(Vanchuongphuongnam.vn) – Làng hắn ở đã mấy đời nay vẫn thế. Vẫn những bụi tre gai um tùm, bao bọc cả hai cái xóm nhỏ. Hàng dứa dại còn trườn ra tận bờ sông, ngang ngạnh che lấp lối đi của con đường đất hẹp. Cái bến nước để trâu dầm vẫn không lở không bồi, chỉ có bụi cây đồng đình trên bờ sông có vẻ vươn cao hơn và sinh sôi đáng kể.
Tác giả Ngô Phú Thiện
Trước kia, nghe người làng bảo trái đồng đình là một loại thuốc quí gì đó, nhưng với hắn đây là loại cây “chết dại”. Bởi hắn đã có một kỷ niệm nhớ đời vì nó, không biết nên vui hay nên buồn. Đã biết bao lần cha hắn chỉ cây đồng đình, cảnh báo cho anh em hắn:
– Chớ dại đụng đến đến hoa, trái của cây này. Trông thì đẹp đó nhưng chạm đến, nó ngứa ngáy đến phù nề cả mặt mày đấy!
Thế mà có bận vừa thấy con bé Duyên đi học về, hắn quên mất điều cha dặn. Chẳng là lúc nhỏ, hắn với con bé cùng học chung trường Cấp 2 trong xã, nhưng hắn trên một lớp nên học trái buổi nhau. Sáng hôm ấy hắn ở nhà chăn trâu, lúc gần trưa phải lùa trâu xuống sông tắm. Đang lúc trâu dầm, hắn vào gần bụi cây đồng đình này để tránh nắng. Ngồi nhìn bâng quơ, bỗng hắn phát hiện bé Duyên đang dắt xe đạp qua chiếc cầu gỗ chênh vênh, cách chỗ bến này chừng 100 thước. Trên đầu hắn lúc này sẵn có chùm hoa đồng đình mới nở rất đẹp. Tuy loài hoa này có mùi hăng hắc nhưng cả chùm hoa nõn nà, tỏa xuống như hoa cau trong vườn. Ngẫu hứng thế nào, hắn nhảy phóc lên giật được cả chùm hoa xuống. Sẵn lùm cây chuối nước bên bờ sông, hắn ngắt vội một lá to đem bó chùm hoa lại, rồi chui qua bờ gai dứa ra đường, đứng đợi. Bé Duyên đã qua cầu, cắm cúi đạp xe đi tới. Hắn bước ra giữa lối đi, chặn lại. Một tay hắn níu ghi-đông xe, tay kia hắn dúi bó hoa vào tận mũi con bé để… “tặng nè”! Cô học trò nhỏ nhận ra mùi hoa đồng đình, hét toáng lên rồi bỏ luôn xe đạp, vừa chạy vừa khóc.
Hắn không rõ con bé này làm điệu hay ghét hắn điều gì? Nhưng chiếc xe đạp của nó không thể bỏ lại ngoài bờ sông. Hắn lẳng lặng lùa trâu về, dắt luôn chiếc xe về nhà dựng cạnh chuồng trâu. Chẳng biết sự tình cô bé về nhà thế nào vì qua trưa hôm ấy hắn phải đi học. Đến khi vừa tan trường về, hắn định đạp xe lên trả lại cho “khổ chủ” thì cha hắn gọi giật hắn lại. Ông cầm sẵn con roi tre, chẳng nói chẳng rằng nện hắn một trận no đòn. Thực tình, hắn chưa biết mô tê gì cả. Hắn đứng như trời trồng, chợt nghe mẹ hắn thở dài nói mát: “Học chữ nghĩa cho nhiều mà để người ta chửi là biết đẻ con mà không biết dạy!”.
Trưa hôm sau, lúc lùa trâu đi dầm hắn mang theo cái rựa. Bất kể ngứa ngáy, hắn đốn hạ cả bụi cây “chết dại” ấy đổ xuống sông. Vừa hổn hển thở, hắn vừa chui qua lùm gai dứa ra đường ngồi nghỉ. Bất đồ nhìn lên, hắn thấy đôi mắt nhòa lệ của bé Duyên đang chăm chăm nhìn hắn. Bé giấu tiếng nấc, bệu bạo: “Mình xin lỗi! Vì…”
Hắn lựng khựng đứng dậy, chắp hai tay ra phía sau, nói… tưng hửng:
– Ai biểu… “xin”? Thôi, tui không dám đâu!…
* * *
Thời gian chừng như chẳng biết đợi chờ ai. Mới chăn trâu, bắt dế ngày nào mà mười năm sau về làng hắn là chàng kỹ sư cầu đường. Thế nhưng làng quê hắn chẳng có gì đổi khác. Từ cái dạo hắn không nhận lời xin lỗi của Duyên, cô nàng cũng tránh mặt luôn với hắn, mãi đến bây giờ. Chẳng biết giờ này Duyên đã lấy chồng hay làm công việc gì, ở đâu? Sau khi về thăm nhà, tự nhiên hắn nhớ đến cái bến sông rồi lại nghĩ đến cô bé học sau một lớp ngày nào…
Trước khi chào từ giã người thân lên huyện nhận công tác, đôi chân hắn dẫn lối hắn ra lại cái bến trâu dầm, lúc trời đang nắng gắt. Hóa ra, cây đồng đình đã bị hắn đốn hạ sát gốc, bây giờ càng sum suê quả và cành lá. Có lẽ nhờ nó mà cái bến sông vẫn y như cũ, không bị sạt lở như nhiều đoạn sông khác. Chỉ tiếc là chẳng thấy ai dắt trâu ra sông tắm, nên mặt nước có vẻ trong hơn nhưng lạnh lẽo. Hắn nhìn cánh đồng làng, dòng sông bỗng nhiên hắn mơ ước nơi đây bắc được cây cầu với con đường bê-tông dẫn vào hai xóm, thì quê hắn tươi sáng biết chừng nào! Nhưng rồi hắn tự cười với mình, vì chẳng qua do “máu nghề nghiệp” bốc lên mà thôi.
Hắn hoàn toàn không biết, gần đây vùng quê xã Phước Tân này đang rậm rịch một sự thay đổi lớn. Mấy tháng nay chính quyền xã, huyện đang họp bàn về “mô hình điểm” của Phước Tân, trong cuộc khởi động “Xây dựng Nông thôn mới”. Nếu dựa trên 19 tiêu chí của Nhà nước đề ra, thì vùng này có thể đã đạt được 5 tiêu chí “có sẵn”. Nhưng tiêu chí về “Thiết chế văn hóa cộng đồng” thì nhìn chung ở các thôn, xóm này vẫn còn “trắng”.
Trong buổi họp đầu năm, bà Phó chủ tịch trẻ xã Phước Tân, phụ trách về văn hóa – xã hội đề xuất ý kiến:
– Thôn 1 còn nhà Đội sản xuất, có thể tu bổ thành Nhà văn hóa. Nhưng thôn 2 cạnh bên chẳng có gì, ngoài cái bến sông hoang phế. Ngoài Bắc thì làng nào cũng có “cây đa, giếng nước, sân đình”, còn ở quê mình thì… Hay là chúng ta đầu tư trước cho hai thôn này một cây cầu xi-măng kiên cố để phát tuyến con đường chạy thẳng qua, phía trên bến sông ấy… Từ đó, chỉnh trang lại cái bến nước thay cho… “giếng nước, sân đình”?
Mọi người gật đầu, đồng thuận. Vấn đề là nhờ ai thiết kế cây cầu vừa đẹp vừa phải tiện ích cho cả khu vực bến sông. Bà Phó chủ tịch văn xã giong tay: “Cái đó, xin phép cho tôi được lo liệu”.
Sau cuộc họp ở xã, mỗi người một việc theo sự phân công. Phó chủ tịch xã, sực nhớ ở xóm dưới có tay kỹ sư cầu đường nghe nói đang công tác trên huyện. Nhân chuyến lên huyện họp, chị lân la dò hỏi về anh kỹ sư quê ở Phước Tân. Không ngờ chính ông bạn làm Trưởng phòng Xây dựng huyện, lôi hắn đến gặp. Một thoáng ngỡ ngàng, lúng túng bà “xã Phó” chủ động lên tiếng:
– Thật đúng là “buồn ngủ lại gặp…”, xin lỗi! Ý tôi muốn nói là… muốn gặp đồng hương, ai dè “đồng hương” lại là anh. Nghe nói anh hiện nay là kỹ sư cầu đường, tôi muốn “đặt vấn đề” với anh về việc xây dựng cho làng mình cây cầu xi-măng kiên cố…
Tất nhiên là hắn rất vui với dự án này và sẵn sàng nhận lời. Nhưng hắn không thể tưởng tượng được, cô bé “mít ướt” ngày nào, giờ đây dám bắt tay hắn thật chặt và nói năng ra hàng sếp thực thụ. Sau ly nước mía “xã giao” ngoài quán cóc, hắn nhận luôn cả thiết kế đến thi công, toàn bộ công trình cầu và đường bê-tông. Cái sự nhiệt tình ấy một phần không nhỏ là hắn đang tò mò, xem cô nàng “Phó văn-xã” làm ăn thế nào?
Sau cái giao kèo bắt tay, hắn nói úp mở: Chứ…“đằng ấy” xây nhà, dựng chồng chưa mà lo xây dựng cầu, đường?
– Có cầu đường đàng hoàng thì mình mới khỏi “lụy đò” chớ anh! Nàng cười rất duyên – chừng như quên luôn mình là “xã Phó”.
Hắn chưa hiểu mấy về câu trả lời sắc sảo mà bóng gió của cô nàng, đành nói liều để “chữa cháy”: Quê mình đâu có đò mà “lụy”. Hay là lụy với… cái bến sông ấy?!
Bà Phó chủ tịch về xã báo tin đã tìm được người nhận giúp xây cầu. Công trình cầu đường giữa hai thôn nhanh chóng triển khai. Dân làng góp công mở rộng con đường ra bến để tập trung vật tư, thiết bị ngay trên bến sông. Trong lúc mọi người đang chuẩn bị thi công, hắn mang bản thiết kế về xã để thống nhất ý kiến.
Xem qua bản thiết kế cây cầu và con đường bê-tông, “xã Phó” tỏ vẻ nghiêm trọng:
– Về cây cầu thì tốt rồi. Nhưng sao mặt cắt đường bê-tông có 2m? Anh tính để cho xe công nông chạy thôi à? Này, lạc hậu rồi ông kỹ sư ơi! Ông phải mở rộng con đường tương lai cho làng xã chứ! Rồi đây, cánh đồng quê mình sẽ qui hoạch thành cánh đồng mẫu lớn và một phần trồng rau quả “chất lượng cao”. Khi đã có sản phẩm hàng hóa, tôi sẽ cho loại công nông này nghỉ hưu để các loại xe tải lớn vào chở rau, chở lúa chứ… Anh về tính toán lại mặt đường, chiều thứ sáu này tôi sẽ xuống thực tế cùng anh!
Hắn thấy lạnh sống lưng. Ai dè cô nàng bây giờ cũng đáo để đến… thuyết phục. Đến cuối tuần, hắn đã hoàn thiện thiết kế mới và đưa công nhân đến, chỉ chỗ san lấp mặt bằng. Nhìn thấy cây đồng đình đứng trấn ngay lối đi, họ bảo: “Giống cây ăn hại này chẳng tích sự gì, chặt phứt cho khỏi vướng”.
Hắn chần chừ một lúc, rồi khoát tay:
– Khoan đã… không dễ tùy tiện với bà Phó chủ tịch ở đây. Chiều nay đại diện chính quyền xã có hẹn ra đây, để tôi hỏi ý kiến thế nào. Trông là thế, nhưng cây này không đến nỗi “ăn hại” đâu. Trong khi biết bao loại cây có chút “danh phận” ở đây đã bị “bứng” lên phố làm cảnh hết rồi, ít ra còn có nó để bảo vệ bờ sông này đấy!
* * *
Không hiểu sao “xã Phó” chiều nay lại lỡ hẹn? Hắn thấy sốt ruột. Đến lúc hoàng hôn buông xuống, lại có một bóng hồng xuất hiện ở ngay dưới bến sông! Hắn tò mò, dụi mắt nhìn xuống bỗng nhận ra… bà Phó chủ tịch xã. Trời ạ, “xã Phó” hôm nay ra đồng lại diện bộ cánh màu mận chín như đi lễ hội!
Hai người cùng có vẻ bối rối, đành đưa mắt nhìn ra phía mặt sông. Hắn ấp úng:
– Thế này… mà gọi “bà Phó chủ tịch” thì ngượng miệng quá! Mà sao… “đằng ấy” đến muộn thế ? Mọi người định đốn bụi cây đồng đình này, “đằng ấy” thấy sao?
Một phút im lặng. Bỗng cô nàng liếc mắt về phía hắn, nói bâng quơ:
– Trước kia trưa nắng, một mình ra hì hục đốn sao không hỏi “đằng ấy”? Còn chừ hỏi gì mà rối như tơ vò, biết trả lời chỗ mô. Nè, đố anh hoa đồng đình làm người ta đau xót hay chỉ ngứa ngáy?
– Ủa… “người ta” làm cầu đường, có làm “lang vườn” đâu mà biết!
– Không biết làm thầy lang mà biết cách “đầu độc” trẻ con! Cái vụ “ăn đòn” năm ấy chưa để người ta giải thích, còn “ám” người ta mấy năm nay vì chuyện… ở bến sông này…
– Trời đất! Cái bến hiu hắt này có gì mà “ám”?
Nàng cuối mặt, thì thầm: Hình như… nó có bùa ngải gì đó anh à!
Không gian chiều muộn và cả dòng sông chừng như chảy ngược về ký ức. Bà Phó Chủ tịch xã hôm nay, không hẳn ra bến sông chỉ để bàn chuyện xây cầu.
N.P.T