Bến sông quê – Tản mạn của Nguyễn Quế

1032

(Vanchuongphuongnam.vn) – Sáng nay, cuộc hành trình “về nguồn” đã tình cờ đưa Nhân tới một bến sông. Lần đầu tiên anh đến với bến sông này. Lặng lẽ ngắm nhìn bến nước và dòng sông  trong xanh đang tuôn chảy về xuôi như vừa lạ vừa quen, bao kỷ niệm đẹp đẽ, thân thương của một thời tuổi trẻ lại ùa về trong ký ức anh.

Ảnh minh họa

Những tháng năm xa xứ, trong lòng Nhân luôn thường trực nỗi nhớ da diết đối với quê hương, gia đình và bạn bè. Nỗi nhớ ấy thường gắn liền với hình ảnh bến sông quê.

      Nói về những miền quê xưa, người ta hay nhắc tới cuộc sống mang tính cộng đồng gắn liền với lũy tre xanh, cây đa, bến nước, sân đình. Đó là hình ảnh gần gũi, thân thương, là nét văn hóa đặc trưng của làng Việt trước đây. Ngày nay, trước làn sóng đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, đối với phần lớn những người cao tuổi, hầu hết hình ảnh làng quê xưa chỉ còn là những kỷ niệm xa xôi trong ký ức. Còn đối với  lớp “hậu bối” như Nhân, những khái niệm ấy chủ yếu được tiếp cận qua sách báo, phim ảnh và trên mạng in- tơ- nét. Riêng bến nước vẫn còn được lưu giữ ở nhiều nơi, bởi nó gắn liền với những dòng sông, mà sức sống và sự gắn bó của sông với cuộc sống con người là mãi mãi.

   Con sông quê Nhân thật đẹp. Dòng nước trong xanh của nó lững lờ chảy qua đôi bờ với những cánh đồng xanh mướt ngô, khoai và những bãi cát vàng ỏng ả.     Thuở ấy làng Nhân có nhiều bến nước, nhưng thân thuộc với anh nhất là bến Trước  và bến Trùa. Bến Trước là nơi Nhân thường dắt em đón bà hoặc mẹ đi chợ vể. Chợ họp ở bên kia sông, phải đi qua bằng đò ngang qua. Những ngày rảnh rỗi hoặc khi cần thiết, những người phụ nữ trong làng Nhân thường tranh thủ từ sáng sớm qua chợ bán bớt mớ nông sản lấy tiền mua các loại thực phẩm và đồ dùng cần thiết cho cuộc sống gia đình. “Trông như trông mẹ đi chợ về”, không biết câu nói ấy có tự bao giờ nhưng nó phản ảnh thật đúng tâm trạng của những đứa trẻ ở làng quê như Nhân ngày ấy. Mong mẹ đi đâu đó mau trở về đã là nỗi mong chờ da diết; mong mẹ đi chợ về càng da diết hơn bởi ngoài sự gắn bó của tình mẫu tử còn có sức hấp dẫn của những món quà nhỏ. Qùa bà và mẹ mua cho anh em Nhân là những chiếc bánh đa hoặc vài chiếc bánh đúc gói bằng lá chuối. Cũng có khi là những miếng kẹo đậu phộng hay kẹo ngọt tấm bột màu xanh, vàng… Chỉ đơn giản vậy thôi nhưng sao nó mang nặng ân tình đến thế!?. Dẫu đã xa quê hàng chục năm, từng được thưởng thức nhiều loại cao lương mỹ vị nhưng hình ảnh những món quà của bà và mẹ thuở ấu thơ cứ theo Nhân đi mãi cùng năm tháng như những kỷ niệm đẹp đẽ nhất, thiêng liêng nhất của cuộc đời. Bến Trước cũng là nơi những người phụ nữ ở quê từng đưa tiễn người thân. Đó là những cuộc chia ly “lớp cha trước, lớp con sau” lên đường ra trận cứu nước. Bao thế hệ người dân nơi đây đã chấp nhận gian nan thử thách và hiểm nguy để ra đi, góp sức mình vì nghĩa lớn. Đó còn là những cuộc ra đi tu nghiệp, rèn giũa bản thân để tìm kế mưu sinh. Họ ra đi, mang chí tung cánh muôn phương với bao khát vọng về ngày mai tươi đẹp. Ba Nhân, anh trai của Nhân đã từ đây lên đường cầm súng. Rồi đến lượt Nhân tạm biệt những người yêu dấu trên bến sông này để bước vào những ngã ba ngả bảy của cuộc đời. Bến Trước cũng chính là nơi đầu tiên chứng kiến sự trở về của những người con yêu quý của quê hương. Từ xa, họ hướng tầm mắt nhìn về con sông quê với tâm trạng bồi hồi xao xuyến. Họ đi xuống bến sông, bước chân lên con đò ngang với tâm trạng sắp được đón nhận những tình cảm mặn nồng từ nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Gia đình, quê hương luôn là cội nguồn thiêng liêng của mỗi người, và cũng chính từ đó, họ bước lên những nấc thang cao hơn của cuộc sống. Những tình cảm đẹp đẽ nhất, cao cả  nhất đối với non sông, đất nước cũng bắt rễ từ đó. Ê- ren- bua, nhà văn Nga Xô Viết gốc Ukraine từng nói: “ Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào dải trường giang Vôn- ga, con sông Vôn- ga đi ra bể. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc”. Tình cảm ấy càng nồng cháy thì sức mạnh của mỗi người cũng như của cả dân tộc càng to lớn.

     Trong tiềm thức Nhân, nếu như bến Trước là nơi đưa tiễn những người con của quê hương ra đi và là nơi chào đón họ trở về với bao nỗi niềm yêu mến thì bến Trùa là nơi gắn bó với cuộc đời họ bằng những mối liên hệ máu thịt không thể phai mờ. Từ bến sông bình dị, thân thương này, họ đón nhận sự hào phóng của sông nước để duy trì sự sống và ươm mầm cho tương lai. Cũng từ đây, bao thế hệ người dân ở làng Nhân cảm nhận thật rõ nét đẹp mượt mà và mùi hương nồng đượm của những dải đất phù sa sông đã bồi đắp nên. Họ đã ngả mình vào dòng sông quê như ngả vào lòng mẹ hiền để được hưởng những phút giây thư thái, an nhiên của cuộc đời, được vỗ về cả thể xác lẫn tâm hồn. Những tháng ngày xa xứ, dù cách trở biền biệt về thời gian và không gian, những người con của quê hương như Nhân không thể nào quên những buổi chiều hè đón trâu về, cùng bè bạn nhảy ùm xuống dòng sông mát rượi, vui đùa thỏa thích.

    “Cùng một bến sông

      Con trâu đằm, sóng dưới

      Bầy trẻ thơ tắm mát phía thượng nguồn

      Một dòng xanh trong chảy mãi tới vô cùng…”(*)

   Những câu hát ấy diễn tả thật đúng thực tế những năm tháng tuổi thơ Nhân đã đi qua. Mỗi khi nghe bài hát cất lên, trong anh lại trào dâng nỗi nhớ quê hương.

       Từ con đò ngang bước lên dốc bến, Nhân ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của khu rừng trước mặt. Đây là “tiền trạm” để đi vào một trong những khu rừng nổi tiếng, cũng là chiến khu cách mạng một thời “gian lao mà anh dũng”. Trong lòng Nhân lại dâng lên niềm cảm xúc khó tả. Anh thầm nói với lòng mình: Ôi, từng tấc đất quê ta đều đã nhuốm biết bao mồ hôi, xương máu của cha ông, và hình như mỗi kỳ tích của lịch sử đều ít nhiều gắn bó máu thịt với những bến sông. Nhân lắng nghe những thanh âm kỳ diệu từ những chồi xanh lộc biếc và muôn sắc hoa dọc hai bên đường. Một mùa xuân mới lại về trên đất nước muôn quý ngàn yêu này.

  N.Q

   ———–

(*) Trích trong bài hát Khúc hát sông quê, lời Lê Huy Mậu, nhạc Nguyễn Trọng Tạo.