“Biên bản thặng dư” – Đau đáu những phận người

567

Hoàng Thị Bích Hà

(Vanchuongphuongnam.vn) – Có lẽ ai cũng muốn chọn cho mình lối đi êm đềm nhất có thể. Kể cả trong cuộc đời lẫn sự nghiệp văn chương. Những vấn đề gai góc có tính thế sự, muốn trực diện đối mặt đòi hỏi phải có bản lĩnh nhất định. Vì vậy nếu có chăng thì số tác phẩm đó cũng không nhiều. Nhà thơ, nhà báo Phùng Hiệu đã chọn, đưa vào cõi văn chương đương đại một hiện thực cuộc sống trần trụi nhiều mảng màu buồn, thật buồn. Đó là những vần thơ đầy ám ảnh của một hồn thơ giàu lòng nhân ái.


Nhà thơ, nhà báo Phùng Hiệu.

Có thể nói xuyên suốt, bao trùm tập thơ là tính nhân văn cao cả. Vậy ở đó anh viết những gì? Chúng ta hãy cùng khám phá. Tập thơ gồm 41 bài thơ là một sự dấn thân của tác giả, rất quả cảm, đã tìm cho mình một lối đi riêng. Anh dành những trang thơ viết về những mảnh đời thiếu may mắn, những số phận éo le, lao động nghèo vất vả mưu sinh… với tất cả tấm lòng nhân ái của một người cầm bút. Bước vào trang thơ Phùng Hiệu là anh công nhân công trường, chị thợ may, người bán vé số… với lòng thương cảm sâu sắc của nỗi lòng tác giả. “Biên Bản Thặng Dư” lan tỏa đến người đọc những giọt nước mắt đồng cảm, sẻ chia. Như vậy có lẽ cũng vơi đi ít nhiều nỗi đau của những phận đời như thế. Đó là dấu ấn trong văn học đương đại mà Phùng Hiệu góp phần vào gương mặt của cuộc sống hôm nay. Nỗi đau nào, số phận nào rồi cũng đi vào quên lãng của nhân gian. Phùng Hiệu đã kịp lưu lại và ký thác tâm tình vào ngôn từ thi ca để neo lại trong lòng người đọc. Đánh thức lòng nhân ái và trách nhiệm của người đời.

Cuộc sống xô bồ của kinh tế thị trường vẫn còn chỗ cho “tình yêu và câu thơ” đã là điều đáng quý. Những vần thơ đầy tình thương và trách nhiệm lưu lại những vất vả lo toan trong cuộc sống thường nhật của người lao động – những người đã và đang làm ra sản phẩm cho xã hội lại càng đáng quý hơn!

Mở đầu tập thơ là hình ảnh người nông dân một nắng hai sương để làm ra hạt gạo:

Tôi cầm lấy bát cơm
Và nhận ra những con trâu, cánh đồng, mùa gặt
Hạt gạo trắng còn nguyên màu nước mắt
(Ngôn ngữ lên ngôi – tr 10;11)

Phải thật sự yêu cuốc sống tác giả mới những cảm nhận tinh tế khi nghe được tiếng trò chuyện của sự vật, cây cỏ.

Tôi nghe được tiếng hát của mưa
Tiếng cười của nắng
Tiếng nói của cỏ cây
(Ngôn ngữ lên ngôi – tr 10;11)

Ai cũng muốn cuộc sống luôn công bằng, chân lý phải thắng. Đó là khát vọng của nhân loại trước những bất công của cuộc đời. Tiền nhân đã từng than rằng:

Thượng đế đành vắng mặt
Chân lý lại xa vời
Tôi dối lòng an ủi ngắm mây trôi
Tìm một chút bình yên khi vong hồn sôi sục
(Tự vấn – Hoài Khanh – 1933-2016)

Dẫu biết và đã có đề cập đến nhưng vẫn còn có chút gì an phận ở người xưa. Nếu muốn xã hội ngày càng tốt đẹp hơn thì phải thức tỉnh, phải hành động theo khả năng của mình. Làm sao để góp phần hướng đến xã hội công bằng và văn minh. Nhà thơ Phùng Hiệu đã nói lên ước vọng công lý cho anh, cho tôi và cho tất cả mọi người với khả năng của người cầm bút thể hiện là đây. Rất khảng khái và quyết liệt:

Tôi đúc kết ngôn từ bằng sự thật
Tư duy vào thế giới hữu hình

Câu hỏi cuối bài như một lời luận tội:

(…) Sự thật không thể nào giết chết
Ngài phải giết người nói lên sự thật – vì sao?
(Sự thật không thể bị giết chết. tr 12)

Như vậy, không thể giết chết sự thật nên những kẻ bẻ cong chân lý đã giết người nói lên sự thật là hình thức “giết người diệt khẩu”.

Câu hỏi mà Phùng Hiệu đặt ra, đòi hỏi lương tâm và trách nhiệm của công dân trước cuộc đời, cho cá nhân, tổ chức có trách nhiệm với cuộc sống đáng được yên bình của người dân. Vì chính họ chứ không ai khác đã làm nên lịch sử, đã bao đời đấu tranh không mệt mỏi và đem cả xương máu chống thù trong giặc ngoài.

Và để hướng đến một xã hội công bằng văn minh mà mọi người dân đều mong ước, nhà thơ đã vạch ra cho mình một hướng đi, một hành động cụ thể với niềm tin tốt đẹp. Đây cũng là quan niệm sáng tác:

Gói sự thật vào giấc mơ
Tôi đi tìm công lý
Tôi tin chắc phía chân trời có ánh bình minh
(Kẻ hở bình minh- tr 20)

Những ai chịu thiệt thòi nhiều nhất trong xã hội, chính là những người dân thấp cổ bé họng – những lao động nghèo. Những vần thơ anh dành cho những con người lao động. Họ là những chỉ biết vất vả mưu sinh làm ra sản phẩm vật chất cho xã hội nhưng vẫn còn đó tình trạng thiếu công bằng. Giá trị thặng dư chỉ làm giàu cho kẻ sở hữu lao động. Anh đứng về phía họ, nói lên hoàn cảnh và tâm tư của họ bằng một trái tim nhân hậu và ngòi bút đầy trách nhiệm. Họ là ai? Là người lao động, là anh công nhân, chị quét rác… Phố phường sạch đẹp thì phải có các công nhân môi trường làm việc không quản nắng mưa để quét đường, múc cống… Mà quét hôm nay, mai rác lại ngập đường. Với thực trạng như thế nhà thơ Phùng Hiệu đã viết ra những câu thơ mà người đọc không khỏi xót xa và cũng tự thấy mình cũng có dự phần trách nhiệm:

Chị quét cả đời nhưng rác chảy về đâu?
Khi dấu chân giẫm mòn tuổi tác
Và năm tháng rót dần khô cạn
Sáu mươi năm mà rác vẫn tuần hoàn
(Quét rác– tr 13)

Tác giả sử dụng câu hỏi tu từ nhưng nhưng người đọc – những công dân đang sống trong môi trường nên chăng cũng tự vấn về ý thức bảo vệ môi trường mình đã có hay chưa?

Tác giả tiếp tục làm rõ vấn đề: Chị quét cả đời mà rác mãi phát sinh. Vậy phát sinh từ đâu?

Từ những ngôi nhà mang danh trí thức
Từ những diễn đàn hô hào, phô trương rất thực
Giữ sạch môi trường quy hoạch tự nhiên
(Quét rác-tr 13)

Quả là một nghịch lý khi những kẻ rao giảng đạo đức lại làm điều ngược lại. Xem ra không hiếm trong xã hội mà thời nào cũng có, đặc biệt là thời nay. Điều này nhiều người thấy và cũng nhiều người biết. Nhưng để mạnh dạn phản ảnh không phải là điều ai cũng có thể làm được. Đó là bản lĩnh của người cầm bút. Bằng tấm lòng nhân ái cảm thông, anh còn thấy được sự bạc bẽo của cuộc đời đối với họ:

Đến cuối cuộc đời người ta quét chị ra
Vì ngỡ rác trong khu nhà ổ chuột
(Quét rác- tr 13)

Anh nghe thấy “Tiếng nấc trong khu rừng cao su” là hình ảnh người lao động với một cuộc sống thiếu thốn, tạm bợ là vách tường bằng đất. Họ ốm đau “trong túp lều lạnh cóng” với “Những vết thương khô/ Vỡ vụn đêm ngàn”. Cuộc sống cơ cực thiếu những điều kiện tối thiểu cho một sống bình thường ngay giữa thời hiện đại vì cảnh ốm đau, bệnh tật và nghèo đói vẫn đeo bám số phận người lao động.

Suốt hành trình ngã giá mưu sinh
Những bước chân hướng về vô thực…
(Biên bản thặng dư, tr 16-17)

Bước vào trang thơ Phùng Hiệu là những mảnh đời cơ cực, lênh đênh trước nghiệt ngã cuộc đời cho gánh nặng mưu sinh. Có những câu thơ tả thực đầy chất thơ mà ám ảnh người đọc đến thế!

Chị rã bời bời khỏi xưởng may
Và vội vã bước chân về sáng
Đêm đã lắng tiếng đời đã cạn
Phố sang ngày
Trăng ngã phía tan ca

Lao động nặng nhọc, làm việc quá sức, chế độ dinh dưỡng không đủ đáp ứng. Sức khỏe của người công nhân sẽ cạn kiệt dần bởi công việc về đêm, làm thêm ngoài giờ để mong kiếm thêm chút tiền để trang trải cuộc sống:

Chị bấu vào chỉ số thặng dư
Tờ văn bản được ghi bằng nước mắt

Ký hợp đồng lao động với thời gian và công việc như thế quả là ký trong nước mắt, không dễ dàng chút nào khi mà biết trước là quá vất vả, cũng liều vậy thôi chứ biết kham nổi không và trụ được bao lâu. Làm vượt giờ, làm việc ban đêm hao tổn sinh lực hơn ban ngày. Vẫn biết là ban đêm là thời gian cần cho cơ thể nghỉ ngơi, hồi phục cho cơ thể nhưng gánh nặng mưu sinh không có lựa chọn nào hơn!

Những vần thơ của anh lại dẫn dắt chúng ta đến với cảnh đời của anh công nhân xây dựng. Anh bước vào công trường với nắm xôi lót lòng.

Anh lê những bước chân về phía công trường
Lót vào lòng nắm xôi lên giá
Anh không dám châm vào chiếc xe cà tàng giọt xăng đắt đỏ
Đành đi bộ mỗi ngày đến trước bình minh
Rồi họ sẽ ra sao?
Và kiệt sức sau mười bốn giờ căng thẳng
Với đôi chân rách tướp công trường

Thấu hiểu được những nỗi vất vả truân chuyên của người lao động, anh ghi lại những vần thơ dành cho họ từ một trái tim giàu lòng nhân ái khiến người đọc cũng quặn thắt lòng. Hình ảnh người công nhân trong thơ Phùng Hiệu làm việc cật lực với mơ ước cho con đến trường, có chiếc xe đạp để đi… đôi khi đơn giản chỉ là một tô phở. Đó là những giấc mơ rất đỗi bình thường nhưng thật không dễ:

Anh chợt thấy những đứa con được đến trường
Trên chiếc xe Martin 107
Một căn nhà vách đất
Một tô phở bò thơm ngát bình minh

Giản dị vậy thôi! Nhưng giấc mơ vụt tan biến kéo anh công nhân trở về với thực tại khi tiếng kẻng công trường báo hiệu giờ làm.

Nhưng tiếng kẻng công trường bỗng nhiên báo động
Anh giật mình đánh rớt cơn mơ

Bước vào thơ anh còn có cả những em bé chưa đủ tuổi lao động. Người sử dụng lao động vị thành niên, vẫn biết là hành động sai pháp luật nên họ đã làm giấy giả để hợp pháp hóa. Ở tuổi mười lăm, lẽ ra còn được ngồi trên ghế nhà trường nhưng em đã sớm phải đi vào nhà máy lao động trong môi trường độc hại.

Em cầm tuổi mười lăm
Bước vào nhà máy
Không thể là một đứa trẻ vô danh
Em được ngụy trang bằng cái tên lạ hoắc

Tấm lòng nhà thơ giàu lòng trắc ẩn còn thấy được “phía sau ánh đèn lừa dối” là số phận của các cô gái bán hoa cũng đau lòng không kém.

Trong ánh đèn lừa dối
Nhan sắc phô trương bằng những đường cong thân thể
Bằng sự ghen tuông đố kị tranh giành
Em quên mất câu tam tòng tứ đức của cha già ngày đêm mong mỏi
Và cuối cùng em cũng chỉ là “Nơi góc phố”… “ngả giá về đêm”
Thật chua xót biết nhường nào?

Vì đau đáu với những phận người thân cô, thế cô, anh muốn người dân lương thiện không bị những oan khuất. Khát vọng công bằng của anh được vạch ra cụ thể:

Tôi đi tìm giấc mơ
Mang tên công lý
Trong suốt hành trình tuyên chiến với thặng dư

Đây là một thách thức lớn mà cuộc đời đặt ra cho người cầm bút chân chính phải đối mặt. Và anh đã hành động bằng lòng quả cảm và chí khí. Thể hiện qua câu chữ những trăn trở suy tư của tác giả là những vần thơ trữ tình thế sự và trữ tình công dân. Văn chương là tấm gương phản chiếu cuộc sống. Anh đã góp phần làm cho người đọc hiểu rõ hơn phần nào hiện thực của cuộc sống để thông cảm và sẻ chia. Không chỉ viết thôi đâu, anh còn nhập thế tích cực. Trong vai trò quản lý ở lĩnh vực báo chí và ở công ty xây dựng của anh. Tôi tin chắc rằng với tấm lòng nhân ái, anh biết nâng niu sức lao động, biết chăm lo sức khỏe và là gì tốt nhất có thể, đặc biệt là an toàn lao động, không để có chuyện đau lòng như thế xảy ra.

Đọc đến bài “Sự mất tích của người công nhân rơi từ tầng mười tám”. Lòng chúng tôi trĩu nặng một nỗi buồn. Vấn đề an toàn lao động ở đây không đảm bảo nên dẫn đến chết người. Người ta giấu nhẹm. Mạng người chết sẽ đi vào quên lãng, nếu nhà thơ thế sự của chúng ta không kịp lưu lại vào trang viết cho hôm nay và để lại mai sau. Với mong muốn điều đó đừng bao giờ lặp lại nữa!

Cánh cửa dự án đóng im
Dù phía sau là những cơn đau sự thật
Người công nhân bật lên tiếng nấc
(… ) Họ âm thầm đưa anh về đất mẹ quê hương
(…) Anh bị xóa tên
Khi dự án hoàn thành, dự án được vinh danh

Dự án được vinh danh còn tên anh thì đi vào quên lãng, nhưng may mắn anh đã ở lại trong trang thơ Phùng Hiệu. Như vậy linh hồn anh có lẽ cũng được an ủi phần nào mà vơi đi ít nhiều nỗi oan khuất đó.

Đi vào trang thơ anh còn có những người xa quê lên thành phố mưu sinh, chịu kiếp tha phương.

Đã mấy tết con không về thăm mẹ
Bước phong trần lưu lạc tha phương
Đã mấy bận xuân về trên đất khách
Phút giao thừa lỗi hẹn với quê hương
(Bước tha phương, tr 64)

Trách nhiệm công dân của nhà thơ còn được thể hiện qua những vần thơ dành tặng người ngư dân bám biển. Vừa đánh cá vừa góp phần giữ gìn biển đảo trong tình thế hiểm nguy.

Khi mẻ lưới cuối cùng được cất lên
Anh đậy nắp khoang thuyền trong phạm vi lãnh hải
Và đối diện với đoàn thuyền hiện đại
Nhắm vào anh bằng “họng súng” vòi rồng.

Xác con thuyền chìm dần dưới đáy tự do
Anh trồi lên bằng tinh thần “chiến binh” bám biển
(Cánh chim bám biển, tr 72- 73)

Lần nữa câu hỏi đặt ra là làm sao để bảo vệ được tài sản và tính mạng của ngư dân khi mà họ làm việc trên biển ngay trong lãnh hải của Tổ quốc, không hề vi phạm lãnh hải của nước khác mà vẫn bị nước ngoài ăn hiếp?

Anh tiếp tục mang đến cho người đọc những vần thơ, là những giọt nước mắt tưởng nhớ và cả niềm tự hào về những người chiến sỹ đã hi sinh để giữ gìn biển đảo.

Các anh không về mắt đảo bỗng rưng rưng
Chiều Cô Lin xác con tàu đẫm máu
Như cột mốc chủ quyền nơi biển cả
Sáu mươi bốn anh hùng hóa đá giữ biên cương
(Các anh không về mắt đảo rưng rưng, tr 74)

Thơ anh tiếp tục làm động lòng trắc ẩn của chúng tôi với những hình ảnh người bán vé số, ông lão mù lòa hát dạo, người bị chất độc da cam… thoi thóp mưu sinh

Một hình hài chất độc da cam
Ú ớ từng câu ai mua vé số
(…) Anh thương binh lặng thầm
Từ chiến trường xưa lê đôi chân rách
Lời hát ”Ngày trở về” trên chiếc bàn vé số.
(Đằng sau tờ vé số- tr 50; 51)

Mỗi người bán vé số là một số phận thương đau, éo le và trắc trở. Tác giả cảm thông sâu sắc và làm những gì có thể để phần nào an ủi họ.

Tôi đau thương cầm mấy mươi ngàn
Không thể nào xoa dịu nỗi đau
Cho em bé đến trường
Bằng tiếng rao vé số…

Vâng! Chúng tôi hiểu một mình anh không thể xoa dịu nỗi đau của họ – những mảnh đời khốn khó mà xã hội phải chung tay, cơ quan chức năng cần có giải pháp khả thi. Vẫn biết rằng họ cũng đã và đang vào cuộc nhưng cần có trách nhiệm và nhiệt tình hơn nữa, vận động những nguồn lực có thể để cho những số phận kém may mắn mắn giảm bớt phần nào. Điều anh làm được là đưa họ vào trang viết để xã hội nhìn thấy họ, các cơ quan chức năng nhìn thấy họ. Đó là điều đáng trân trọng, đáng ghi nhận ở một ngòi bút có tâm.

Trách nhiệm công dân của anh còn thể hiện ở những dòng thơ nóng hổi tính thời sự:

Một ngày thành phố nổi cơn giông
Cũng là lúc chủ nhân của Sài Thành đi vắng
Chỉ còn cư dân cúi đầu im lặng
Những cơn đau ngập suốt đêm dài
(Phố ngập, tr 62)

Lại một vấn đề đặt ra: Tại sao thành phố ngập lụt mỗi khi mưa? Phải chăng quy hoạch thiếu đồng bộ, thiếu tính khoa học, vấn đề thoát nước chưa được tính toán kỹ lưỡng…để rồi chịu thiệt thòi nhất vẫn là những người dân nghèo vất vả mưu sinh trong nước ngập.

Và câu trả lời đã có ở khổ thơ cuối.

Thành phố mưa về hóa những con sông
Chảy qua khắp nỗi lòng thiên hạ
Những dự án năm- mười nghìn tỷ
Chỉ mua về phố xá những cơn giông
(Phố ngập, tr 62)

Nhà thơ thế sự của chúng ta góp một tiếng nói đòi toàn vẹn chủ quyền – một đòi hỏi chính đáng của bất kỳ một dân tộc nào yêu Tổ quốc. Trong thơ anh còn nghe cả tiếng nấc nghẹn ngào cho các chiến sỹ hi sinh vì vì nỗi đau còn đó, hải đảo vẫn đang bị ngoại bang lăm le dòm ngó. Bằng phương pháp liệt kê tác giả đã hệ thống lại các mốc lịch sử đầy máu và nước mắt:

Năm 1956
Hoàng Sa mất một phần máu thịt
Năm 1974
Bảy mươi tư người Việt hi sinh
Khi đang làm nhiệm vụ thiêng liêng
Bảo vệ chủ quyền quê hương biển đảo
Hoàng Sa rơi vào tay giặc
Năm 1988
Gạc Ma hóa thành biển lửa
Sáu mươi tư chiến sỹ hi sinh
Khi đang cắm ngọn cờ Tổ quốc
Đã vỡ tan trước họng thù phương Bắc
Năm 2013
Với âm mưu đường lưỡi bò dối trá
Phương Bắc ngang nhiên
Kéo giàn khoan vào lòng biển cả
Và manh tâm cắt cáp những con tàu
Rồi một ngày Bauxit Tây Nguyên
Bỗng rỉ máu từ vết thương kinh kế
Rồi một ngày chất thải Formosa
Khiến cả miền Trung phơi đầy xác cá
Thảm họa môi trường người dân gánh cả
(Biên bản chủ quyền, tr 76)

Cho dù thiên tai hay địch họa, kẻ nào gây ra đi chăng nữa thì thiệt thòi đều thuộc về người dân, những kẻ có quyền, có tiền sẽ cao chạy xa bay khỏi những vùng độc hại…Trong lúc người dân là lực lượng làm nên lịch sử. Dựng nước và giữ nước công của người dân không hề nhỏ. Nhưng họ chịu nhiều mất mát, khổ sở nhất chứ không ai khác.

Biển lại gầm lên trận bão căm hờn
Biết bao giờ lãnh thổ được bình yên

Câu hỏi này không đơn giản khi gợi lên trách nhiệm công dân cho người đọc mà hướng đến thành phần có quyền hạn và nghĩa vụ chăm lo cho đất nước. Anh kêu gọi và nhắn nhủ: Khi thế gian không chứa hết những mảnh đời bất hạnh. Cần có những vòng tay nhân ái của tình người.

Nhà thơ, nhà báo Phùng Hiệu đứng về phía người cần lao, bênh vực họ, nói lên những tâm tư nguyện vọng của họ bằng thái độ thẳng thắn, dứt khoát mà nhân hậu. Anh muốn mình có ích cho họ ngay cả khi chết đi rồi. Thi nhân đã làm di nguyện hiến xác sau khi qua đời.

Nếu tôi chết xác thân này dâng hiến
Đừng chôn tôi hoang phí một nấm mồ
Trong di ảnh khắc hai từ di nguyện
Để linh hồn luôn hát khúc hư vô
(Di nguyện- tr 82-83)

Anh chuyển tải đến người đọc những vấn đề cần suy ngẫm. Bằng nghệ thuật diễn đạt phong phú nhiều thể loại. Thơ tự do chiếm phần lớn với ngôn ngữ hiện đại, táo bạo đầy hơi thở của cuộc sống. Sử dụng các biện pháp nghệ thuật: phương pháp liệt kê, điệp từ, điệp ngữ với bút pháp tự sự và trữ tình đan xen một cách hài hòa, tự nhiên. Thơ anh mang tính thời sự trước những vấn đề nhức nhối của xã hội và đời sống của những người dân lao động nghèo… Đó là hiện thực cuộc sống mà anh chuyển tải vào thơ. Những bài thơ như những trang nhật ký buồn, có chiều sâu tư duy và nỗi lòng tác giả. Thơ khắc họa những vấn đề nổi cộm của thời đại chúng ta đang sống. Mỗi bài thơ là một câu chuyện, một nỗi niềm chứa lòng trắc ẩn của chủ thể trữ tình. Anh đã thành công khi đưa hiện thực cuộc sống trần trụi vào thi ca. Thơ Phùng Hiệu sẽ neo lại trong lòng người đọc và ghi dấu ấn cuộc sống, lưu lại cho hậu thế ít nhiều góc cạnh của cuộc sống hôm nay.

Chúng ta – những độc giả cùng thời cũng sống thực trong xã hội kinh tế thị trường, bên cạnh mặt tích cực vẫn tồn tại mặt trái đầy nhức nhối nên càng thấu hiểu ý tình của thơ Phùng Hiệu. Anh chính là nhà thơ của hiện thực cuộc sống, chất chứa tâm tình với bút pháp và nội dung không lẫn vào ai được. Có thể nói Phùng Hiệu – một mình một nẻo thơ trong một ngòi bút có trách nhiệm và giàu lòng trắc ẩn.

Sài Gòn, ngày 28/8/2020
H.T.B.H