Bến Tre: Dáng dừa đi cùng lịch sử

1767

Mạc Tường Vi

(Vanchuongphuongnam.vn) – Cây dừa hiện diện và gắn liền với đời sống của cư dân Bến Tre từ bao đời nay. Từ ngày mở cõi lập làng, đi qua chiến tranh, cây dừa tiếp tục đồng hành với người dân trong xây dựng và phát triển quê hương trong thời đại mới, là nét văn hóa không thể tách rời với đất và người Bến Tre…


Dừa là biểu tượng của Bến Tre

Nói đến dừa cho trái, trên dải đất hình chữ S, nhiều nơi hiện hữu cây dừa, nhất là vùng duyên hải, nhưng là vựa dừa thì phải kể đến Bến Tre. Do có diện tích trồng dừa lớn nhất cả nước nên Bến Tre còn được mệnh danh là xứ dừa. Cây dừa đã trở thành biểu tượng cho xứ này. Được phù sa của dòng Mê Kông nuôi dưỡng, cây dừa xứ này cũng xanh tốt hơn, năng suất cao hơn các vùng khác.

“Thấy dừa thì nhớ Bến Tre”. Có thể nói, cây dừa có mặt trong tất cả các lĩnh vực của đời sống người Bến Tre. Từ những mái nhà dừa, cây cầu dừa đến ẩm thực dừa, sản phẩm thủ công mỹ nghệ… Dừa còn đi vào thế giới nghệ thuật với thơ ca, hội họa, âm nhạc… Từ lịch sử đến đương đại đã minh chứng cho sự gắn bó vững bền giữa cây dừa và con người Bến Tre, cho sự phát triển kinh tế – văn hóa Bến Tre.

“Dừa che bộ đội, dừa vây quân thù”

Ông Thái Văn Chắc (72 tuổi), hiện ngụ tại tổ 7, ấp Tâm An, xã Thành Thới B, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre – là thương binh hạng 4/4. Ông Chắc tham gia kháng chiến chống Mỹ, và cho đến bây giờ, sự tàn khốc của chiến tranh vẫn là nỗi ám ảnh trong cuộc đời của người thương binh này.

Hồi ức lại quá trình đấu tranh bảo vệ và xây dựng Tổ quốc cùng những người đồng đội, ông Thái Văn Chắc không thể nào quên hình ảnh cây dừa cao sừng sững trước mưa bom bão đạn. Theo người lính năm xưa, thì cây dừa đã trở thành biểu tượng cho tinh thần đấu tranh hiên ngang, bất khuất chống giặc ngoại xâm của người dân Bến Tre.


Cây dừa gắn liền với tuổi thơ, thời trai trẻ dưới đạn bom ác liệt… và cho đến tuổi xế chiều của người thương binh Thái Văn Chắc

Theo các tài liệu lịch sử, trong các thời kỳ kháng chiến, dừa đã cùng quân dân Bến Tre “tham gia” chống giặc, với nhiều hình thức hữu dụng. Dừa được dùng đóng cọc, gác ngang ở các trọng điểm vàm rạch ngăn không cho tàu giặc ruồng sâu vào vùng giải phóng. Đọt dừa là nơi người dân leo lên bó đọt để trốn lính ruồng, bắt bớ. Có giai đoạn, đọt dừa còn được quân ta cắm cờ giải phóng, dưới cây cờ có gài lựu đạn hay đầu đạn 105mm. Máy bay của địch khi bay xuống nhổ cờ thì lựu đạn nổ, bị hạ rơi ngay. Rừng dừa không chỉ giúp che chở cho quân dân ta trước sự bắn phá của quân địch mà còn giúp ích rất nhiều trong quá trình chiến đấu như: lá dừa làm lá ngụy trang, thân dừa làm cầu, làm nóc hầm tránh bom pháo giặc. Một trong những căn hầm lớn còn được lưu giữ thành di tích lịch sử đến nay là Căn cứ Khu ủy Sài Gòn – Gia Định đóng tại xã Tân Phú Tây (Mỏ Cày Bắc).

Rừng dừa đã chở che cho bội đội dưới những trận mưa bom bão đạn, càn quét oanh tạc của lính Mỹ. Những căn hầm bí mật làm bằng gỗ dừa, những đài quan sát bằng đọt dừa, những cái mỏ dừa báo động, chông dừa, cọc dừa ngầm ngăn tàu dưới sông, hay nước dừa làm dung dịch tiếp tế khi chiến sỹ bị mất máu, nuôi ong vò vẽ dưới rừng dừa đánh giặc… đều là những cách vận dụng cây dừa đánh giặc rất thông minh của người dân quê hương Đồng Khởi.

Cây kinh tế chủ lực

Qua 46 năm xây dựng đất nước, ngày nay, cây dừa ngày càng khẳng định vị thế vô cùng quan trọng ở Bến Tre, nhất là tình hình biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra nghiêm trọng. Đến nay, Bến Tre là tỉnh có diện tích dừa lớn nhất khu vực ĐBSCL và cả nước với diện tích gần 74.000 ha.

Các sản phẩm dừa Bến Tre đã có mặt trên thị trường của hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, mang lại nguồn thu nhập cho hơn 200.000 hộ dân của tỉnh. Đây còn là cây chiếm giữ vị trí kỷ lục cây trồng cho ra các sản phẩm, dòng sản phẩm chế biến nhiều nhất Việt Nam với 208 sản phẩm được chế biến. Trong đó, cơm dừa sấy, chỉ xơ dừa, nước cốt dừa, than hoạt tính… là những sản phẩm xuất khẩu chủ yếu.


Xưởng xuất khẩu dừa tại Bến Tre.

Tại Lễ hội dừa lần thứ V, năm 2019 tại Bến Tre, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Ở nước ta, Bến Tre có là tỉnh tiềm năng, chế biến, xuất khẩu dừa lớn nhất cả nước. Có thể nói, Bến Tre là vườn dừa của quốc gia, là thủ phủ cây dừa của cả nước.

Với người dân của tỉnh Bến Tre, cây dừa đã trở nên rất thân thuộc là cây chiến lược trong nông nghiệp góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới.

Trở về từ chiến trường năm xưa cùng những vết tích đau thương, ông Thái Văn Chắc xem cây dừa là người bạn tri âm tri kỷ. Dừa không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình mà còn giúp ông khuây khỏa, tìm thấy niềm vui trong những ngày trái gió trở trời khiến vết thương năm xưa đau buốt.

Thế nhưng, điều ông Thái Văn Chắc bận tâm nhất cũng là nỗi lo chung của bà con miền Tây cũng như người dân Bến Tre là hạn mặn kéo dài trong năm.

Ông Chắc cho biết, do ảnh hưởng nước mặn ngấm vào trong đất, nên cần rất nhiều phân bón để giảm độ mặn, độ chua của đất, giúp cây không bị teo đọt, đủ sức ra hoa. Trong những tháng hạn mặn, sản lượng dừa giảm, trái nhỏ, nguồn thu từ cây dừa không đủ chi phí mua phân bón để chăm sóc cây, mức độ đầu tư của gia đình cũng không nhiều, bón phân có hạn do kinh tế eo hẹp. Vì vậy mà phận người trồng dừa cũng lên xuống cùng thiên nhiên.

Tiềm năng và lợi thế từ dừa mang lại cho người nông dân là rất lớn, tuy nhiên, nếu chỉ có người trồng dừa mà không có sự hỗ trợ từ phía doanh nghiệp và không có chủ trương chính sách của Nhà nước thì thương hiệu dừa Việt Nam khó có chỗ đứng trên thị trường thế giới, trong khi nhu cầu tiêu thụ ngày một tăng. Với nỗi lòng của người gắn bó với cây dừa từ bao đời qua, ông Chắc cũng như bao người dân Bến Tre đang rất cần sự phối hợp từ các doanh nghiệp, hỗ trợ của Nhà nước để tạo nên giá trị và thương hiệu cho trái dừa Việt Nam, là niềm tự hào khi nhắc đến dải đất hình chữ S nói chung là miền Tây sông nước nói riêng!

M.T.V