“Bi ơi, đừng sợ!” – Tản văn của Quốc Tuấn

261

(Vanchuongphuongnam.vn) – Lẽ sống, thái độ kiên định là thứ mẹ đã đào luyện cho mình. Thế nhưng giữa cái làn ranh tử tế và nghiệt ngã, tồn tại và đẹp đẽ, vinh quang và hận sầu nơi Sài Gòn tráng lệ này, khiến cho ai đến đó để mưu cầu cũng sẽ khoan thư và dung túng cho chính mình để được rộng rãi, phóng túng hơn.

Từ một tỉnh lẻ vô danh mình đã tìm đến Sài Gòn để tìm đòi danh phận. Sài Gòn đã cho mình những trải nghiệm tứa máu. Sài Gòn cũng đã cấu thành một sự toàn thể tự đủ – đầy về cá tính của mình. Thế giới này rõ nét hai loại người: loại cực giàu và cực nghèo. Mình cũng biết nên đặt để mình vào loại nào để sống, khi mình chỉ là một thận phận mỏng mảnh bị đời bạc đãi cho ít cơ đồ…

 “Trở thành người lớn” là một khái niệm trừu tượng, khó nắm bắt, cắt nghĩa, lý giải và phát hiện. Mình nghĩ rằng mình trưởng thành khi cảm/ nhận thấy cuộc sống là cuộc giằng co thiện/ ác. Và cố gắng để trở thành người lớn là một điều sẽ dễ làm bản thân mất phương hướng. Lưng chừng ba mươi: Chưa an cư, chưa ổn định, chưa gia đình, chẳng tình yêu. Âm nhạc, nghệ thuật, quan hệ tình dục lắm lúc đều vô vị với mình.

Đêm nay, trên chiếc bàn bán nguyệt kia, tiếng đồng hồ tý tách đếm nhịp điệu lạnh trong đêm. Tiếng vo ve đơn điệu của những con muỗi, chũn chọe thì thầm tiếng chuyện trò của loài giun dế. Thế giới mơ màng chìm trong giấc ngủ. Bỗng có tiếng Dạ Oanh lảnh lót cất lên ba tiếng não nuột như gợi mối sầu, rồi lại lặng im một chặp, giọng yếu dần, chậm rãi hót lên vài khúc gao gắt. Rồi chim lại nín thinh, thều thào rên rỉ đến lúc tắt nghỉ, như tưởng đến phút cuối cùng của một người nao. Trong gác trọ giữa lòng thành phố ngàn ngạt người, một thiếu nam an tâm tựa đầu vào cuốn tiểu thuyết thấm đầy máu.

Mẹ ơi! Bi sợ. Sợ sự va quật sấp ngửa bồn chồn nơi đây. Sợ cái thiếu vắng sự hiện diện người thân thuộc. Sợ sự lênh đênh, lưu lạc, chẳng biết tấp đời vào nơi nao giữa thực tại bùng nhùng, bủa vây bon chen. Bi từng mang vẻ đẹp tinh túy cớ sao lại dạt trôi. Ngày chia tiễn biệt ly Bi đã ngập ngừng nhưng rồi trong màn đêm con đã quay gót ra đi. Thời gian từ đó ngưng đọng, kết tủa, rỉ ứa nhưng nhức một khối tình đời, tình người lỡ nhịp. Con chênh chao giữa sự mang móc quá khứ- hiện tại- tương lai. Tuổi thơ bên mẹ, hôm nay bất chợt ùa về ngậm ngùi, thấm thía.

Ba năm qua Bi chỉ sống tạm, những thăng giáng cứ triền miên nối tiếp, mang vá chẳng bao giờ yên ủi. Giữa nhịp đời cơ hàn chẳng một chốn lưu neo để giữ cho tâm hồn yên định. Ruốt cục con đang tìm chi giữa bao biến đổi bể dâu của thế thái nhân tình.

Sài Gòn đã nứt tách nhân cách của Bi và mở ra những “lệch chuẩn”. Sài Gòn đã xay nhuyễn nguyên liệu cũ nhào nặn một Bi mới. Sinh thể Bi như một con tằm dịu oặt non tơ chưa qua vòng đời lột kén bị nhúng tẩm vào niêm dịch của danh- lợi- tình với những đổi chác mưu sinh nhọc nhằn. Cuộc sống một nụ chồi vừa đơm nở phải vươn thành lá xanh và dần hóa vàng, rụng đơn độc…Đã lâu rồi Bi không được nghe tiếng mẹ thì thầm, bao dung, lặng lẽ. Sợi tình tơ nghĩa từ quá khứ trên dãy đồi bao la khoáng đạt của chốn lưu trú đất mẹ nay đứt vỡ để trải mình giữa thế giới sống đủ bội bạc, ô trọc, phàm phu, dại ngu. Xã hội thị thành lắm lúc phơi bóc những ráo cạn, phản trắc…

Nhưng Bi không dám rời nơi đây một ngày nao, vì Bi sợ trở về cái vùng đất ám mộng cả tuổi thơ nghèo đi liền với hèn đó. Bi nhớ mẹ nhưng chưa kịp trở về vì bị buộc chặt vào cái đời sống thị thành dẫu có lừa đảo, phơi gỡ ra đời sống hẹp hòi. Nhưng ít ra tài nguyên sinh tồn ở đây còn nhiều. Chí ít con tự giao đãi mình được một bữa tiệc tử tế hơn là nơi quê nhà với cả quá khứ mất mát, thương tổn. Bi sẽ buông dần sự nâng đỡ phẩm giá, bớt đi những dịu dàng, ân cần, thấm đượm như hoa để sống không như một tập vở mà mẹ hiền đã viết lên.

Nhưng, “Bi ơi! đừng sợ” Mẹ vẫn thủ thỉ vào tai mình câu từ chú quen thuộc. Bi với mẹ dù cách trở nhưng trái tim vẫn quay về hướng nhau. Trong tim trí mình chạm khảm cấu hình những lời mẹ dặn.

Bi sẽ về, nhất định! để thăm mẹ. Tìm ra đồng xa ngắm nhìn dung dáng nội nằm im lìm dưới đất sâu. Bi sẽ nghĩ về đôi lời hát ru của mẹ, hái một chút dâu chín, kể mẹ nghe về sự tử tế trong tư duy của con và ngắm vầng trăng quê nhà trước cơn giông. Bi sẽ lục lọi chai lọ, chum cụi nơi mùa phơi sân trước của mẹ để chiếm lại một miền neo đậu. Tất cả đẹp đến đau lòng. Những sự vật tưởng như vô cùng nghèo nàn đó được cất đặt, bày biện, nâng niu, quý dữ. Bi sẽ nắm tay mẹ trao cho mẹ chút hơi thở thị thành, vỉa tầng lấp lánh, lay động trên đôi bàn tay rưng rưng…

Mẹ ơi, đừng sợ! Bi đã đủ dũng khí tự đối diện.

Q.T