Bi kịch nội tâm trong “Sống mòn”

6757

Trần Thanh Xem

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nam cao là nhà văn lớn của nền văn học hiện đại Việt Nam. Những sáng tác của ông thuộc loại truyện tâm lý, ít có biến cố nhưng giàu chất truyện, có sức ám ảnh, gợi mở. Nhà văn đã bàn đến vấn đề con người trong xã hội. Đề tài chính của Nam Cao là người nông dân nghèo và tầng lớp trí thức nghèo.

Tác phấm Sống mòn được viết trước Cách Mạng Tháng Tám, ban đầu với tên gọi Chết mòn. Nội dung chính của tác phẩm thể hiện tấn bi kịch của người trí thức tiểu tư sản trong xã hội cũ, cái xã hội tàn nhẫn đã vùi dập mọi ước mơ, khát vọng, tước đi ý nghĩa sự sống chân chính của con người.

Trong tiểu thuyết Sống mòn, tần suất của các sự kiện, biến cố  không nhiều, thậm chí những sự kiện, biến cố này chỉ mang tính chất vụn vặt với những vấn đề hết sức đời thường, quen thuộc. Chẳng hạn như sự kiện khi thấy San được Dung quý mến và có cảm tình thì Thứ ganh tị, so đo vì Thứ nghĩ rằng một người như Thứ xứng đáng có được tình cảm ấy hơn San. Một con người luôn muốn cư xử tốt với mọi người xung quanh nhưng cuộc sống đã khiến Thứ trở nên ích kỉ, nhỏ nhen. Có thể thấy, những sự kiện, biến cố trong Sống mòn không lớn lao mà chỉ là những xung đột quẩn quanh cuộc sống thường nhật với những nỗi lo, mối quan tâm hết sức quen thuộc. Chỉ là những đòi hỏi mong ước thỏa mãn thói ích kỉ cá nhân tức thời như hành động Thứ vét sạch đĩa rau để trêu tức Oanh.

Nhân vật trong tác phẩm Sống mòn được đặt trong những xung đột, được thể hiện trên nhiều bình diện. Từ đó tính cách và bản chất của các nhân vật được hình thành, phát triển. Oanh ngoài mặt tỏ vẻ đồng cảm, thương xót cho số phận của hai bạn đồng nghiệp nhưng ngày ngày bớt xén từng bữa ăn của họ. Thậm chí trả lương không xứng với công sức mà hai người bạn bỏ ra. Bản chất, tính chất giả nhân giả nghĩa của Oanh hiện ra cụ thể hơn qua thái độ, cách ứng xử. Hay như tính cách con người thật của Thứ ngày một rõ nét trong các mối quan hệ khác nhau. Nhận ra bản tính xấu xa của Oanh, Thứ thấy nếu mình sống với người nhỏ nhen thì mình cũng thành nhỏ nhen. Khi mâu thuẫn lên đến cao trào thì Thứ và San quyết định chuyển phòng trọ. Về nơi ở mới, Thứ có dịp nhìn nhận, suy nghĩ về cuộc đời. Những lo lắng bộn bề khiến họ chìm vào trong chuỗi ngày sống vô nghĩa. Nó khiến Thứ phải rơi vào cảnh “sống mòn”, trở nên vô cảm trước tin người thân bị bệnh nặng. Khi nhận được tin Đích bị bệnh nặng, khó lòng qua khỏi thì phần “con” trong Thứ lộ ra “Thứ chẳng rỏ giọt nước mắt nào”. Thậm chí tàn nhẫn hơn là thầm mong cho Đích chết “giá Đích chết ngay đi”. Thứ vô tình như vậy phải chăng phần “người” trong Thứ đã bị chết. Nhưng điều đó có thể khẳng định, Thứ đã đau đớn đến “tột cùng” và đã khóc cho sự ra đi, cằn cỗi của tâm hồn mình.

Những sự kiện thể hiện trong tiểu thuyết Sống mòn đều chỉ là những thay đổi nho nhỏ, quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày. Nó là nguyên nhân của những thay đổi trong đời sống tâm lý của nhân vật. Nhân vật Thứ trong tác phẩm đã luôn phải thực hiện những động tác phân tích, tự nhận thức, lựa chọn. Không hài lòng trước sự giả dối, keo kiệt của Oanh, Thứ cũng muốn nói cho Oanh biết rõ nhưng rồi lại thấy tự xấu hổ, ân hận, vừa lên án, vừa biện hộ cho những tính xấu của Oanh. Kiếp sống nghèo khổ  khiến Thứ nhỏ nhen, ti tiện với bạn bè, tàn nhẫn, nghi ngờ vợ, ghen bóng, ghen gió, làm khổ vợ và chính mình. Cứ như thế tâm lý nhân vật cứ triền miên, nối tiếp nhau cho đến hết câu chuyện.

Thông qua các sự kiện, tình tiết, tính cách nhân vật được hình thành và phát triển. Từ đó nhà văn Nam Cao làm nổi bật tư tưởng của tác phẩm. Đó là nỗi đau xót trước bi kịch vật chất và bi kịch tinh thần của người trí thức tiểu tư sản trong xã hội cũ, những người phải chịu kiếp sống mòn, chết mòn.

Sống mòn là tiểu thuyết phác họa một cách chân thực, rõ nét cuộc sống mòn mỏi, bế tắc cả về vật chất lẫn tinh thần của tầng lớp trí thức tiểu tư sản trước Cách Mạng Tháng Tám. Những mòn mỏi, bế tắc này hiện lên sinh động qua kết cấu tâm lý. Thông qua đó, Nam Cao đi sâu vào những biến động tinh vi, đời sống nội tâm của Thứ cũng như bi kịch tinh thần của cả giới trí thức nghèo trong cuộc đời tù túng, chật hẹp, bị cơm áo gạo tiền ghì sát đất.

Nhà văn Nam Cao đã thành công khi miêu tả sâu sắc tấn bi kịch tinh thần của người trí thức nghèo trong xã hội đương thời trước 1945, những “giáo khổ trường tư”  là những người trí thức có ý thức sâu sắc về giá trị sự sống và nhân phẩm, có hoài bão, tâm huyết và tài năng, muốn xây dựng một sự nghiệp tinh thần cao quý nhưng lại bị gánh nặng cơm áo và hoàn cảnh xã hội ngột ngạt làm cho “chết mòn”, phải sống như một kẻ vô ích, một người thừa trong xã hội. Nhà văn kịch liệt phê phán sâu sắc xã hội phi nhân đạo bóp nghẹt sự sống, tàn phá tâm hồn con người. Đồng thời nói lên khát vọng, một lẽ sống lớn, có ích, có ý nghĩa, xứng đáng là cuộc sống con người.

Là một nhà văn bậc thầy của nền văn học hiện thực phê phán, Nam Cao đã sử dụng linh hoạt các yếu tố thời gian và không gian trong tiểu thuyết Sống mòn. Từ không gian làng quê cho đến căn buồng, nhà ở, Nhà văn đã vươn tới không gian tâm tưởng của con người với những trăn trở, dằn vặt, suy tư của các nhân vật trong tác phẩm. Cùng với việc đổi thay không gian, thời gian nghệ thuật cũng được mở ra nhiều chiều, tạo cho tác phẩm có được một giá trị sâu sắc. Người đọc thấy được cái nhìn và thái độ của nhà văn đối với cuộc đời, với xã hội đương thời. Đó chính là một cái nhìn vừa thẳng thắn, khách quan vừa giàu chất nhân văn.

Tiểu thuyết Sống mòn là những suy nghĩ, trăn trở về cách sống, mục đích cuộc đời trong niềm xót xa, dằn vặt khôn nguôi. Tác phẩm đã thể hiện được một cái nhìn thấu suốt của nhà văn về con người, về những uẩn khúc rối ren của cuộc đời. Sống mòn không có những xung đột căng thẳng, không đao to búa lớn mà cứ đời thường giản dị. Thông qua các tình huống, các cuộc đời nhân vật, Nam Cao đã nêu bật những giằng xé trong nội tâm, những ước mơ về một tương lai tốt đẹp của con người. Với văn phong điềm đạm, cốt truyện đơn giản, Nhà văn đã phản ánh được những điều tồi tệ, nhỏ nhen, tha hóa của nhân cách con người và lòng khát khao thay đổi cuộc sống nhọc nhằn bằng một cuộc đời tốt đẹp và nhân bản hơn. Sống mòn là tiểu thuyết đem lại sự thành công trên chặng đường sáng tác văn chương của Nam Cao. Có thể nhận thấy, bao trùm toàn tác phẩm là một tấm lòng nhân ái, một tình người thấm đẫm trong từng trang viết của tác giả.

T.T.X