Bi kịch của người nữ trong “Truyện Kiều” và “Nỗi buồn chiến tranh” – những tương đồng gặp gỡ

484

Trong văn học Việt Nam, Truyện Kiều của Nguyễn Du và Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh là hai tác phẩm có độ phổ biến trên thế giới lớn nhất. Dẫu niên đại sáng tác cách biệt nhau hơn 150 năm, cả hai văn phẩm đều xoáy sâu vào thân phận người nữ trong xã hội. Kiều và Phương đều là những “hồng nhan” điển hình với tài – sắc hơn người, lại chủ động trong việc bày tỏ cảm xúc (dục), chính vì lẽ đó đều “bạc mệnh” với những bi kịch tương đồng: bị cưỡng hiếp, ruồng bỏ và điếm hoá.

Ngay từ đầu Truyện Kiều, sắc đẹp của Thuý Kiều đã được miêu tả trong tương quan với Thuý Vân. So với em gái – người có vẻ ngoài “trang trọng khác vời” vốn đã vượt trội những cô gái đồng trang lứa, Kiều “càng sắc sảo, mặn mà” nghĩa là nhỉnh hơn về cả tài và sắc. Đều dùng hình ảnh thiên nhiên để miêu tả dáng vẻ hai ả tố nga, như “khuôn trăng”, “nét ngài”, “mây”, “tuyết”, “thu thuỷ”, “xuân sơn”, “hoa” và “liễu” nhưng Nguyễn Du chỉ ra sự khác biệt giữa hai chị em qua thái độ của thiên nhiên đối với từng nhan sắc. Nếu mây tuyết chịu thua và nhún nhường trước vẻ ngoài của Vân, thì hoa liễu ghen tức, hờn giận khi đối mặt với Kiều. Có thể hiểu thiên nhiên ở đây như một ẩn dụ về xã hội đương thời. Thái độ khép nép ngưỡng mộ ám chỉ rằng Vân dẫu đẹp hơn người nhưng vẫn đẹp trong khuôn phép, báo hiệu một cuộc đời sóng yên biển lặng. Trong khi đó, thái độ tị nạnh ấm ức hàm ý rằng nhan sắc của Kiều vượt khỏi mọi tiêu chuẩn ước lệ và mang điềm báo diệt vong “nghiêng nước nghiêng thành”, tiên liệu số mệnh trầm luân ba chìm bảy nổi.

Phương của Nỗi buồn chiến tranh “bước sang tuổi mười bảy đã vút lên trở thành một sắc đẹp bừng cháy sân trường Bưởi”, “đẹp lồ lộ, hừng hực, đẹp một cách liều lĩnh, nổi trội, đã chẳng lẫn đi đâu được lại chẳng có ý thức nép mình”. Một lần nữa, vẻ đẹp vượt chuẩn của nhân vật nữ mang một dự cảm không lành về tương lai: dưới con mắt của bố Kiên, Phương mang một sắc đẹp “không bình thường”, “lạc thời và lạc loài” nên nàng rồi “sẽ đau khổ”. Hai tính từ “lạc thời” và “lạc loài” cho thấy nhan sắc Phương lệch chuẩn về cả phương diện thời gian và không gian.

Nghịch lí xuất hiện trong cả hai trường hợp Kiều và Phương: sắc vóc nhân vật nhấn mạnh tính nữ, nhưng cũng đồng thời đưa nhân vật vượt ra khỏi phạm trù tính nữ được quy định trong xã hội. Nghịch lí này cũng áp dụng trong phạm trù tài năng, cụ thể là năng khiếu nghệ thuật mà Kiều và Phương cùng sở hữu. Trong Truyện Kiều, nhân vật nữ chính không những thông minh thiên bẩm mà còn thành thạo cầm, kì, thi, hoạ. Trong khi đó, ở Nỗi buồn chiến tranh, Phương thể hiện năng lực vượt trội trong âm nhạc và hội hoạ: nàng đánh ghita, “hát tuyệt hay”, “đàn piano rất khá” và là người duy nhất hiểu được những bức tranh kì dị của bố Kiên.

Tài nghệ của hai nhân vật nữ nói trên đưa đến cho họ năng lực tâm linh quan trọng: nhìn thấu. Không những dự cảm được số kiếp long đong của mình mà viết nên “thiên bạc mệnh”, Kiều còn tiên tri được Đạm Tiên sẽ hiển linh: Kiều rằng: Những đấng tài hoa/ Thác là thể phách, còn là tinh anh/ Dễ hay tình lại gặp tình/ Chờ xem ắt thấy hiển linh bây giờ. Nàng cảm thông với thân phận Đạm Tiên và thấu suốt mối tương liên “hồng nhan bạc mệnh” giữa mình và người đã khuất, từ đó tiên đoán cuộc hội ngộ giữa hai kẻ hữu tình. Tương tự, Phương của năm 1964 cảm nhận được chiến tranh đã gần kề khi bạn bè xung quanh nàng, bao gồm Kiên, còn đang hồ hởi với buổi cắm trại. Nàng “nom có vẻ bồn chồn” và nói rằng “Biển làm sao ấy, sờ sợ thế nào” ngay trước khi tổ tuần tra bước tới và một người trong số họ xác nhận “Chiến tranh rồi”. Dự cảm về tương lai với “sự đổ nát” và “sự thiêu huỷ” trở lại với Phương vào năm mười bảy tuổi sau khi nàng xem tranh và tham gia nghi thức đốt tranh của bố Kiên trước khi ông lìa đời.

Cả Kiều và Phương, với tài – sắc của mình cùng năng lực nhìn thấu, ở một thời điểm nhất định, đã đem đến cho họ dáng nét chủ động vốn chỉ thuộc về nam giới. Tuy nhiên phải tới dục, họ mới thực sự bước ra khỏi giới hạn của phái yếu. Sự chủ động và táo bạo trong việc bày tỏ tình yêu và dục vọng của Kiều và Phương chính thức đẩy nhân vật đến giữa ranh giới của tính nam và tính nữ. Để chính thức xác lập mối quan hệ “Tình trong như đã, mặt ngoài còn e”, Kiều hai lần chủ động sang nhà Kim Trọng, lần thứ hai mạnh dạn và gấp gáp hơn lần thứ nhất. Không còn “Gót sen thoăn thoắt dạo ngay mái tường” và “khẽ dặng tiếng vàng” bởi hai người đã có hẹn trước, lần thứ hai Kiều “Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” mà Kim Trọng không hề hay biết. Cùng miêu tả bước chân, nhưng rõ ràng “xăm xăm băng lối” gợi nên thái độ quyết đoán mạnh mẽ và đầy nam tính, trái ngược với “gót sen thoăn thoắt” dẫu có phần nóng ruột nhưng vẫn e dè nữ nhi. Mặt khác, đối thoại trong lần gặp đầu tiên dừng lại ở những lời tình tự trai gái, còn tới lần thứ hai Kiều hoàn toàn nắm thế chủ động, tỏ rõ lòng mình và yêu cầu một lời xác nhận từ phía Kim Trọng: Nàng rằng: Khoảng vắng đêm trường/ Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa/ Bây giờ rõ mặt đôi ta/ Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao. Ví chàng Kim với “hoa” là một ẩn dụ đầy nữ tính – có thể nói trong tình huống này, cán cân giới tính truyền thống đã bị đảo lộn. Kiều đóng vai trò người nam, chủ động tìm kiếm và đưa ra yêu cầu; Kim đóng vai người nữ, thụ động và phục tùng “mệnh lệnh”.

Trong Nỗi buồn chiến tranh, Phương chủ động dẫn dắt mối quan hệ với Kiên từ khi còn tấm bé đến tận ngày nàng chọn rời bỏ anh khi hoà bình lập lại. Phương nhìn thấu sự bất định của thời cuộc, bởi vậy ngoài việc liên tục bày tỏ tình yêu của mình với anh, nàng còn hối thúc anh làm tình trong nỗi lo sợ chiến tranh sẽ phá huỷ mọi thứ họ đang có. Năm mười ba tuổi, cô bé quàng “hai cánh tay trần” lên cổ bạn trai, và “tới tấp cô hôn lên má, lên môi, lên mắt bạn trong nỗi cuồng khấu trẻ thơ nhưng ngây ngất tột cùng”. Năm mười bảy tuổi, Phương nổi loạn mặc áo tắm bên trong đồng phục rồi rủ Kiên đi bơi hồ Tây, nàng “hơi nhổm người lên, vòng tay ôm lấy cổ Kiên kéo xuống”. Trên chuyến tàu Nam tiến, nàng mời gọi anh lần nữa, nhưng Kiên rốt cuộc vẫn không dám và không thể thoả mãn nàng. Từ hành động bày tỏ cảm xúc đến hối thúc làm tình, Phương đóng vai nam và liên tục đưa ra những chỉ dẫn để Kiên theo sát.

Có thể nói, từ sắc, tài tới dục, Kiều và Phương không ngừng thúc đẩy giới hạn và khuôn mẫu người nữ cho tới khi họ đứng ở khoảng xám ranh giới giữa tính nam và tính nữ. Sự lai tạp này về cơ bản đe doạ sự ổn định của hệ thống nam quyền. Họ hoặc trở thành nhân tố cấp tiến, hoặc trở thành tội nhân điển hình. Trong cả hai trường hợp, Kiều và Phương đều bị trừng phạt không thương tiếc.

Sự trừng phạt rõ rệt nhất chính là việc cả Kiều và Phương đều bị cưỡng hiếp và bỏ rơi. Trong trường hợp của Kiều, dưới nguyên tắc tam tòng của Khổng giáo, Kiều chuyển từ sở hữu gia đình (tòng phụ) sang sở hữu hôn nhân (tòng phu), do vậy hành động cưỡng hiếp Kiều của Mã Giám Sinh mang ý nghĩa nghi thức đánh dấu sự chuyển giao. Từ nay, Kiều thuộc sở hữu của họ Mã, đồng nghĩa với việc hắn có thể bán lại Kiều cho Tú Bà (một hình thức của sự bỏ rơi). Với Phương, nàng bị cướp đi khỏi Kiên trên chuyến tàu Nam tiến. Anh “thậm chí không hiểu tại làm sao lại có một thân hình đen trũi kềnh càng nào đó đang nằm đổ ập lên người Phương như vậy, lại đang dùng tay bóp lấy mặt nàng như vậy, ý nghĩa của cảnh tượng thô bạo đó, anh chỉ kịp thấy là nó bất thường”. Ở đây, cần hiểu sự sở hữu đi kèm với sự bảo hộ – rời xa khỏi tầm kiểm soát của Kiên trong giây phút đoàn tàu bị đánh bom, Phương ngay lập tức bị xâm hại. Hành động cưỡng hiếp của đám đàn ông xác quyết rằng Phương đã bị cướp đi và không thuộc về Kiên nữa. Bởi vậy, Kiên “nhất quyết bỏ rơi nàng”. Cần chỉ ra hai điểm quan trọng trong diễn biến tâm lí của Kiên: thứ nhất, anh cho rằng bị cưỡng hiếp là lỗi của Phương; thứ hai, anh hiểu rằng nàng không thuộc về mình nữa. Kiên cố gắng băng vết máu cho Phương mà không hiểu rằng tổn thương ấy không thể nào băng lại được. Bi kịch của Phương dày thêm một tầng mới- không chỉ bị cưỡng hiếp, nàng giờ đây bị phản bội và ruồng rẫy bởi tình yêu đầu đời, người nàng coi là chồng và yêu thương nhất.

Bi kịch của Kiều có nét tương đồng khi nàng cũng bị ruồng bỏ và bán đi bởi người chồng trên danh nghĩa sau khi bị hắn cướp mất sự trong trắng. Tuy vậy, khác với quyết định nhất thời của Kiên, kế hoạch bán Kiều vào lầu xanh của Mã Giám Sinh đã được lên kĩ càng từ trước. Trong đoạn độc thoại nội tâm của mình, kẻ quen “kiếm ăn miền nguyệt hoa” chỉ chăm chăm cân đo đong đếm Kiều như một món hàng được giá, “Một cười này hẳn nghìn vàng chẳng ngoa”. Hắn đánh giá cái được mất của mối làm ăn này, hiểu rằng trinh tiết có thể làm giả bằng nước vỏ lựu, máu mào gà, để vừa chiếm đoạt được “quốc sắc thiên hương” vừa bán được một món hàng lãi lớn. Kiều không chỉ bị cưỡng hiếp, bị bỏ rơi mà còn bị hàng hoá hoá (commodified).

Kiều bị bán vào thanh lâu hai lần và phải buôn phấn bán hương, còn Phương chưa một lần khẳng định mình thực hành mại dâm. Thế nhưng, đàn ông xung quanh (kể cả Kiên) không ngừng thêu dệt về những buổi hẹn hò chóng vánh của nàng. Với Kiên, những buổi tiệc tùng của cô “ầm ĩ” và “tràn hoan lạc”, “nhớp nhơ, tả tơi, như giẻ rách và nghèo nàn không khác gì bát cơm manh áo”. Anh ám chỉ nàng kiếm cơm bằng lạc thú, và rằng công việc ấy nhơ nhớp, không đáng được tôn trọng. Hưng, người tự xưng là bạn Phương, gọi nàng là “nó” và tuyên bố với Kiên rằng: “Những con đàn bà mắt hơi hiêng hiếng lại đong đưa tất tật đều là phường truỵ lạc nhất đời, dù cũng chẳng có cái giống gì đáng yêu hơn chúng… Nhưng đến cỡ như con Phương thì…” Câu bỏ lửng thể hiện thái độ mai mỉa của đám đàn ông dành cho Phương. Dù nàng không thật sự hành nghề mại dâm nhưng trong mắt xã hội thì nàng không hơn gì đĩ điếm.

Nỗi đau chồng chất nỗi đau, nhưng bi kịch đau đớn nhất là cả hai nhân vật Kiều và Phương đều lựa chọn cách từ bỏ bản thân. Hẹn hò hàng loạt đàn ông không phải cách Phương giải phóng mình mà trái lại là để tra tấn bản thân, bởi nàng chỉ yêu mình Kiên trong đời. Nàng tự cho rằng mình “đã hư hỏng” và phải “trả giá cho những việc đã làm”. Cụ thể hơn, nàng tự cho mình là tội đồ khi trở thành nạn nhân của hiếp dâm, xứng đáng bị bạc đãi. Tại thời điểm này, đã ngấm đòn, Phương không còn thách thức những giới hạn xã hội như khi mười bảy tuổi, mà thấm nhuần luật chơi và tự đàn áp chính mình. Với Kiều, Mười lăm năm bấy nhiêu lần/ Làm gương cho khách hồng quần thử soi, quyên sinh hay nương nhờ cửa Phật, “đem tình cầm sắt đổi sang cầm cờ”… cũng là những biểu đạt khác nhau về sự từ bỏ bản thân. Bi kịch của Kiều và Phương làm sáng tỏ cách xã hội nam quyền vận hành và thống trị trong suốt nhiều thế kỉ: nó tách riêng những người nữ dám thách thức hệ thống, tra tấn họ về cả thể xác lẫn tinh thần tới khi họ đầu hàng, quy thuộc tư tưởng thống trị của đàn ông và quên đi bản sắc của chính mình.

Theo Hà Trang/VNQĐ