Bồ công anh nhỏ: Bản hòa ca kết nối những tâm hồn

1128

Lê Ngọc

(Vanchuongphuongnam.vn) – Bồ công anh nhỏ – của tác giả Hồ Xuân Đà, được Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM (VOH),  phát sóng trong chương trình đọc truyện đêm khuya, xin được chia sẻ với Văn Chương Phương Nam, và bạn đọc bài viết cảm nhận về tác phẩm.

Tác phẩm Bồ công anh nhỏ của Hồ Xuân Đà

Tôi biết tác giả Hồ Xuân Đà cũng hơn năm, khi hai chị em cùng tham gia cuộc thi truyện ngắn “Phụ nữ một nửa làm đầy thế giới”. Từ độ ấy, kết bạn facebook, chuyện trò lâu ngày, mới đem lòng cảm phục nhà văn nữ có sức viết vô cùng dồi dào này. Chẳng nói đâu xa, nguyên số tác phẩm chị gửi tham gia cuộc thi đã chiếm quá nửa tập truyện ngắn “Đôi bàn tay mẹ” phát hành đầu năm nay. Gần đây, chị lại tiếp tục ra mắt cuốn truyện dài viết cho tuổi mới lớn với tựa đề “Bồ công anh nhỏ”, mà theo cảm nhận của tôi nó là: Bản hòa ca kết nối những tâm hồn.

Pha một tách trà đào, kê ghế ngoài ban công. Tôi cẩn thận lật mở từng trang sách, đọc ngấu nghiến trong hai tiếng đồng hồ. Rồi trót mê luyến vẻ đẹp trong trẻo mộng mơ của chiếc bìa ngoài, nội dung giản dị nhưng lắng đọng của câu chuyện nên múa phím viết vài dòng tâm đắc.

Trẻ con người lớn, người lớn trẻ con…

Có thể nói, ở cuốn sách này Hồ Xuân Đà đã rất thành công và tài tình. Chị vẽ cho tôi một cô bé Bụi Phấn sở hữu hai mắt kính cận to tròn, nhiều băn khoăn, nghĩ ngợi khi chạm ngõ dậy thì toàn câu hỏi. Sự so bì giữa bản thân và bạn bè, giữa trẻ con – người lớn. Và xúc động vỡ òa với lý lẽ “Trẻ con không có quyền lựa chọn”.

Nghe thì kỳ lạ. Mà đúng thật. Những đứa trẻ thế này đâu hiếm, cô bé đặc biệt hơn các bạn khi gia đình chỉ có mình mẹ, thiếu vắng đi bóng hình người cha. Song, tất cả chúng đều gánh trên lưng áp lực học hành. Ai cũng muốn con mình thành đạt, cha mẹ thổi vào tai những lý do xác đáng “Phải học hành giỏi giang nghiêm túc hứa hẹn cho tương lai không phải làm việc ngoài trời nắng nóng” và “Không học hành cho đàng hoàng, mai mốt mua cho đàn vịt, đàn bò mà đi chăn, hay là sẽ cho đi lượm rác mà sống”… Dần dà, đứa trẻ rủ nhau lớn lên như cái máy, luôn phải nghĩ cách chiều lòng người lớn, không có tham vọng, không có ước mơ.

Nhà văn Hồ Xuân Đà

Thế giới trẻ con khác xa người lớn. Những vấn đề ta cho là phức tạp thì với chúng lại đơn giản. Như mấy bận đòi ba của em Tồ, những hoang mang của Bụi Phấn trên con đường học cách trưởng thành, mâu thuẫn với Lam khi bắt đầu năm học mới toàn bạn bè xa lạ, tình bạn với Tiến đan xen cùng giấc mơ nhà văn bỏ quên của Dì Lan hàng xóm… Tất cả đều được chị giải quyết gọn ghẽ, phù hợp với cái tôi cá nhân nửa trẻ con, nửa người lớn.

Tôi mải miết chạy đua cùng con chữ, suốt chuyến hành trình lên Đà Lạt cho đến cuộc hẹn kết nối những tâm hồn đau đáu yêu văn chương cùng gia đình bác Đại Ngàn, thần tượng violin… Phải khẳng định rằng, hiếm khi nào đọc mà thấy gần gũi thế, nhịp truyện bình bình đưa đường dẫn lối, lồng ghép bao vấn đề thời sự mà lâu nay các bậc phụ huynh vẫn luôn mắc phải.

Hình ảnh Tiến hiện lên đại diện cho hàng nghìn đứa trẻ sinh ra thời công nghệ. Nghiện game, mê smartphone. Khi cha mẹ mỏi mệt chán trông con, cứ đưa điện thoại bật youtube là xong hết. Thậm chí, là mua máy và mặc kệ chúng tự sử dụng. Bao vấn nạn Vlog, những video tuyên truyền độc hại gieo rắc vào đầu tụi nhỏ hiểu lầm lệch lạc.

Rồi một bà mẹ giáo viên với bao áp lực khi nuôi con một mình. Sợ sệt. Cáu bẳn. Làm hùng hục cả năm không dám xin nghỉ thêm vài ngày. Dễ dàng nổi nóng đem bực dọc trút lên đầu con cái, học trò. Buồn làm sao!

Vấn nạn học đường lần nữa được Hồ Xuân Đà nhắc đến khi cô bé Bụi Phấn vươn lên giữa sự dè bỉu, khinh khỉnh của chúng bạn. Đỉnh điểm là vụ tranh chấp chỗ ngồi với Lam, ngỡ tưởng sẽ có những màn bắt nạt nảy lửa. Cơ mà không. Cô bé âm thầm chịu đựng, thu mình lại, trầm lặng hơn. Cuối cùng, chính sự khoan dung ấy dường như khiến Lam mở lòng chấp nhận. Bụi Phấn lần nữa dung nhập, tìm lại mình giữa tình bạn ngọt ngào.

Mọi chi tiết ghép nối với nhau bằng nhịp điệu hài hòa bình đạm, mộc mạc mà gần gũi. Chúng ta hoàn toàn có thể bắt gặp đâu đó trong cuộc sống các cô bé, cậu bé như Bụi Phấn, Tiến, Lam… Những đứa trẻ đang tập làm người lớn nhưng “người lớn” hơn cả người lớn.

Bụi Phấn của chúng mình dạy mẹ cách kiềm chế và dũng cảm. Con người càng lớn càng sợ sệt, làm việc gì cũng đắn đo trước sau, đâu như trẻ nghĩ là làm. Hệt như chị đã viết “Người lớn đôi khi cũng rất là trẻ con, và trẻ con đôi khi cũng rất là người lớn. Người lớn phải dựa vào trẻ con, và trẻ con nương tựa vào người lớn. Những phần tâm lí chưa hoàn hảo và phần tâm lý vững chắc bổ sung cho nhau. Bởi cái sự sợ của người lớn đôi khi vượt quá giới hạn thành vô lý, và cái sự vô tư của trẻ con, đôi khi thành thế mạnh”…

Ừ thì! Người lớn chúng ta nhiều khi thua con trẻ. Khi chúng bắt đầu học cách thấu hiểu, chia sẻ áp lực với người lớn nghĩa là chúng đang từng bước trưởng thành. Còn người lớn nếu khơi dậy lại cái bản tính vô tư, cuồng nhiệt của con trẻ có lẽ sẽ một lần trở về tuổi thần tiên.

Tình bạn nối liền, thắp sáng ước mơ…

Không phải ngẫu nhiên, Hồ Xuân Đà lại đặt tên câu chuyện này là “Bồ công anh nhỏ” – loài hoa phiêu đãng bay khắp phương trời. Bởi, bồ công anh ở đây tượng trưng cho ước mơ, đặc biệt là những ước mơ mỗi ngày thêm lớn của Bụi Phấn, Tiến, hay dì Lan – người phụ nữ ôm giấc mộng nhà văn…

Cuộc sống mưu sinh mỏi mệt nhiều khi làm con người ta chết dần đam mê hồi nhỏ. Lớn lên lấy chồng, sinh con, làm mẹ đơn thân. Bao gánh nặng chồng chất. Ấy thế mà, dì Lan ở tuổi 40 lại lần nữa chạm tay tới ước mơ trở thành một nhà văn. Khi đã bươn chải với cuộc sống, với lo toan cho con cái, gia đình, cho tới khi niềm khát khao trỗi dậy, lý tưởng muốn xây dựng cuộc đời nở hoa thôi thúc dì Lan cầm bút, cuối cùng dì thật sự hạnh phúc với điều đó.

Thử hỏi trong số chúng ta có bao nhiêu người đang vùi mình như thế. Ước mơ hồi nhỏ cho đến hôm nay có còn sáng cháy? Hay tắt lịm, đã chết từ lâu. Tôi cũng mơ làm nhà văn. Có thời điểm trong đời tôi nghĩ mình sẽ bỏ cuộc, khép cái giấc mơ đó lại thôi. Mình đâu có tài năng? Viết rồi ai đọc? Nhưng đọc, quen, mới rõ. Dì Lan mang một phần giấc mơ của chị Đà, và cả tôi – những người chập chững viết khát vọng ngủ quên.

“Ước mơ không chết đi bao giờ, chỉ là một lúc nào đó tạm dừng, ngủ yên, và khi nó thức dậy thì nó sẽ mạnh mẽ hơn, siêu đẳng hơn, mà một người nghèo khát vọng sống không hề có được”.

Gửi cuộc đời kết trái từng câu văn

Mỗi người viết văn thường theo đuổi những trường phái khác nhau. Có giả tưởng, huyền ảo, trinh thám… Nhưng với Hồ Xuân Đà, văn chương hẳn là cầu nối để chị trải lòng, chia sẻ những nỗi niềm cuộc sống.

Cốt truyện giản dị, không nhiều cao trào gay gắt, mới mẻ nhưng lại gần gũi mang đậm hơi thở nhật thường. Lối viết tự nhiên, những đoạn thoại không một phần miêu tả nhân vật kèm theo nào mà đọc như thấy nhân vật ngay trước mắt, có tức giận, hống hách, vênh váo… Lại lẫn cả tính thời sự về chuyện sử dụng điện thoại, mâu thuẫn học đường, chuyện tâm tư của cô giáo khi quá nhiều áp lực. Mọi thứ được lồng ghép hài hòa, phối hợp tạo nên một bối cảnh hoàn hảo, lột tả chân thực những tâm tư tình cảm dành tặng độc giả một ô cửa khám phá hồn con trẻ.

Kỳ nghỉ Tết năm 2020 vì dịch bệnh covid 19 đã đi qua. Mùa hè xốn xang đang phấp phới vẫy gọi. Tôi lại ngồi viết. Chị ấy chắc cũng đang viết. “Bồ công anh nhỏ” thì phát hành mấy hôm, góp một phần nhỏ kết nối những trái tim học làm người lớn và người lớn… học hiểu trẻ con.

L.N