(Vanchuongphuongnam.vn) – Sau chữ Hán và chữ Nôm sử dụng trong sáng tác ở miền Bắc và miền Trung, tiếng Việt được coi là chữ quốc ngữ xuất hiện ra trước ở Nam bộ. Nối tiếp truyền thống văn hóa của cha ông là những người cầm bút sáng tác bằng chữ quốc ngữ tiêu biểu từ thế kỷ trước như: Nguyễn Trọng Quản (1865-1911), Trần Chánh Chiếu (1868- 1919), Nguyễn Chánh Sắt (1969-1947),… Sang thế kỷ 20, đã có không hiếm những nhà văn tâm huyết của vùng đất phương nam nguyên sơ thời đang khai phá. Bên cạnh những ngòi bút tiêu biều như Hồ Biểu Chánh (1884-1958), Sơn Nam (1926-2008), Phi Vân (1917-1977), Kiều Thanh Quế (1914-1947),… nhà văn Bình Nguyễn Lộc nổi trội ở văn tài như cây đại thụ -một hồn ma cũ của đại ngàn văn chương nơi miền đất mới.
Ở miền Nam, từ trước năm 1975, sách giáo khoa Việt văn (Ngữ văn) các lớp trung học phổ thông, mà giáo viên văn học đã tham khảo đa phần do tác giả gốc ở miền Bắc biên soạn như Phan Ngô, Đỗ Văn Tú, Nguyễn Duy Diễn, Nguyễn Sỹ Tế…và Thẩm Thệ Hà ở Sài Gòn. Tôi đã sử dụng bộ sách của Thẩm Thệ Hà (1923-2009) – một nhà giáo – văn nghệ sĩ kháng chiến có uy tín hoạt động hợp pháp trong lĩnh vực văn nghệ và giáo dục tại Sài Gòn. Bộ sách Việt văn này gồm có Luận văn (Tập làm văn), Giảng văn (Kim và Cổ văn), Chính tả-Văn phạm (Ngữ pháp), Phương pháp làm văn Nghị luận: Luân lý và Văn chương, Mỹ từ pháp,… mà tôi coi như kim chỉ nam để giảng dạy cho học trò.
Với một tâm hồn nghệ sĩ và giàu kiến thức sư phạm, giáo sư Thẩm Thệ Hà đã biên soạn đầy đủ, công phu bộ sách của ông với một tinh thần khoa học, rất tiến bộ ít tìm thấy ở sách khác cùng loại. Nhờ sách của Thẩm Thệ Hà, tôi đã biết thêm ngoài tác giả miền Bắc, nhất là trong Tự lực Văn đoàn, là những nhà văn, nhà thơ uy tín miền Nam đã tham gia cách mạng như : Sơn Nam (1926-2008),Trang Thế Hy (1924-2015), Lý Văn Sâm (1922-2000), Tô Nguyệt Đình tức là Tiêu Kim Thủy (1920-1988),…và đặc biệt là Bình Nguyên Lộc một nhà văn lớn có tài nổi trội với khối tác phẩm đồ sộ và đa dạng.
Nhà văn Bình Nguyên Lộc.
Bình Nguyên Lộc (1914-1987) tên thật là Tô Văn Tuấn, thường ký với các bút danh: Bình Nguyên Lộc, Phong Ngạn, Phóng Ngang, Phóng Dọc, Trinh Nguyên Tôn Dzật Huân, Hồ Văn Huấn, Diên Quỳnh. Bình Nguyên Lộc (nghĩa: nai đồng bằng) được coi là một nhà văn lớn của phương Nam trong chín năm kháng chiến chống Pháp (1945-1954). Ông sinh ra tại làng Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa, cùng quê hương với thi tướng Huỳnh Văn Nghệ (1914- 1977) nổi tiếng với hai câu thơ được cả nước thuộc lòng: Từ thuở mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long (Nhớ Bắc)*.
Bình Nguyên Lộc xuất thân trong một gia đình trung lưu đã có mười đời sống tại Tân Uyên, cha là ông Tô Phương Sâm làm nghề buôn gỗ và mẹ là bà Dương Thị Mão. Nhà Bình Nguyên Lộc chỉ cách bờ sông Đồng Nai hơn một trăm mét nên hình ảnh con sông quê hương đã in đậm dấu ấn trong những trang văn sau này của ông ở truyện ngắn Đồng đội (Ký thác), hồi ký Sông vẫn đợi chờ (đăng báo ở hải ngoại). Lên năm tuổi, Bình Nguyên Lộc bắt đầu đi học chữ Nho với một ông đồ trong làng, sau đó vào học trường tiểu học ở quê nhà (1921-1927). Năm 1928, ông ở nhà luyện tiếng Pháp để thi vào trung học Pétrus Ký ở Sài Gòn. Sau bốn năm học (1929-1933) ở trường trung học Pétrus Ký, ông đỗ bằng Thành chung (Diplôme d’Études Primaires Supérieures). Năm 1934, sau khi về quê lập gia đình với cô Dương Thị Thiệt, Bình Nguyên Lộc thi đỗ vào ngạch thư ký hành chính nhưng phải một năm sau mới đi làm vì kinh tế nhà nước khủng hoảng. Lúc đầu, ông làm công chức tại Kho Bạc tỉnh Thủ Dầu Một (nay là tỉnh Bình Dương).
Năm 1936, Bình Nguyên Lộc đổi về làm nhân viên kế toán ở Kho Bạc Sài Gòn (sau gọi là Tổng nha Ngân khố Sài Gòn) và bắt đầu viết sung sức từ thời điểm này sau một cơ duyên chữ nghĩa khiến ông đến với làng văn. Trong tập hồi ký viết dở dang Nếu tôi nhớ kỹ, khoảng năm 1930, nữ doanh gia Tô Thị Thân, chủ nhân của 20 tiệm cầm đồ tại Sài Gòn bị báo chí chỉ trích là gian thương nên muốn ra một tờ báo để có tiếng nói bênh vực cho mình. Bà Thân nhờ người thư ký kế toán của bà là ông Tô Văn Giỏi vốn là anh họ của Bình Nguyên Lộc, tìm hộ người phụ trách tờ báo. Ông Giỏi nhờ Bình Nguyên Lộc tìm người làm báo.
Từ việc tìm kiếm người làm báo, ông có dịp tới lui với văn nghệ sĩ khiến ông thấy thích nghề cầm bút và tập viết báo, viết văn. Năm 1942, Bình Nguyên Lộc bắt đầu cộng tác với báo Thanh niên của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát trong ban biên tập có cả Xuân Diệu, Huy Cận, Tố Hữu, giao du với Đỗ Đức Thu, Mặc Đỗ, Nguyễn Văn Bỗng (),…
Năm 1949, Bình Nguyên Lộc xuống sống luôn ở Sài Gòn, thôi làm công chức sống luôn bằng nghề viết văn và cộng tác với các báo: Lẽ sống, Đời mới, Tin mới, Bách khoa, Văn hóa Ngày nay (của Nhất Linh) ,.. Bình Nguyên Lộc cũng chủ nhiệm tuần áo Vui sống (1959) rồi phụ trách trang Văn nghệ của báo Tiếng chuông (1960-1963) và làm Chủ biên nhật báo Tin sớm (1964-1965). Khi bắt đầu viết dài kỳ cho các báo (1951-1952), Bình Nguyên Lộc viết truyện phiêu lưu, dã sử… rồi sau đó là truyện tình cảm.
Tác phẩm của Bình Nguyên Lộc.
Cao điểm có lúc ông viết 11 truyện dài kỳ mỗi ngày. Từ những năm sau 1975, do bệnh cao huyết áp bị kiệt sức, ông không tham gia hoạt động xã hội và văn nghệ. Sang Mỹ định cư (tháng 10/1985), khi đỡ bệnh, Bình Nguyên Lộc vẫn không quên cầm bút viết trở lại truyện ngắn, hồi ký, tiểu thuyết và các loại sách tìm hiểu về nguồn cội và ngôn ngữ dân tộc… cộng tác với các tạp chí văn học ở hải ngoại. Nhiều tiểu thuyết ở dạng bản thảo đang viết dở dang còn được gia đình lưu giữ lại một ít, nhưng phần lớn đã thất lạc sau khi nhà văn qua đời (1987).
Bình Nguyên Lộc để lại một khối tài sản văn hóa đồ sộ (Nguyễn Ngu Í) gồm: ngoài bút ký và thơ là khoảng 50 tiểu thuyết, 1.000 truyện ngắn 4 quyển nghiên cứu độc đáo, mỗi quyển hơn nghìn trang. Ông Bình Nguyên Lộc được coi là một nhà văn lớn, với số lượng tác phẩm vô dịch viết theo theo nhiều thể loại – một trong tam kiệt của làng văn trong nước, bên cạnh Hồ Biểu Chánh (1885-1958), Nguyễn Hiến Lê (1912-1984), Lê Văn Trương (1906-1964).
Tiêu biểu cho sự nghiệp văn chương của Bình Nguyên Lộc trước tiên phải kể cuốn tiểu thuyết Đò dọc đã đoạt giải nhất cuộc thi Văn chương Toàn quốc năm 1959 tại Sài Gòn. Phơi bày bức tranh xã hội của miền Đông Nam bộ vào giữa thập niên năm 1950, Bình Nguyên Lộc đã thành công nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật trong cuộc sống di dân ngược xuôi như những chuyến đò dọc của ông bà Nam Thành cùng bốn cô con gái: Hương, Hồng, Hoa, Quá. Cuộc chiến tranh diễn ra ác liệt, khiến người gia trưởng cùng vợ con từ Bạc Liêu, Tây Nam bộ lên Sài Gòn sống ở xóm Tây gần thành Ô Ma. Đến ngày Pháp rút khỏi Việt Nam, bốn cô con gái đã học được một ít chữ nghĩa thì cả nhà lại trôi dạt về một sống ở một xóm quê khô cằn ở Thủ Đức, miền Đông.
Cuộc sống đơn điệu với từng ấy gương mặt có nguy cơ biến các cô tiểu thư xinh đẹp thành những cô gái già héo úa. Mỗi cô con gái có một tâm tình riêng, người cha và người mẹ không dễ thấu hiểu và chia sẻ với họ. Viết Đò dọc, tác giả như muốn tôn vinh giá trị gia đình như một nền tảng để con người có thể tựa vào trước bao biến thiên của xã hội. Cuốn tiểu thuyết nổi tiếng này được Đạo diễn Nguyễn Trọng Nghĩa, hãng phim truyền hình TFS thực hiện, vào năm 2013 quay trong bốn tháng ở Gò Công, Long Khánh, Sa Đéc, Bình Dương, Đà Lạt và Sài Gòn với các diễn viên: Quách Ngọc Ngoan, Hoàng Thy, Phan Như Thảo,… Ngoài Đò dọc là nền tảng bộ phim, nhà văn biên tập Nguyễn Thị Minh Ngọc đã lồng ghép thêm các 7 truyện ngắn khác của Bình Nguyên Lộc (gồm: Nhốt gió, Hương hành kho, Nuôi ghẻ, Xác không chôn, Tấn kịch khan nhà, Me Tây, Một cây triết lý xanh dờn) để làm cho kịch bản phong phú và đầy đặn thêm cho bộ phim dài 30 tập.
Ngoài tiểu thuyết, truyện ngắn và tùy bút thật hay như: Nhốt gió (1950), Ký thác (1960), Những bước lang thang trên hè phố của gã Bình Nguyên Lộc (1966), Tình đất (1966), Thầm lặng (1967), Cuốn rún chưa lìa (1969),… Truyện Nhốt gió nói một thằng bé con có khát vọng nhốt gió lại, để gió đừng bay đi nhưng nhốt không được gió nên nó tìm cách thỏa hiệp với gió, bèn phải chơi với gió. Người đọc chủ quan tự đoán ra ý nghĩa của gió. Phải chăng đây là sự nổi loạn của tuổi trẻ hoặc là sự quật khởi của người dân mất nước. Không nói đến ý nghĩa khách quan toát ra từ hình tượng gió, nghĩ ra được hình tượng đặt vào văn cảnh trong truyện cũng đã là rất tân kỳ.
Tập Ký thác, gồm 16 truyện, trong đó có những truyện ngắn hay như: Rừng mắm, Ba con cáo, Đội bạn mắc hoa vông,.. tiêu biểu cho nghệ thuật truyện ngắn của Bình Nguyên Lộc. Thằng Cộc theo ông và cha mẹ đến rừng nước mặn mà gia đình nó đặt tên là Ô Heo, chiến đấu với thiên nhiên, lấn biển để giành đất sống, gợi ta nhớ đến cuộc chiến đấu đơn độc giữa Ngư ông và biển cả (The old man and the sea- Ernest Hemingway) hoặc Mai An Tiêm (Quả dưa đỏ-Nguyễn Trọng Thuật), Robinson Crusoe (Daniel Defoe) nơi đảo hoang. Ở truyện Rừng mắm, ba đời nhà thằng Cộc tượng trưng cho cuộc di dân Nam tiến của người Việt từ Bắc xuống Nam từ thuở xa xưa trong trạng thái thèm người đến cháy bỏng. Trong tác phẩm này, Bình Nguyên Lộc đem đối chiếu bản chất người của con người với thiên nhiên, với đất và nước. Khi đổ bộ xuống vùng đất Ô Heo, cả ba đời nhà thằng Cộc phải giáp trận với thiên nhiên chiến thắng rừng tràm để lập đất sống lấn ra biển. Ngoài Sơn Nam xuất hiện sau một thập niên, dường như trước Bình Nguyên Lộc, chưa thấy nhà văn nào viết về sự khai phá đất hoang của dân tộc Việt Nam, về đất và nước một cách bát ngát và sâu xa đến thế (Thụy Khuê).
Ở truyện Ba con cáo, nhà văn tinh tế phân biệt sau nhân tính với bản năng động vật, là cuộc tranh giành sự sống giữa người và vật trong vật vả, đói khát giữa một bãi tha ma. Cuối cùng, con người cũng chiến thắng về vật chất, nhưng lại trĩu nặng những di chứng tinh thần : “Hồ ly rùng mình một cái, không phải vì lạnh, cũng chẳng phải vì sợ mà vì chỉ bỗng sợ hải chính mình, sợ hải con người con người đã vơi cạn hết chất người”.
Từng dòng chữ thể hiện chất nhân văn cũng như óc quan sát chi ly rất chịu khó ở nhà văn như đoạn mở đầu truyện ngắn Rừng mắm mà nhà văn mô tả tâm trạng thằng Cộc chăm chú theo dõi con chim bói cá (chim thằng chài: le martin pêcheur) với vẻ thích thú: “Chim đang bay lượn bỗng đúng khựng lại, khiến thằng Cộc thích chí hết sức. Nó theo dõi con chim thầy bói ấy từ nãy đến giờ, chờ đợi cái phút này đây. Thật là huyền diệu, sư đứng yên được một chỗ trên không trung, trông như là chim ai treo phơi khô ngoài sân nhà. Chim thầy bói nghiêng đầu dòm xuống mặt rạch giây lát rồi như bị đứt dây treo, nó rơi xuống nước mau lẹ như một hòn đá nặng. Vừa đụng nước, nó lại bị bắn tung trở lên như một cục cao su bị tưng, mỏ ngậm một con cá nhỏ”.
Ngoài những truyện có tính cách kinh dị nhưng kết cục giải mã trên cơ sở thực tế khoa học trong tập Tân Liêu trai (ký Phong Ngạn), truyện “Thèm người”, Bình Nguyên Lộc viết như một truyện ngụ ngôn (fable). Anh chàng Bùi An Khương bị thất tình, khổ đau, ấm ức đi tìm cách trả thù tình. Khi vào rừng, anh ta bị một con khỉ cái bắt, cặp nách chuyền vùn vụt trên các ngọn cây. Đêm đêm, nó trói chàng vào thân cây, ban ngày tìm hái trái cây ngậm đầy miệng đem về nuôi chàng để mà ….hiếp. Chàng trai sống mãi với khỉ đột đến gần mất hết tình người. Dù vậy, có người bảo Bình Nguyên Lộc viết truyện này với hảo ý làm vui người đọc nên không mấy chú ý về bút pháp nghệ thuật (Võ Phiến).
Chịu khó đọc kỹ lại khối tác phẩm to lớn, đủ thể loại của Bình Nguyên Lộc, ta có thể thấy điểm sáng nổi bật ở hồn cốt nhà văn này. Do tính dễ dãi của người Nam bộ hoặc công việc của một cây bút viết chạy feuilleton hằng ngày, lời văn Bình Nguyên Lộc như ngôn ngữ đời thường của đa phần quần chúng lao động, đặc biệt truyện sử dụng nhiều đoạn văn ở hình thức đối thoại. Tác giả viết thoải mái mà không chú ý trau chuốt tỉa gọt, dùng cả đến những tiếng lóng, tiếng địa phương của người dân tộc. Bằng phong cách nghệ thuật đại chúng đó, Bình Nguyên Lộc làm hiển thị lên trong tác phẩm của ông nhiều chủ đề lớn trong nội dung tư tưởng tác phẩm:
Trước hết là cảm thức về nguồn với tấm lòng biết ơn tiền nhân đã dày công khai phá vùng đất hoang sơ, chống chọi lại với thiên nhiên khắc nghiệt và thú dữ hại người thể hiện trong những truyện ngắn và tùy bút được coi thể loại sở trường của Bình Nguyên Lộc: Nhốt gió (1950), Ký thác (1960), Tình đất (1966), Những bước lang thang trên hè phố của gã Bình Nguyên Lộc (1966), Thầm lặng (1967), Cuống rún chưa lìa (1969)… Ai cũng biết, Huế, Hà Nội đều có một quá khứ phong phú vàng son đã được bao nhiêu văn nghệ sĩ nói đến qua văn chương nghệ thuật trong khi dĩ vãng của Sài Gòn thì còn rất ít người biết. Với ‘Những bước lang thang trên hè phố của gã Bình Nguyên Lộc’, nhà văn đã hăm hỡ đi truy tìm dĩ vãng của nơi ông đến ở gần bốn mươi năm tức là Sài Gòn thành phố mới chưa đọng lớp rêu phong thời gian vì “đất có ở lâu, tình đất mới sâu” chắng khác nào nhà toán học- triết gia Pháp Blaise Pascal : “Đi tìm thời gian đã mất” (À la recherche du temps perdu). Tư tưởng của nhà văn Bình Nguyên Lộc suy ra cũng khá gần gũi với nhà thơ Chế Lan Viên khi cảm nhận về tình đất tình người: “Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn” (Tiếng hát con tàu).
Chưa nói đến hai tập thơ (Thơ tay trái, Việt sử trường ca) và một truyện thơ (Thơ ba Mén) và tác phẩm thuộc loại sư tầm,chú giải văn học, những quyển kháo cứu đồ sộ của Bình Nguyên Lộc: Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam (1971), Lột trần Việt ngữ (1972) đã nói lên tâm huyết nóng bỏng của nhà văn dành cho ngôn ngữ, văn học nước nhà. Nhưng dường như sự cống hiến không mệt mỏi suốt cuộc đời của Bình Nguyên Lộc chưa được văn học sử quan tâm đánh giá thỏa đáng. Phải chăng do hoàn ảnh chính trị và đa phần tác giả nghiên cứu, phê bình văn học và các nhà tự điển ở miền ngoài chưa có điều kiện thâm nhập sâu vào hoạt động văn học trên phần đất phương nam. Dù rằng báo chí (Gia Định báo – 1865), bộ môn tiểu thuyết và tác phẩm văn học chữ quốc ngữ xuất hiện sớm tại Sài Gòn hơn các nơi khác.
Đất nước ta hôm nay là một không gian lồng lộng sáng tươi của một khung trời tự do, thanh bình và thống nhất: Hà Nội, Huế , Sài Gòn/ Là cây một cội là con một nhà. Trên tinh thần công bằng hòa hợp, chắc chắn lăng kính lịch sử văn học dân tộc sẽ soi sáng, định vị tương xứng với tài năng cho Bình Nguyên Lộc, một trong ‘tam kiệt’ của nền văn học nước nhà. Với sự nghiệp văn chương đồ sộ, trong đó ngồn ngộn những tri thức văn hóa lịch sử thể hiện một tấm lòng đáng quý của ông với văn hóa dân tộc. Ắt hẳn công chúng cả nước sẽ còn giữ lại từ tác phẩm và cuộc đời Bình Nguyên Lộc một phong cách lục tỉnh xưa với tính bình dị, cởi mở và hiền lành. Như một chú nai đồng – ý nghĩa bút danh của nhà văn – trong tác phẩm văn chương của mình, Bình Nguyên Lộc đã không tỏ ra làm nghệ thuật văn chương để được lưu danh hậu thế mà chủ yếu là để làm vui người đọc và phục vụ cho đất nước con người không phải chỉ riêng ở phương nam.
Minh Thư