Bi kịch và lẽ sống

758

Nguyễn Văn Luyện

(Vanchuongphuongnam.vn) – Chắc hẳn, sân khấu kịch hiện đại Việt Nam sẽ để lại một khoảng trống lớn nếu vắng bóng kịch của Lưu Quang Vũ. Hiếm có một kịch gia nào ở nước ta số lượng vở diễn trên các sân khấu lớn trong và ngoài nước nhiều như nhà viết kịch họ Lưu. Trong số đó, người đọc thích thú bậc nhất với vở kịch hấp dẫn “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”. Sự kì tài của người viết trong vở kịch này là bắt nguồn từ cốt truyện giản dị trong văn học dân gian, tác giả thổi vào tác phẩm hơi thở nóng hổi của cuộc sống đương đại từ đó gửi gắm chiều sâu triết lí nhân sinh có giá trị muôn đời.


Nhà soạn kịch, nhà thơ, nhà văn – Lưu Quang Vũ.

Bi kịch nhói đau

Trước khi đến với kịch, Lưu Quang Vũ đã “đắm đuối” cùng thơ với nguồn cảm hứng bất tận về tiếng Việt, về đất nước quê hương và cả những xúc cảm thầm kín về tình yêu. Nhưng tên tuổi của ông thực sự rạng danh khi tỏa sáng với sân khấu kịch. “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” là một vở kịch gồm bảy hồi, được chuyển thể từ một câu chuyện dân gian. Trương Ba vốn là một người làm vườn hiền từ, lương thiện, có học thức và rất giỏi đánh cờ. Ông được mọi người nể trọng, con cháu hết mực kính yêu. Ấy thế mà, Trương Ba bỗng nhiên chết oan do sự vô tâm tắc trách của Nam Tào trên thiên đình. Để sửa sai, Đế Thích đã cho hồn Trương Ba sống lại bằng cách nhập vào xác anh hàng thịt vừa mới chết ở gần nhà. Từ đó, việc sống nhờ, sống gửi vào thân xác anh hàng thịt đã đẩy Hồn Trương Ba vào những tình huống oái oăm, dở khóc, dở cười. Cuối cùng, không chấp nhận cảnh ngộ ấy, hồn Trương Ba chấp nhận cái chết vĩnh viễn, trả lại xác cho anh hàng thịt. Đó là một hành trình gian khổ để được là chính mình và sống trong trái tim yêu thương của mọi người.

Xung đột chính của vở kịch là cuộc tranh đấu quyết liệt giữa Hồn Trương Ba và xác hàng thịt, giữa cái thanh cao, với cái phàm tục tầm thường. Đoạn đối thoại gay cấn, căng thẳng giữa Hồn Trương Ba và xác hàng thịt giúp người đọc cảm nhận được xung đột căng như dây đàn và cả bi kịch tha hóa đầy đau xót. Ở đó, Hồn đưa ra đủ lí lẽ để khẳng định sự cao khiết của mình: “Ta vẫn có một đời sống riêng: nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn”. Xác thịt không có tiếng nói, không có tư tưởng, cảm xúc, chỉ là xác thịt âm u đui mù, chỉ là cái vỏ bề ngoài. Trái với lí lẽ kia, xác một mực khẳng định, ông không tách khỏi tôi được đâu, dù tôi là thân xác, “hai ta đã hòa với nhau làm một rồi”, “ông phải tồn tại nhờ tôi, chiều theo những đòi hỏi của tôi”. Hàng loạt chứng cớ xác hàng thịt đưa ra biện minh có phần ti tiện nhưng đó vẫn là sự thật. Bởi thế, càng về cuối, dung lượng lời thoại của xác càng dài, lời thoại của hồn càng ngắn, thậm chí chỉ là lời than thở tuyệt vọng. Trái lại, xác hàng thịt dương dương tự đắc thậm chí đưa ra lời lẽ diễu cợt bởi sự lấn át, thắng thế. Hồn đau khổ, bế tắc, tuyệt vọng bởi chẳng thể nào cưỡng lại được hoàn cảnh trớ trêu. Lời xác biện hộ không sai, thế nên hồn càng dằn vặt khổ đau vì không còn là chính mình, phải quy phục sự sai khiến của xác. Ông Trương Ba ngày xưa thánh thiện, tao nhã giờ đây khi trú nhờ xác hàng thịt trở nên phàm tục, thô lỗ quá. Tham ăn, nói to, thậm chí dung tục, tầm thường, nhiễm không ít thói hư tật xấu. Sau lớp đối thoại Hồn – xác, người viết nhắn gửi triết lí nhân sinh sâu sắc. Dù muốn hay không, khi phải sống giữa cái xấu, chắc chắn người ta sẽ bị nhiễm, thậm chí bị nó lấn át, sai khiến, tha hóa chẳng còn được sống là chính mình. “Gần mực thì đen”, làm sao mà tránh khỏi. Bi kịch đau nhói của Hồn Trương Ba khi sống nhờ thân xác hàng thịt là sự chán chường, tuyệt vọng, bết tắc tột cùng, bị tha hóa đánh mất bản chất tốt đẹp, chịu sự ràng buộc, sai khiến của thân xác hàng thịt. Trên sân khấu, hồn trong bóng dáng lờ mờ của ông Trương Ba bần thần nhập vào xác đã chưng tỏ một sự thật, hồn không thể tách rời khỏi sự lệ thuộc vào xác, thế nên nỗi dằn vặt đau khổ càng ghê gớm hơn.

Chìm trong bế tắc, đau khổ, dằn vặt, Hồn lại dằn vặt, đau khổ hơn khi nhận thấy sự thật xót xa. Ông Trương Ba không còn là ông Trương Ba ngày nào: vợ yêu mến, con kính trọng, cháu quý yêu. Giờ đây, Hồn Trương Ba xa lạ trong mắt người thân. Hãy dõi theo câu nói của người vợ 30 năm trời gắn bó để thấu tỏ tình cảnh trớ trêu của Hồn Trương Ba: “Tôi biết ông vốn là người hết lòng yêu thương vợ con… chỉ tại bây giờ… Ông đâu còn là ông Trương Ba làm vườn ngày xưa”. Một câu nói đau xót, đẫm nước mắt, hàm chứa một chút ghen tuông, giận dỗi, bế tắc của người vợ. Thậm chí, bà còn có ý định bỏ đi, đi đâu cũng được, đi “để ông thảnh thơi với cô vợ người hàng thịt”. Cái Gái, đứa cháu yêu quý, hiểu ông nhất nhà một mực chối bỏ, không nhận ông nội: “Tôi không phải là cháu ông”. Thận chí xua đuổi thẳng thừng: “Cút đi lão đồ tể”. Lời con trẻ ngây thơ, thẳng thắn như vết cứa làm Hồn Trương Ba càng nhói đau hơn. Cô con dâu thương cảm nhưng cảm thấy xa lạ bởi thầy đã đổi khác, làm thế nào để giữ lại thầy của chúng con xưa kia. Đau xót quá!

Vậy là sống gửi, sống nhờ thân xác anh hàng thịt Hồn Trương Ba không chỉ phải gánh chịu biết bao phiền toái mà còn gây ra bao đau khổ cho người thân. Và dường như, người thân đau khổ thì sự dằn vặt khổ đau của Hồn Trương Ba càng nhân lên gấp bội. Đúng là, sống mà còn khổ hơn chết. Những câu độc thoại nội tâm: “Mày đã thắng thế rồi đấy, cái thân xác không phải của ta ạ…” càng khơi sâu thêm bi kịch đau khổ tột cùng ấy. Làm thế nào để không phải sống hồn nọ xác kia? Làm thế nào để thiên lương lành vững như xưa?

Lựa chọn can đảm

Dõi theo diễn biến của hồi kịch, dường như tôi cứ ám ảnh mãi với lời độc thoại trong tâm trạng tuyệt vọng đau khổ này của Hồn Trương Ba: “Nhưng lẽ nào ta lại chịu thua mày, khuất phục mày và tự đánh mất mình?”. Trong đời sống, khi bị dồn vào chân tường, kẻ bản lĩnh nhân cách sẽ tung hê mọi thứ cố cứu lấy thiên lương. Hồn Trương Ba cũng đang trong cảnh ngộ ấy, và có một lựa chọn dứt khoát, can đảm, đứng dậy, lập cập nhưng quả quyết, đến bên cột nhà, châm lửa, thắp hương gọi Đế Thích xuống, không phải để đánh cờ, mà để chấp nhận cái chết, trả lại xác cho anh hàng thịt. Quả là, không có hoàn cảnh nào tuyệt vọng, chỉ có người tuyệt vọng vì hoàn cảnh. Trong truyệt vọng ấy, Hồn Trương Ba vẫn tìm được một lối thoát. Chết để được sống!

Đoạn đối thoại Hồn Trương Ba – Đế thích có nhiều lời thoại mang tầng sâu ý nghĩa. Hãy lắng nghe lời nói này: “Ông Đế Thích ạ, tôi không thể tiếp tục mang thân anh hàng thịt được nữa, không thể được”. Lời thoại giản dị mà ẩn chứa một cách lựa chọn can đảm, không chút do dự. Tại sao? Bởi lẽ, hồn đã thấm thía sự “tréo ngeo” khi phải sống “hồn nọ xác kia”. Đó là sự lựa chọn của nhận thức và cả tình cảm, không còn cách nào khác. Mang thân thể ấy làm chi để phải chịu phiền toái, khổ sở, dằn vặt. Đến câu thoại tiếp theo, người ta hiểu thấu hơn một khát vọng quý giá: “Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”. Đó là sự thật. Làm sao hồn ông Trương Ba, trong sạch, cao khiết chịu sự khuất phục bởi xác anh hàng thịt dung tục, tầm thường. Vậy nên, hồn thẳng thắn bày tỏ khát vọng, “được là tôi toàn vẹn”, nghĩa là được sống tự nhiên giữa thể xác và tâm hồn, được là chính mình, không phản sống nhờ, sống gửi vào ai cả. Và cuối cùng, để được là chính mình, hồn Trương Ba khước từ mọi cách sắp đặt của Đế Thích. Không nhập vào xác cu Tị, cũng không nhập vào cả Đế Thích. Hồn chấp nhận cái chết, trả lại xác cho anh hàng thịt. Đó là lựa chọn can đảm nhằm bảo vệ cốt cách tâm hồn thanh cao thánh thiện của ông Trương Ba ngày nào.

Theo dõi lớp thoại hồn Trương Ba với Đế Thích, có một điều đặc biệt là hồn luôn trong thế chủ động bày tỏ ý muốn nguyện vọng bản thân. Khác với khi đối thoại với xác, hồn luôn trong cảnh bị động, thất thế. Vậy là khát vọng được sống là chính mình tạo nên một nguồn sức mạnh giúp hồn có một chọn lựa đáng quý, đáng trọng vô cùng. “Cái chết không phải mất mát lớn nhất, mất mát lớn nhất là để tâm hồn tàn lụi khi còn sống”. Hồn Trương Ba đã có một lựa chọn dứt khoát, dũng cảm để cứu tâm hồn nhân cách của mình không hoen ố vì sự dung tục, tầm thường. Thật đáng trân trọng và yêu quý!

Lẽ sống đích thực

Một lần, xem lại vở kịch do đạo diễn Trọng Dũng dàn dựng trên Youtobe. Tôi băn khoăn mãi bởi phần kết không giống kịch của Lưu Quang Vũ. Trong vở diễn đó, sau khi hồn Trương Ba trả lại xác, anh hàng thịt sống lại buông ra những lời thô lỗ, quát chửi vợ con, lăm lăm cầm chai rượu ngửa cổ uống. Cô vợ thốt lên một lời bế tắc: không! Không! Đạo diễn sân khấu thay đổi như vậy, tôi thấy tiêng tiếc.

Trong văn bản kịch của Lưu Quang Vũ, đoạn kết mới thú vị và chứa ẩn chất thơ ngọt ngào mang đến bao cảm xúc cho người xem. Hồn Trương Ba chợp chờn trong mà xanh cây là trò chuyện cùng người thân: “Tôi đây bà ạ! Tôi vẫn ở liền ngay bên bà đây, ngay trên bậc thềm của nhà ta, trong ánh lửa bà nấu cơm, cầu ao bà vo gạo, trong cái cơi bà đựng trầu, con dao bà giẫy cỏ…không phải mượn thân ai cả, tôi vẫn ở đây, trong vườn cây nhà ta, trong những điều tốt lành của cuộc đời, trong mỗi trái cây mà cái Gái nâng niu..”.Trước đó, khi sống nhờ xác hàng thịt, hồn Trương Ba sống mà như chết, còn khi trả lại xác hàng thịt, hồn chết mà lại đang sống. Sống theo đúng nghĩa, đó là sống trong suy nghĩ, tình cảm, nỗi nhớ niềm thương của người khác. Tuyệt thật! Còn gì khổ hơn khi sống mà như chết, còn gì quý hơn khi chết mà vẫn sống. Sống trong tình yêu thương, quý trọng của người thân yêu.

Vậy đấy, sống trên đời đã là quý giá, nhưng sống trong trái tim người khác còn quý giá hơn. Trước cách mạng, nhà văn Nam Cao đã từng day dứt với kiếp “Sống mòn”, “Đời thừa”. May sao, ông Trương Ba không còn rơi vào bi kịch ấy sau khi trả lại thân xác cho anh hàng thịt. Thế đấy, sống chân thật đúng là mình quan trọng lắm. Lẽ sống ấy không chỉ vì bản thân mà còn vì hạnh phúc, niềm vui của những người xung quanh. Và khi đó, thân xác ông Trương Ba sẽ tan rữa theo bùn đất nhưng nhân cách tâm hồn ông sẽ đọng mãi trong trái trim yêu thương của những người thân yêu.

Đọc vở kịch, người ta thán phục tài năng của Lưu Quang Vũ. Cái kết của truyện cổ dân gian lại là sự mở đầu cho kịch hiện đại. Từ đó, tác giả xoay quanh mối xung đột quyết liệt giữa hồn và xác. Càng về cuối, xung đột càng căng thẳng, tạo sự kịch tính, hồi hộp cho người đọc. Cao trào được đẩy lên cao ở cảnh 7, bi kịch của hồn Trương Ba đạt đỉnh khi lâm vào cảnh trớ trêu, xác lấn át, người thân xa lánh. Thế là nỗi đau khổ tuyệt vọng đến đỉnh điểm. Từ đó, hành động đốt hương gọi Đế Thích mở ra nút thắt. Hồn Trương Ba chết để được sống. Ngôn ngữ kịch của Lưu Quang Vũ cũng rất đặc sắc, giản dị đời thường mà giàu tính triết lí.

Được viết cách đây gần bốn chục năm, vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ vẫn mang tính thời sự sâu sắc. Thông điệp sâu sắc tác giả gửi gắm vẫn còn làm day dứt những người chân chính. Sống trên đời là điều quý giá, nhưng sống là chính mình, sống trọn vẹn với những giá trị mình vốn có và theo đuổi còn quý giá hơn. Sự sống chỉ thực sự có ý nghĩa khi con người được sống tự nhiên hài hòa giữa thể xác và tâm hồn. Con người phải can đảm đấu tranh chống lại nghịch cảnh, chống lại sự dung tục, tầm thường để hoàn thiện nhân cách và vươn tới những giá trị tinh thần cao quý. Tiếc rằng, trong xã hội hiện nay, không ít kẻ chưa làm được điều đó. Bên ngoài họ một đường, bên trong lại muôn nẻo. Bởi vậy, vở kịch của “Ngòi bút vàng của sân khấu Việt Nam” sẽ luôn giữ vai trò lay tỉnh lương tri con người giữa bộn bề cuộc sống hôm nay…

N.V.L