Tương Như
(Vanchuongphuongnam.vn) – Miền đất mới phương Nam khu biệt ở vùng Tây Nam bộ với sông ngòi giăng mắc chằng chịt như một mảng lưới kênh rạch sông nước ngút ngàn. Đất Cần Thơ gạo trắng nước trong nằm giữa những con sông mạch máu ngầu đục phù sa, dập dềnh tôm cá, và tấp nập xuồng ghe thương hồ quanh năm tới lui buôn bán, quanh năm thu hút du khách bốn phương: Cần Thơ gạo trắng nước trong/ Ai đi đến đó lòng không muôn về. Sinh hoạt kinh tế sầm uất rộn ràng ngày đêm trên đất liền bằng đường bộ chưa đủ, đòi hỏi cần có sự trợ giúp của các phương tiện giao thông đường thủy. Do vậy, sự hình thành nhiều chợ nổi trên mảnh đất Tây Đô, Hậu Giang và Đồng bằng sông Cửu Long… là để thỏa mãn nhu cầu cần thiết cho sự đi lại của nhân dân địa phương đồng thời làm nơi tham quan cho du khách năm châu.
Chợ nổi Cái Răng
Điển hình nhất là các chợ nổi: Cái Răng, Phong Điền, Phụng Hiệp, Ô Môn, Thốt Nốt,…
Tiêu biểu trước tiên là Chợ Nổi Cái Răng. Thị trấn Chợ Nổi sầm uất này nằm ngay chỗ giao thoa của sông Cần Thơ, sông Cái Răng, rạch Cái Nai, rạch Bà Vèn, cách xa thành phố Cần Thơ về phía đông nam không hơn 4 cây số hướng đi Sóc Trăng. Nơi đây còn mang nhiều dấu ấn văn hóa nghệ thuật của một vùng đất lịch sử hào hùng và văn hóa rực rỡ nổi tiếng cả nước. Là nơi khiến khách du lịch năm châu từng hơn một lần háo hức muốn đến để tham quan. Ấn tượng đầu tiên phải nói tới trước hết về người anh hùng liệt sĩ Lê Bình (1924-1945) cùng 4 chiến sĩ quốc gia tự vệ đoàn, từ ấp Lợi Nguyên bên này sông âm thầm tiến về thị trấn thuộc xã Thường Thạnh. Năm cảm tử quân mưu trí giã làm người Hoa kiều đi mua lợn, đã bất thần tập kích quân Pháp đồn trú tại quận, giết chết tên đại úy Tây Rouen vào ngày 12 tháng 11 năm 1945. Bên cạnh đó còn nổi bật trên lĩnh vực văn nghệ những danh sĩ như nhà văn, nhà thơ yêu nước Hoài Sơn Ung Ngọc Ky (1920-2001), nhà báo Hồ Hữu Tường (1910-1980), nhà văn Nguyễn Bá Thế (1925-1996), nhà thơ – nhà giáo Trần Huê Phong (thế hệ tiền chiến), họa sĩ Tô Dự, nhà văn- nghệ sĩ Nguyễn Thanh Nhã,…
Trong một góc không gian văn hóa phương Nam đó, Chợ Nổi Cái Răng hiện diện bao trùm cả cây số vuông diện tích, tập trung cặp theo ven bờ sông Cái Răng và rạch Bà Vèn. Mỗi lần đi thực tế, anh em văn nghệ sĩ thường xuống những chiếc ghe máy tại một bến nước nằm cặp dọc theo bờ sông Cái Răng, ngó sang bên kia là Rạch Cái Nai xanh um những khu vườn trái cây trĩu quả. Một buối sáng muộn, ngồi bềnh bồng thả hồn nghĩ vẩn vơ trên thuyền với các nhà văn: Lê Đình Bích, Nguyễn Khai Phong (1942-2019), nhà thơ Trúc Linh Lan (hiện nay là Chủ tịch Hội Nhà văn Thành phố Cần Thơ)… tôi cảm thấy trong lòng cảm hứng dạt dào. Sinh hoạt nhộn nhịp sống động từ quận lỵ sông nước thi ca đã khiến một nhà thơ quen thuộc gọi Cái Răng là Hương Cảng của miền Tây vì Cái Răng có rất nhiều người Hoa kiều sinh sống cố cựu, làm nghề bán thuốc Bắc tại nơi đây. Chợ Nổi Cái Răng không ngủ mà hoạt động sung túc khỏe khoắn suốt ngày đêm cặp theo bờ sông Cái Răng gần bên dưới dạ cầu. Người buôn bán trái cây, cá tôm, gà vịt… từ vùng quê xa phải thức từ canh một đi đến chợ cho kịp buổi chợ sớm. Trên những chiếc xuồng chèo, ghe tam bản không mui, hàng hóa để lộ, người mua trông thấy dễ dàng. Những ghe lớn có mui, chở nhiều loại hàng hóa luôn có dựng một cây bẹo treo tòn ten đung đưa trước gió để giới thiệu cho khách biết mình bán loại hàng gì.
Giữa thập niên 1970, khi dạy học trung học nơi đây, những buổi trưa không về thành phố, tôi ăn cơm bụi, uống cà phê ở nhà lồng chợ. Khi đi la cà làm quen với bà con địa phương để xin đăng quảng cáo cho giai phẩm xuân, tôi có dịp nghe được nhiều chuyện hay về lịch sử Cái Răng (do chữ Karan, tiếng Khmer có nghĩa là cái cà ràng bằng đất đặt nồi, chão để nấu cơm – Vương Hồng Sển). Kỷ niệm đẹp đong đầy trong ký ức về quận lỵ Chợ nổi này xoay quanh những đêm trực trường, dưới bầu trời chiến tranh chói chang ánh sáng hỏa hâu, anh em giáo viên thay phiên nhau thức khuya trực trường tại cầu Đầu Sấu. Ba năm đáng nhớ là khi cặm cụi ấn hành đặc san Nắng Mới về bốn nhà văn, nhà thơ yêu nước: Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị. Bùi Hữu Nghĩa, Lê Vĩnh Hòa. Tôi với anh Đỗ Ngọc Phúc (nhà thơ Nghi Yên) gắn bó cùng nhóm học sinh giỏi: Nguyễn Văn Ấu, Nguyễn Ngọc Dũng, Kiên Huỳnh, Thư, Vinh,… (tất cả các em đều thành đạt ở vị trí viên chức nhà nước) – nhóm học sinh yêu văn nghệ báo chí của trường trung học Đệ Nhị cấp Cái Răng. Chủ nhật, ngày lễ rảnh rổi, nhóm làm giai phẩm cùng hiệu trưởng Phan Tấn Muôn (đã mất) – một cơ sở cách mạng dạt dào tâm hồn nghệ sĩ – lại tổ chức những buổi bềnh bồng ngồi thuyền, hăm hở cưỡi sóng, đi về miền quê Cái Nai, Cái Chanh, Cái Muồng… để thăm gia đình học sinh, nhiều nơi còn chịu tang tóc tiêu điều vì đạn bom đế quốc.
Chợ Nổi Ngã Bảy Phụng Hiệp
Chợ Nổi Phụng Hiệp, nay thuộc Hậu Giang tọa lạc tại bùng binh nước Ngả Bảy, nơi giao thoa của bảy con sông quê ngầu đục phù sa và dập dềnh, xao xác ghe thuyền ngày đêm tới lui mua bán. Là quê nội của anh Ba Paul (Paul Bastien), một ông Tây Việt Minh, cách Tây Đô hơn 20 cây số cũng về hướng đông nam, quận trấn Chợ Nổi Phụng Hiệp còn nổi tiếng cả nước là một địa danh văn hóa lịch sử với bài ca vua vọng cổ trữ tình lâm ly thống thiết “Tình anh bán chiếu” của NSND Viễn Châu (1924-2016) qua giọng kim mùi mẫn cao vút tận mây xanh của ông vua vọng cổ Út Trà Ôn (1919-2001).
Nội dung bài hát là tâm sự thất tình của một anh bán chiếu ở Cà Mau: Một năm trước, anh được cô gái ở Xóm Rẫy Phụng Hiệp đặt đôi chiếu bông bề dài hai thước. Cô gái đã dẫn anh bán chiếu đến phòng riêng đo ni chiếc giường gỗ đỏ. Cô hỏi giá cả, anh bán chiếu trả lời lấy giá rẻ làm quen. Năm hôm sau, khi anh sắp sửa lui ghe, cô gái đứng trên bến dặn dò kỹ lưỡng. Về nhà, anh bán chiếu (và có lẽ kiêm luôn dệt chiếu) đã nhặt từng cọng lác sợi gai, tự tay dệt đôi chiếu bông cho cô gái. Nhưng đúng hẹn một năm sau, khi anh bán chiếu trở lại vàm kênh Ngả Bảy, vác đôi chiếu bông lên xóm rẫy, tìm lại người năm trước, thì cửa vườn nhà cô đã đóng kín. Xóm giềng cho biết cô gái đã theo chồng về xứ khác hơn bốn tháng rồi. Anh bán chiếu buồn bã thất vọng, đem đôi chiếu quay lại xuồng, chờ con nước lớn để lui ghe mà cõi lòng tan nát, than trách cho mối tình tuyệt vọng. Từ bài hát “Tình anh bán chiếu” trứ danh của Viễn Châu, “Đệ nhất danh ca” Út Trà Ôn đã trở thành Vua Vọng cổ và nghệ sĩ Viễn Châu cũng được báo chí tôn xưng là Vua Soạn giả Vọng cổ.
Phụng Hiệp còn là quê quán của NSND Trọng Hữu, NSƯT Phượng Liên. Trong một mùa hè đi diệt dốt sau ngày thống nhất đất nước (năm 1978), tôi cùng các bạn giáo viên lỉnh kỉnh mang ba lô ngồi tắc ráng từ bến Ninh Kiều, xuôi dòng sông Hậu, rẽ vô thị trấn Phụng Hiệp, An Lạc Thôn rồi mới đến Kế Sách (nay thuộc tỉnh Sóc Trăng) công tác bình dân học vụ.
Chợ Nổi Phong Điền
Chợ Nổi Phong Điền cách Tây Đô khoảng hơn 40 ây số về hướng Tây Nam nằm vắt mình trên một bờ sông gần Vàm Xáng nơi con kênh Xà No chảy qua trên miền đất lịch sử giáp ranh với quận Ô Môn – quê hương của những nhà yêu nước và danh sĩ đất Tây Đô: Châu Văn Liêm (1902-1930), Lưu Hữu Phước (1921-1989), Trần Kiết Tường (1924-1999). Địa danh Phong Điền với chợ nổi ven sông này càng được nhiều người biết đến vì nơi đây có Lộ Vòng Cung lịch sử với những trận đánh long trời lở đất giữa ta và địch. Tiêu biểu nhất là trận Lung Đưa trong thời chống Mỹ mà văn học còn ghi đậm dấu ấn: “Vòng Cung đi ở khó về/ Đan chen đầu đạn, bom kề hố bom” (Lâm Thao), với tiểu thuyết “Chuyện như tiểu thuyết” (Nguyễn Khai Phong) được dựng thành bộ phim truyền hình “Lửa Vòng Cung”. Sau ngày giải phóng (1975), qua một chuyến đi thực tế, một nhà thơ đã cảm xúc trong thi phẩm “Vòng Cung”: “Bất đáo Vòng Cung phi nghệ sĩ” (Không đến Vòng Cung thì chưa phải là nghệ sĩ).
Ngoài ra, còn có soạn giả nổi tiếng Điêu Huyền Phạm Văn Điều (1913-1983), cha đỡ đầu của NSND Bạch Tuyết. Là nơi yên nghỉ của nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị (1830-1910) bên dòng sông Trà Niềng hiền hòa được nhân dân cả nước ngưỡng mộ ở lập trường dân tộc chống thực dân Pháp qua cuộc bút chiến nảy lửa với nhà thơ thân Pháp Tôn Thọ Tường (1825-1877). Du khách bốn phương đến tham quan Phong Điền, ngoài cơ hội thưởng thức trái cây đặc trưng địa phương thơm ngon, khi ngồi thuyền lênh đênh trên thuyền sẽ trông thấy tận mắt trên bờ sừng sững bia Căm thù Ba Mít nhân dân dựng lên trong thời chống Mỹ. Khách lạ phương xa còn được gặp tận mặt và nghe kể lại câu chuyện kỳ thú về dũng sĩ Phan Văn Còn – chàng Thạch Sanh xã Trường Lạc đã mưu trí quả cảm, dùng búa giết giặc trong một thời đấu tranh đuổi giặc giữ nước của nhân dân địa phương.
Chợ Nổi Phong Điền vốn nằm cặp ở một ven sông quận trấn nổi tiếng là giàu có: “Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền/ Anh có thương em, xin đừng cho bạc cho tiền/ Cũng đừng cho lúa gạo xóm giềng họ cười chê” nên các cô gái sâu sắc ngỏ lời trước với đối tác tình cảm nơi đây là quý trọng tình yêu thủy chung hơn bạc tiền vật chất trong cuộc sống lứa đôi.
Mùa nước nổi, từ hữu ngạn sông Hậu hoặc bên kia bờ sông Cần Thơ tại Xóm Chài, nay là phường Hưng Phú trông sang Cần Thơ, du khách có thể liên tưởng đến một Venise – thành phố sông nước của nước Ý. Anh em văn nghệ sĩ bốn ba miền đi thực tế tại Tây Đô, hoặc du khách về đây tham quan, luôn cảm nhận được cái thú vị vừa được ngồi thuyền bồng bềnh thả hồn trên sông, vừa được người hướng dẫn kể lại cuộc đời và sự nghiệp của không ít danh nhân, nghệ sĩ địa phương. Liệt sĩ Lê Bình, nhà thơ Hoài Sơn… (Cái Răng), Phan Văn Trị, Lưu Hữu Phước, Trần Kiết Tường,… ( Phong Điền, Ô Môn), cả tình sử lâm ly cảm động của anh bán chiếu quê ở Cà Mau, qua giọng ca vua vọng cổ Út Trà Ôn hay tiếng ca miệt vườn mùi mẫn của NSND Trọng Hữu,… Để ta có dịp yêu thêm núi sông gấm vóc quê hương trong đó có Tây Đô, thị trấn cầm thi bềnh bồng của vùng đất phương Nam.
26.06.2020
T.N