Bồ câu không đưa thư

749

19.3.2018-09:00

Năm lớp 6, con trai tôi không được dự lễ khai giảng. Cháu phải ở nhà chép bài.

 

Cháu đã không chép bài đủ trong mấy tuần đầu trước khai giảng. Cháu bảo vì thầy cô không nhắc phải chép bài và vì họ đọc nhanh quá khiến cháu có muốn cũng không viết kịp. Cũng không ai kiểm tra xem học sinh có chép bài không cho đến trước ngày khai giảng.

 

Tôi tới trường, thảo luận với ban giám hiệu nguyên nhân cháu không chép bài. Chúng tôi bắt đầu bằng việc lắng nghe cháu nói về vấn đề của mình. May thay, nó không ghê gớm như chúng tôi tưởng. Đó chỉ là việc cháu bị sốc khi bước vào lớp 6. Các thầy cô tua bài rất nhanh, không nhắc nhở học sinh tiểu tiết cũng như mặc định rằng các em đã có sự chủ động cao trong học tập; thêm một chút tủi thân vì không được cô giáo quan tâm như hồi cấp một, ba mẹ không còn hỏi han nhiều.

 

Điều thường xuyên xảy ra ở đây là có một số tình huống hiển nhiên mà cả cha mẹ và thầy cô quên bẵng khi trẻ chuyển từ lớp 5 lên lớp 6, từ cấp một lên cấp hai. Đó là một sự thay đổi lớn lao với con trẻ khi chuyển sang hệ chương trình khác hẳn: từ mẫu chữ viết to sang chữ bé; từ một cô chủ nhiệm sinh hoạt cả ngày với lớp sang một đội ngũ các thầy cô bộ môn; từ việc giáo dục với sự theo sát, kiểm tra bài vở từng học sinh đến mặc định là trẻ lớn rồi phải tự lo việc của mình. Hầu hết các em bước vào cấp mới bị hẫng và ngơ ngác trước môi trường mới, bạn mới, thầy cô mới, lịch biểu mới mà không biết dựa vào đâu, hỏi ai. Con tôi bảo ở lớp cháu có người bạn buồn chuyện gia đình nên viết thư đến một tờ báo nhờ sự tư vấn của anh bồ câu. Nhưng không phải thư nào anh bồ câu cũng trả lời.

 

Tôi băn khoăn quá, giá mà trường của con tôi có bộ phận tư vấn tâm lý để giúp các con. Ở ngưỡng cửa cấp 2, tuổi dậy thì, biết bao thay đổi từ bên trong mỗi học sinh và môi trường bên ngoài chờ đợi. Các con rất cần được nói ra những khó khăn của mình và được hỗ trợ kịp thời.

 

Việc tư vấn tâm lý cho học sinh gần đây dường như được quan tâm hơn khi Bộ Giáo dục vừa ban hành một thông tư về “tư vấn tâm lý” cho học sinh trong trường phổ thông. Trong trí nhớ của tôi, dường như đây là lần đầu tiên vấn đề này được pháp quy ở cấp đó, và chắc chưa có nhiều phụ huynh biết đến. 

 

Thực sự thì việc tư vấn tâm lý cho học sinh đã được thực hiện tại một số trường phổ thông ở TP HCM và Hà Nội từ những năm 2000 do một số tổ chức phi chính phủ tài trợ. Tôi có một người bạn từng bị coi là học sinh cá biệt, bị đuổi học tại một trường danh giá ở Hà Nội. Cậu xin vào một trường dân lập, nơi vị hiệu trưởng đáng kính từng phát biểu: “Tôi dạy cho những học sinh mà không nơi nào nhận, vì nhiệm vụ của người giáo dục là không được từ chối bất cứ học sinh nào”. Đây là ngôi trường đầu tiên ở Hà Nội có phòng tư vấn tâm lý cho học sinh. Trong số các bạn học tại ngôi trường đó cùng cậu bạn tôi, có người hiện trở thành quản đốc một nhà mày điện tử nổi tiếng của Nhật tại Việt Nam, có người là cán bộ ngân hàng, có người là doanh nhân. Hầu hết họ đều thành người tử tế, lịch sự, cá tính và thành công nhất định.

 

Một số trường dân lập và quốc tế tại Hà Nội và TP HCM đã có phòng tư vấn, chuyên viên tư vấn, bạn tâm giao, nhưng hiện không theo chuẩn mực nhất định. Những người thực hiện công việc đó là các thầy cô hay những người học ngành tâm lý song họ chưa được cấp chứng chỉ là tư vấn viên tâm lý trong trường học. Vì sao cần sự kiểm định và cấp chứng chỉ? Bởi việc tư vấn tâm lý học đường có nhiều khác biệt so với ngành tâm lý học nói chung, đòi hỏi người thực hiện cần có chuyên môn về cả tâm lý và giáo dục.

 

Trong thông tư mới của Bộ Giáo dục về “tư vấn tâm lý” mới có hiệu lực, một đoạn hơn 600 chữ tôi đếm được đến 6 chữ “kiêm nhiệm”, như một điều hiển nhiên là cái công tác “tâm lý” này sẽ là một hoạt động phụ của các thầy cô đang giảng dạy bộ môn khác. Trong khi đó, việc dạy “môn chính” chắc chắn đã tốn rất nhiều thời gian. Về lý thuyết, thì nếu coi “tư vấn tâm lý” là một đầu việc, thì nó đang không được xếp ngang hàng với môn Giáo dục công dân, vốn có biên chế chuyên trách ở nhiều nơi.

 

Các chuyên gia tư vấn học đường đã là một bộ phận không thể thiếu trong các trường học nhiều nước như Australia, Nhật, Thụy Điển, Hàn Quốc, hay ngay cả một nước có nhiều điểm tương đồng Việt Nam như Indonesia, Philippines… Trong khi tại Việt Nam, việc này mới chỉ sơ khởi. Tôi tự hỏi rằng ở nước ta, số tiến sĩ đang không ngừng tăng lên, trong đó nhiều người có các công trình mang tính vĩ mô. Liệu họ có thể thực hiện các công trình cần thiết hơn như xây dựng chương trình tư vấn tâm lý học đường để đưa vào tập huấn cho giáo viên phổ thông trước khi họ về các trường học làm nghề.

 

Câu hỏi quan trọng hơn: Liệu nhà quản lý có can đảm giảm đi một biên chế giáo sư tiến sĩ để thay bằng một chuyên gia tư vấn học đường? Thành phần tổ tư vấn học đường gồm những ai, có nên phối hợp với các chuyên gia tâm lý bên ngoài, việc tổ chức thực hiện trong mỗi ngôi trường như thế nào? Bao nhiêu học sinh thì cần một chuyên gia tư vấn học đường? Đãi ngộ với họ ra sao?

 

Tôi mong mỏi các câu hỏi trên sẽ được bộ Giáo dục nghiên cứu và trả lời như một cách thể hiện rằng họ thực sự muốn đưa các “anh bồ câu” vào trường học. Đó là cách để giúp học sinh vượt qua cú vấp tâm lý, tình cảm cũng như sự phát triển tâm sinh lý, giảm thiểu bạo lực học đường, giúp trẻ kỹ năng sống và định hướng được tương lai thay vì các “tiêu chí thi đua” được đo bằng con số như bây giờ.

 

TRẦN BAN HÙNG/VNE

 

 

>> XEM TIẾP NHỊP SỐNG SÀI GÒN…