Bia đá – bia miệng – bia mạng…

1050

Trần Danh Thùy

(Vanchuongphuongnam.vn) – Ca dao tiếng Việt có câu:

“Trăm năm bia đá thì mòn,

Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ.”

Không biết câu ca dao nhằm khuyên chúng ta hãy thận trọng trong lời ăn tiếng nói để khỏi ảnh hưởng đến người khác, có từ bao giờ. Nhưng theo thời gian, câu ca dao, nhất là câu 1, ở từ thứ 6 và câu 2, ở từ thứ 4, 7 và 8 đã được ‘dân gian hóa’ F1, F2, F3… chế biến thành những câu khác nhau và có ý hết sức hài hước.

Tuy nhiên, việc này chẳng những không có gì nghiêm trọng mà còn chứng tỏ tính ‘uyển chuyển’ của tiếng Việt: thay đổi một vài từ trong một câu tục ngữ hoặc ca dao, câu mới sẽ mang một sắc thái mới, một ý nghĩa mới, một hiệu ứng mới… đối với cuộc sống của chúng ta.

Thế nhưng, theo tôi nghĩ, nếu ta bóc tách từ “bia miệng” ra khỏi câu ca dao và thay từ “miệng” bằng từ “mạng” thành… “bia mạng” thì sự thể sẽ khác đi rất nhiều, thậm chí ‘tệ hại’ đi nhiều…

Thực ra, 2 từ “bia” trong câu ca dao gốc có sắc thái, ý nghĩa đâu có giống nhau. “Bia đá” là có ý tốt, còn “bia miệng” thì có khi ngược lại. Có “bia miệng” cũng tốt đấy chứ nhưng ít thôi, còn phần lớn thì ôi thôi… Thế nhưng, “bia miệng” lại có ‘tuổi thọ’ cao gấp không biết bao nhiêu lần “bia đá” mới chết chứ.

Ngày xưa, nhất là ở thôn quê, con cái nhà ai vô phước bị hàng xóm, không biết dựa vào đâu, vô tình hay cố ý chê bai, trách móc mà cha mẹ nghe được thì nhẹ lắm cũng bị… chết đòn, không thì cũng… ‘một mày, hai tao’ vì tội bêu xấu gia cang, tổ tiên, ông bà. Cũng may, cái thời ấy cơ bản đã qua rồi.

Phải công nhận rằng chúng ta đang sống trong một thời đại đỉnh cao của lịch sử nhân loại. Chúng ta phải vô cùng biết ơn những nhà khoa học kỹ thuật số. Sự ra đời của điện thoại di động, những thiết bị kỹ thuật số và internet đã đưa chúng ta ‘lên mây’. Mỗi người chúng ta có thể kết nối toàn cầu như một trung tâm vũ trụ.

Trong sự kết nối ấy, những trang mạng xã hội có vai trò cực kỳ quan trọng. Thí dụ, nhờ Facebook (FB), hàng ngày chúng ta liên lạc được với những người thân, bạn bè cũ mới, bạn FB trong và ngoài nước. Thậm chí, nhờ FB, chúng ta đã tìm được những bạn học cũ, học trò cũ nhiều năm không gặp. Và với FB, chúng ta đã có thể kết thân với một số bạn có cùng một vài sở thích và thảng hoặc, chúng ta đã có thể trở thành bạn bè với nhau ngoài đời.

Thế nhưng, cũng trên trang mạng xã hội này, chúng ta nhiều lúc cũng đọc thấy, chao ôi, những lời “bia mạng” vô cùng… khủng khiếp. Ít nhất là ‘đỏ mặt tía tai’. Không thì cũng ‘sởn gai ốc’. Sao người ta có thể ăn nói với nhau ghê vậy, tôi thường tự hỏi.

Chưa hết, thời gian gần đây, qua báo chí, đặc biệt là báo mạng, chúng ta biết được rằng số người bị stress hoặc căn bệnh trầm cảm ngày càng tăng vì… “bia mạng”. Thậm chí có người đã tự tử ở một số nước (đặc biệt là ở Hàn Quốc) vì nguyên nhân này. Lý do: những người này không chịu nỗi áp lực, phần lớn của những lời lẽ của những ‘cư dân mạng’ nhắm vào, soi mói đời tư của họ, bêu riếu những thành công cũng như những thất bại của họ, thậm chí những chuyện chỉ họ biết về chuyện phòng the của họ. Vân vân… Những lời lẽ vu vạ, vô cảm, thiếu ý thức trách nhiệm, đôi khi độc ác… đã giết chết họ.

Họ có khi là những ngôi sao nổi tiếng và còn rất trẻ như Anthony Bourdain (1956-2018), một người dẫn chương trình truyền hình Pháp được yêu mến và là đầu bếp nổi tiếng thế giới; như Kate Spade (1962-2018), một nhà thiết kế thời trang và nữ doanh nhân nổi tiếng người Mỹ; như Tim Bergling (1989-2018), siêu sao âm nhạc người Thụy Điển; như Kim Jonghyun (1990 – 2017), ca sĩ chính của nhóm nhạc nam Hàn Quốc ShiNee; như Jeon Tae Soo (1984 – 2018), một diễn viên Hàn Quốc, em trai của nữ diễn viên Hàn Quốc Ha Ji Won; như Jeon Mi Seon (1970 – 2019), một nữ diễn viên đã giành được nhiều giải thưởng trong ngành giải trí Hàn Quốc…

Tiếng thị phi trên ‘net’ đã giết chết những ngôi sao, những tài năng còn son trẻ này. Họ đã tự sát vì căn bệnh trầm cảm mà một trong những nguyên nhân chính là do “bia mạng”.

“Giết người không gươm giáo” là một thành ngữ tiếng Việt có nghĩa miệng lưỡi của người này có thể dẫn đến cái chết của người khác, nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, mà không cần đến vũ khí cầm tay nào. Nó cũng giống như một loại bia miệng. Thế nhưng “bia mạng” thì… ghê gớm hơn nhiều. Nó lan truyền nhanh hơn, rộng hơn với tốc độ chóng mặt. Và do đó, tác hại của nó phải ‘khủng khiếp’ hơn…

Những cái chết của những người đã khuất do không chịu nỗi “búa rìu dư luận” trên không gian mạng có khi có những khuất tất khác nhưng tôi độ chừng chắc chắc đó là ngoài ý muốn của những nhà kiến tạo ra những trang mạng xã hội. Mục đích của họ khi tạo ra những ‘không gian kết nối’ có khi chỉ nhằm mục đích thương mại như những business. Tuy nhiên, người ta, những ‘net users’, vẫn dùng chúng như những vũ khí vào những mục đích đen tối.

Trước tình hình này, theo tôi biết, những nhà mạng đã có những biện pháp ‘filters’ nhằm loại bỏ những “bia mạng” xấu. Chính phủ các nước, trong đó có nước ta, cũng có những biện pháp hành chính và kỹ thuật để loại trừ những hành vi không ngay chính này.

Nhiều lúc tôi đã cảm thấy thương xót những ai đã yếu bóng vía và đã thúc thủ vì những thứ vô giá trị nào đó. Nhưng có lẽ, tại sao không, chúng ta hãy dành cho nhau những-lời-lẽ-có-cánh, những tiếng nói ngọt ngào, những nụ cười yêu thương… để cùng nhau tìm thấy niềm vui, lẽ sống đẹp đẽ trên cõi đời này mỗi khi kết nối với nhau trên những không-gian-mạng-tuyệt-vời…

T.D.T