Bộ đôi tiểu thuyết lịch sử về vương triều Tiền Lý

868

Khi lựa chọn đề tài viết về lịch sử Việt Nam thời kỳ Bắc thuộc và chống Bắc thuộc, đặt ra nhiều thách thức cho Phùng Văn Khai trong việc tìm tòi và khảo cứu dữ kiện lịch sử, nhưng đồng thời, cũng là cơ hội hấp dẫn để nhà văn có thể mở rộng biên độ sáng tạo và hư cấu văn chương, thám mã những địa hạt chưa ai biết đến.

Một cây bút trường sức

Nếu có một sự ghi nhận nhất định, thì Phùng Văn Khai là một trong những cây bút có lao động sáng tạo miệt mài và hiệu quả nhất. Chỉ trong khoảng hai năm, nhà văn quân đội đã trình làng tới ba tác phẩm tiểu thuyết lịch sử với dung lượng dày dặn, đó là Nam Đế Vạn Xuân (Nxb Văn học, 2020), Triệu Vương phục quốc (Văn học, 2020), Lý Đào Lang Vương (Văn học, 2021). Và đáng nể hơn nữa, tác phẩm cuối cùng để tựu thành “bộ tứ tiểu thuyết” về triều đại tiền Lý – nhà nước Vạn Xuân, Lý Phật Tử định quốc, cũng đã được hoàn thiện và xuất bản trong năm 2022.


Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, phát biểu tại lễ ra mắt sách.

Trong suốt giai đoạn Bắc thuộc và chống Bắc thuộc của lịch sử Việt Nam, Lý Bí (503 – 548) và vương triều Tiền Lý (544 – 602) nổi lên như một mốc son chói lọi. Bởi ông là người Việt Nam đầu tiên tự xưng là hoàng đế, đặt quốc hiệu nước là Vạn Xuân và niên hiệu riêng là Thiên Đức. Không chỉ là sự kết tinh đỉnh cao của ý thức độc lập dân tộc, mà đây còn là một lời khẳng định đanh thép của nước Nam trong tư thế đối sánh ngang hàng với phương Bắc. Hơn nữa, việc dựng nước Vạn Xuân của Lý Bí chính là tiền đề cho nhà nước tự chủ của nhà Đinh, nhà Lý sau này.

Khi lựa chọn đề tài viết về lịch sử Việt Nam thời kỳ Bắc thuộc và chống Bắc thuộc, đặt ra nhiều thách thức cho Phùng Văn Khai trong việc tìm tòi và khảo cứu dữ kiện lịch sử, nhưng đồng thời, cũng là cơ hội hấp dẫn để nhà văn có thể mở rộng biên độ sáng tạo và hư cấu văn chương, thám mã những địa hạt chưa ai biết đến.

So với Lý Nam Đế (Lý Bí) và Triệu Việt Vương (Triệu Quang Phục), hai nhân vật trung tâm của bộ đôi tiểu thuyết Nam Đế Vạn Xuân và Triệu Vương phục quốc ra mắt trước đó, thì Lý Đào Lang Vương (Lý Thiên Bảo) và Hậu Lý Nam Đế (Lý Phật Tử) xuất hiện trong các tài liệu chính sử ít ỏi và khiêm tốn hơn nhiều.

Tiểu thuyết Lý Đào Lang Vương được xây dựng xoay quanh Lý Thiên Bảo, vua nước Dã Năng, có thể nói là một mắt xích lịch sử quan trọng trong triều đại nhà tiền Lý. Lý Thiên Bảo là một trong những người đầu tiên phò tá Lý Bí – Lý Nam Đế trong cuộc khởi nghĩa đánh đuổi quân nhà Lương, thành lập nên nhà nước Vạn Xuân. Và chính ông cũng đã tạo dựng cơ đồ, nền tảng cho vị vua cuối cùng của triều đại này, tức Lý Phật Tử. Ông còn là một vị vua dân gian, được nhân dân tôn làm chúa, tự xưng là Đào Lang Vương.


Bộ đôi tiểu thuyết về vương triều Tiền Lý – Lý Đào Lang Vương và Lý Phật Tử định quốc.

Còn nhân vật Lý Phật Tử trong lịch sử đã gây nhiều tranh cãi và tồn hiện vô số hoài nghi. Ông giữ ngôi vương trong vòng 16 năm, giữ ngôi đế 31 năm, là một trong những vị đế vương tại vị lâu nhất và thọ nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Song, những gì đại chúng phổ thông biết về Lý Phật Tử, chủ yếu xoay quanh mối mâu thuẫn giữa ông và Triệu Việt Vương, với quan điểm đến từ lăng kính tội nhiều hơn công của những soạn giả Đại Việt sử ký toàn thư (“Vua dùng thuật gian trá để gồm lấy nước, mới thấy bóng giặc đã hàng trước, việc làm trước sau đều phi nghĩa”), hay lời phê khắt khe đanh thép của Ngô Sĩ Liên (“Thế mà [Hậu Nam Đế] lại dùng mưu gian của Nhã Lang, vứt bỏ chính đạo nhân luân, kíp tham công lợi mà diệt nhân nghĩa, đánh cướp lấy nước, tuy rằng lấy được, mà Nhã Lang thì chết trước, bản thân cũng không khỏi làm tù, có lợi gì đâu?”).

Nhưng một hiện tượng lịch sử, càng gây tranh cãi bao nhiêu, thì càng gợi mở nhiều vấn đề bấy nhiêu. Và viết về một nhân vật lịch sử như vậy, người đọc càng tò mò cách tiếp cận của Phùng Văn Khai sẽ như thế nào? Liệu nhà văn sẽ trung thành với quan điểm đánh giá của lịch sử, và chỉ đơn thuần kể lại lịch sử trên một phương diện nhuốm màu lãng mạn hư cấu? Hay nhà văn sẽ mạo hiểm “viết lại” lịch sử, viết lại Lý Phật Tử từ một lăng kính khác? Cuộc xung đột nội chiến giữa Triệu Việt Vương và Lý Phật Tử sẽ được khắc họa và hóa giải ra sao? Người đọc không khỏi đón chờ cách giải quyết của Phùng Văn Khai trong Lý Phật Tử định quốc.

Các bạn văn nói gì về bộ đôi tiểu thuyết lịch sử?

Sáng ngày 20.3 vừa qua, tại Trung Nguyên Legend 52 Hai Bà Trưng, Hà Nội đã diễn ra lễ ra mắt bộ đôi tiểu thuyết lịch sử Lý Đào Lang Vương và Lý Phật Tử định quốc của nhà văn quân đội Phùng Văn Khai.

Đến tham dự lễ ra mắt có đông đảo các nhà nghiên cứu, phê bình văn học, nhà văn, nhà thơ như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Hữu Ước – Chủ tịch Chi hội nhà văn Công an, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, nhà báo Đỗ Phú Thọ – Phó Tổng Biên tập báo Quân đội Nhân dân, PGS-TS. Phạm Quang Long, PGS-TS Trần Thị Trâm, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam Nguyễn Văn Tân, nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa và nhà thơ Đoàn Văn Mật đại diện cho Tạp chí Văn nghệ Quân đội


Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên phát biểu tại lễ ra mắt sách.

Mở đầu lễ ra mắt, nhà văn Phùng Văn Khai bộc bạch về hành trình hai tác phẩm của mình. Viết tiểu thuyết về Hậu Lý Nam Đế – Lý Phật Tử, đối với tác giả là muốn chiêm nghiệm, đánh giác khách quan lại một bài học lịch sử đắt giá trên tinh thần nhân văn và bác ái. Từ những nhận định như kết án quá khắt khe, thiên kiến và thiển cận của sử gia, cho rằng Lý Phật Tử đầu hàng giặc, đánh mất nước… Phùng Văn Khai muốn minh định Lý Phật Tử dưới góc độ một biểu hiện đặc biệt sinh động của người Việt trong tiến trình dựng nước và giữ nước, có ý thức sâu sắc phải độc lập, tự chủ, tự cường với phương Bắc và sớm có tư tưởng, hành động mở mang bờ cõi về phương Nam.

Nói về điểm đặc biệt của tác giả Phùng Văn Khai, nhà văn Hữu Ước chia sẻ đó chính là tình yêu quê hương, tình yêu dòng tộc. Tác giả đã viết hơn một nghìn trang sách về lịch sử dân tộc, lịch sử dòng họ và các nhân vật anh hùng lịch sử họ Phùng. Còn nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên bày tỏ sự “phục” trước Phùng Văn Khai về sức làm việc, đầu tiên là sức đọc sử, bởi viết tiểu thuyết lịch sử dù ít dù nhiều phải bám vào lịch sử, thứ hai là sức viết của nhà văn. Qua các tác phẩm tiểu thuyết lịch sử của mình, Phùng Văn Khai cho các nhân vật lịch sử “đứng dậy nói năng,” một mặt giúp cho người đọc có một hình dung sinh động, mặt khác, trang bị lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận định nhà văn Phùng Văn Khai đã vượt thoát, không còn kể chuyện lịch sử.


Nhà văn Phùng Văn Khai. Ảnh: Hội Nhà văn Việt Nam

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, bản thân là một người nghiên cứu về di sản văn hóa Việt cổ, cho rằng các nhà văn cũng cung cấp tri thức. Bên cạnh chia sẻ những trải nghiệm điền dã nghiên cứu cá nhân, ông còn thường xuyên trao đổi với Phùng Văn Khai về vũ khí, trang phục, nhà ở, thành ốc,… của văn hóa và lịch sử, từ đó đi đến những kiến giải mới.

Phát biểu tại lễ ra mắt, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bày tỏ văn học Việt Nam vốn có hai khuynh hướng viết về lịch sử. Khuynh hướng thứ nhất mượn chuyện sử xưa để nói những chuyện ngày nay như chính trị, con người. Nhưng ông cho rằng, các nhà văn Việt Nam hiện nay theo khuynh hướng này cần nói trực diện thêm vào lịch sử đương đại. Còn khuynh hương thứ hai là viết lịch sử “khác,” chiếu rọi vùng mở lịch sử, tìm lại giá trị đích thực, tạo dựng và phục hồi lại chân dung lịch sử trong quá khứ của dân tộc Việt, con người Việt, văn hóa Việt và chủ quyền Việt. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận định Phùng Văn Khai là một trong số các tác giả theo khuynh hướng thứ hai, và mang cho mình một sự dấn thân, một sứ mệnh, một trách nhiệm.

Hé lộ thêm về dự định kế tiếp sau khi đã hoàn thành bộ tứ tiểu thuyết về vương triều Tiền Lý, nhà văn Phùng Văn Khai bật mí sẽ viết tiểu thuyết mới cũng về đề tài Bắc thuộc và chống Bắc thuộc, xoay quanh khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Với lòng tri ân đối với các vị anh hùng dân tộc và bản lĩnh dấn thân vào đề tài lịch sử, chắc chắn Phùng Văn Khai sẽ còn khởi thảo những tác phẩm mới, góp thêm một số kiến giải độc đáo, đồng thời khích lệ cảm thức yêu nước sâu sắc.

Nhà văn Phùng Văn Khai sinh năm 1973.

Tốt nghiệp trường Viết văn Nguyễn Du khóa VI (1998 – 2002)

Hiện là Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Các tác phẩm đã ra mắt: Khúc dạo đầu của binh nhì (tập truyện ngắn, 1998), Lửa và hoa (thơ, 2002), Hương đất nung (tập truyện ngắn, 2001), Những người đốt gạch (tập truyện ngắn, 2004), Truyện ngắn Phùng Văn Khai (tập truyện ngắn, 2006), Lẽ sống (bút ký, 2008), Hư thực (tiểu thuyết, 2008), Gió đi dưới trời (bút ký, 2010), Hồ đồ (tiểu thuyết, 2010), Nơi ước mơ hẹn gặp (bút ký, 2012), Mênh mang trời nước (tập truyện ngắn, 2012), Khúc rong chơi (thơ, 2016), Tim trong dáng đá (bút ký, 2018), Tiếng rừng (tập truyện ngắn, 2019), Những liệt sĩ thời bình (bút ký, 2019)

Đặc biệt được biết đến với các tiểu thuyết lịch sử như: Phùng Vương  (2015, tái bản 2018), Ngô Vương (2018), Nam Đế Vạn Xuân (2020), Triệu Vương Phục Quốc  (2020), Lý Đào Lang Vương (2021), Lý Phật Tử Định Quốc (2022)

Theo Phạm Minh Quân/Người đô thị