Bên thềm quê cũ – Tản văn Nguyễn Hữu Trung

483

Cuối cùng tôi đã được đặt chân đến đây, an toàn và ấm áp. Ngạc nhiên với lớp dỡ hồi ức, quê mở lòng đón tôi bằng những cảm xúc buồn vui lẫn lộn. Đường dẫn vào quê xanh mướt dáng cây, dọc triền rẫy mùi thơm rau cỏ xộc lâng sâu cánh mũi.

Ảnh minh họa

Sau những vướng bận ngồn ngộn lo toan, đụn rơm ngoài đồng mướt ngọt vụ màu, tôi lách mình chen xanh những trái bầu, trái dưa, cụm hành, khóm sả. Thơm lồng lộng mà lâu lắm tôi mới được đắm ngửi. Vẫn lưng áo mồ hôi dính chặt, trông mỏi mắt nửa năm vụ cà này sẽ được giá, cha tôi mân mê từng gốc cây nói với niềm hy vọng ngày mai. Điều gì làm nên hào sảng lạc quan ở nơi người cha nghèo tận tụy? Bởi chân chất nào, cha cũng dành hết cho gia đình, cho con.

Có những ngờ đoán không biết trước, mảnh ruộng ông bà để lại, sau những khổ sở triền miên kiền chặt tâm nguyện “thà chết chứ nhất quyết không bán” trong đám giỗ ông nội cha tôi gằn giọng với mấy chú. Cuốc mòn nát miếng đất, hoa lợi mấy trăm mùa không đủ cho những đứa con lấp đầy chữ nghĩa trong đầu, cha tôi đành buông bất lực thả người thân vào cuộc tứ tán mưu sinh. Ruộng vẫn nguyên những thất bát, bấp bênh giá cả nhưng cha muốn “cuối cùng phải nằm trên đất nhà”.

Không thôi khắc khoải, tiếng thở dài rớt xót dọc xóm cũ, tôi nhận ra những căn nhà im ỉm khóa cửa, đợi đến mùa tết nhứt mới mở rào. Loảng xoảng đôi ba ngày mới, sân được dọn sạch, bông trái được trưng tươi, người hàng xóm cười rạng rỡ Đi tìm cuộc sống khác “ở quê sống khó” chị Tư khoe với hàng xóm bộ vòng xi men mới mua. Chị xởi lởi kể “nguyên gia đình làm công nhân khỏe re”. Vụ ớt năm kia, chị lỗ gần như muốn tự sát, phải cầm cố ruộng vườn và cuối cùng đành bán chúng để lo cho chồng chữa bệnh. Nhìn ruộng mình xẻ dọc, xẻ ngang manh mún rồi thành ao nuôi cá, chị tức tưởi trong dạ. Chị khấn với tổ tiên nhận hết lỗi lầm vì không giữ nổi đất hương hỏa. Lẽ hạn đời người, chị bươn mình ra ngoài phạm vị quê cũ, bán cái muộn mằn tuổi trẻ, làm lại từ đầu.

Nhà thơ Nguyễn Hữu Trung

Vượt ra khỏi ranh giới làng quê, người cũ không muốn trở về bởi sự đổi thay chẳng mấy khấm khá hơn. Bám trụ nơi đất khách khi bước tới con dốc cuối của cuộc đời, bác Hai đôi lần lén khóc vì trót gây nợ. Ở mướn nhà giàu lần hồi nợ cũ cũng trả xong, bác Hai nuốt nghẹn tủi hờn “về chi, làm khổ tụi nó”. Trót tiêu tán hết ruộng vườn vì không biết tính toán làm ăn, bồ lúa cũ mèm mục ruỗng, trơ khô những lụi tàn. Tụi nó mấy anh con của bác Hai, hằng ngày phải nai lưng làm thuê, làm mướn cho chủ nuôi cá tra. Mẹ già bươn bả khi còn sức. Mẹ già không muốn lụy phiền đến hoàn cảnh nghèo khổ của các con, đành bỏ lại hương khói quê nhà sống lắt lay nơi phồn hoa phố hội. Bệnh khớp triền miên đau nhức, bác Hai cầm cự thuốc Nam, thuốc Bắc. Bệnh viện quá xa xỉ, bác đành chờ hội ngộ cùng với ông nhà.

Nhìn lại hiện tại, tôi không biết xóm mình có còn nguyên trạng những nghĩa tình? Chỉ biết mỗi căn nhà đều có hàng rào chắc chắn. Biệt dạng nụ cười chào hỏi, lặn sâu những thảo thơm từ quà bánh, món ngon.Trưa vắng bặt trò chơi con trẻ. Vồn vã đâu đó là cái nhìn lướt bằng ánh mắt dò xét. Quê co cụm lại, ráng chiều cũng đủ đỏ cho một lần thơ mộng. Đồng hẹp, lúa đương nhiên xanh và tôi thả bộ dọc tìm kỉ niệm trên con đường làng cũ. Nó mất dấu sau trận lỡ đất. Từ đó, những chiếc xáng múc cát dưới sông không còn là nỗi mừng vui của lũ trẻ. Chúng tận diệt mầm yên của xóm làng. Căn cớ cho những mất mát chia ly, đáy sông là mồ chôn của hồi ức.

Vẫn quê, tình cảm hồi xưa. Bà cụ chín mươi tuổi móm mém môi trầu “về hả bây” thường hỏi trước khi tôi sang thăm cụ. Bà kể dài dòng những tỉ mẩn của ngày xưa. Chắp vá về quá vãng, bà đã sống với từng tuổi này để thấy những đổi thay không ngờ của thời cuộc. Khi đó của bà, mơn xanh như tuổi mười tám đôi mươi. Cá giỡn đầy sông, thiên nhiên mặc tình trong suốt và hơn hết thoáng đãng nghĩa tình chòm xóm. Rồi cái lối tỉ tê quá vãng, bà cụ đã trôi vào cát bụi. Tề tựu với tiên tổ, bà bình yên trọn vẹn trên mảnh đất vườn nhà dẫu ngấp nghé bờ sông nham nhở

Trong cử chỉ người già, cắm nhang trên bàn thờ mỗi tối, quỳ trước tổ tiên khấn bình an cho người thân là việc làm tạo phước. Điều này làm tôi nhớ lại lời mẹ “tao đêm nào thắp hương cũng vái cho từng đứa được mạnh lành, suôn sẻ”. Cái tình của các mẹ lúc nào cũng tuyệt đối, cao cả và thiêng liêng.

Lối hiện đại, mới mẻ có làm mờ đi viên gạch kí ức cũ nghĩa tình và quyến luyến nhưng lối quê vẫn khiến bước chân người đi xa phải trở về. Như tôi, đổi thay nhuốm màu chua nhói nhưng quê vẫn là quê mong nhớ tràn lòng. Khi mà những vắng vẻ cứ điềm nhiên đâm chồi nảy lộc. Khi mà sự thay đổi đến ngỡ ngàng hiện ra trước mắt.

N.H.T

Theo Văn nghệ Đồng Tháp