(Vanchuongphuongnam.vn) – Chênh vênh gối đầu lên doi đất nơi giao thoa giữa hạ nguồn sông Cái Lớn và con kênh đào Trà Ban thẳng tắp như một dải lụa bạch hun hút căng dài xuống Ngả Năm thuộc địa phận tỉnh Chùa Dơi, Long Mỹ là vùng trái độn. Thị trấn không đèn ấy là một huyện lỵ vùng sâu, cheo leo, cách không xa thị trấn bao nhiêu, phi cơ được oanh tạc tự do. Thương bạn mẹ già mồ côi cha, thầy giáo Đan không ngại hoán chuyển cho một đồng nghiệp quê ở miền Trung xa xôi về đây dạy học. Có người coi vùng đất này là vùng đất lưu đày của những tay tứ chiếng giang hồ hoặc con người lãng tử yêu cuộc sống hồ hải tha phương. Không chỉ nhích đi vài trăm mét mà ở ngay trung tâm lòng chợ huyện cũng có thể gặp người của bên kia chiến tuyến mà không hề hay biết.
Ở cương vị người quản lý trường Trung học, tôi thực sự cảm thấy ấm áp trong lòng khi tiếp thầy giáo Nguyễn Thanh Đan tại văn phòng vì được gặp lại người bạn thân ngày nào cùng học chung lớp nhiều năm tại trường Trung học Lương Khê. Cả hai người bạn học ngày xưa cùng quê đều hiểu rõ nhau về sức học, cá tính và khả năng riêng không ngờ hôm nay được may mắn gặp lại nhau. Hai chúng tôi bỗng cảm thấy gần gũi, hy vọng sẽ cùng san sẻ cho nhau trong công việc nhà trường ngoài công tác chuyên môn trong hoàn cảnh những giáo viên xa nhà.
Là bạn đồng tâm cùng yêu văn nghệ thân thiện với nhau, tôi có cảm tưởng mình là người hiểu rõ Tâm hơn ai hết. Không những là người học trò ngoan hiền học lực xuất sắc, đạo đức thật tốt với thầy cô, Đan là người bạn được cảm tình hầu hết anh em trong lớp. Tâm là một cây văn nghệ về âm nhạc báo chí ở nhà trường suốt những năm cả hai tôi cùng ngồi Trung học. Anh cũng lại được tiếng là người vẽ hay, võ giỏi nhất kiêm luôn việc phụ trách biên tập, trình bày lẫn minh họa cho tờ báo học đường khi còn là bích báo thơm mùi học trò cho tới khi được in ấn hẵn thành giai phẩm xuân trong những ngày lễ Tết. Tôi nghĩ về Đan vừa mới về trường mình với tất cả tấm lòng trong sáng tự hào về người bạn tốt sẽ truyền cho mình thêm hơi ấm.
– Anh Đan mới xuống, chắc chưa có chỗ nghỉ. Vậy anh sang ở tạm căn nhà còn trống bên cạnh văn phòng nhà trường nhé.
– Dạ.
Tôi thân thiện nhìn người bạn cũ đồng nghiệp mới về trường rồi ngó về căn phòng nhỏ Tâm sắp đến tá túc ở cùng dãy với phòng hiệu trưởng. Một căn hộ nhỏ bé khiêm tốn mái lợp lá đơn sơ, vách vừng bằng nguyên tàu dừa nước, cột bằng cây đủng đỉnh. Không gian trong phòng trống trơn, không một bàn ghế, Đan mượn bàn học trò kê làm chỗ viết và mấy tấm bảng đen cũ chặn kín lại làm vách phòng nghỉ.
Đan thuộc mẫu người nội hướng ít nói nhưng năng nỗ rất dễ say việc nên tôi nghĩ anh thích hợp với khung cảnh có phần điền dã yên tĩnh này ngoài những buổi đứng lớp và sinh hoạt thường nhật. Phía trước phòng Tâm nghỉ là hạ nguồn sông Cái Lớn hằng năm chịu mùa nước lợ trên mặt sông sớm chiều trôi man mác những giề hoa lục bình. Sau lưng phòng không xa, qua khỏi mấy cây ô môi già và hàng so đũa ngày ngày đàn chim sâu, trao trảo hay đến hút mật hoa là dãy trường trung học hiền hòa. Cạnh bên phòng là trũng nước tù đen ngòm ngăn cách với trường tiểu học. Chỉ một tháng sau, nơi đây được lấp bằng mấy ghe trấu để trở thành sân tập võ. Suốt một ngày ròng rã, thầy trò Đan đã hì hục hoàn thành sân bãi dù không có tapis, để Đan huấn luyện cho học sinh mê võ thuật. Lớp dạy võ đầu tiên ở huyện hoạt động tưng bừng được một năm học thì có mấy anh công an cộng hòa xin vào học. Nghe lời của phụ huynh thương Đan, huấn luyện viên đành phải cho lớp võ thuật tạm ngưng.
– Hiệu trưởng cho phép tôi vẽ tặng trường một số chân dung các danh nhân: Khổng Tử, Quang Trung, Nguyễn Trãi… để làm những tấm gương sáng cho học sinh.
Thấy trên vách văn phòng hiệu trưởng và phòng họp giáo viên còn trống trải, Đan đề nghị với tôi.
Trong không gian yên ả những buổi trưa chủ nhật, ngày lễ không về nhà, Đan ngồi một mình ôm đàn nghêu ngao hát từng nốt nhạc để soạn cho tác phẩm mới với tư cách trưởng ban mà anh phải tập hát cho học trò và thầy cô giáo trong ban Nhạc nhà trường. Ban văn nghệ được đặt tên Thanh Thanh do Đan phụ trách mang ước vọng thể hiện tiềm lực tuổi trẻ bằng lời ca tiếng hát của học sinh và thầy cô giáo.
– Tôi đề nghị thầy Đan chủ trương luôn tờ báo học đường để làm diễn đàn cho thầy cô và học sinh.
Một nữ giáo viên trung học đề nghị với tập thể trong buổi họp hội đồng nhà trường. Dựa vào năng lực của Đan, ý kiến chính xác và hợp lý của thành viên nhà trường được nhiệt liệt tán thành, oằn nặng thêm trên vai người thầy giáo từ thành phố mới đến một trách nhiệm yêu cầu có chuyên môn ở người phụ trách.
Tâm bắt đầu lao vào công việc với tinh thần năng động hăng say cũng như ngày nào còn bé anh mới ôm quyển sách vỡ lòng vào học lớp Đồng Ấu ở quê nhà. Công việc ở một huyện nghèo heo hút cách xa thành phố khiến đồng ngiệp và bà con nơi đây cứ nghĩ như thầy giáo Nguyễn Thanh Đan là người ở địa phương. Với suy nghĩ, nơi nào trên đất nước Việt Nam cũng đều là quê hương, trường học là ngôi nhà thứ hai và thầy cô giáo cũng là cha mẹ của học sinh ở nhà trường. Anh bén nhạy bắt nhịp công việc một cách nhanh chóng với một tinh thần say mê thật không ai ngờ.
Về văn nghệ, ban nhạc Thanh Thanh do Đan phụ trách phát thanh mỗi tuần hai lần. Tối thứ ba Tân nhạc, thứ sáu Cổ nhạc. Đan chủ động sắp xếp chương trình ca hai buổi đưa vào những bài hát ca ngợi lòng yêu quê hương và tự tình dân tộc của vă nghệ si kháng chiến thêm vào đó những thoại kịch lành mạnh có tính giáo dục. Ngoài việc sáng tác những bài ca cổ và tân nhạc, trưởng ban văn nghệ biên soạn thêm vở kịch thơ lịch sử như: Xuân chiến thắng – ca ngợi hiến thắng oanh liệt của Quang Trung vàn năm Kỷ Dậu (1789) – Huyền Trân Công Chúa dành cho những buổi trình diễn vào dịp Lễ Tết, ngày Khai trường hoặc Tổng kết năm học. Ca sĩ, diễn viên là học sinh và thầy cô giáo yêu văn nghệ hay có năng khiếu ca nhạc trong trường. Vừa lo phần trang trí, thiết kế phông màn sân khấu, khi cần, Đan cũng ca vọng cổ hoặc ôm đàn ca tân nhạc… Đôi khi, chàng đảm nhận luôn vai chính trong các vở kịch. Trong thi kịch lịch sử “Linh Giang hận sử” của Trần Quan Nghĩa, diễn cùng học trò, Đan thủ vai chính là chàng tráng sĩ yêu nước trong hoàn cảnh quốc biến. Những buổi trình diễn của ban văn nghệ Thanh Thanh luôn mang đến cho cái thị trấn buồn tênh ngùn ngụt khói lửa chiến tranh một không khí rộn ràng tươi sáng. Trong khoảnh khắc, khán giả miền quê có thể tạm quên đi tiếng đại bác đì đùng trên vùng Thất Sơn và tiếng bom nổ ầm ầm như địa chấn của phi cơ B.52 đế quốc dội xuống từ rừng U Minh vọng về. Trong thời tiết lành lạnh của những đêm về khuya sau những đêm trình diễn văn nghệ tại sân khấu dã chiến nơi nhà lồng chợ, Đan và thầy cô giáo, học trò kéo nhau đi ăn cháo gà tại các quán cóc bình dân. Những bát cháo nóng nhanh chóng xua tan đi bao nỗi mừng lo khi còn diễn trên sân khấu của những nghệ sĩ nghiệp dư trường học. Lời trao đổi nhận xét của Đan mang tính động viên từng người khiến không khí hậu sân khấu về khuya càng ấm áp, dưới không gian đôi lúc chói lòa ánh sáng trái hỏa châu:
– Thầy Chiếu đóng vai ông lão nông sinh động, gây cảm xúc nhiều cho khán giả. Hoàng
Mai nhập vai nam tráng sĩ, dù là gái nhưng em đã thể hiện trung thực và ấn tượng lòng yêu nước của người con trai thời đại trong hoàn cảnh chiến tranh của đất nước. Đan vui vẻ chân tình nhìn thầy giáo Chiếu và nữ sinh Lưu Thị Hoàng Mai với thái độ ưu ái ủ người đạo diễn.
– Dạ, tôi xin cảm ơn thầy Đan.
– Dạ, em rất biết ơn thầy và các cô đã hết lòng chỉ dẫn luyện tập cho em. Hoàng Mai lễ phép nhìn thầy trưởng ban.
Vở kịch thơ lịch sử “Linh Giang hận sử” của Trần Quang Nghĩa đăng trên tạp chí Nhân Loại. Tác giả vở kịch, với tâm trạng đau đáu của một người dân Việt đương thời, đã sâu xa phản ánh hoàn cảnh chia cắt đất nước đau thương của thời Trịnh Nguyễn phân tranh.
Về báo chí, với sự tâm đắc của Hiệu trưởng, thầy Nguyễn Thanh Đan như mạch nước ngầm được khui lên, bắt tay hồ hởi lần đầu tiên đã làm sôi động không khí báo chí trường học nơi huyện lẻ một vùng quê. Đan đặt tên san là Niềm tin, thể hiện kỳ vọng của nhà trường, thầy cô và phụ huynh vào học sinh, thế hệ ngày mai của đất nước. Ban biên tập đặc san được hình thành với Đan và giáo viên, học sinh yêu văn nghệ báo chí, iết viết bài và trang trí nhưng không tránh khỏi những khó khăn đầu tiên. Với tinh thần “khó khăn nào cũng vượt qua” học tập ở lời dạy của Bác Hồ, Đan vui vẻ trấn an các thành viên trong ban biên tập:
– Bước đầu, ta tạm làm báo với hình thức in ro-nêo. Số Niềm Tin đầu tiên ra mắt người đọc dưới hình thức hết sức thô sơ: bút sắt viết trên giấy stencil rồi dùng xơ dừa cào lên lớp mực để in từng tờ trên một nền phẳng nên nhiều trang báo còn lấm lem mực in. Rút kinh nghiệm, chuẩn bị làm số báo thứ hai, Đan tranh thủ mượn bàn đánh máy của trường để thay thế cho việc dùng bút sắt viết tay. Đến Niềm Tin thứ ba, nhờ sự ủng hộ của các Mạnh Thường Quân và nhân sĩ địa phương, đặc san ra mắt độc giả vào mùa Xuân thì coi như tờ báo đã tương đối khởi sắc. Chủ đề – cái hồn cốt của đặc san – thể hiện lòng yêu quê hương và tinh thần mảnh liệt đấu tranh chống thực dân đế quốc. Đặc san bây giờ được thực hiện dưới hình thức in ty-pô đàng hoàng khiến ban biên tập và nhà trường hết sức phấn khởi. Nhiều đêm, thầy trò thức tới khuya, xúm xít bên nhau tô điểm từng nét vẽ, sửa chữa từng câu chữ của cộng tác viên dưới bầu trời đen rì rầm tiếng phi cơ dọ thám L.19 của giặc. Trong hoàn cảnh đất nước nhân dân đang phải chịu cảnh binh lửa tóc tang, Đan không thể dửng dưng nhất trí với ý kiến của một nhạc sĩ khá nổi tiếng lúc bấy giờ nghĩ thế nào mà xem “những đốm mắt hỏa châu đẹp như ánh hoa đăng ngày cưới” trong bản nhạc Những đốm mắt hỏa châu ! Trong không gian chiến tranh, sự xuất hiện những trái châu soi mói từ phi cơ giặc trên bầu trời, Đan chỉ xem như là biẻu tượng của loạn ly tang tóc.
Ở cương vị hiệu trưởng, tôi viết giấy giới thiệu cho ban biên tập lo việc đi bán báo Xuân. Đan đề nghị hiệu trưởng cho phép anh chọn những em học sinh giỏi ăn nói, mặt mày vui vẻ dễ nhìn để mang báo đi bán tại các thị trấn có trường học : Vị Thanh, Cái Nai, Vĩnh Tường, Vịnh Chèo, Hỏa Lựu… Trước một thức ăn tinh thần mới lạ, độc giả, phụ huynh địa phương đã nhiệt tình mua báo Niềm Tin với giá ủng hộ đặc biệt…Sự hiện diện của thầy giáo Đan ở xứ Trà Ban từ ngày ấy là một dấu ấn khó phai trong tâm hồn người yêu nghệ thuật mãi đến hôm nay.
Bè bạn đồng thanh khí hiểu nhau từ lâu, tôi đã sớm coi thầy giáo tài hoa và nhân cách Nguyễn Thanh Đan như một bến đỗ tâm hồn. Hằng năm mùa nào ở Đan cũng thực sự là một bến xuân nồng ấm, ngọt nước phù sa, ngày đêm không ngớt tiếng líu lo của bầy chim rừng. Từ muôn hướng trong bốn mùa vui rì rầm tiếng lá reo, bầy chim bay về hội tụ trên cành ô môi, bằng lăng sau trường để cùng nhau hòa điệu những khúc ca rộn ràng của các cô trinh nữ liếng thoắng hồn nhiên nơi thôn bản.
16/12/2020
N.T