Nhân đọc tập thơ Thiên nga bay đi của nhà thơ Nguyễn Giúp
chân trời có trắng thiên nga
người đi úp mặt ta bà tôi đau
(Vanchuongphuongnam.vn) – Thú thật hai câu thơ trên của tôi nảy mầm từ tên tập thơ của người thơ Nguyễn Giúp đã gửi tặng. Tôi vẫn thích dùng chữ “người thơ” hơn là nhà thơ, đọc tập Thiên nga bay đi của anh, tôi đã ngụp mình trong đó hết 5 cái tối, và đây cũng không phải bài phê bình, chỉ giản đơn như những dòng tâm sự, hoặc giả là tự sự cũng nên.
Tập thơ Thiên nga bay đi của nhà thơ Nguyễn Giúp
Trong Thiên nga bay đi tôi thấy một Nguyễn Giúp rất phóng khoáng, rộng lượng với ngôn từ của mình, những vần thơ tự do, tự do theo đúng nghĩa vốn dĩ của nó, không ràng buộc, không qui luật, mà vả chăng, nếu có qui luật trên đời này thì đối với người thơ Nguyễn Giúp, anh ta cũng không quy hàng nó:
“có thể mai kia lời bài hát không còn u ám
có thể mọi cuộc vui đều giống nhau quờ quạng
có thể những bước đi chéo chân
có thể con đường đã mặc định khúc quanh
chừng ấy đủ để ta say chừng ấy đủ để các nơ ron được tự do
nào cùng bay lên
và chúng ta sẽ chết không theo một qui luật nào cả”
(dỉm ơi, chiều tàn rồi)
Dường như tôi thấy được sự hồ hởi, reo ca của thơ anh trong những ý nghĩa không ai mặc định. Ai đó có thể mặc định một khúc quanh, có thể vẽ hình bắt bóng cánh thiên nga vào các tờ giấy, biển hiệu,… nhưng vốn dĩ cánh thiên nga không ở đó, nó đã bay đi, bay đi như sứ mệnh của nó trong cõi đời này, tôi bần thần khi thấy:
“… thiên nga trắng ướt
ý nghĩ phụt cháy
… tiếng cười thiên nga phong thanh như giọt dương cầm nhả ra từ nhà thờ Chúa”
(Thiên nga bay đi)
Và khi ấy:
“Gã
mê hoặc ngụm cuối cùng trôi tuột vào dạ dày
trái khế ngụp lặn cuống họng
trồi sụt
băm nát vỉa hè
những
ngắt quãng
…
ồng ộc những bong bóng nước
vỡ khí
thiên nga bay đi…”
(Thiên nga bay đi)
Chắc có lẽ, người thơ của ta cũng đã và đang như thế, như một cánh thiên nga rời khỏi hơn thua tầm thường, những vụn vặt, toan tính được mất bằng những nghĩ suy vượt thoát.
Đúng, phải vượt thoát những thước khuôn đời định sẵn, như một định lý riêng cho lắm kẻ khờ khạo rằng: Người thơ thường đi tìm giấc mơ. Để sống! Tôi cũng từng mơ, mơ nhiều giấc non tơ rạo rực, về hoài cổ chưa hoang, thuở em 18 trăng vàng như nhành Đình Lan trước ngõ… Nhưng với Nguyễn Giúp, giấc mơ của anh muôn hình vạn trạng:
“và anh thức dậy trong cơn mơ hoang ngày tháng Mười
nỗi nhớ mọc con đường mới
con đường từ đây đi về
biển rộng từ đây sông dài…”
(Cơn mơ hoang ngày tháng Mười)
Có lẽ thế, có lẽ suy nghiệm của Nguyễn Giúp là đúng. Từ trong tình yêu sẽ hồi sinh tất cả, nó sinh sôi “từ đây đi về” – từ “ngày tháng Mười” bất diệt trong tim anh, từ tình yêu của chúng ta mà khai sinh con đường mang tên nỗi nhớ, một con đường riêng biệt với ồn ào ngoài kia, hoặc nó riêng biệt với hiện tại, bởi “ngày tháng Mười” đâu đó vẫn lẩn khuất trong anh… dù ngày tháng xa xưa ấy đã lắm lúc ngủ quên trong ngăn kéo con tim, gò lại nhưng nó vẫn lớn, vẫn tự sinh sôi mình được để “biển rộng từ đây sông dài…” – Sao mà yêu đến khờ khạo thế người thơ của ta ơi!
Dẫu có lần thực tại đã lay người thơ ta dậy, nhưng anh vẫn đấp đởm chẳng chịu dụi mắt. Ơ kìa, mà dụi mắt làm chi nhỉ? Vì đời chắc chắn đau hơn mộng, dù là mộng chưa nở đã tàn. Thây kệ, nghĩ ngợi nhiều làm gì, có can gì cơn mộng e ấp tuổi đôi mươi? Người thơ của ta dù tỉnh mộng nhưng đôi lúc anh lại thích lạc vào ảo giác, sống trong ảo giác và vun vén cho ảo giác:
“trong ảo giác tôi nghĩ mình tự do
tự do như chú cừu trên cánh đồng gặm những đốm vàng
tự do nhảy cẫng bằng hai chân trước
tự do của một hình xăm loanh quanh với cái lỗ
tự do của những vì sao lỏng lẻo mắc vào thiên hà
cả ngàn năm ánh sáng
tôi phủ nhận lực hút quả đất
và tôi tuyệt đối”
(Ảo giác)
Như ngày đêm muôn thuở, những vết hằn của yêu thương luôn tồn tại trong mỗi chúng ta, dù muốn hay không, dù quên hay nhớ. Nó vẫn hoắm sâu miền tiềm thức quên đặt tên nào đó. Và chỉ đợi hôm nhật thực vô thường, vết hằn đó lại trỗi dậy, mạnh mẽ hơn bao giờ hết, và dĩ nhiên cũng êm ái đau như cung đàn:
“cung đàn xưa
…
em hoang lên đáy mắt
ta ngơ dại độ bền
đừng dối lòng nhau nữa
mộng ở cuồng phong
…
ta lỡ một cung đàn”
(Cung đàn)
Tôi tự hỏi: phải chăng chính cung đàn lạc điệu ấy đã xé tim anh thời trẻ dại, để đến bây giờ những vết hằn đó đã lỡ vận vào đời anh? Phải thế không, sao mà đau nhiều đến thế… Tôi hốt hoảng, bàng hoàng khi hơn lần nghe anh bộc bạch về phương hướng của cuộc người trong anh:
“Không cần nhớ phía nào là mặt trời chỉ biết trước ta là mây đen sau lưng ta là cơn giông trên đầu ta là mưa trút”
(chiều tối có mưa giông trên đồi)
Chàng thơ ta bất lực, tứ phía bủa vây, giông tố cuộc người. Như một sự phản xạ vô điều kiện, anh tìm về mạch nguồn nương náu là Mẹ và Em, nhưng ta hãy nhìn xem:
“mẹ là bình vôi bao dung
em là ngọn nến cháy sáng bên chiếc lồng bàn
Mở ra
chiều tối có mưa giông trên đồi”
(chiều tối có mưa giông trên đồi)
Như một cánh chim non, vùi sâu vào lòng mẹ để biết mình khờ khạo, đau thương đến nhường nào, để tìm chút an nhiên còn sót lại bên trời bão giông, sau cơn bão vẫn còn một bông hoa dại nở phía thềm nhà… Nhưng sao tôi lại ngỡ ngàng đau:
“trổ bông mà chi
nếu có chi thì bông cũng chỉ cài vui lên tóc rối
chơi trò chơi… rắn rồng
cổ tích cho chị em viết giữa trùng khơi sóng hát
mai chị có về Ngõ Chùa thắp nhang cho mẹ
cũng đừng nhắc chi chuyện hoa thầu đâu rụng nhiều!”
(Cổ tích cho chị)
Dẫu buồn, dẫu đau những vết cứa hoang mang trong miền Thiên nga bay đi của Nguyễn Giúp. Nhưng tôi vẫn thấy một niềm vui rất tự do, ung dung mỉm cười, nụ cười của cánh thiên nga thuộc về trời xanh mây trắng, và thơ anh cũng vậy:
“Buổi ấy có gã say thơ mượn đôi lúm đồng tiền em chưa trả”
(Lang thang những ngọn gió trên đồi)
Chỉ cần một nụ cười của “gã say thơ” đó thôi cũng đủ làm nghiêng ngả bao người đọc thơ anh, bởi nó thanh thoát như cánh Thiên nga bay đi “lang thang rất tự do/ thủng đêm một khoảng trời dầm dề…” – (Biển và người đàn bà mang bầu).
Sài Gòn, 26/6/2020
Khét