Biểu tượng đất trong sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư

490

Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn Việt Nam đương đại nổi tiếng với nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết, tản văn, thơ. Sinh thái tự nhiên Nam Bộ được thể hiện trong tác phẩm của chị chủ yếu là hai yếu tố đất và nước. Bài viết này tập trung phân tích các tác phẩm thể hiện vấn đề sinh thái đất đai và số phận người phụ nữ như là nạn nhân trong khủng hoảng môi trường; mối tương giao sinh thái của cặp đôi biểu tượng “đất – phụ nữ” trong việc thể hiện tiếng nói nữ quyền.


Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.

Mô tả thế giới tự nhiên vùng đồng bằng Nam Bộ, Nguyễn Ngọc Tư tập trung nhiều hơn cả vào hai yếu tố đất và nước. Chúng thường xuất hiện sóng đôi, nhưng không ở thế cân đối hài hòa, mà xâm lấn nhau, cho thấy một bức tranh sinh thái mất cân bằng. Đất – nơi bám trụ yên lành, nơi sản sinh nguồn thực phẩm chính cho con người – bị tàn phá, hủy hoại bởi sông nước. Đất hiện ra lúc thì trong thế chông chênh: một dải bên sông chưa biết khi nào bị dòng sông thình lình nuốt chửng (Sông), lúc lại là vùng nắng cháy khô hạn (Mưa mây), những cánh đồng chết, đồng khô, đồng hoang, đồng ngập mặn (Cánh đồng bất tận)… Không chỉ chịu sự xâm lấn của sông nước, đất còn chịu sự tàn phá của con người. Đất lúc này mang hình hài những ngôi làng và những cánh đồng tổn thương vì chính sách chia cắt, chuyển đổi (Đất). Ở nghĩa biểu tượng, nước gắn liền với hình tượng người đàn ông. Nước chảy trôi, dễ đổi dạng đổi hình, có khi là dòng sông tưởng êm dịu mà hóa hung dữ (Sông, Nhổ quán), có khi là biển (Những biển), có khi là mưa đến đi bất tận (Mưa mây). Những người đàn ông cũng như nước chẳng gắn bó mãi một nơi nào, người vì mưu sinh (Sông, Mưa mây), người vì sở thích phiêu bạt (Nhổ quán, Sông), người vì mê nhân tình (Những biểnĐất), kẻ khác lại vì hận tình (Cánh đồng bất tận). Ở chiều ngược lại, đất là biểu tượng của người phụ nữ. Mối quan hệ tương đồng giữa phụ nữ và đất đai rất chặt chẽ: đất bị hủy hoại, tàn phá, người phụ nữ chịu tổn hại, đau thương. Trong truyện ngắn Mưa mây, khi hệ sinh thái tự nhiên của làng bị hủy diệt, Ngò ngay lập tức chịu đau khổ. Lì lùa đàn trâu rong ruổi khắp chốn tìm nguồn nước mát và rơm rạ. Ngò chẳng bao giờ biết được chồng mình đang ở đâu. Cô vò võ chờ đợi. Thưa dần những lần Lì về nhà. Ân ái cũng chóng vánh như bước chân ra đi vội vã của Lì, bỏ lại cô một mình nằm nghe cô đơn, nhủ rằng đó có phải là lần về cuối cùng của chồng. Nương trong Cánh đồng bất tận cũng là nạn nhân của sự biến đổi sinh thái. Nhiều năm tháng rong ruổi trên những cánh đồng hoang, đồng chết, đồng cạn đã làm cô và em trai (Điền) trở thành những đứa trẻ “dị tật” tâm hồn (sợ hãi con người, nói chuyện với động vật, từ chối sự hoàn thiện về giới). Điền – là em, là bạn, là người đàn ông duy nhất bảo vệ cô – cũng ra đi, bỏ lại Nương cô đơn với cánh đồng. Để rồi đến cuối cùng, trên cánh đồng chết hoang vắng dấu chân người, Nương bị cưỡng hiếp. Trong Sông, cuộc sống bám đất khốn khó khi mọi thứ đều bị sông cuốn trôi. Những người đàn bà trong truyện Đất cũng chịu số phận của kẻ bị bỏ rơi như vậy. Bao lần lịch sử chia cắt, giày xéo cánh đồng là bấy nhiêu lần má đấu tranh, nhọc nhằn, tủi hờn. Kỉ niệm của những người phụ nữ (má) về ngôi nhà, ruộng đồng “hết thảy đều cay đắng”.

Tuy nhiên, những phụ nữ không chỉ là nạn nhân của môi trường, họ còn là chủ thể chủ động thực hành kinh nghiệm sinh thái, thể hiện quyền năng giới, nhất là quyền năng cải hóa sự sống. Cuộc sống cơ hàn, buồn tủi của kẻ bị bỏ lại là điều kiện cho những người phụ nữ nhận thức giá trị của đất, thấu hiểu và sống giao hòa với đất. Từ vị trí nạn nhân, họ bám trụ, bảo vệ đất, hồi sinh vùng đất chết, trở thành chủ nhân quyền uy của môi trường sống mới. Nhiều sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư thể hiện tiếng nói nữ quyền sinh thái: tiếng nói về kinh nghiệm sinh tồn, tình yêu thương, sự bảo bọc.

Tiếng nói nữ quyền sinh thái, trước hết thể hiện ở việc coi trọng đất đai của những người phụ nữ, trân quý những sản vật từ đất. Trong truyện Đất, Nguyễn Ngọc Tư lập hồ sơ xứ sở (Nhơn Thành) không phải về lịch sử hay địa lí mà về những kiếp người sống và giữ đất – những người phụ nữ mang tên “má”. Họ đều thấm thía cảnh “không có đất thì mình không là cái gì hết” và vô cùng yêu thương trân trọng đất, “coi đất là sẹo rún của mình, lấy ngoi ngóp bùn sình và mùa màng bất tận làm vui”. Họ đấu tranh giữ đất không chỉ cho sự sinh tồn của bản thân mà còn để bảo vệ quyền sinh sôi của tự nhiên, nhất là khi chúng đang thai nghén. Những đứa con của má (nhân vật “em”, chị gái và anh Hai) điên cuồng lăn xả vào đoàn xe kéo chính quyền điều đến chà xát cánh đồng lúa đang ôm đòng đòng. Tinh thần đấu tranh như thế mãi mãi những người không thương quý đất, không yêu tự nhiên sẽ chẳng thể nào hiểu được. “Vào buổi sáng bầy xe ủi kéo tới chà đi xát lại đám lúa no đòng đòng, họ không nghĩ rằng lúa đang chửa. Những thứ đang thai nghén đều đáng được sống, ít nhất cho tới lúc sinh nở xong.” Những kẻ không biết yêu thương, đau xót sản vật (lúa) mà đất ban cho thì không thể nào có cuộc sống tốt. Bà nội rút ra triết lí ấy từ mấy chục năm kinh nghiệm gắn bó với đất đai ruộng đồng, dạy cho những kẻ từng đốt giạ lúa chín vàng, lấy đất điền chủ. “Sau này, khi một nửa trong số họ mò đến nhà xin được cầm cố đất, bà nội chửi như tạt nước.” “Mấy người tàn mạt cũng phải, làm ruộng mà đốt lúa, đất nào tha thứ cho thứ phản phúc đó.”

Tiếng nói nữ quyền sinh thái còn là tiếng nói yêu thương con người, bao dung của những phụ nữ bám đất, giữ đất. Họ đón nhận tất cả những người đến nhà mình, xứ mình dù thế nào đi chăng nữa. Trong truyện Đất, má lớn (tức bà nội) chịu đựng nỗi đau bị phụ tình. Chồng má bỏ đi biền biệt rồi một ngày kia đột ngột đưa nhân tình về ăn nằm giữa nhà, đòi giành đất. Má đau lòng nhưng vẫn đón nhận họ và vẫn tiếp tục chăm chỉ làm lụng quản lí mấy chục công ruộng, cung phụng thực phẩm cho họ. Sau này, má lại đón nhận con trai riêng của chồng và nhân tình, cưu mang chăm sóc cậu như khách đến nhà. Lớn lên, cậu học được bài học bám đất, yêu đất từ má. Nhờ tình yêu đất đai đồng ruộng, tình cảm họ kết nối gần gụi như ruột thịt. Trong Cánh đồng bất tận, khi má của Nương và Điền bỏ đi, dấu hiệu sự sống mặt đất cũng dần biến mất. Đất như chẳng có hồn, không thực hiện được sứ mệnh nuôi dưỡng, bảo bọc muôn loài. Những cánh đồng khô hạn, hoang hoải trải dài vô tận. Hai đứa trẻ mất mẹ, cô đơn trưởng thành, cô đơn giữa những cánh đồng chết. Sự sống chỉ cho tín hiệu hồi sinh khi Nương, sau lần bị cưỡng hiếp, có ý nghĩ trở thành mẹ, sẽ dừng chân sống cố định một nơi chốn, nuôi dưỡng chăm sóc con đầy đủ, cho con đến trường, trải rộng tâm từ, xóa nỗi oán hận. Biết bao người đàn bà bên sông Di (Sông), sống đời như má con Bế, bám dải đất chông chênh ven sông lâu chừng nào hay chừng đó. Họ đợi chờ những người đàn ông của đời mình – những người theo sông bỏ xứ đi tự thuở xa xôi nào chẳng còn nhớ nổi tháng năm – bỗng trở về.

Cuối cùng, tiếng nói nữ quyền sinh thái là tiếng nói đòi hỏi xác lập bản thể cá nhân. Những người phụ nữ bám đất đều là người giàu tình yêu thương và đều chịu chung thân phận buồn tủi, đau thương. Họ như đã hóa linh hồn đất, không có cả hình hài, tên gọi riêng. Trong truyện Đất, nhân vật “em” có tên riêng nhưng anh Hai – người bị bệnh động kinh hết mực bảo vệ cô em gái như thể nợ vướng líu với cô ở một kiếp sống nào đấy – không nhớ tên thật của em, mãi mãi gọi em bằng má. Anh gọi em gái là má vì những thứ thuộc hình hài của em: tiếng nói, gương mặt – như má – làm anh yên lòng, thôi hoảng sợ, thôi đập đầu vào tường, thôi bứt tóc, thôi gào réo mà nhoẻn miệng cười tươi. Em vì bảo vệ đất mà bị cưỡng hiếp. Anh Hai vì bảo vệ em mà lăn mình vào xe ủi đất đang chà xát lúa để ngăn cản bọn đàn ông đang quằn quại trên em. Tác phẩm khép lại với nỗi băn khoăn của “em” về sinh kiếp. Đấy là lúc “em” thức nhận ý nghĩa bản thể cá nhân mình và bao người phụ nữ: “Một cơn gió độc nào đó thổi qua, mang theo cơn lạnh buốt lên đỉnh đầu. Bà nội nói không có đất thì mình không là cái gì hết. Nhưng khoảnh khắc này, em nhận ra, không có tên mình không là gì, không là ai, và không còn gì hết. Mình có hay không, ma hay người…” Đến lúc, những người phụ nữ không chỉ thụ động thực hiện sứ mệnh giới, sứ mệnh sinh thái tự nhiên, mà còn cần xác lập vị trí, bản sắc riêng mình: cái tên của riêng cho mình, một đời sống riêng cho mình.

Có thể nói, dưới ngòi bút của Nguyễn Ngọc Tư, đất đã vượt thoát khỏi bản chất vật chất thuần túy để trở thành một biểu tượng nghệ thuật giàu sức quyến rũ, tượng trưng cho người phụ nữ Nam Bộ nói riêng, người phụ nữ Việt Nam nói chung. Người phụ nữ trong sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư là trung tâm của các hệ giá trị cơ bản của con người, là sự hồi sinh, tình yêu, sự thịnh vượng, sự giải thoát… Thiết nghĩ, ý nghĩa nhân bản sâu sắc đó là một trong những lí do đưa Nguyễn Ngọc Tư lên một vị trí trang trọng của văn học Nam Bộ đương đại.

Theo Lê Thị Gấm/VNQĐ