Bộ trưởng ở đâu? | Hoi Nha Van Thanh Pho Ho Chi Minh

726

28.8.2017-11:00

Thiết nghĩ “dân hỏi thì bộ trưởng phải trả lời” như một chuyên mục đã từng xuất hiện trên Đài truyền hình quốc gia (nhưng đáng tiếc là nay đã không còn nữa). Dân hỏi mà bộ trưởng không trả lời thì người dân có quyền nghi ngờ năng lực, trách nhiệm của bộ trưởng…

 

Vấn đề BOT trong lĩnh vực giao thông chưa bao giờ được mổ xẻ sâu như lần này. Không chỉ trên báo chí mà mạng xã hội cũng luôn nóng bỏng với rất nhiều ý kiến khác nhau. Đến thời điểm hiện tại, trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang) vẫn chưa thu phí trở lại.

 

Theo nhiều ý kiến, sở dĩ trạm vẫn “xả” vì còn chờ văn bản quyết định của Bộ GTVT. Còn trong lĩnh vực y tế, dư luận xã hội cũng đang đặc biệt quan tâm về vụ án buôn lậu hơn 9.000 hộp thuốc ung thư giả của Công ty cổ phần VN Pharma mà Tòa án nhân dân TPHCM vừa xét xử và tuyên án. Trước lời khai của một số bị cáo trong phiên tòa xét xử, nhiều thông tin đã cho rằng, Bộ Y tế và một số cán bộ lãnh đạo có liên quan và trách nhiệm trong vụ án này.

 

Đây là 2 vấn đề đang “nóng” nhất, nhận được sự quan tâm đặc biệt nhất của dư luận trong những ngày gần đây. Thời gian qua, xã hội cũng chứng kiến quá nhiều vấn đề nóng khiến không chỉ báo chí mà cả cộng đồng mạng luôn “sốt xình xịch”. Và trong không khí nóng hổi đó, chúng ta luôn mong sự xuất hiện đúng lúc, kịp thời của những người đứng đầu ngành, lĩnh vực để giải tỏa những băn khoăn, thắc mắc của xã hội.

 

Từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh tinh thần xây dựng một Chính phủ liêm chính, hành động, kiến tạo, phục vụ doanh nghiệp và người dân. Xuyên suốt từ đó đến nay, người đứng đầu Chính phủ luôn thể hiện ở mọi lúc, mọi nơi với tinh thần giục giã các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các tỉnh thành vào cuộc một cách kịp thời, trách nhiệm để giải tỏa những bức xúc, vướng mắc của người dân. Nhưng đây đó vẫn còn tình trạng “trên chuyển mà dưới không động”, là sự im lặng đáng sợ của một số vị trưởng ngành, lãnh đạo địa phương trước các vấn đề nóng xảy ra ở lĩnh vực, địa bàn mình mà điển hình là 2 vụ việc nóng liên quan đến 2 bộ nêu trên.

 

Mới đây nhất, ngày 25-8, khi đến thăm và làm việc tại xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình về tình hình xây dựng nông thôn mới cũng như tình hình sản xuất, đời sống bà con sau sự cố môi trường biển, Thủ tướng cũng đã đặt vấn đề: “Câu hỏi đặt ra đối với cán bộ chúng ta là đã làm gì cho người dân. Người dân có tin chúng ta không và chúng ta tiếp tục phải làm gì để lo cho người dân?”.

 

Tại phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật ngày 22-8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh: yêu cầu mà Chính phủ đặt ra là kịp thời tháo gỡ mọi rào cản, mọi khó khăn, để tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân. Các bộ cần cầu thị, lắng nghe ý kiến của người dân, doanh nghiệp để có vướng mắc là sửa ngay, không chờ đợi. “Các đồng chí bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh thành phải bám sát công việc, không để tuột tay nhiệm vụ đã được phân công. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm người đứng đầu. Quyết tâm xây dựng hệ thống hành chính kiến tạo, phục vụ. Phải tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp qua thái độ, trách nhiệm của cán bộ, công chức thực thi công vụ…”.

 

Điểm lại như vậy để thấy, tinh thần xây dựng Chính phủ liêm chính, hành động, kiến tạo luôn được người đứng đầu Chính phủ đốc thúc. Thủ tướng cũng luôn yêu cầu các bộ trưởng, lãnh đạo địa phương phải triển khai tốt các kênh đối thoại, xử lý thông tin phản ánh của người dân, doanh nghiệp. Nhưng dường như những yêu cầu đó của người đứng đầu Chính phủ chưa thực sự được thấm đẫm, lan tỏa đến một số bộ trưởng, trưởng ngành, lãnh đạo chính quyền các cấp. Thể hiện rõ nhất là trong nhiều vụ việc nóng mà xã hội quan tâm, nhiều bộ trưởng vẫn né tránh dư luận. Cùng với đó, hệ thống chính quyền cơ sở, nhất là cấp huyện, xã, chuyển biến chậm. Nhũng nhiễu phiền hà còn nhiều, thủ tục hành chính còn rườm rà, chưa ngăn chặn hết tiêu cực, kỷ cương phép nước, kỷ luật hành chính chưa được thực hiện nghiêm ở một số cán bộ công chức. Một số chủ trương cũng còn triển khai rất chậm…

 

Việc xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp không phải chỉ nói bằng miệng mà phải hành động. Hành động đó không chỉ ở Trung ương mà cả ở địa phương, nhất là các cấp chính quyền cơ sở. Vai trò của bộ trưởng, trưởng ngành, vai trò của lãnh đạo UBND các tỉnh thành trong điều hành, quản lý là vô cùng quan trọng. Dù chủ trương của Chính phủ hay đến đâu,  thông điệp chỉ đạo quyết liệt đến mấy nhưng bộ trưởng không chuyển biến, không làm đến nơi đến chốn các việc có liên quan, hoặc chưa nắm kỹ công việc để xử lý thì cũng khó thành công.

 

Cũng như nếu các bộ trưởng né tránh đối mặt với các vấn đề nóng, né tránh đối thoại với dân thì niềm tin trong dân sẽ suy giảm, tín nhiệm dành cho bộ trưởng sẽ thấp đi. Thiết nghĩ “dân hỏi thì bộ trưởng phải trả lời” như một chuyên mục đã từng xuất hiện trên Đài truyền hình quốc gia (nhưng đáng tiếc là nay đã không còn nữa). Dân hỏi mà bộ trưởng không trả lời thì người dân có quyền nghi ngờ năng lực, trách nhiệm của bộ trưởng.

 

PHAN THẢO/SGGP

 

 

>> XEM TIẾP NHỊP SỐNG SÀI GÒN…