Biên khu Việt Bắc nghĩa tình quốc tế sâu sắc, chan hòa

238

Nhà văn Phùng Văn Khai

(Vanchuongphuongnam.vn) – Trong chương trình đầu tư sáng tác tiểu thuyết sử thi và trường ca của Bộ Quốc phòng giao cho Văn nghệ quân đội thực hiện năm 2023, tiểu thuyết Biên khu Việt Quế của nhà thơ Phạm Vân Anh có một sắc màu riêng. Phạm Vân Anh trong sáng tác có thế mạnh ở nhiều thể loại: Thơ, Trường ca, Truyện ngắn, Kịch bản phim tài liệu, Ca khúc… với nhiều giải thưởng, song với thể loại tiểu thuyết, các bạn văn đồng thời vẫn chờ đợi một dấu ấn của Phạm Vân Anh.

Là người được phân công làm việc với bản thảo Biên khu Việt Quế từ đầu, tôi đã háo hức đọc từng chương, từng trường đoạn, thậm chí đã có lúc phải đôn đốc gắt gao về thời gian vì thấy mạch truyện đang quấn quýt, chữ nghĩa, tình tiết tiểu thuyết đang căng đầy, chín muồi, và nhất là cấu tứ của tác phẩm, phạm vi nội dung của nó khá đặc sắc, dường như từ trước tới nay chưa có nhà văn nào đụng tới. Phạm Vân Anh phải nói rằng đã dốc sức, chạy đua với thời gian để có được Biên khu Việt Quế theo đúng kỳ hạn của chương trình đầu tư. Những chương cuối vừa bay bổng vừa thanh thoát được hoàn thành từ sức ép nhiều mặt, nhưng cái chính yếu là Phạm Vân Anh đã khai thác đúng sở trường của mình, một chiến sĩ biên phòng gắn bó với biên cương, cột mốc đã hàng chục năm, nên khi chị viết về người chiến sĩ hai bên biên giới với tình cảm đặc biệt gắn bó đã trên nửa thế kỷ đã như viết về chính thế hệ mình, con người gan ruột của mình một cách chân thật nhất.

Cách đây hơn 70 năm, mùa hè năm 1949, theo mệnh lệnh của Trung ương Đảng, Bác Hồ và Bộ tổng Tư lệnh, quân đội ta (lúc đó có 7 trung đoàn đang chuẩn bị cho chiến dịch Biên giới Thu – Đông) đã cử một số đơn vị gồm 4 tiểu  đoàn và 3 đại đội độc lập chia làm hai cánh hành quân băng rừng, vượt núi sang Trung Quốc để cùng với các đơn vị Giải phóng quân Trung Quốc tham gia chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn, truy quét những nhóm quân Quốc dân đảng cuối cùng tại một số khu vực ở miền Nam Trung Quốc. Chiến dịch kết thúc thắng lợi ngay trước khi Cách mạng Trung Quốc thành công, nước CHND Trung Hoa ra đời (1-10-1949). Đây được coi là một trong những sứ mệnh quốc tế đầu tiên mà quân đội ta thực hiện khi điều kiện trong nước đang diễn ra cuộc kháng chiến vô cùng gian khổ ác liệt chống thực dân Pháp.

Trong điều kiện trang bị còn thiếu thốn, nhưng chúng ta vẫn cử sang Trung Quốc những đơn vị tốt nhất, với phương châm “giúp bạn như giúp mình”. Tinh thần anh dũng, ý chí kiên cường, đức hy sinh cao cả, tinh thần quốc tế trong sáng của bộ đội Việt Nam trong những ngày tháng sống, chiến đấu trên đất Trung Quốc đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân và các chiến sĩ Trung Quốc. Đặc biệt, tinh thần hiệp đồng chiến đấu, chia ngọt sẻ bùi giữa quân đội hai nước được thể hiện nồng ấm qua các trận đánh và trong sinh hoạt thường ngày. Cuối tháng 9 năm 1949, lãnh đạo và nhân dân các vùng giải phóng nồng nhiệt tiễn đưa đoàn quân vang khúc khải hoàn trở lại Việt Nam. Tiểu thuyết mô tả quá trình chiến đấu anh dũng của bộ đội Việt Nam phối hợp tác chiến với quân giải phóng Trung Quốc trên tinh thần quốc tế vô sản. Nhiều nhân chứng đồng thời là nhân vật trong tiểu thuyết sau độ lùi thời gian nhìn lại những cống hiến máu xương của bộ đội Việt Nam và quân giải phóng Trung Quốc để bảo vệ nhân dân hai nước là hết sức có ý nghĩa.

Nội dung tiểu thuyết Biên khu Việt Quế có thể dễ tóm tắt ngắn gọn như trên, song dư ba của nó nằm ngoài văn bản chắc chắn sẽ luôn sâu đậm trong trí óc bạn đọc. Chúng ta thấy ở đó, tầm nhìn xa trong rộng của Đảng ta, của Hồ Chủ tịch trong các mối ứng xử quốc tế, nhất là một đất nước núi liền núi, sông liền sông như Trung Quốc với nước ta. Cách mạng Trung Quốc, trước dấu mốc 01/10/1949 là cuộc đấu tranh cực kỳ gian khổ, thù trong giặc ngoài với nhiều nét tương đồng với cách mạng Việt Nam. Ngay sau cách mạng tháng Tám 1945, cách mạng Việt Nam, Nhà nước non trẻ Việt Nam dưới dự lãnh đạo của Đảng và Hồ Chủ tịch đã phải đương đầu với những thử thách vô cùng lớn lao trước âm mưu xâm lược nước ta một lần nữa của thực dân Pháp. Chúng ta đã phải rút lên các chiến khu Tây Bắc, Việt Bắc thực hiện trường kỳ kháng chiến cũng là lúc cách mạng Trung Quốc thực hiện cuộc vạn lý trường chinh vô cùng gian khổ, hi sinh. Về phía cách mạng Việt Nam, những năm 1949, 1950, quân đội ta đang mở các chiến dịch Biên giới Thu – Đông giành những thắng lợi quan trọng, mở thông hành lang chiến lược với nước bạn Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, việc đội quân tình nguyện Việt Nam sang chiến đấu cùng quân giải phóng Trung Quốc là hết sức có ý nghĩa.

Biên khu Việt Quế là một dấu mốc văn xuôi quan trọng của Phạm Vân Anh. Thời gian diễn ra các sự kiện trong tiểu thuyết đã có độ lùi khá xa. Trong khoảng thời gian ấy, đã có không ít những diễn biến, sự kiện, thậm chí là xung đột giữa Việt Nam và Trung Quốc là một thách thức rất lớn với ngòi bút Phạm Vân Anh. Thể hiện như thế nào đây trong bối cảnh quốc tế và khu vực đã và đang tiềm ẩn sự phức tạp, khó lường, khó nhận diện, khó biết chắc chắn những gì sẽ diễn ra? Vẫn biết văn chương là một trong những cầu nối hòa bình quan trọng, nhưng văn chương chữ nghĩa, ở những thời điểm nhất định, từ hoàn cảnh và bối cảnh mà nó thể hiện, nếu có sự lệch lạc đều sẽ dẫn đến suy diễn, quy chụp không đáng có, sẽ vô tình tạo nên những lực cản đáng tiếc. Hiểu sâu sắc điều này, Biên khu Việt Quế đã được Phạm Vân Anh triển khai với sự nồng hậu nhưng điềm tĩnh, tươi tắn bay bổng nhưng chặt chẽ chắc tay, các chi tiết, sự kiện tuy được văn chương hóa song đều từ nền tảng sự thật. Và nhất là, tình người, tình đồng chí đồng đội, tinh thần nhân văn, tính trong sáng vô tư giúp đỡ lẫn nhau của hai đội quân cách mạng Việt Nam và Trung Quốc đã được ngòi bút Phạm Vân Anh phản ánh chân thực và sinh động tới tầng bản chất.

Biên khu Việt Quế mở đầu là cuộc hành quân của hàng trăm chiến sĩ ưu tú bộ đội Việt Nam từ làng Bằng (Bắc Giang) vượt đường số 1, đường số 4 đến khu vực biên giới thuộc Đình Lập (Lạng Sơn), từ đó vượt qua dãy núi Thập Vạn Đại Sơn cùng với các chiến sĩ giải phóng quân Trung Quốc bước vào cuộc chiến đấu gian khổ, ác liệt. Trong suốt 4 tháng liên tiếp, từ tháng 6 đến tháng 10 năm 1949, các chiến sĩ Giải phóng quân Việt Nam và Trung Quốc đã chiến đấu không ngừng với tinh thần chủ nghĩa quốc tế vô sản cao cả, chiến thắng trong chín trận chiến lớn, hàng chục trận chiến nhỏ, bức rút nhiều cứ điểm địch, nối liền hai khu Thập Vạn Đại Sơn và Lục Vạn Đại Sơn, ngăn được Quốc dân Đảng cát cứ tại biên khu Việt Quế.

Với tinh thần không sợ kẻ địch mạnh, không ngại khó khăn gian khổ, không tiếc xương máu, quân đội hai nước đã mang lại hòa bình, hạnh phúc cho nhân dân biên khu, được lưu trong sử sách đấu tranh cách mạng của nhân dân khu Thập Vạn Đại Sơn với lời khen tặng “Giải phóng quân Việt Nam, áo màu nâu, mũ mõm trâu, đánh phi thường ác liệt…”. Đây chính là lời khen tặng chân thành nhất của nhân dân nước bạn dành cho các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam. Chiến dịch thắng lợi, đại quân của Giải phóng quân nhân dân Trung Hoa Nam Hạ, ta bàn giao lại địa bàn cũng chiến lợi phẩm, quân bạn tiễn đưa đến chân đèo Cẩu Tặc. Đoàn quân chiến thắng quay trở về Tổ quốc, tiếp tục bước vào cuộc chiến đấu mới.

Biên khu Việt Quế trong phần Vĩ thanh có thể hiểu như một thông điệp mở khi những người lính năm xưa của hai nước Việt Nam và Trung Quốc, sau hơn nửa thập kỷ gặp lại nhau nơi biên giới với sự xúc động tột cùng. Qua bao thăng trầm lịch sử, hai dân tộc Việt Nam – Trung Quốc vẫn gắn kết bên nhau son sắt, thủy chung, vững vàng như dãy Thập Vạn Đại Sơn trùng điệp. “Dưới cửa khẩu, ngay khu vực đường phân định biên giới, những chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Việt Nam và Công an Biên phòng Trung Quốc đã đứng xếp hàng nghiêm ngắn. Họ vừa làm thủ tục xuất nhập cảnh cho những vị khách đặc biệt – những chàng trai, cô gái mặc áo nâu, mũ mõm trâu, đánh phi thường ác liệt nơi biên khu năm nào. Đứng bên kia biên giới, những chiến sĩ Thập Vạn Đại Sơn của biên khu năm xưa cũng đã già, mặc áo đại cán sẫm màu chờ ngóng bạn qua.

“…Sương tụ thành mây bay ngang lưng núi như những dải lụa mềm. Mặt trời lên rạng rỡ tô điểm thêm cảnh sắc quê hương ngời sức sống. Đoàn xe từ từ lăn bánh về biên khu xưa, mang theo tiếng hát của người lính già hai dân tộc: Hoa Nam nơi đây chúng ta. Mối tình quốc tế chan hòa. Việt Nam – Trung Hoa thiết tha xây đẹp hai miền biên giới”.

Những đoạn văn trong phần Vĩ thanh bình dị, chân thành, ấm áp nhưng cũng rất sâu sắc, đã thể hiện không chỉ tâm tư tình cảm của người chiến sĩ Việt Nam – Trung Quốc mà còn mang thông điệp tới mai sau.

P.V.K