(Vanchuongphuongnam.vn) – Sáng 20/10, Sở GDĐT TP.HCM đã tổ chức Hội nghị triển khai bộ tiêu chí và kế hoạch thực hiện “Trường học hạnh phúc” với mong muốn xây dựng, phát triển mô hình Trường học hạnh phúc dựa trên nguyên lý trải nghiệm hạnh phúc của con người: Kết nối với bản thân – Kết nối với người khác – Kết nối với thế giới tự nhiên.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại hội nghị
“Trường học hạnh phúc không phải học sinh sẽ học ít đi mà là học với niềm đam mê, được phát huy tối đa năng lực và phẩm chất người học”, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT phát biểu. Đồng thời khẳng định, việc xây dựng “Trường học hạnh phúc” cần được thực hiện theo nhu cầu tự thân của các cơ sở giáo dục, không thành tích và trên cơ sở tiếp thu kinh nghiệm từ các nước trên thế giới.
Sở Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện quy trình xây dựng Bộ tiêu chí Trường học hạnh phúc với 18 tiêu chí được chia làm 03 nhóm tiêu chuẩn. Trong đó, nhóm tiêu chuẩn về Con người gồm 6 tiêu chí; Nhóm tiêu chuẩn về Dạy học và hoạt động giáo dục gồm 8 tiêu chí và nhóm tiêu chuẩn về Môi trường gồm 4 tiêu chí.
Theo Sở GDĐT TP.HCM, “Trường học hạnh phúc” nhằm hướng đến mục tiêu tăng cường xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học nhằm tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và học viên để phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; góp phần xây dựng hình ảnh con người TP.HCM “Sống tử tế, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo”.
Đặc biệt, Bộ tiêu chí Trường học hạnh phúc đưa ra khá nhiều quan điểm tích cực và tiến bộ về giáo dục. Trong đó, có thể kể đến môi trường học tập thân thiện, an toàn, không có bạo lực, bắt nạt, kể cả bắt nạt trực tuyến hay việc không ghi hình thức kỷ luật vào học bạ học sinh.
Bộ tiêu chí “Trường học hạnh phúc” được áp dụng triển khai trong các trường Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT, cơ sở giáo dục ngoài công lập (trường THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp cao nhất là THPT loại hình tư thục; trường mầm non, trường phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài); các trung tâm Giáo dục thường xuyên, trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên; các trường Cao đẳng, Trung cấp thực hiện chương trình Giáo dục thường xuyên cấp THPT trên địa bàn Thành phố.
Đại diện phòng GD-ĐT các quận huyện ký kết kế hoạch thực hiện “Trường học hạnh phúc”
Các cơ sở giáo dục thực hiện phải đồng bộ, phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị, không mang tính hình thức, thành tích. Bộ tiêu chí áp dụng tại các cơ sở giáo dục được đánh giá dựa trên khảo sát cảm nhận của người dạy, người học tại nhà trường vì hạnh phúc là cả quá trình, cảm nhận, đánh giá bằng thái độ, cảm xúc và sự hân hoan đến trường từ người dạy và người học. Mỗi tiêu chí được đánh giá thành 3 mức gồm cần cải thiện, khá và tốt.
Dựa trên bộ tiêu chí này, ban giám hiệu, ban lãnh đạo, hội đồng sư phạm tự đánh giá mức độ đạt được của trường. Chỉ tiêu nào đã thực hiện tốt cần duy trì, chỉ tiêu nào chưa đạt được cao thì cần đưa ra mục tiêu, phương hướng để cải thiện mức độ và chất lượng để trường học hạnh phúc.
Sau khi tự đánh giá, cơ sở giáo dục xây dựng bảng hướng dẫn cho đội ngũ Lãnh đạo, giáo viên, nhân viên và học sinh thực hiện từng nội dung trong bộ tiêu chí theo điều kiện cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, mặt bằng học tập, theo từng cấp học, theo từng loại hình đào tạo… của cơ sở để hướng dẫn cụ thể cho từng đối tượng áp dụng, thực hiện.
Học sinh cần được tạo môi trường để phát huy khả năng
Các cơ sở giáo dục cần thực hiện thêm các nội dung căn cứ thực hiện liên quan đến tình hình thực tế từ đối tượng người học, người dạy để xây dựng kế hoạch thực hiện theo những giá trị cốt lõi của công tác giáo dục phổ thông bảo đảm phát triển phẩm chất và năng lực người học thông qua nội dung giáo dục với những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại; hài hòa đức, trí, thể, mỹ; chú trọng thực hành, vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề trong học tập và đời sống; tích hợp cao ở các lớp học dưới, phân hóa dần ở các lớp học trên; thông qua các phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục phát huy tính chủ động và tiềm năng của mỗi học sinh, các phương pháp kiểm tra, đánh giá phù hợp với mục tiêu giáo dục và phương pháp giáo dục để đạt được bộ tiêu chí đề ra.
Quá trình dạy và học, nhà trường thực hiện khảo sát, đánh giá cảm nhận của người dạy, người học; tiêu chí nào tốt thì cần phát huy, tiêu chí nào cần cải thiện thì tập trung nguồn lực để khắc phục.
Lãnh đạo các cơ sở giáo dục tổ chức đối thoại với cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh để lắng nghe, nắm bắt nhu cầu và phân tích tình hình để cải thiện các tiêu chí chưa đạt được nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, cũng như thực hiện tốt bộ tiêu chí “Trường học hạnh phúc” để cơ sở giáo dục thực sự hạnh phúc.
Mạc Tường Vi