Bình yên Luang Phrabăng – Bút ký của Nguyễn Thị Việt Nga

954

(Vanchuongphuongnam.vn) – Lần đầu tiên tôi biết đến Luang là trong một chuyến công tác ngắn ngày. Vì là đi công tác nên chuyện thăm thú chỗ này chỗ khác ở trong Luang chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”, nhưng tôi “phải lòng” Luang ngay từ những phút đầu tiên ấy. Khi mắt chạm vào dòng Mekong thượng nguồn xanh veo trôi giữa đôi bờ cổ tích ngợp cây cối, tôi đã tự nhủ lòng mình nhất định mình phải quay lại Luang nhiều lần nữa… Nhất định mình phải sống với Luang thật sâu, thật chậm và thật lâu…

Tác giả Nguyễn Thị Việt Nga 

Chuyến đi “nhất định” ấy vào đúng một năm sau, vào cái mùa Luang đẹp nhất tháng 4 dương lịch. Ban đầu tôi định chọn Tết Lào (12-15 tháng 4) để thăm Luang, sau lại quyết định khởi hành sớm hơn một tuần. Bởi lẽ tôi muốn hưởng trọn vẹn một Luang Phrabang yên bình trong nhịp sống ngày thường giản dị, chứ không phải một Luang ngày Tết với thật nhiều khách du lịch các quốc gia.

Giây phút đầu tiên gặp lại Luang vẫn nghẹn ngào khó tả. Dòng Mekong đón tôi bằng vẻ đẹp nguyên sơ và thanh khiết. Những mảng tre trôi trên sông, cây cầu tre bắc ngang sông dẫn lối vào làng đều gợi những thân thương máu thịt. Không cần cầu kỳ khi sống với Luang đâu. Chỉ cần một tình yêu đủ tha thiết với những gì thanh sạch nhất, là Luang đã không hề phụ bạn, là Luang đã trọn vẹn đắm say, trọn vẹn nhớ thương trong tim bạn.

Ảnh internet 

Về kiến trúc, khỏi nói Luang tuyệt vời đến thế nào. Cố đô xinh đẹp nép mình khiêm nhường dưới bóng núi, bóng cây này đã giữ được trọn vẹn hồn cốt của một Luang Phrabang cổ kính, yêu kiều của nhiều trăm năm trước. Những mái nhà nhọn truyền thống, những khung cửa gỗ, tường vách gỗ xinh xắn là hồn vía của Luang không bị pha tạp với bất cứ kiến trúc lai căng nào. Quy mô nhà cửa các công trình kiến trúc của Luang đều xinh xắn, đảm bảo không có bất cứ công trình nào cao to hơn Hoàng cung. Riêng điều đó thôi đã đủ làm cho Luang hấp dẫn đến mê người. Luang là một điểm đến yêu thích của khách du lịch phương Tây – nơi có thừa những hiện đại xa hoa, nên ở Luang cũng có đủ khách sạn, nhà hàng… Nhưng không một công trình nào lạc lõng với tổng thể chung, vừa đáp ứng nhu cầu của du khách, lại vừa neo giữ được hồn vía của cố đô này…

Ảnh internet

Loanh quanh trong khu vực nội đô của Luang, bạn không cần bất cứ phương tiện di chuyển nào ngoài đôi chân. Có cảm giác ngồi xe chạy vèo vèo qua các con phố cổ nhỏ xinh là sự tàn nhẫn với Luang, sự phụ bạc với những yên bình và trong trẻo nguyên sơ nơi đây. Tôi đã lang thang khắp Luang và nhận ra rằng nếu chỉ lướt qua thôi, mình sẽ bỏ qua thật nhiều điều thú vị. Có thể chỉ cần ngồi lặng lẽ ở ven sông, nhìn nắng dần vàng lộng lẫy trên những chùm osaka rực rỡ ven bờ, sẽ cảm nhận được hương rừng, gió núi phóng khoáng đang theo gió ướp thơm từng ngọn tóc. Có thể dừng chân trước giàn sử quân tử đầy hoa đằng sau hàng rào gỗ sơn trắng… Có thể rẽ vào bất cứ ngôi chùa cổ nào, lặng lẽ dâng hương và chiêm ngưỡng những mái cong huyền hoặc. Có thể dừng lại ở bất cứ chỗ nào. Luang đẹp và quyến rũ từng góc phố, từng ngôi nhà, từng hàng cây… là điều rất thật.

Ảnh internet

Một trong những trải nghiệm đáng nhớ của tôi ở Luang là việc dậy thật sớm, cùng người dân địa phương dâng đồ cho các nhà sư đi khất thực vào sáng sớm. Chưa thấy ở nơi đâu người dân mộ đạo như Luang. Đạo Phật sâu gốc bền rễ ở Luang nên từng ngọn gió nơi này như cũng hiền hậu hơn. Người dân thường gửi con vào chùa tu tập từ khi còn rất nhỏ, nên không lạ lẫm gì khi ta bắt gặp trong đoàn dài khất thực sớm mai, theo chân các nhà sư là những chú tiểu bé con. Được tu tập trong chùa dưới bóng bồ đề là niềm vinh hạnh của các thiếu niên. Nhà chùa cũng là trường học lớn, quan trọng của họ trong bước đường đời. Ít năm sau đó họ sẽ trưởng thành, rời chùa, về với đời thường. Tất nhiên có những người quyết định gắn bó cả đời với chốn thiền môn.

Ảnh internet

Mỗi sáng người dân Luang Phrabang đều thực hiện nghi lễ dâng thực thiêng liêng cho các nhà sư. Không phải là sự bố thí bạc tiền, của cải dư thừa mà là sự cung kính dâng lên đức Phật (mà các nhà sư là hiện thân của Ngài) tấm lòng của mỗi phật tử. Không khí của nghi lễ dâng thực rất thiêng liêng. Người dân mặc trang phục truyền thống, ngay ngắn quỳ trước cửa, trước cổng nhà, hai tay dâng giỏ đồ ăn. Trong giỏ đó có thể chỉ là một chút xôi, dăm cái bánh nếp giản dị, thanh khiết, ngon lành. Các nhà sự chậm rãi đi thành hàng dọc. Đến mỗi người dâng đồ ăn, họ khẽ hạ cái âu trên tay mình, người dân sẽ nhẹ nhàng để đồ ăn vào cái âu đó. Ban đầu tôi cũng như nhiều du khách khác, tưởng toàn bộ đồ khất thực sẽ được mang về chùa, là lương ăn trong ngày của các nhà sư. Hóa ra không hẳn vậy. Theo chân các nhà sư tôi mới biết ở những con phố ngay cạnh đó đã có những người nghèo khó đang quỳ đợi. Trên tay họ là những túi, những hộp đựng đồ ăn rỗng không. Họ đợi các nhà sư rẽ vào, lần lượt lấy đồ ăn mình vừa được dâng, chia cho họ. Những đồ ăn còn lại, nhà sư mới mang về chùa, tiếp tục chia cho đám trẻ con nhà nghèo đang đợi sẵn trong chùa. Cuối cùng, mới là để dành cho các sư, các tiểu… Bởi thế Luang Phrabang có thể còn nhiều người nghèo, nhưng hầu như không có người đói rét cùng cực đến nỗi không có nổi bữa ăn.

Ảnh internet

Nhịp sống Luang Phrabang thong thả, yên bình đến nỗi, dẫu có ra đến chợ, là nơi sư đông nhất, thì du khách cũng không bắt gặp sự hối hả, gấp gáp đua chen. Người mua, kẻ bán đều thảnh thơi. Không mời chào xoắn xuýt, không tranh mua giành bán, chẳng mặc cả ồn ào. Hàng bày đó ai thích thì mua, ai tò mò thì ghé xem, tha hồ hỏi han mà không lo bị lườm nguýt, không sợ bị mắng mỏ gì. Thích nhất là dù ở góc nào, tôi cũng thấy mình được là một phần máu thịt của Luang, không có ánh mắt tò mò hay “kì thị” nào cho khách du lịch – dẫu là khách du lịch nước ngoài! Luang nhân hậu và hào phóng biết bao.

Anh bạn đồng hương Hải Dương sang Luang Phrabang kinh doanh homestay đã lâu năm nói với tôi rằng điều anh tâm đắc nhất ở mảnh đất này chính là sự hiền hòa, lương thiện đến thánh thiện của người dân. Làm kinh doanh nhưng chưa khi nào anh có “cơ hội” để nổi nóng, để tranh cãi với ai. Còn tôi phát hiện thêm một điều vô cùng thú vị, đó là nhưng chú chó ở Luang cũng không hề sủa. Nếu đang dạo phố, bắt gặp một chú cún xinh xắn nhà ai đó đang nằm sưởi nắng, bạn có thể thoải mái ôm nó, vuốt ve nó và chụp ảnh thân thiết cùng nó như thể đó là cún cưng của bạn từ lúc lọt lòng!

Còn nhiều lắm những điều thú vị ở Luang Phrabang, như việc leo núi Phousi lặng ngắm hoàng hôn vàng rực trên những mái cong của hoàng cung, hay lênh đênh trên bè tre xuôi dòng Mekong một đoạn để nghe sông nước rì rầm kể những chuyện ngàn triệu năm lặng lẽ đắp bồi phù sa cho những vùng đất sông đi qua. Hay hòa cùng dòng người đông đúc của chợ đêm để ngắm những sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Luang Phrabang hấp dẫn đến mê hồn. Hoặc chỉ đơn giản là ngồi dưới gốc champa trắng xóa hoa ở cổng ngôi chùa nào đó, nhắm mắt lại, tưởng tượng từ trên núi cao kia, một đoàn voi rừng hùng dũng đang rẽ mây mà xuống… Hoặc hòa vào một đám cưới nào đó, sau mê với điệu lăm vông trong tiếng nhạc  nao lòng.

Luang Phrabang… Luang Phrabang… Mỗi lần mệt mỏi với những áp lực của cuộc sống xô bồ, tôi có thêm một cái tên để thầm thì gọi, có thêm một vùng đất yêu để nhớ, có thêm một chốn để mơ ước quay về…

N.T.V.N