Bình thơ ‘Má Cửu Long Giang’ của Nguyễn Vũ Tiềm

428

Má Cửu Long Giang

Khúc ru êm: dòng kênh êm xuôi
Khúc chao đảo: tàu hải quân ruồng bố
Lưỡi lê xọc vào bụng dừa lỗ chỗ
Tìm đặc công đêm trước đánh tàu.

Tuổi hai mươi, con lại được nằm nôi
Má đưa đi trên bập bềnh sông nước
Nôi con nằm là chiếc hầm bí mật
Dưới đáy xuồng chất đầy dừa tươi.

Cắt ngang trận càn, đưa con về cứ
Má lại cùng hoa trái giao liên
Gọi kênh rạch dọc ngang xuôi về giải phóng
Triều xuống, triều lên cũng nhịp bưng biền.

Tóc xanh tiễn chồng, tóc bạc tiễn con
Thương nhớ đỏ môi trầu cắn chỉ
Chiếc xuồng nhỏ ba bình hương liệt sĩ
Má bồng bềnh như khói như sương.

Năn nỉ mãi má mới rời mặt nước
Đêm cây vườn nhớ sóng đung đưa
Con dế gáy đầu giường nhớ mạn xuồng cá quẫy
Tôm búng càng như trẻ chơi mưa.

Nhà tình nghĩa cau vườn chưa kịp hái
Má đã nhập hồn vào Cửu Long Giang.

(Nguyễn Vũ Tiềm)

Lời bình của Phạm Đình Ân

Đã có nhiều bài thơ ca ngợi bà mẹ Việt Nam anh hùng. Hình ảnh bà mẹ khắp mọi miền Tổ quốc, nhất là ở miền Trung, miền Nam – dù hậu phương hay chiến trường – mãi mãi đậm nét trên nhiều trang thơ. Với Má Cửu Long Giang, nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm đã góp một sáng tác tâm huyết vào số những bài thơ đáng trân trọng nói trên. Lời thơ kể về một phụ nữ luống tuổi ở Nam Bộ tham gia chiến đấu trước năm 1975. Vào vai anh bộ đội trẻ, tác giả thật khéo léo vẽ lại cái cảnh nằm nôi thuở bé của một người chiến sĩ tuổi hai mươi. Má Cửu Long Giang đã giấu người lính đặc công như giấu một đứa con của mình trên một cái nôi đặc biệt: Nôi con nằm là chiếc hầm bí mật/ Dưới đáy xuồng chất đầy dừa tươi. Đây là hình ảnh liên tưởng hoán dụ đầy thi vị giữa chiếc nôi (nối từ ngày xưa đến hiện tại) và con thuyền chất đầy trái cây, giữa chiếc nôi và chiếc hầm bí mật. Hình ảnh này thuộc về người chiến sĩ hay thuộc về nhà thơ, hoặc của cả hai, độc giả không cần phân biệt, chỉ biết đây là hình ảnh đẹp, thơ mộng và chân thật. Nhưng đây là chiến tranh, thì sau khúc ru êm vẫn phải có Khúc chao đảo: tàu hải quân ruồng bố. Kẻ thù đã trèo lên thuyền, xọc lưỡi lê khắp chỗ nhằm tìm đặc công đêm trước đánh tàu.

Chỉ với hai khổ thơ thôi, tác giả đã vẽ lên một bức tranh khá hoạt. Người lính đặc công nước như được trở về với tuổi thơ khi nằm trên thuyền của má – một chiếc nôi đưa bập bềnh trên sông nước. Người chiến sĩ coi người má đang che chở cho anh như chính mẹ mình vậy. Anh được sống lại với tình yêu giữa mẹ và con của gia đình mình thuở trước và đang sống với tình yêu mẹ – con giữa người má giao liên và anh. Trong chiến tranh, những người con như anh có nhiều người mẹ, những người mẹ như má Cửu Long Giang có nhiều đứa con yêu quý. Chiến sĩ trẻ Xa bầm nhưng lại có bao nhiêu bầm (Tố Hữu).

Ba khổ thơ như con thuyền bí mật chở người chiến sĩ dường như cứ xuôi chảy, khiến độc giả yên tâm rằng dọc đường má đã Cắt ngang trận càn, đưa con về cứ. Nhưng, đến khổ thơ thứ tư, niềm xúc động xót buồn về đời mẹ dào lên trong lòng người con – chiến sĩ và lây truyền mạnh mẽ, sâu sắc sang cả chúng ta: Tóc xanh tiễn chồng, tóc bạc tiễn con/ Thương nhớ đỏ môi trầu cắn chỉ/ Chiếc xuồng nhỏ ba bình hương liệt sĩ/ Má bồng bềnh như khói như sương. Thời con gái mất chồng, khi về già mất con. Sự mất mát, hy sinh của má là quá lớn. Con thuyền giao liên như ngôi nhà di động, ba bình hương tưởng nhớ những người thân yêu luôn luôn đi theo. Đây là một chi tiết khá đắt. Hai câu thơ hay nhất trong khổ thơ hay này đã chinh phục độc giả: Thương nhớ đỏ môi trầu cắn chỉ/ Má bồng bềnh như khói như sương.

Khi kết thúc, bài thơ đang cấu trúc theo kiểu 4 câu một khổ thì đến khổ thứ 6, chỉ có hai câu: Nhà tình nghĩa cau vườn chưa kịp hái/ Má đã nhập hồn vào Cửu Long Giang. Sự hụt hẫng này là có dụng ý của tác giả. Má hết lòng vì nhiệm vụ, má đã làm vẹn tròn những gì má muốn, những gì tổ chức yêu cầu. Nhưng, về phía riêng tư đời má, má sẵn sàng chịu thiệt thòi lớn. Má đã nhập hồn vào Cửu Long Giang. Má là người mẹ anh hùng, một hình tượng chung phổ quát. Má mang tên chung của cả một vùng quê đất nước.