Bếp của Má! – Tạp văn của Thanh Nguyên

733

(Vanchuongphuongnam.vn) – Thì bếp vẫn luôn là của má, sáng sớm, chiều hôm, mùa mưa, mùa nắng hơn ba mươi năm rồi vẫn vậy… nhưng bếp của má ngày Tết thì tất bật gấp mười lần ngày thường. Bếp của má ngày Tết bắt đầu từ đầu tháng Chạp khi quét dọn lau chùi lần lượt nào nồi niêu, xoong chảo… kéo dài đến ngày những đứa con lần lượt đổ về thành phố với lủ khủ mớ đồ ăn má cụ bị cho mang theo ăn đến hết rằm tháng Giêng vẫn chưa hết.

Tác giả Thanh Nguyên

Nếu ngày thường má tất bật với cơm, rau ngày ba buổi, trái bếp lúc nào cũng hun hút khói. Má đi chợ từ hừng đông, mua quà bánh cho bữa sáng, vừa xong buổi sáng thì lật đật chuẩn bị cho cơm buổi trưa khi trong nhà người đi học, đi làm lần lượt về. Vừa ăn trưa thì má ngó quanh nhà chuẩn bị cho bữa xế coi có mùa gì thì ăn thức đó, khi thì ly sương sâm má hái lá rồi vò vội, khi thì chén chè đậu xanh hột gà nóng hổi, lúc thì cái bánh kẹp chuối, vì nải chuối chín bối ngoài vườn ăn không kịp… Buổi chiều của má còn tất bật với thức ăn nào của heo, gà, vịt, loay hoay má vào nhà thì trời đã chập choạng tối.

Ngày Tết, bếp của má dường như không còn sự phân định thời gian hay buổi rạch ròi như ngày thường bởi má phải luôn tay luôn chân từ sáng sớm đến đêm khuya. Đầu tháng Chạp má dành thời gian để dọn rửa, lau quét tất tần tật từ trong nhà ra ngoài ngõ, từ nồi niêu má sử dụng hàng ngày đến ly tách, chén dĩa được má trưng bày tinh tươm trong tủ kính, má còn làm hoa, trang trí nhà cửa… Đến giữa rằm, khi nhà cửa tạm “được làm mới” theo ý má, cây mai trước sân đã được nhặt lá má chuyển sang lựa đậu nếp cho nồi bánh Tét, muối dưa kiệu, dưa hành, đi chợ mua hoa về để tràn khoảng sân ngập nắng. Đó chỉ mới là những ngày đầu má khởi động cho bếp, cho Tết.

Sáng sớm ngày hai ba, bếp Tết của má thực sự bắt đầu rộn ràng hơn bao giờ hết. Má đi chợ từ sớm, mua hoa cúng, mua bánh mứt, trái cây về chuẩn bị mâm cúng cho kịp đưa gia đình ông Táo về chầu trời. Bếp của má ngày Tết với la liệt bánh bông lan, bánh kẹp giòn, bánh gai, mứt dừa, mứt chuối ngày này qua ngày khác cho tới tầm ngày hai bảy, hai tám Tết má chuyển sang rọc dây, rọc lá chuối để sáng sớm hăm chín má gói bánh tét cho kịp sáng ba mươi nấu mâm cơm cúng rước ông bà về ăn Tết cùng cháu con. Mâm cơm ngày ba mươi Tết của má lúc nào cũng tươm tất, tầm ba, bốn giờ sáng ba, má đã trở dậy chuẩn bị, má làm đầu bếp chín, ba phụ dọn mâm, pha trà, chuẩn bị bánh mứt, vừa kịp sáng lên má đã dọn lên mâm cơm cúng đầy đủ không thể thiếu các món ăn truyền thống như bánh Tét, thịt kho trứng, canh khổ qua đến món hiện đại như gà nấu món, giò chả.

Ngày Tết bếp của má lúc nào cũng ấm, cũng nóng rực bởi Tết má có ngủ đâu, khi thì canh nồi bánh Tét, hôm sau thì cúng giao thừa. Chuẩn bị tất bật cả tháng trời là vậy, ba ngày Tết má cũng có được rảnh rang ngày nào đâu, nào là sửa soạn quà bánh chúc Tết nội ngoại, họ hàng rồi nhà có khách. Chưa kể, sáng – chiều nào má cũng chuẩn bị mâm cơm cúng ông bà cho tươm tất ba ngày Tết, mà món ăn phải thay đổi hàng ngày. Má lên thực đơn để đi chợ, trữ rau, củ quả, đồ ăn từ hai tám, hai chín Tết, mua cá, thịt, nuôi gà để sẵn. Mùng Một bên cạnh bánh tét, thịt kho trứng, dưa hành kiệu má sẽ nấu thêm món cá hấp, cuốn bánh tráng, rau sống. Mùng Hai má cho ăn thịt bò xào rau củ, thì mùng Ba má sẽ đãi cả nhà món cháo gà đậu xanh vừa cúng “ra mắt”. Mùng Bốn má đã loay hoay ra vườn, tìm rau củ quả ăn cho đỡ ngán mấy món ngày ta ngày Tết. Mùng Năm con cháu lật đật hành trang lên đường về phố cho kịp cuộc mưu sinh, má lại gói tay đùm, tay nải quà quê, quà Tết cho con tất tả về phố.

Má là vậy, nhà có má bếp luôn ấm nồng rực lửa để những đứa con xa quê luôn chộn rộn nhớ về mỗi ban mai mỗi chiều hôm, nghe mùi khói nơi quê người mà man mát nhớ mùi khói bếp của má. Nhớ tiếng lửa reo, tiếng cơm sôi sùng sục, nhớ mùi nước cơm thơm ngạt ngào hương lúa mới, bao quà bánh thị thành sao sánh bằng tô nước cơm ngọt lịm mà má chắt chiu cho con cả cuộc đời. Tết đến rồi, mình về nhà thôi, vì nhà có má, có bếp lửa luôn nóng rực tình quê!

T.N