Bởi nàng chính là “người đàn bà xa lạ”

1352

1. Ở Việt Nam ta, có lẽ “Người đàn bà xa lạ” là một trong vài tác phẩm của hội họa Nga được biết đến nhiều nhất. Sánh ngang với họa phẩm này về độ nổi tiếng ở ta có lẽ là “Mùa thu vàng” của Levitan. Cũng dễ hiểu vì ngày xưa người mình đi Liên Xô hay mang phiên bản của hai bức tranh nói trên về. Tranh in lên bìa cứng, có khung, cỡ như tờ tạp chí, giá lại rẻ, có 1 rúp 80 kopek.

Nguyên mẫu của kiệt tác Người đàn bà xa lạ là ai, đó là câu hỏi được đặt ra đối với nhiều người khi chiêm ngưỡng tác phẩm này.


Kiệt tác “Người đàn bà xa lạ” của danh họa Ivan Kramskoi.

Hãy nghe tác giả của nó – họa sĩ Ivan Kramskoi – trả lời. Các thông tin dưới đây được tác giả bài viết lược dịch từ bài báo đăng trên tạp chí Nữ công nhân, trong series “Khi những bức chân dung lên tiếng”:

“Người đàn bà ngồi trên xe đi dạo trên đại lộ Nevski, vào khoảng 3 đến 5 giờ chiều, mặc chiếc áo khoác với lông thú, với vẻ đẹp kiểu lai Digan…

Đó là những dòng đầu tiên về tác phẩm Người đàn bà xa lạ do nhà văn Petr Boborykin viết trên tờ Báo Chứng khoán ngày 24/3/1883.

Hầu như cả thành Peterburg khi đó đã đổ xô đi xem Người đàn bà xa lạ. Bức tranh sau đó đã “du ngoạn” qua một số bộ sưu tập cá nhân trong và ngoài nước.

Năm 1925, kiệt tác của Kramskoi mới trở về Nga và được trưng bày tại Bảo tàng T’retiakov.

Người ta kể lại rằng, tại cuộc triển lãm ra mắt Người đàn bà xa lạ, Kramskoi đã lặng lẽ rời khỏi đó. Khi quay về, có một đám đông ồn ĩ đang đứng đợi ông. Họ là các bá tước, các quan chức, các nhà văn và họa sĩ, sinh viên.

Một người nói:

– Hãy cho chúng tôi biết, nàng là ai vậy?

Kramskoi trả lời:

– Người đàn bà xa lạ.

– Hãy cho chúng tôi biết tên nàng, và việc anh kiếm đâu ra được báu vật đó.

– Tôi tự nghĩ ra.

– Nhưng anh vẽ có mẫu cơ mà.

– Có thể thế, từ nguyên mẫu…

Sau này, nhiều họa sĩ tranh luận về nguyên mẫu bức tranh này. Ai cũng có giả thiết của mình. Nhưng dường như Kramskoi không bận tâm về điều đó.

Một tai họa đổ xuống gia đình Kramskoi. Hai con trai của ông bị chết. Kramskoi viết thư cho bạn ông là T’retiakov: “Hãy nhận lấy bức tranh bi thảm này làm quà tặng, nếu như nó không thừa với hội họa Nga và tìm được chỗ trong galery của ngài.”

T’retiakov đã mua Người đàn bà xa lạ và ép bạn mình nhận tiền, vì ông biết rằng người bạn tài năng của mình đang trong tình trạng vô cùng túng thiếu.

Chúng ta nhớ rằng danh họa Phục hưng Raphael đã từng lí giải về nguyên mẫu Đức mẹ Madonna trong bức tranh nổi tiếng của mình, rằng để vẽ được chân dung Madonna, ông đã từng gặp gỡ với rất nhiều người phụ nữ.”

Phải chăng “người đàn bà xa lạ” của Kramskoi cũng là một người không có thật, và đó cũng là nguyên nhân để ông đặt tên tác phẩm như thế?

2. Ivan Kramskoi có 3 người con trai và 1 người con gái – Sofia Kramskaya. Đây là người con gái mà họa sĩ rất mực yêu thương và dành cho mối quan tâm đặc biệt. Năm sinh của Sofia có tài liệu ghi 1866, có nơi ghi 1867.

Khi còn bé, Sofia là một “vịt con xấu xí”, nhưng đến tuổi dậy thì, cô trở nên rất xinh đẹp. Điều đặc biệt, cô thừa hưởng từ bố gene hội hoạ và được Kramskoi chỉ dẫn từ những nét vẽ đầu tiên.

Kramskoi, như trong phần 1 đã viết, không cho ai biết nguyên mẫu để vẽ Người đàn bà xa lạ là ai. Nhưng sau này, các nhà nghiên cứu mĩ thuật đã đưa ra một giả thiết khá thuyết phục, sau khi xem xét kĩ các bức tranh ông vẽ con gái: Nguyên mẫu của kiệt tác, không ai khác mà chính là Sofia Kramskaya. Vẫn đôi mày dài, cái mũi thanh tú đó, và đặc biệt là ánh nhìn, u uẩn buồn bã, như dự báo trước cuộc đời khá bi thảm của Sofia sau này.

Có một điều kì lạ, dù là một nữ họa sĩ vẽ chân dung khá nổi tiếng, nhưng trong suốt thế kỉ XX, tên tuổi Sofia Kramskaya hầu như không được nhắc đến. Mãi sau này, tài liệu giải mật của FSB (cơ quan an ninh Nga) mới cho chúng ta biết được nguyên do.

Đầu thế kỉ XX, Sofia Yunker-Kramskaya (Georgi Yunker là chồng của Sofia Kramskaya, một luật sư) đã có tiếng trong giới hội hoạ, nhận được nhiều đơn hàng. Sau Cách mạng tháng Mười, Sofia làm việc tại Glavnauka – Cục quản lí các cơ quan khoa học, nghệ thuật và bảo tàng. Tại Petrograd, là người có trái tim nhân hậu, Sofia đã tìm mọi cách giúp đỡ những người quen cũ xuất thân từ tầng lớp quý tộc làm các công việc khác nhau để vượt qua cuộc sống mới đầy khó khăn.

Và điều tồi tệ đã xảy ra. Ngày 25/12/1930, nữ họa sĩ bị bắt vì “tội tuyên truyền phản cách mạng” theo Điều 58-II của Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô-viết (Liên bang Nga). Sofia bị buộc tội đưa những “phần tử phản động” vào các cơ quan nhà nước để thu thập thông tin và bị tuyên án 3 năm lưu đày ở Siberi.

Người đàn bà ngoài 60 tuổi này sau khi bị tuyên án đã đột quỵ, được chữa trị trong trạm xá nhà giam. Cuối năm 1931, từ Siberi, Sofia viết thư cho các nhà lãnh đạo Liên Xô xin được ân xá. Đầu năm 1932, bà được phép quay lại Leningrad và mất sau đó 1 năm.

Năm 1989, nữ họa sĩ Sofia Yunker-Kramskaya mới được phục hồi danh dự, tuyên bố vô tội. Đã 56 năm trôi qua sau cái chết của người con gái duy nhất của danh hoạ Ivan Kramskoi.

Tác phẩm của Sofia Kramskaya đến nay phần lớn bị thất lạc, phá huỷ trong những năm cách mạng và chiến tranh…

Báo Rossiskaya Gazeta của Chính phủ Nga ngày 21/4/2018 đã có một bình luận thuyết phục:

“Thật không muốn tranh luận thêm về sự kiêu kì trong trang phục của một người đẹp kiêu hãnh và buồn bã khi nàng đi dọc theo đại lộ Nevsky.

Kramskoy đã vẽ nên một tác phẩm cho nhiều đời sau. Liệu có ai nhiều thế kỉ sau còn nhớ được những nét tinh tế của thời trang thời bấy giờ?

Bạn hãy ngắm nhìn khuôn mặt của nàng! Thật ngốc nghếch khi nói rằng đây là chân dung của riêng một ai đó. Nó không phải là một bức chân dung nào cả. Bức tranh này là một thể loại khác. Nó không phải là chân dung của nữ bá tước Yuryevskaya (như vẫn được đồn đại – B.M). Trong hình dáng của nàng, có lẽ chỉ có chút gì đó từ kí hoạ chân dung nguyên mẫu. Có một chút gì đó từ con gái – Sofia – thường ngồi làm mẫu cho cha mình. Nhiều hơn cả chính là từ một người phụ nữ mà họa sĩ vẫn hình dung. Và đừng hỏi cô ấy là ai.

Bởi nàng chính là “người đàn bà xa lạ”.

Theo Bình Minh/VNQĐ