Vạn sự tuỳ duyên và đúng là có nhiều việc xảy đến cùng lúc theo một cái duyên nào đó. Tất nhiên, lần này, duyên lại rơi… trúng bát phở. “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, ắt lại có người thở hắt ra như vậy khi nghe nói đến phở. Nhưng mà tin tôi đi, một trong những thứ ẩm thực Việt nói mãi không nhàm chính là phở.
Người ta có thể nói về phở quanh năm suốt tháng không chán, y như ăn phở vậy. Thậm chí, trên facebook còn đầy rẫy những hội nhóm chuyên “rì viu” (review – bình phẩm) các quán phở từ Bắc chí Nam. Dập dòm vào mấy hội nhóm đó an tâm không thiệt. Nhiều khi đến một địa phương lạ mà nổi cơn thèm phở, các hội nhóm đó có giải đáp ngay và luôn, tận tình là.
Mới chỉ vài bữa trước thôi, cộng đồng mạng lao xao lên chỉ vì một bài báo nhắc đến chuyện ăn phở với cái tít có hai chữ “xì xụp”. Thế là cả một trận cuồng phong mưa bom bão gạch dội lên toà soạn rồi cả chính trang cá nhân của tác giả bài báo. Báo hại, dù tít đã phải sửa nhưng cơn cuồng nộ không hề mau tan. Sau bài báo ấy, đọc tác giả kia thấy bỗng dưng hiền hẳn, tít chạy cũng hiền hẳn dù thực tế, ông ấy viết nào có ác ý gì.
Rồi sóng yên biển lặng được dăm hôm, lần này lại là một tác giả khác, một tờ báo khác, viết về một “vùng phở” khác. Lần này, chỉ vì mỗi từ “húp” thôi mà cơn cuồng phong dường như nhân đôi. Chắc chưa đã nư với đợt rải thảm cũ, những “phím thủ” online dội bom bù lên bài báo sau này bất chấp nó cũng không hề có ý tiêu cực gì như bài báo trước. Nhưng dân mạng mà. Tôi thích thì tôi ném đá đấy, ai dám cản vì thực ra cũng chả ai biết ai vào với ai mà lần.
Đúng lúc cơn nản nhất về phở do đợt bão mạng gây nên, nản tới độ không buồn nấu một nồi phở như thói quen thi thoảng vẫn nấu hầu con gái rượu, thì nhận được cái tin nhắn. “Dạ, anh cho em địa chỉ, em gửi biếu anh mấy tô phở em mới nấu”, cậu em người mẫu gửi tin. Cậu này điển trai, gương mặt ciné lắm. Đã thế lại còn đá bóng hay. Thế nào mà cách đây vài năm, hứng chí nghe rủ rê, cậu đi thi một chương trình game show chuyên về nấu ăn dành cho người nổi tiếng và đi một mạch đến chức vô địch. Tưởng đó là đích để ngưng, ai dè được đà lấn tới, cậu đi một mạch tới chủ nhà hàng luôn. Bỏ hết cả sàn catwalk; bỏ event sự kiện; bỏ nam thanh nữ tú; bỏ quần là áo lượt, cậu quấn tạp dề gắn luôn nghề bếp. Và thành công. Đúng là yêu cái gì mà lại có sở trường về cái đó, dấm thêm cần cù vào đó nữa, thành công là chuyện có thật. Giờ chẳng thấy cậu ở những sân khấu hay trường quay nữa mà chỉ còn gặp được ở 3 nơi: sân bóng đá, nhà hàng và trên thuyền những chuyến cùng đi câu biển.
“Ôi, em mở hàng phở à? Cho anh thông tin anh lên facebook rêu rao cho”, tôi trả lời sau câu cảm ơn kèm theo địa chỉ. “Dạ em chưa nhưng sắp mở anh ơi. Em mới nấu thử bếp. Mà em nấu phở Bắc. Nghĩ là anh trai nhớ Hà Nội nên em gửi biếu”. Nói là làm. Nửa tiếng sau có điện thoại shipper. Nhận về mấy phần phở sạch đẹp nóng hổi. Đun lại nước dùng chế vào ăn thử. Ngon số dzách.
Ăn ngon, no kễnh, nằm nghĩ linh tinh, thấy lạ. Ơ, ông em này người Nam rặt. Thế tại sao nó lại nấu phở Bắc định bán nhỉ. Sao nó không nấu phở kiểu Nam. Phở Nam cũng có cái ngon của nó mà. Chưa kịp định thần để tự tìm câu trả lời thì ập vào cái tin nhắn khác. Lại phở. Lại một ông em. Nhưng ông này thì không hề biết nấu nướng gì và cũng chẳng gửi shipper cho món đồ nào.
“Ai giai mình ơi, sáng mai ghé quán em ăn phở, cafe nhé. Từ hồi COVID mấy tháng rồi chưa gặp?”. Nó nhắn thế, không cần kèm địa chỉ, vì biết địa chỉ từ lâu rồi. Nhưng nhớ đến cái quán nó mới khai trương trước dịch cỡ 3 tháng lại thấy phì cười. Ông em này cũng như ông em kia, cũng đẹp giai, đá bóng giỏi. Mỗi tội ông này người Hà Nội xịn, luật sư, nối nghiệp cha cũng là một luật sư lừng danh. Vào mở chi nhánh văn phòng luật trong miền Nam, hứng chí thế nào mở thêm hàng phở. Nhưng đến lạ, ông lại mở phở kiểu Sài Gòn nên dứt khoát thuê bếp toàn người Sài Gòn cả.
Sực nhớ, đã có lần hỏi nó “Sao không bán phở Bắc lại bán kiểu phở Nam?”. Nó nói ráo hoảnh: “Ôi anh ơi, ở đất Sài Gòn này, quán phở Bắc có mà đầy, nhàm rồi. Em lại thấy phở Nam có cái ngon riêng của nó. Thú thực em mê phở Nam hơn. Thế nên em quyết mở phở Nam. Mình làm ngon, sạch, đẹp, lịch sự thì đắt tí người ta cũng ủng hộ anh ạ”.
Đấy. Bình thường là thế đấy. Bình thường là một ông người Bắc hoàn toàn có thể mê và bán phở kiểu Nam trong khi ngược lại, ông người Nam lại đắm say và quyết nấu phở miền Bắc để bán. Cái bình thường như thế thì trên mạng chẳng một ai khen ngợi câu nào. Trong khi đó, chỉ mới một hai chữ liên quan đến phở lên, giãy hết cả nảy nguyên một cộng đồng. Rồi suy luận, rồi kỳ thị, rồi đố kỵ vùng miền. Mà điểm danh lại, cái này mới là bất thường này. Ấy là trong mạng lưới bạn bè của tôi, đại đa số những ông đi kỳ thị, chê bai, dè bỉu, giễu cợt hai cái bài báo của các đồng nghiệp kể trên lại toàn những ông xưa nay được gọi là trí thức mới lạ.
Mà nghĩ xa thêm còn thấy kinh dị hơn ở chỗ ngoài kỳ thị vùng miền ra, hoá ra còn tồn tại cả thói kỳ thị ngôn từ nữa thì phải. Bản thân từ “xì xụp”, “húp” hay bất kỳ một từ tục nào đó nó có xấu không? Theo tôi nó không hề xấu. Nó bình đẳng như muôn từ khác. Từ “phân” hay từ “vàng”, “ngọc”, “kim cương”… cũng đều bình đẳng nhau hết ở chỗ chúng chỉ là 1 đơn vị từ để mã hóa một âm thanh được nói ra bởi con người. Và ngay cả sự vật, hiện tượng, hành vi mà các từ đó mô tả cũng có xấu xa không? Theo tôi cũng chẳng có cái xấu xa nào hết. Cái xấu xa đến từ chính ý tưởng của chủ thể (là con người), từ suy luận của chủ thể, từ liên tưởng và gán ghép của chủ thể… mà thôi.
Nhân chuyện phở được mời (cả phở Nam lẫn phở Bắc), tự dưng mong mỏi lắm là trong cái bình thường mới này, chúng ta cũng nên bắt đầu bình thường hóa những quan niệm mà xưa nay ta cứ trầm trọng hóa nó theo thiên kiến của mình đi thôi. Bình thường hóa nó nghĩa là ta đã bình thường hóa lại chính hành vi của mình. Chứ còn cứ đông đổng lên bất kỳ lúc nào, phản ứng thái quá với những thứ vốn dĩ không nên bị phản ứng, ấy là khi ta thành thất thường mất rồi.
Phở vẫn muôn năm. Hủ tiếu cũng muôn năm. Mai mốt, kiểu gì lại chẳng có người tụng ca phở tiếp tục. Để rồi chính ta lại “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” tiếp tục…
Theo Hà Quang Minh/An ninh thế giới