang lộng gió. Tiếng gió vẫn thổi tự ngàn năm vi vút, từ biển xa tới đồng rộng, qua núi cao tới rừng xa. Tôi thấy bóng dáng Nguyễn đứng đó nhìn hậu thế, tay cầm trang sách và ngòi bút, khuôn mặt, đặc biệt đôi mắt chàng sâu thẳm bao la. Tôi có quyền tự hào vì ông, không phải ông là hồn cốt của xứ này nữa mà ông là hồn dân tộc, đúng như thi sĩ Chế Lan Viên đã viết: “Khi Nguyễn Du hóa Kiều Đất nước hóa thành văn!”. Tôi trộm nghĩ, hồn Văn của đất nước xuyên suốt trong Kiều và chính Nguyễn Du là người đã làm cho mạch nguồn văn dân tộc dào dạt, thấm sâu trong cõi nhân gian thế giới.

Và rồi bao những lời ca câu hát tôi vẫn thường nghe đêm đêm hay những lúc rỗi, những câu hát mà mỗi người dân quê hương tôi đều yêu thích mà bạn bè tôi cũng lắng hồn thưởng thức. Vì với những khúc hát ấy, dẫu là người nhạc sĩ dân gian, hay nhạc sĩ chính danh đều đang nói lên tiếng lòng người quê hương tôi đó. Ca từ thanh nhạc nhuần nhị đầy âm hưởng dân gian, lắng sâu cứ thế lắng sâu, trữ tình ngọt ngào êm ái, rót vào lòng người những điệu hồn dân tộc, sao không làm rung những cơ dây thần kinh xúc cảm được! Dẫu ta có xa ngái bao nhiêu nghe những lời ca câu hát ấy lại thấy quê hương như đang bên mình gần gũi lắm. Mình có thể chìm mình trong lời ca câu hát bài hát như tựa vai vào người thân yêu mà ngủ ngon lành. “Chừ đi mô rồi cũng nhớ về…”, rồi “Trời mô xanh bằng trời Can Lộc, mà nước mô xanh bằng dòng nước sông La…, rồi “Khúc hát sông quê”….cứ thế chảy vào hồn tôi, hồn bạn, lắng dồn lại, điệu vợi mênh mang. Có ai đó khi xem xong một bài hát bật khóc một cách tự nhiên, những giọt nước mắt trong trẻo tinh khiết của tình yêu lớn tình yêu quê hương đất nước. Mấy năm nay, theo dõi giải Sao Mai, không ít giọng nữ ca xứ Nghệ đều đạt giải cao về thể nhạc dân gian… đều hát dự thi những bài hát viết về quê hướng xứ Nghệ của mình. Phải nói, chất giọng của các thí sinh ấy thật tuyệt, cũng phải thấy, một phần nhờ chất hồn quê hương dân tộc ấy đã thấm tỏa vào hồn công chúng, làm nền trước chất giọng của người ca sĩ, ấy có thể gọi là trường biểu diễn trước khi chúng ta nói về kỹ thuật trình diễn. Quả thật, những hồn điệu quê hương dễ nâng con người ta lên, chắp cánh để con người ta bay xa trước cuộc đời.

Xa quê, trong giấc mơ tôi vẫn thấy lại hình ảnh ngày xưa, khi mình còn gắn bó với quê, hình ảnh ấy đẹp lắm, tựa hồ như giấc mơ tiên, tỉnh dậy đã biến tan làm lòng ngẩn ngơ luyến tiếc. Dường như, ngày hôm nay ta đang sống với quá khứ ngày qua mà quê hương là một phần ký ức sống động ngọt ngào. Bến sông xưa quê hương tôi với bao kỷ niệm trẻ thơ giờ hoang toàng phôi pha nét cũ, có cây khế già sần sùi nằm nghiêng xuống mặt nước như người già còng lưng lên trời mặt hướng về đất. Trong bộ ảnh của tôi, có một tấm hình chụp với anh bạn thân lâu ngày gặp mặt, sở dĩ tôi chọn bến sông quê ấy để chụp ảnh không phải vì nó đẹp về cảnh mà nó có hồn, nó là một phần nhân chứng của tuổi thơ chúng tôi. Dòng nước lưu chuyển theo thời gian, may thay vẫn còn những bậc đá bào mòn và cây khế, những vết tích còn lại “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Đấy là một hình ảnh bến quê hiện thực nhất của làng tôi nằm ven sông Ngàn Mõ. Nhưng nếu ai lớn lên ở quê không ở gần sông, không có một dòng sông, bến sông hiện thực thì vẫn có một bến, ấy là Bến quê hương. Quê hương là cái bến, luôn ân tình đợi chờ ta. Chính từ bến quê ấy ta đã ra đi, và có dịp trở về, ta lại thăm bến quê ấy mà để lòng trôi theo dòng nước miên man những nghĩ suy. Tôi nhớ tới câu hát của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo trong “Khúc hát sông quê”, phổ thơ Lê Huy Mậu. Trong bài hát đó, ông đã nói hộ chất nhân bản của dòng sông quê “Qua nửa đời phiêu dạt, con lại về úp mặt vào sông quê. Ôi con sông dạt dào như lòng mẹ, chở che con qua chớp bể mưa nguồn…”.

Với bến sông quê hương tôi, những bậc đá bào mòn lắm rồi, nét hoang sơ đã hiển hiện, bởi giờ đây chẳng mấy ai đi tắm sông, giặt giũ ở bến sông. Cây cầu mới bắc qua dòng sông ấy đã biến dạng một vùng bến và làng cũ. Cây cầu mang đến sự tiện ích và một nhịp sống văn minh, nhưng cây cầu đó cũng có biết bao hệ luỵ, tranh chấp. Những người già bảo, nghĩ cũng thấy buồn cho con cháu.

Và tôi, đôi khi sống giữa ánh điện văn minh, tôi lại nhớ những ngày tuổi thơ chưa biết đến điện là gì, ánh sáng đèn dầu học bài, buồn ngủ gật gà cháy sém khét lẹt cả tóc. Một tối muộn theo chân bà về nhà trên con đường nối làng trên làng dưới băng qua cánh đồng, đêm lặng lẽ bao quanh, tiếng côn trùng rỉ rả nhìn đâu cũng thấy bóng đêm. Những mùa bão lũ, nhìn dòng nước đục ngầu trắng xóa dưới cơn mưa rỉ rả, tiếng côn trùng xa đưa lại từ bụi cây trong buổi chiều tà mà thấy gai gai buồn buồn. Nhớ những buổi trưa hè đi mò tôm, xúc hến dưới sông mùa nước cạn, trên nắng dưới nước, những đứa trẻ chúng tôi, lưng trần, áo quấn ngang lưng, mặt lấm lem bùn đất, thời gian như đọng lại dưới bóng nắng. Cũng có khi những trưa rỗi rãi đi tìm ổ chim, chơi đánh khăng, đánh ô ăn quan hay nhảy rụp. Nhớ những trưa vót diều, uốn diều để buổi chiều chăn trâu tung cánh diều vi vu trên đồng làng, dưới là những chú trâu gặm cỏ khoan thai thanh bình. Và khung cảnh tuyệt đẹp khi xa xa hoàng hôn đang dần xuống núi, trẻ con chầm chậm lùa trâu về, những làn khói bếp lan toả lẩn khuất quanh nhà. Cảnh đẹp của cuộc sống rất đời, ta cứ muốn thời gian trôi chậm lại, chậm lại thật nhẹ nhàng. Rồi những đêm trăng chơi trận giả, dưới ánh sáng chị Hằng, lũ trẻ vần nhau bên đống rơm còn ngái thơm mùi lúa mới. Tiếng ù nhau, reo hò réo rắt cả quảng đường quê. Những đứa trẻ của quê hương là thế đó. Tinh nghịch và gần gũi với thiên nhiên! … Ôi, quê hương cả một kho vườn kỷ niệm, kể bao nhiêu cho hết, tả biết mấy cho cùng… chỉ có những ai đi qua giây phút ấy mới muốn níu giữ mãi một khung trời tuổi thơ như một báu vật của cuộc đời.

Người ta có thể định nghĩa quê hương trong một chùm câu từ chuẩn từ góc nhìn khoa học. Song đố ai có thể định nghĩa quê hương từ phương diện trái tim! Đã có một bài thơ và theo đó có một bài hát về quê hương, rằng: “Quê hương là chùm khế ngọt, cho con trèo hái mỗi ngày…”. Vâng, quê hương là cây “khế ngọt thạch sanh” ta hái mãi không hết. Quê hương ẩn hiện phía sau mà dạt dào phía trước là “dòng sông xanh chảy mãi tới vô cùng”. Có lẽ, có một nghìn phương cách để định nghĩa quê hương, với tôi được định nghĩa quê hương, tôi xin ngắn lại thế này:

Quê hương là tuổi thơ ngây và muôn điều kì diệu!

Quê hương là phông nền hồn cốt, là bến nhân gian chung thủy đợi chờ!.

P.T.H